Một số quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình (phần 7)

05/06/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

C. KỸ NĂNG THAM GIA TỐ TỤNG HÌNH SỰ ĐỂ BẢO VỆ NẠN NHÂN BLGĐ

1. Các quy định của pháp luật hình sự
1.1. Hình sự
Bộ luật Hình sự (được Quốc hội ban hành ngày 27/11/2015 và sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội. Các hành vi bạo lực trên cơ sở giới nói chung và bạo lực tình dục, bạo lực gia đình nói riêng ở mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội đã được quy định trong cấu thành của những tội phạm cụ thể. Có thể thấy cả bốn dạng bạo lực giới là bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế đều được phản ánh ở những mức độ khác nhau và với các tội danh khác nhau trong Bộ luật hình sự năm 2015.
Trước hết, đối với các hành vi bạo lực về thể chất, bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần, Chương XIV Bộ luật hình sự năm 2015 quy định một loạt các tội phạm mà những hành vi này có thể cấu thành và bị xử lý hình sự, đó là các tội giết người (Điều 123), tội giết con mới đẻ (Điều 124), tội bức tử (Điều 130), tội đe dọa giết người (Điều 133), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), tội hành hạ người khác (Điều 140), tội hiếp dâm (Điều 141), tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội cưỡng dâm (Điều 143), tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144), tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145), tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146), tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147), tội mua bán người (Điều 150), tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151), tội làm nhục người khác (Điều 155). Bên cạnh đó hành vi xâm phạm quyền bình đẳng giới sẽ bị xử lý theo Điều 165 Bộ luật hình sự.
Như vậy, các hành vi bạo lực về thể chất trên cơ sở giới, kể cả bạo lực thể chất gây ra cho các thành viên trong gia đình, đều có thể cấu thành các tội xâm hại tính mạng, sức khỏe của người khác, ví dụ như tội giết người, tội cố ý gây thương tích cho người khác. Ở tội giết người việc xâm hại tính mạng của vợ hoặc chồng với động cơ để lấy vợ hoặc chồng khác còn thỏa mãn tình tiết tăng nặng định khung “vì động cơ đê hèn”. Những hành vi bạo lực về tinh thần có thể bị xét xử theo các tội như bức tử, làm nhục người khác.
Đối với hình thức bạo lực tình dục, rất nhiều dạng của bạo lực đã được phản ánh là tội phạm trong Bộ luật hình sự như hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, giao cấu với trẻ em, khiêu dâm. Quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung đáng kể, vừa phản ánh được thực tiễn tình hình tội phạm, vừa đáp ứng được yêu cầu của công tác xử lý tội phạm. Với việc bổ sung dạng hành vi “quan hệ tình dục khác” bên cạnh hành vi khách quan truyền thống của các tội này là “giao cấu”, nhà làm luật đã mở rộng các dạng hành vi bạo lực tình dục cần xử lý và mở rộng cả phạm vi của chủ thể phạm tội cũng như đối tượng tác động của tội phạm. Cụ thể các hành vi quan hệ tình dục khác có thể được thực hiện bởi bất kì chủ thể có giới tính nào và đối tượng tác động cũng có thể là bất kì người mang giới tính nào. Điều đó cho thấy nạn nhân của các tội phạm này có thể là những người thuộc nhóm LGBT hoặc là nam giới. Sự bổ sung “hành vi quan hệ tình dục khác” sẽ góp phần xử lý đầy đủ và thỏa đáng các hình thức bạo lực tình dục.
Đối với hình thức bạo lực về kinh tế, tùy theo dạng hành vi cụ thể thì người phạm tội có thể bị xử lý về một tội chiếm đoạt tài sản (ví dụ như tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170) hoặc về tội hủy hoại tài sản (Điều 178). Bên cạnh đó hành vi bạo lực về kinh tế dưới hình thức ép buộc làm việc quá sức có thể bị xử lý về tội cưỡng bức lao động theo Điều 297 Bộ luật hình sự. Một số hình thức bạo lực kinh tế khác trên cơ sở giới có thể bị xử lý theo một số tội xâm phạm chế độ hôn nhân, gia đình được quy định tại Chương XVII Bộ luật hình sự, ví dụ như tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn theo Điều 181 (nếu có hành vi kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc không cho sử dụng tài sản chung, v.v…làm thủ đoạn phạm tội).
