Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Bàn về Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý (phần 2)Phần 2. Thực hiện hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý1. Giao kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý
Cũng giống như xác lập bất cứ hợp đồng nào, để xác lập hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý thì các bên tham gia phải tiến hành giao kết hợp đồng. Chỉ khi các bên giao kết thì hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý mới là căn cứ phát sinh hiệu lực giữa các bên.
1.1. Trình tự giao kết:
Đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện hợp trợ giúp pháp lý:
Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (Điều 386 BLDS 2015). Soi chiếu vào các quy định về hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý thì có thể thấy rằng, trong thông báo lựa chọn luật sư/thông báo lựa chọn tổ chức của Trung tâm TGPL nhà nước/Sở Tư pháp đã có dự thảo hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Điều này được coi là đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng. Phương thức đề nghị giao kết được thực hiện phương thức gián tiếp, cụ thể: Thông báo được đăng công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp. Do cũng mang đặc điểm của hợp đồng gia nhập nên dự thảo hợp đồng thực hiện TGPL phải được cụ thể, rõ ràng các nội dung khi được công bố trên Thông báo lựa chọn (Sở Tư pháp/Trung tâm TGPL cần nêu rõ mong muốn thực hiện cho đối tượng TGPL, phạm vi, hình thức, lĩnh vực trợ giúp pháp lý nào, số lượng cá nhân/tổ chức mong muốn ký hợp đồng là bao nhiêu).
- Chấp nhận giao kết hợp đồng:
Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Khi luật sư/ tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn nộp hồ sơ lựa chọn luật sư thì có thể hiểu là họ đã chấp nhận lời đề nghị đưa ra của Trung tâm TGPL nhà nước/ Sở Tư pháp.
2. Thời điểm giao kết, địa điểm giao kết hợp đồng
Sau khi luật sư/tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật nhận được thông báo kết quả lựa chọn của Trung tâm TGPL nhà nước/ Sở Tư pháp thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thông báo, luật sư/tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật được lựa chọn có trách nhiệm ký hợp đồng với Trung tâm/Sở Tư pháp.
Điều 399 Bộ luật dân sự 2015 quy định địa điểm giao kết hợp đồng do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng. Như vậy, theo quy định thì địa điểm giao kết hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý là tại trụ sở của Trung tâm TGPL nhà nước/ Sở Tư pháp.
2. Thực hiện hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý
2.1. Thực hiện hợp đồng
Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý là hợp đồng song vụ, vì vậy, nó mang đặc điểm của hợp đồng song vụ khi thực hiện hợp đồng. Trong hợp đồng song vụ, khi các bên đã thoả thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn; không được hoãn thực hiện với lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 411 và Điều 413 của Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể: (i) Bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. (ii) Bên phải thực hiện nghĩa vụ sau có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ đến hạn nếu bên thực hiện nghĩa vụ trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn. (iii) Trong hợp đồng song vụ, nếu một bên không thực hiện được nghĩa vụ mà các bên đều không có lỗi thì bên không thực hiện được nghĩa vụ không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trường hợp một bên đã thực hiện được một phần nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên kia thực hiện phần nghĩa vụ tương ứng đối với mình.
Hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý cũng là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba nên có đặc điểm của hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba khi thực hiện hợp đồng. Theo đó, khi thực hiện hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý thì người được trợ giúp pháp lý có quyền trực tiếp yêu cầu luật sư/tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình; nếu các bên trong hợp đồng có tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng thì người được trợ giúp pháp lý không có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cho đến khi tranh chấp được giải quyết (Điều 415 Bộ luật Dân sự).
Như vậy, việc xác định danh tính cụ thể của người được trợ giúp pháp lý, là một điều bắt buộc để thực hiện hợp đồng thực hiện TGPL. Bởi vì, khi chưa xác định người được trợ giúp pháp lý là ai, phạm vi, hình thức thực hiện vụ việc TGPL cụ thể mà người được TGPL này được nhận là gì, thì các bên có thể thay đổi hợp đồng đơn giản hơn là khi đã xác định danh tính người được TGPL. Khi đã xác định được danh tính người được TGPL thì lúc này, khi thực hiện hợp đồng các bên còn bị ràng buộc bởi người thứ ba được hưởng lợi.
Người được TGPL đang được thực hiện trợ giúp pháp lý không có quyền yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý (luật sư/tư vấn viên pháp luật/cộng tác viên) do Trung tâm ký hợp đồng hoặc do tổ chức ký hợp đồng cử, trừ khi luật sư, tư vấn viên pháp luật/cộng tác viên thuộc một trong các trường hợp sau: a) Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp đã chấp hành xong hình thức xử lý vi phạm và được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này; b) Bị thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ tư vấn viên pháp luật; c) Các trường hợp không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về tố tụng.
