Đề xuất bổ sung một số nội dung về trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

08/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Từ ngày 15/11/2021 đến ngày 15/12/2021 là tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.

Nạn nhân của bạo lực gia đình là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thưởng và được xã hội quan tâm. Có thể nói Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân của bạo lực gia đình. Hiện nay, Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi đang được nghiên cứu, xây dựng và lấy ý kiến góp ý.
Quy định Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 chưa ghi nhận về nội dung trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình không có khả năng chi trả phí sử dụng dịch vụ pháp lý để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đến Luật TGPL năm 2017 thì Quốc hội đã thông qua quy định nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính (thuộc hộ cận nghèo hoặc đang được hưởng trợ cấp hàng tháng) được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước (điểm e khoản 7 Điều 7). Bên cạnh đó, cũng theo quy định tại Điều 7, nếu nạn nhân bị bạo lực gia đình nếu thuộc hộ nghèo hoặc là đối tượng trẻ em/người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.... thì cũng được TGPL miễn phí.
Để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật và thuận lợi trong quá trình phối hợp, triển khai nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân của bạo lực gia đình, đề nghị Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi nghiên cứu bổ sung một số nội dung sau đây:
Điểm thứ nhất là ghi nhận quyền được trợ giúp pháp lý của nạn nhân bị bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý.
Điểm thứ hai là ghi nhận các hình thức trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý, cụ thể: tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng.
Điểm thứ ba là ghi nhận trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý là các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.
Điểm thứ tư, để tăng cường sự phối hợp trong phát hiện và giải quyết các vấn đề về bạo lực cho nạn nhân bị bạo lực có khó khăn về tài chính, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo vệ, hỗ trợ họ kịp thời, đầy đủ theo nhiều phương diện như về tâm lý, y tế, nơi ở, tư vấn pháp lý và trong quá trình xét xử vụ việc bạo lực gia đình,…. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là làm sao để các nạn nhân bị bạo lực tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ nêu trên một cách thuận lợi. Do đó, cần quy định vấn đề phối hợp giữa các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (trong đó có các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý) về vấn đề phát hiện, giới thiệu, thông tin nạn nhân bị bạo lực gia đình để họ được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời. Đồng thời có thể quy định trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) về Đường dây quốc gia tiếp nhận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình cũng là một cách thức truyền thông và thông tin về bạo lực gia đình. Và đường dây quốc gia này thì có sự liên thông, kết nối với các danh sách cơ quan, tổ chức hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân bị bạo lực. Ví dụ như kết nối với số điện thoại của các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để được tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng miễn phí, kịp thời, đầy đủ…
Thanh Trịnh
 

Xem thêm »