Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Quy định pháp luật và thực trạng triển khai các hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lýTrên cơ sở các quy định của Luật trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2006, năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Bộ Tư pháp đã chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức xây dựng và triển khai các văn bản phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động, bao gồm: 03 Thông tư liên tịch, 05 Chương trình và 02 Quy chế phối hợp về công tác TGPL hoặc có nội dung phối hợp về TGPL. Quy định và thực trạng triển khai các hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động TGPL, cụ thể như sau:Quy định pháp luật và thực trạng triển khai các hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Trên cơ sở các quy định của Luật trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2006, năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Bộ Tư pháp đã chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức xây dựng và triển khai các văn bản phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động, bao gồm: 03 Thông tư liên tịch, 05 Chương trình và 02 Quy chế phối hợp về công tác TGPL hoặc có nội dung phối hợp về TGPL. Quy định và thực trạng triển khai các hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động TGPL, cụ thể như sau:
1. Thông tư liên tịch số 10/2011/TTLT-BTP-TTCP ngày 06/6/2011 hướng dẫn thực hiện TGPL trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính
Để tăng cường công tác phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2011/TTLT-BTP-TTCP ngày 06/6/2011 hướng dẫn thực hiện TGPL trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính. Thông tư liên tịch số 10/2011/TTLT-BTP-TTCP quy định trách nhiệm của hai bên trong việc thực hiện TGPL trong việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính. Theo đó, cơ quan thanh tra nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm trong việc giới thiệu người được TGPL đến tổ chức thực hiện TGPL; bảo đảm, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL thực hiện các quyền theo quy định pháp luật để giúp đỡ về pháp luật cho người được TGPL trong quá trình khiếu nại. Người thực hiện TGPL có một số nhiệm vụ trong quá trình khiếu nại như: hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại; hướng dẫn để thực hiện các quyền của người khiếu nại theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; tham gia cùng người khiếu nại gặp gỡ, đối thoại với người giải quyết khiếu nại trong các trường hợp cần thiết…
Qua nắm bắt, theo dõi, đến nay có 26 địa phương đã phối hợp với Thanh tra tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư. Từ ngày 01/01/2019 - 30/6/2020, các tổ chức thực hiện TGPL đã thực hiện được 3.635 vụ việc cho người được TGPL trong lĩnh vực pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo/tổng số 61.691 vụ việc, chiếm 6% tổng số vụ việc trong toàn quốc), qua đó đã giúp người được TGPL bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17/01/2012 của Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện TGPL đối với người dân tộc thiểu số
Thông tư liên tịch này quy định rõ các công tác phối hợp trong các hoạt động thực hiện TGPL đối với người dân tộc thiểu số (cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, đơn giản thủ tục yêu cầu TGPL, TGPL tại cơ sở và truyền thông về TGPL) và nâng cao năng lực người thực hiện TGPL đối với người dân tộc thiểu số (nâng cao năng lực cho người thực hiện TGPL, phát triển đội ngũ cộng tác viên TGPL ở cơ sở và lồng ghép với các chương trình giảm nghèo).
Trong thời gian từ 01/01/2018 đến 30/6/2020, các Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện TGPL được 117.569 vụ việc cho 93.772 lượt người, trong đó có 30.253 lượt người dân tộc thiểu số. Qua rà soát, một số nội dung của Thông tư liên tịch không còn phù hợp với Luật TGPL 2017 (như: sinh hoạt Câu lạc bộ, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, TGPL lưu động).
3. Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BTP-TWHCCBVN ngày 09/6/2008 của Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam hướng dẫn phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, TGPL đối với cựu chiến binh.
Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BTP-TWHCCBVN quy định chi tiết các hoạt động phối hợp trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và TGPL đối với cựu chiến binh. Thông tư nêu rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong việc việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, góp ý, thẩm định theo quy định của pháp luật; thực hiện TGPL cho các cựu chiến binh theo quy định của pháp luật; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng TGPL cho cộng tác viên TGPL là cựu chiến binh; thực hiện việc ký hợp đồng cộng tác đối với cộng tác viên TGPL là cựu chiến binh... Qua rà soát cho thấy nội dung về TGPL quy định tại Phần III Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BTP-TWHCCBVN không còn phù hợp với Luật TGPL năm 2017.