Ngược lại, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Đã hoặc đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là các bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác đối với vụ việc tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng trong lĩnh vực dân sự; b) Có căn cứ cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể không khách quan trong thực hiện trợ giúp pháp lý; c) Có lý do cho thấy không thể thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý một cách hiệu quả, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
2.2. Sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng
Vì hợp đồng thực hiện TGPL là hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba nên khi sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng phải tuân theo nguyên tắc của hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Điều 417 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý”. Như vậy, các bên sau khi có phát sinh vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể, xác định được danh tính của người được TGPL, thì không được tự ý sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp người được TGPL đồng ý. Việc sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng có thể do chính yêu cầu của người được TGPL như: yêu cầu thay đổi người thực hiện TGPL khi người thực hiện TGPL thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Luật TGPL hoặc thay đổi, rút yêu cầu TGPL.
Người thứ ba hưởng lợi không có quyền sửa đổi nội dung hợp đồng mà chỉ có quyền chấp thuận hay không chấp thuận về việc sửa đổi. Vì mục đích của loại hợp đồng này hướng tới là lợi ích của người thứ ba nhưng người thứ ba không có ràng buộc pháp lý nào với hợp đồng nên để đảm bảo lợi ích đó không bị xâm phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng, nên Điều 417 Bộ luật Dân sự 2015 nhằm giới hạn quyền của các bên giao kết hợp đồng, đồng thời đảm bảo quyền lợi của bên thứ ba. Tương tự đối với việc hủy bỏ hợp đồng, quyền hủy bỏ hợp đồng của các bên bị giới hạn bởi người thứ ba kể cả khi hợp đồng thực hiện hay chưa thực hiện. Tránh trường hợp các bên trong hợp đồng gây thiệt hại cho người thứ ba từ việc hủy bỏ hợp đồng.
Mặt khác, khi các bên mới chỉ ký hợp đồng thực hiện TGPL mà chưa phát sinh vụ việc TGPL cụ thể, từ đó, chưa xác định được danh tính người được TGPL thì việc sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng có thể đơn giản hơn do chưa có sự liên quan, ràng buộc đến người được TGPL.
2.3. Chấm dứt hợp đồng và hậu quả pháp lý khi chấm dứt hợp đồng
Hợp đồng thực hiện TGPL có thể chấm dứt theo ý chí của các bên hoặc do người thứ ba hoặc do pháp luật quy định.
- Hợp đồng thực hiện TGPL chấm dứt khi “Hợp đồng đã được hoàn thành” (Khoản 1, Điều 422 BLDS năm 2015). Khi các bên ký kết hợp đồng đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của mình, lợi ích mong muốn của các bên đã đạt được thì coi như hợp đồng đã hoàn thành hoặc khi hợp đồng thực hiện TGPL hết thời hạn. Đối với quy định về hợp đồng thực hiện TGPL thì khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng cũng được coi là hợp đồng đã hoàn thành hoặc khi luật sư/tổ chức ký hợp đồng thực hiện xong các vụ việc TGPL mà Trung tâm TGPL nhà nước/Sở Tư pháp giao.
- Hợp đồng thực hiện TGPL chấm dứt “Theo sự thỏa thuận của các bên” (Khoản 2, Điều 422 BLDS năm 2015). Các bên có thể thỏa thuận chấm dứt trước thời hạn.
- Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện (khoản 3 Điều 422 Bộ luật Dân sự): (*) Đối với cá nhân ký hợp đồng chết: luật sư, cộng tác viên TGPL chết thì hợp đồng bị chấm dứt; (*) Đối với tổ chức: tổ chức ký hợp đồng chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Hợp đồng thực hiện TGPL chấm dứt trong trường hợp Trung tâm TGPL nhà nước/Sở Tư pháp đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (khoản 4 Điều 422 Bộ luật Dân sự). Cụ thể:
(i) Cá nhân/tổ chức ký hợp đồng vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ đã được quy định trong hợp đồng gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý (Điều 428 Bộ luật Dân sự).
(ii) Cá nhân/ tổ chức ký hợp đồng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo hoạt động TGPL theo khoản 1 Điều 6 của Luật Trợ giúp pháp lý; cá nhân ký hợp đồng bị thu hồi thẻ, chứng chỉ hành nghề (thẻ cộng tác viên TGPL; Chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ tư vấn viên pháp luật) theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 Luật Trợ giúp pháp lý.