 Đối với các hình thức BLGĐ, tuy Bộ luật hình sự không quy định một tội phạm riêng nhưng lại có một Chương riêng về các tội phạm liên quan. Chương XVII Bộ luật Hình sự quy định các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, với 7 tội danh cụ thể quy định từ Điều 181 đến Điều 187, trong đó có nhiều tội trực tiếp liên quan đến BLGĐ, đặc biệt là BLGĐ đối với phụ nữ. Ví dụ: Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện (Điều 181); Tội tổ chức tảo hôn (Điều 183); Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng (Điều 182), nếu làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát sẽ là một trong những tình tiết tăng nặng hình phạt; Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185); Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186).
Việc phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người từ 70 tuổi trở lên, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc người lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác; xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội… đều thuộc các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 52 Bộ Luật hình sự.
Bộ luật Hình sự cũng quy định một số tội xử lý các hành vi mang tính hủ tục đối với phụ nữ như: cưỡng ép kết hôn, giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt thìbị coi là một loại tội phạm và bị xử lý với các mức hình phạt khác nhau; mức tối đa là bị tù đến 03 năm (Điều 124).

Hình thức bạo lực Điều luật áp dụng
1. Bạo lực Gia đình Điều 123. Tội giết người
Điều 124. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Điều 128. Tội vô ý làm chết người
Điều 130. Tội bức tử
Điều 133. Tội đe dọa giết người
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Điều 140. Tội hành hạ người khác
Điều 155. Tội làm nhục người khác
Điều 157: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác
Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác
Điều 165. Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới
Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
Điều 177. Tội sử dụng trái phép tài sản
Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện
Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng
2. Bạo lực tình dục Điều 141. Tội hiếp dâm
Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Điều 143. Tội cưỡng dâm
Điều 144. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
Điều 145. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
1.2. Tố tụng hình sự
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không quy định những quy trình, thủ tục tố tụng riêng đối với quá trình xử lý các tội liên quan đến bạo lực tình dục hoặc bạo lực gia đình. Vai trò của nạn nhân trong tố tụng hình sự cũng còn được quy định tương đối mờ nhạt. Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự cũng có một điều luật quy định tập trung các vấn đề liên quan đến họ như khái niệm bị hại (tư cách của nạn nhân trong tố tụng hình sự), quyền và nghĩa vụ của bị hại. 
Điều 62. Bị hại
1. Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản…do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
2. Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
c) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
d) Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;
đ) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;
e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
g) Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;
h) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;
i) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
k) Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này;
l) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa.
4. Bị hại có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;
b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân: Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết.
- Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật: Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật.
- Mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.
- Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
- Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân: Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản; Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân đều bị xử lý theo pháp luật.
- Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự: Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này.
- Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân.
- Bộ luật tố tụng hình sự dành 01 chương riêng quy định về Thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi (Chương XVIII).
1.3. Nghị Quyết 06/2019/NQ-HĐTP ngày ngày 01 tháng 10 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
- Xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người dưới 16 tuổi tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (ví dụ: hoạt động xâm hại tình dục được thực hiện do đồng thuận với người dưới 13 tuổi); do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ...).
- Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại lâm vào một trong những hoàn cảnh sau đây để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác: (a) Người bị hại không thể chống cự được (ví dụ: người bị hại bị tai nạn, bị ngất, bị trói, bị khuyết tật... dẫn đến không thể chống cự được); (b) Người bị hại bị hạn chế hoặc bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (ví dụ: người bị hại bị say rượu, bia, thuốc ngủ, thuốc gây mê, ma túy, thuốc an thần, thuốc kích thích, các chất kích thích khác, bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác... dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi).
- Người lệ thuộc quy định tại khoản 1 Điều 143 và đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình quy định tại khoản 1 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị hại bị lệ thuộc vào người phạm tội về vật chất (ví dụ: người bị hại được người phạm tội nuôi dưỡng, chu cấp chi phí sinh hoạt hàng ngày...) hoặc lệ thuộc về tinh thần, công việc, giáo dục, tín ngưỡng (ví dụ: người bị hại là người lao động làm thuê cho người phạm tội; người bị hại là học sinh trong lớp do người phạm tội là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn...).
+ Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như sau: (a) Áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; (b) Đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá ½ thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.
+ Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án phải thực hiện: (a) Xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án; (b) Phân công Thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi; (c) Khi tham gia xét xử, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng; (d) Xử án tại Phòng xét xử thân thiện theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 và Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; (đ) Có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuồi.
+ Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện: (a) Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh...); (b) Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét; (c) Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 18 tuổi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ; (d) Sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là người dưới 18 tuổi xác định các bộ phận bị xâm hại. (đ) Khi bị cáo đề nghị được hỏi bị hại là người dưới 18 tuổi thì phải chuyển câu hỏi cho người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi.
+ Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được: (a) Yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; (b) Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại; (c) Đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa; (d) Xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác; (đ) Để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là người dưới 18 tuổi; (e) Buộc bị hại là người dưới 18 tuổi phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa; (g) Công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên cổng thông tin điện tử của Tòa án.
+ Tòa án phải xem xét và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp theo quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị hại, người thân thích của bị hại yêu cầu hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiến nghị bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại, người thân thích của họ.
+ Tuân thủ các quy định khác tại Chương XXVIII của Bộ luật Tố tụng hình sự; hướng dẫn tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành khác có liên quan.
1.4. Thông tư 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an
Thông tư 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an quy định về thời điểm người bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại tham gia tố tụng. Theo đó, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại tham gia tố tụng kể từ khi có Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và có căn cứ xác định tư cách tham gia tố tụng của bị hại (Điều 7)
Thông tư 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 quy định trách nhiệm bảo đảm sự có mặt của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi tiến hành các hoạt động tố tụng. Cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc phải báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành tố tụng mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại có quyền tham gia tối thiểu 24 giờ đối với trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc, 48 giờ đối với trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc trước ngày tiến hành hoạt động tố tụng. Trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhất trí với Điều tra viên, Cán bộ điều tra thời hạn sớm hơn thì việc thực hiện các hoạt động tố tụng được thực hiện theo thỏa thuận đó.
2. Các kỹ năng của người thực hiện TGPL
2.1. Kỹ năng bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân bạo lực gia đình trong các vụ án hình sự          
Khi nói đến vụ án hình sự, người ta thường nghĩ đến việc bào chữa cho người bị buộc tội. Tuy nhiên, trong hoạt động tố tụng hình sự, thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cũng có vai trò vô cùng quan trọng góp phần bảo vệ công lý, công bằng pháp luật.
Để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho bị hại, nhất là trong các vụ việc BLGĐ, trước hết, người thực hiện TGPL cần nắm được quy định của pháp luật tố tụng liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người mình bảo vệ; quyền và nghĩa vụ của mình được quy định tại Bộ Luật tố tụng hình sự 2015.
- Khoản 2 Điều 62 Bộ Luật tố tụng hình sự, Bị hại có quyền như sau:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
c) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
d) Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;
đ) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;
e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
g) Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;
h) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;
i) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
k) Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này;
l) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Khoản 4 Điều 62 Bộ Luật tố tụng hình sự, Bị hại có quyền như sau:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;
b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
- Khoản 3 Điều 84 Bộ Luật tố tụng hình sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bị hại có quyền như sau:
a) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
b) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
c) Yêu cầu giám định, định giá tài sản;
d) Có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ; đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của bị hại và đương sự sau khi kết thúc điều tra;
đ) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa; xem biên bản phiên tòa;
e) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
g) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
h) Kháng cáo phần bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
- Khoản 4 Điều 84 Bộ Luật tố tụng hình sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bị hại có nghĩa như sau:
a) Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án;
b) Giúp bị hại, đương sự về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Với những quy định trên đây, trong các vụ việc BLGĐ, người thực hiện TGPL có thể hỗ trợ nạn nhân thực hiện các việc sau:
Giai đoạn điều tra
- Hỗ trợ nạn nhân viết đơn tố cáo.
- Khích lệ nạn nhân tích cực tham gia vào giai đoạn điều tra.
- Trao đổi về thủ tục tố tụng, quyền và nghĩa vụ của nạn nhân khi tham gia quá trình tố tụng.
- Hỗ trợ nạn nhân trong việc giám định thương tật/y tế.
- Hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời các hoạt động của cơ quan điều tra.
- Bảo đảm thu thập chứng cứ toàn diện: quá trình bạo lực, lời khai của người làm chứng, ảnh chụp hiện trường.
- Trong quá trình thực hiện TGPL, có thể hỗ trợ và cung cấp thông tin cho nạn nhân cũng như giới thiệu nạn nhân đến  các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân BLGĐ khác (y tế, nhà tạm lánh…) nếu nạn nhân có yêu cầu. Ví dụ giới thiệu đến cơ sở y tế để điều trị các vết thương; giới thiệu đến nhà tạm lánh để tránh tiếp xúc với người gây bạo lực,…)
- Phát hiện vấn đề và khích lệ nạn nhân đi khai báo hoặc chủ động báo cho cơ quan công an.