4. Chương trình phối hợp số 1249a/CTPH-UBDT-BTP ngày 13/11/2014 của Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2014 – 2020
Điểm 3 phần II của Chương trình phối hợp này quy định một số nội dung về TGPL như: Xây dựng các đề án, dự án, các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế phối hợp về TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số; nghiên cứu xây dựng cơ chế hoạt động, chính sách hỗ trợ, lồng ghép các chương trình thực hiện TGPL đối với người dân tộc thiểu số với Chương trình giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; thực hiện các hoạt động phổ biến, truyền thông pháp luật về TGPL đến với đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện các hoạt động TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chỉ đạo Sở Tư pháp, cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh thực hiện đặt bảng tin, hộp tin và cập nhật thông tin, tài liệu liên quan đến quyền được TGPL của đồng bào bằng tiếng dân tộc thiểu số tại trung tâm xã và nhà sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo người dân tộc thiểu số được tiếp cận pháp luật và các dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; chỉ đạo, hướng dẫn Sở Tư pháp và cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh phối hợp thực hiện TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng hình thức TGPL tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng theo quy định của pháp luật; nghiên cứu xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và hỗ trợ trợ giúp viên pháp lý là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Để thực hiện Chương trình phối hợp trên, hằng năm, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác trong đó có nội dung TGPL. Cục TGPL có báo cáo định kỳ 06 tháng/năm về kết quả thực hiện TGPL trong Chương trình này cũng như đề xuất nội dung TGPL trong từng năm cho phù hợp với thực tiễn.
5. Chương trình phối hợp số 02/CTPH-MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/10/2018 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, cơ sở
Thực hiện Chương trình phối hợp số 02/CTPH-MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/10/2018 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, cơ sở. Theo đó có một số nội dung về TGPL như sau: hướng dẫn các Trung tâm TGPL ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát hiện nhu cầu và cử Trợ giúp viên pháp lý thực hiện TGPL miễn phí cho người thuộc diện TGPL, trong đó ưu tiên giải quyết các trường hợp theo đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp liên quan đến khiếu nại, tố cáo.
Qua số liệu hằng năm,số vụ việc trong lĩnh vực pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính được thực hiện còn chưa nhiều. Tại một số địa phương, người thực hiện TGPL vẫn còn mang tâm lý e ngại khi thực hiện những vụ việc trong lĩnh vực pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính vì các vụ án này liên quan đến người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan Nhà nước.
6. Chương trình phối hợp số 2727/CTPH-BTP-HLGVN ngày 25/7/2018 giữa Bộ Tư pháp và Hội Luật gia Việt Nam giai đoạn 2018 - 2023
Theo Chương trình này có một số nội dung về TGPL như: Chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện các hoạt động TGPL theo quy định của Luật TGPL các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng, quản lý, trao đổi thông tin về hoạt động mạng lưới trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên TGPL, luật sư có uy tín, kinh nghiệm để tham gia TGPL cho từng nhóm đối tượng và vụ việc cụ thể; chú trọng người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và những nhóm người yếu thế trong xã hội; phối hợp tạo điều kiện tiếp cận thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc TGPL để thực hiện TGPL; khuyến khích, tạo điều kiện cho Trung tâm tư vấn pháp luật đủ điều kiện đăng ký tham gia TGPL hoặc ký hợp đồng thực hiện TGPL; phát hiện, giới thiệu người thuộc diện TGPL đến Trung tâm TGPL nhà nước ở địa phương và Trung tâm TGPL nhà nước giới thiệu khách hàng cho các Trung tâm tư vấn pháp luật trong trường hợp tiếp người không thuộc diện được TGPL; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, khen thưởng, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo về TGPL.
Trong việc xây dựng văn bản pháp luật về TGPL: Bộ Tư pháp đã đề nghị Hội Luật gia Việt Nam cử người tham gia Tổ biên tập xây dựng các văn bản pháp luật về TGPL. Ở địa phương, nhiều Hội luật gia tỉnh, thành phố đã lựa chọn các luật gia có trình độ, kinh nghiệm pháp lý, cư trú tại địa bàn làm cộng tác viên TGPL. Nhiều Hội luật gia cấp tỉnh đã thực hiện TGPL cho người dân là người nghèo, đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật.
7. Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN ngày 5/01/2018 của Bộ Tư pháp và Trung ương hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, TGPL, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018 – 2022
Chương trình phối hợp số 60/CTPH-BTP-HLHPNVN quy định rõ trong giai đoạn 2018 - 2022, hai bên tăng cường phối hợp công tác để triển khai thực hiện có hiệu quả một số lĩnh vực của Bộ Tư pháp như: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; Công tác tư vấn pháp luật, TGPL; công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật; phối hợp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật bình đẳng giới, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và ngành Tư pháp và tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách và góp ý, tham gia xây dựng pháp luật. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các nội dung: xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, các văn bản liên quan đến TGPL; giới thiệu người thuộc diện được TGPL đến Trung tâm TGPL nhà nước; giới thiệu luật sư, tư vấn viên pháp luật, có đủ điều kiện tham gia TGPL; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ người thực hiện TGPL.