(iii) Cá nhân/tổ chức ký hợp đồng không đáp ứng các điều kiện ký kết hợp đồng: (*) Đối với tổ chức ký hợp đồng: tổ chức thuộc trường hợp quy định tại các điểm a khoản 1 Điều 16 của Luật Trợ giúp pháp lý; (*) Đối với cá nhân ký hợp đồng: luật sư không đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Trợ giúp pháp lý; cộng tác viên trợ giúp pháp lý không đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Trợ giúp pháp lý.
(iv) Các trường hợp khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Do còn ràng buộc bởi bên thứ 3 hưởng lợi (người được TGPL) nên các trường hợp này các bên cần thỏa thuận cụ thể và rất hạn chế.
- Hợp đồng thực hiện TGPL chấm dứt trong trường hợp hợp đồng bị hủy bỏ (khoản 4 Điều 422 Bộ luật Dân sự): như đã phân tích, các bên sau khi có phát sinh vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể, xác định được danh tính của người được TGPL, thì không được tự ý sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp người được TGPL đồng ý. Chẳng hạn như Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã giao cho luật sư thực hiện tham gia tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý tên A thì luật sư không được tự ý không thực hiện nữa.
Việc sửa đổi, hủy bỏ hợp đồng có thể do chính yêu cầu của người được TGPL như: yêu cầu thay đổi người thực hiện TGPL khi người thực hiện TGPL thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Luật TGPL hoặc thay đổi, rút yêu cầu TGPL (Điều 417 Bộ luật Dân sự 2015). Như vậy, chỉ trong các trường hợp này thì hợp đồng thực hiện TGPL mới bị chấm dứt.
- Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn (khoản 5 Điều 422 Bộ luật Dân sự). Đối tượng của hợp đồng là thực hiện dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý. Có thể hiểu trường hợp người được TGPL rút yêu cầu TGPL thì việc thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ chấm dứt.
- Hợp đồng chấm dứt khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định.
- Hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Hậu quả pháp lý khi chấm dứt hợp đồng trợ giúp pháp lý:
- Đối với tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý: Khi chấm dứt hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức chuyển hồ sơ vụ việc đang thực hiện cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được Sở Tư pháp giao để tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Đối với cá nhân ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý: Khi chấm dứt hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, cá nhân chuyển hồ sơ vụ việc đang thực hiện cho Trung tâm. Trung tâm phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý để tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
3. Nội dung cơ bản của hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý:
3.1. Đối tượng của hợp đồng:
Đối tượng của hợp đồng là vụ việc trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý. Các vụ việc do Sở Tư pháp, Trung tâm giao hoặc tổ chức, luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý trực tiếp nhận yêu cầu thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
Người được TGPL được hưởng trợ giúp pháp lý nhưng không phải trả thù lao, chi phí cho bên thực hiện dịch vụ mà do Nhà nước trả thù lao chi phí. Mức thù lao, chi phí được thực hiện theo quy định pháp luật.
3.2. Phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý
Phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý gồm một trong các trường hợp sau: a) Người được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại địa phương; b) Vụ việc trợ giúp pháp lý xảy ra tại địa phương; c) Vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý ở Trung ương yêu cầu.
Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn một hoặc nhiều trường hợp trên.
3.3. Hình thức trợ giúp pháp lý
Hình thức trợ giúp pháp lý gồm: a) Tham gia tố tụng; b) Tư vấn pháp luật; c) Đại diện ngoài tố tụng. Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn một hoặc nhiều hình thức trợ giúp pháp lý. Trường hợp các bên chỉ lựa chọn một hoặc hai hình thức trợ giúp pháp lý thì cần công bố cho người được TGPL biết để lựa chọn. Trường hợp các bên thỏa thuận thực hiện tất cả hình thức trợ giúp pháp lý thì khi xác định được người được TGPL cụ thể thì các bên phải thỏa thuận 01 hình thức trợ giúp pháp lý phù hợp với yêu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý.
3.4. Lĩnh vực trợ giúp pháp lý:
Các bên có thể thỏa thuận thực hiện trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Các bên cũng có thể lựa chọn một lĩnh vực pháp luật cụ thể như: hình sự, dân sự, hành chính và có thể cụ thể hơn như đất đai, hôn nhân và gia đình, trẻ em.... Các bên lựa chọn lĩnh vực pháp luật cụ thể thì cần công bố rõ lĩnh vực trợ giúp pháp lý để người được TGPL lựa chọn.