Để thực hiện Chương trình phối hợp trên, hằng năm, Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ban hành Kế hoạch thực hiện công tác trong đó có nội dung TGPL, cụ thể: hướng dẫn thực hiện TGPL cho các đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái theo quy định của pháp luật về TGPL; tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ người thực hiện TGPL, trong đó có kỹ năng TGPL cho đối tượng được TGPL là phụ nữ, trẻ em; thực hiện các phóng sự truyền thông về TGPL cho phụ nữ, trẻ em. Những nhiệm vụ này đã được Cục lồng ghép trong Kế hoạch công tác TGPL hàng năm.
8. Chương trình phối hợp số 4144/CTr-BTP-TWĐTN ngày 29/10/2018 giữa Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2022
Chương trình phối hợp số 4144/CTr-BTP-TWĐTN có quy định một số nội dung về TGPL trong Chương trình này: chỉ đạo hướng dẫn thực hiện TGPL cho thanh, thiếu niên thuộc đối tượng được TGPL; tổ chức tập huấn kỹ năng, tập trung vào kỹ năng tham gia tố tụng, TGPL cho Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL, cộng tác viên TGPL của tổ chức có nhiệm vụ thực hiện TGPL; tổ chức các hoạt động TGPL tại cơ sở kết hợp với truyền thông cho đối tượng là thanh, thiếu niên.
Để thực hiện Chương trình phối hợp trên, hằng năm, Bộ Tư pháp và Trung ương Đoàn thanh niên đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác trong đó có nội dung TGPL. Định kỳ hàng năm, Cục TGPL nắm được tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này.
9. Quy chế phối hợp số 4617/QCPH/BTP-LĐLSVN ngày 28/12/2016 giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam về hoạt động TGPL của luật sư
Quy chế gồm 3 chương, 14 Điều quy định những nội dung cơ bản sau: Phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, các văn bản liên quan đến hoạt động TGPL của luật sư; phối hợp trong việc giới thiệu và thực hiện TGPL; phối hợp trong việc giới thiệu và lựa chọn luật sư tham gia thực hiện TGPL, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL; phối hợp trong công tác thông tin, truyền thông, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ TGPL; phối hợp trong việc khen thưởng, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động TGPL của luật sư.
Qua hơn 03 năm thực hiện Quy chế, đã đạt được một số kết quả như sau:
- Về phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, các văn bản liên quan đến hoạt động TGPL của luật sư
Rất nhiều văn bản về TGPL liên quan đến vai trò và sự tham gia của luật sư trong công tác TGPL, như Luật TGPL, Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 về lựa chọn luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 08/2017/TT-BTP, dự thảo Thông tư thay thế 02 Thông tư: Thông tư số 05/2017/TT-BTP ngày 20/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc TGPL và Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc TGPL. Trong quá trình xây dựng các văn bản này, Cục TGPL có mời Liên đoàn luật sư, đoàn luật sư và các luật sư tham gia góp ý.
- Phối hợp trong việc giới thiệu và lựa chọn luật sư tham gia TGPL:
Qua theo dõi của Cục TGPL, một số địa phương đã thu hút được các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư tham gia TGPL. Tính đến hết tháng 6/2020, có 33 tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL (trong đó có: 24 tổ chức hành nghề luật sư, 09 tổ chức tư vấn pháp luật); 174 tổ chức đăng ký tham gia TGPL (trong đó có: 143 tổ chức hành nghề luật sư, 21 tổ chức tư vấn pháp luật); 533 Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với 54 Trung tâm TGPL nhà nước.
- Phối hợp trong công tác thông tin, truyền thông về hoạt động TGPL: Cục TGPL mời đại diện của Liên đoàn luật sư tham gia truyền thông về những điểm mới của Luật TGPL 2017 và tham dự các Hội nghị triển khai Luật TGPL (tại Hà Nội và Hồ Chí Minh); Một số phóng sự truyền thông về TGPL có sự tham gia của luật sư (Phóng sự "TGPL cho người yếu thế" trong mục Quốc hội với cử tri phát sóng trên VTV1 ngày 03/8/2020; Phóng sự "TGPL cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số" trong chuyên mục Dân tộc và phát triển phát sóng trên VTV1 ngày 19/8/2020…);
- Phối hợp trong công tác bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ TGPL: Từ năm 2018 đến tháng 6/2020, Cục đã tổ chức 31 lớp tập huấn về kỹ năng TGPL trong tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, trong đó có sự tham gia của các luật sư của các địa phương. Bên cạnh đó, cử đại diện của Cục tham gia các hội nghị, các lớp bồi dưỡng về công tác TGPL cho Luật sư do Liên đoàn Luật sư tổ chức.
- Trong công tác nghiên cứu khoa học: hiện nay Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao đang xây dựng Chương trình phối hợp về việc người thực hiện TGPL trực tại Tòa án, trong đó có các luật sư tham gia thực hiện cơ chế này.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, còn một số bất cập sau:
- Số lượng luật sư tham gia TGPL còn ít, khoảng 700 luật sư/13.563 luật sư, chiếm 6% trên tổng số luật sư trên toàn quốc. Một số tỉnh, thành phố đang xây dựng Kế hoạch ký hợp đồng với luật sư (Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Phước, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Tiền Giang và Vĩnh Long).
- Số lượng tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL, ký hợp đồng còn hạn chế (có 174 tổ chức đăng ký tham gia TGPL, 33 tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với 11 Sở Tư pháp thực hiện TGPL).
10. Quy chế phối hợp số 1192/QC-BYT-BTP giữa Bộ Y tế và Bộ Tư pháp ngày 01/12/2014 trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và TGPL cho người nhiễm HIV
Nội dung phối hợp được quy định cụ thể trong việc: nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về TGPL, xây dựng cơ chế tài chính nhằm huy động nguồn lực cho hoạt động TGPL cho người nhiễm HIV; đơn giản hóa thủ tục yêu cầu TGPL cho người nhiễm HIV; đề xuất chính sách nhằm khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TGPL cho người nhiễm HIV; tổ chức truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho các cán bộ thuộc Ngành Tư pháp và truyền thông nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và quyền được TGPL của người nhiễm HIV cho các cán bộ thuộc Ngành y tế; mở các chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống HIV/AIDS và quyền được TGPL của người nhiễm HIV trên ấn phẩm, phương tiện truyền thông, cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Ngành Y tế và Ngành Tư pháp; lồng ghép việc giới thiệu TGPL và phòng, chống HIV/AIDS trong hoạt động của Ngành Y tế và Ngành Tư pháp. Trung tâm TGPL nhà nước cung cấp Bảng tin, Hộp tin về TGPL, đơn đề nghị TGPL cho các đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Ngành Y tế để niêm yết tại trụ sở. Lồng ghép nội dung về TGPL cho người nhiễm HIV trong các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS và người trực tiếp điều trị cho người bị nhiễm HIV; Lồng ghép nội dung về phòng, chống HIV/AIDS trong các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật và TGPL của Ngành Tư pháp; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và TGPL cho người nhiễm HIV, đồng thời, cử người có năng lực chuyên môn làm báo cáo viên, giảng viên tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo yêu cầu của mỗi bên. Phối hợp hoạt động trong việc thực hiện TGPL: giới thiệu, chuyển tiếp người nhiễm HIV có nhu cầu TGPL đến tổ chức thực hiện TGPL; lồng ghép giữa tư vấn về HIV/AIDS với thông tin về tổ chức và hoạt động TGPL; thực hiện tư vấn pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế. Cử cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tham gia hoạt động TGPL; bố trí địa điểm thuận lợi để người thực hiện t TGPL thực hiện việc tư vấn pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS tại các đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Ngành Y tế; phối hợp nghiên cứu, xây dựng mô hình TGPL cho người nhiễm HIV; lồng ghép truyền thông cho người nhiễm HIV với hoạt động TGPL lưu động và sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL tại địa phương; lồng ghép hoạt động TGPL trong sinh hoạt của các nhóm người nhiễm HIV.
Một số kết quả thực hiện:
- Phối hợp trong hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS:
Phối hợp lấy ý kiến góp ý trong việc xây dựng Luật TGPL (sửa đổi). Theo đó, Luật TGPL 2017 quy định người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính được TGPL. Nhằm đơn giản hóa thủ tục yêu cầu TGPL cho người nhiễm HIV, Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/ 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL quy định giấy tờ chứng minh là người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau: a) Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội; b) Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là người nhiễm HIV. Bộ Tư pháp trong quá trình xây dựng Luật TGPL (sửa đổi) đã chủ động đề xuất chính sách nhằm khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TGPL (thông qua cơ chế ký hợp đồng thực hiện TGPL, tổ chức đăng ký tham gia TGPL) cho người được TGPL, trong đó có người nhiễm HIV.