3.5. Trách nhiệm của các bên trong thực hiện hợp đồng.
a. Quyền và nghĩa vụ của Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý
- Sở Tư pháp:
a) Kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý và hợp đồng của tổ chức, cá nhân ký hợp đồng;
b) Công bố danh sách các tổ chức, cá nhân ký hợp đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 10 và khoản 2 Điều 17 của Luật Trợ giúp pháp lý;
c) Thẩm định và thanh toán thù lao, chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giú pháp lý ;
d) Khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng khi tổ chức, cá nhân ký hợp đồng có thành tích hoặc đóng góp tích cực cho công tác trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật;
đ) Xử lý vi phạm hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân ký hợp đồng theo quy định của pháp luật.
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước:
a) Kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý và hợp đồng của cá nhân ký hợp đồng;
b) Phân công vụ việc trợ giúp pháp lý phù hợp với năng lực của luật sư theo hình thức, lĩnh vực, phương thức, đối tượng, phạm vi và thời hạn theo quy định của Hợp đồng.
c) Thẩm định và thanh toán thù lao, chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho luật sư theo quy định của pháp luật;
d) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
b. Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức ký hợp đồng:
- Tổ chức ký hợp đồng:
a) Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện các vụ việc do Sở Tư pháp giao hoặc trực tiếp nhận yêu cầu thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý;
b) Thực hiện kiểm tra các điều kiện được trợ giúp pháp lý, chịu trách nhiệm về việc thụ lý vụ việc; phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc tổ chức mình thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
c) Thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý, nội dung hợp đồng; có trách nhiệm bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật và hợp đồng.
b) Được nhận thù lao và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Chính phủ;
c) Lập, lưu trữ Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 38, Điều 39 Luật Trợ giúp pháp lý;
d) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Trợ giúp pháp lý và Hợp đồng; tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý, nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý và các quy định khác của pháp luật.
- Luật sư/cộng tác viên TGPL:
a) Thực hiện trợ giúp pháp lý theo hình thức, lĩnh vực, đối tượng và phạm vi của Hợp đồng; Thực hiện các vụ việc do Trung tâm giao hoặc trực tiếp nhận yêu cầu thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
b) Được nhận thù lao và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
c) Thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý, nội dung hợp đồng; có trách nhiệm bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật và hợp đồng.
d) Báo cáo về việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; lập và bàn giao đầy đủ hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý cho Trung tâm, Chi nhánh theo quy định của pháp luật.
đ) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại khoản1, khoản 3 Điều 18 Luật Trợ giúp pháp lý và Hợp đồng; tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý, nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý; các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
3.6. Thời hạn của hợp đồng.
Thời hạn của hợp đồng do các bên thỏa thuận nhưng không quá 03 năm kể từ ngày ký hợp đồng. Hết thời hạn thực hiện hợp đồng, Sở Tư pháp và Trung tâm căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý tại địa phương, chất lượng thực hiện trợ giúp pháp lý có thể gia hạn hợp đồng mà không phải qua thủ tục lựa chọn theo quy định của Thông tư này. Hợp đồng có thể được gia hạn 01 lần, không quá 03 năm. Việc gia hạn hợp đồng phải được lập thành văn bản.
3.7. Thù lao, chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
Thù lao, chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đối với cá nhân ký hợp đồng thực hiện TGPL:
Khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc (1/2 ngày làm việc) là 0,38 mức lương cơ sở/01 buổi làm việc nhưng tối đa không quá 30 buổi làm việc/01 vụ việc hoặc theo hình thức khoán chi vụ việc với mức tối thiểu bằng 03 mức lương cơ sở/01 vụ việc và mức tối đa không quá 10 mức lương cơ sở/01 vụ việc (căn cứ vào tính chất phức tạp, yêu cầu tố tụng và nội dung của từng vụ việc cụ thể).
Khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao là 0,31 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa không quá 20 buổi làm việc/01 vụ việc.
Khi thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật theo phân công của Lãnh đạo Trung tâm, luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao từ 0,08 - 0,15 mức lương cơ sở/01 văn bản tư vấn pháp luật tùy tính chất phức tạp và nội dung của vụ việc.
Sau khi hoàn thành vụ việc, có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị thanh toán và kèm theo hồ sơ vụ việc gửi Trung tâm để thẩm định và thanh toán.
Đối với tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL:
Mức thù lao và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý chi trả cho tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý được thực hiện tương ứng theo mức chi trả cho luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm.
3.8. Sửa đổi, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng.
Như đã phân tích ở trên, việc sửa đổi, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, song phải tuân theo các quy định nguyên tắc của Bộ luật Dân sự 2015 và quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý.
3.9. Cơ chế giải quyết tranh chấp và trách nhiệm vi phạm hợp đồng.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng, giải quyết trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Trường hợp không thương lượng được, các bên có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự./.
Thanh Hà