- Phối hợp trong truyền thông: Theo Quy chế: “Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Trung tâm TGPL nhà nước) cung cấp Bảng tin, Hộp tin về TGPL, đơn đề nghị TGPL cho các đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Ngành Y tế để niêm yết tại trụ sở.” Thực hiện Quy chế, trong những năm qua, các Trung tâm TGPL nhà nước đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Đài phát thanh, truyền hình, báo chí để tuyên truyền về hoạt động TGPL; phổ biến về quyền được TGPL, trong đó có lồng ghép người bị nhiễm HIV/AIDS. Đã có hàng chục nghìn Bảng thông tin, Hộp tin về TGPL được lắp đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; hàng nghìn Bảng thông tin TGPL, Hộp tin TGPL với nhiều loại tờ gấp, tài liệu pháp luật tại trụ sở tiếp dân của các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, trụ sở Nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã.
- Phối hợp trong tập huấn: Theo Quy chế: “Lồng ghép nội dung về phòng, chống HIV/AIDS trong các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật và TGPL của Ngành Tư pháp, trong đó đặc biệt chú ý việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS cho người thực hiện TGPL”.
Thực hiện Quy chế, Bộ Tư pháp (đầu mối là Cục TGPL) rất chú trọng trong việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng cho TGPL và người thực hiện TGPL khác. Cùng với việc tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ TGPL cho các Trung tâm TGPL nhà nước và các tổ chức tham gia TGPL, Bộ Tư pháp chú trọng tới công tác tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ người thực hiện TGPL về kỹ năng thực hiện TGPL cho người thuộc diện được TGPL, trong đó có người bị nhiễm HIV/AIDS theo quy định của pháp luật (kỹ năng tham gia tố tụng hình sự, hành chính, dân sự).
* Nhìn chung, các Thông tư liên tịch, Chương trình phối hợp và Quy chế phối hợp về công tác TGPL hoặc có nội dung TGPL cụ thể đã tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình nếu phát hiện người thuộc diện được TGPL có nhu cầu TGPL thì giới thiệu đến Trung tâm TGPL để được xem xét thụ lý và giải quyết.
Việc thực hiện phối hợp giữa các cơ quan, các tổ chức xã hội thường quy định về cơ chế phối hợp cùng với các đơn vị khác thuộc Bộ, trong đó có nội dung về TGPL. Vì vậy, một số nội dung phối hợp với các cơ quan, tổ chức mới chỉ dừng ở mức độ làm căn cứ cho các đơn vị cơ sở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình nếu phát hiện người thuộc diện được TGPL có nhu cầu TGPL thì giới thiệu đến Trung tâm TGPL để được xem xét thụ lý, giải quyết.
* Để tăng cường phối hợp về trợ giúp pháp lý trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
- Về Quy chế phối hợp số 4617/QCPH/BTP-LĐLSVN ngày 28/12/2016 giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam về hoạt động TGPL của luật sư, đề nghị có Chỉ đạo Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức quán triệt sâu sắc, đầy đủ nội dung Luật TGPL 2017, trong đó chú trọng đến các quy định thu hút tổ chức hành nghề luật sư và đội ngũ luật sư tham gia thực hiện TGPL; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan đến việc thực hiện TGPL của luật sư để bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật TGPL 2017; quản lý, giám sát việc thực hiện TGPL của tổ chức hành nghề luật sư, luật sư theo quy định của Luật TGPL 2017.
- Thực hiện bãi bỏ Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17/01/2012 của Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện TGPL đối với người dân tộc thiểu số sau khi Ủy ban dân tộc có hướng dẫn về đối tượng là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được TGPL theo quy định của pháp luật để bảo đảm phù hợp với Luật TGPL theo Công văn số 11281/VPCP-PL ngày 20/11/2018 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về rà soát văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với Luật TGPL 2017.
- Thực hiện bãi bỏ nội dung TGPL tại Phần III Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-BTP-TWHCCBVN ngày 09/6/2008 của Bộ Tư pháp và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam hướng dẫn phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, TGPL đối với cựu chiến binh cho phù hợp các nội dung của Luật TGPL năm 2017.
- Các Thông tư, Chương trình và Quy chế phối hợp khác, cần chỉ đạo địa phương tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, tổ chức trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường vai trò chỉ đạo, quản lý của cơ quan quản lý hoạt động TGPL ở Trung ương và địa phương, nhất là trong triển khai, theo dõi, phối hợp việc phát hiện người thuộc diện được TGPL có nhu cầu TGPL thì giới thiệu đến Trung tâm TGPL để được xem xét thụ lý...