- Bảo đảm áp dụng kịp thời những biện pháp bảo vệ phù hợp.
Giai đoạn truy tố
- Hỗ trợ, cung cấp thông tin, bằng chứng có liên quan  đến vụ việc để giúp cơ quan kiểm sát buộc tội thỏa đáng trong bản cáo trạng của Viện Kiểm sát.
- Tiếp tục hỗ trợ và cung cấp thông tin về quá trình tố tụng cho nạn nhân; kịp thời trấn an tinh thần cho nạn nhân trong quá trình tham gia tố tụng.
- Tiếp tục bảo đảm hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng kịp thời những biện pháp bảo vệ phù hợp cho nạn nhân.
- Khích lệ nạn nhân tiếp tục tham gia quá trình tố tụng và không rút đơn khởi kiện nếu không có lý do chính đáng.
Giai đoạn xét xử
- Đề nghị áp dụng những biện pháp phù hợp tạo điều kiện để nạn nhân có thể tham gia suốt thời gian diễn ra phiên tòa.
- Đặt câu hỏi đối với người gây bạo lực, thể hiện quan điểm không biện minh cho bạo lực.
- Luôn bên cạnh hỗ trợ nạn nhân để bảo đảm nạn nhân không phải trả lời những câu hỏi thiếu nhạy cảm, có thể khiến họ cảm thấy tự ti, xấu hổ.
- Đề nghị tòa cho gọi người làm chứng nếu cần thiết.
- Tiếp tục hỗ trợ và cung cấp thông tin về quá trình tố tụng cho nạn nhân.
- Giúp nạn nhân kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu việc xét xử chưa bảo đảm công bằng, đúng pháp luật.
2.1.1. Kỹ năng tiếp xúc với bị hại và tham gia một số hoạt động điều tra
2.1.1.1. Kỹ năng tiếp xúc với bị hại
- Người thực hiện TGPL cần phải lựa chọn địa điểm, thời gian gặp gỡ phù hợp để tiếp xúc, trao đổi ban đầu với người được trợ giúp pháp lý, tạo lòng tin của người được trợ giúp pháp lý, cần có thái độ cảm thông đúng mực, làm chỗ dựa tinh thần cho họ.
 - Người thực hiện TGPL cần dự liệu cho người được trợ giúp pháp lý về những khả năng xảy ra trong tiến trình điều tra vụ án; cần tập trung làm rõ những tình tiết mang tính bản chất để làm rõ sự khách quan của vụ án; làm rõ các vấn đề còn mâu thuẫn giữa lời khai và chứng cứ (nếu việc đó là có lợi cho người được trợ giúp), động cơ, mục đích, nguyên nhân và điều kiện phạm tội
- Người thực hiện TGPL phải chú ý lắng nghe, ghi chép, đặt câu hỏi bổ sung để làm rõ thêm những vấn đề còn mâu thuẫn, nghi vấn
- Thông qua việc tiếp xúc ban đầu, Người thực hiện TGPL cần tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ một cách thấu đáo, lắng nghe họ trình bày, xem xét những tài liệu ban đầu (đơn từ, các tài liệu liên quan, giấy tờ cá nhân, v.v.), đồng thời phải chỉ rõ cho họ biết được giới hạn trách nhiệm của Người thực hiện TGPL trước pháp luật và trước họ, không để khách hàng lôi kéo thực hiện những yêu cầu trái pháp luật.
- Những điểm người thực hiện TGPL cần lưu ý trong buổi đầu tiếp xúc với người được TGPL:
+ Lắng nghe và chia sẻ với họ với thái độ chân thực, chân thành, chia sẻ;
+ Đưa ra tư vấn phù hợp với hoàn cảnh, chân thực trong việc lý giải các sự kiện, tìm hiểu nguyên nhân, các yếu tố và các quy định pháp luật tác động, điều chỉnh hành vi.
+ Giải đáp những thắc mắc của họ; cách thức liên lạc cho các lần gặp tiếp theo, v.v.
Tóm lại, việc tiếp xúc với người được TGPL có thể diễn ra nhiều lần theo tiến độ giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, người thực hiện TGPL luôn phải chú ý giữ thái độ, tác phong, nguyên tắc làm việc nêu trên trong các lần trao đổi, tiếp xúc với họ.
- Gặp gỡ, tiếp xúc với người làm chứng: Trên thực tế, việc Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư tiếp xúc, gặp gỡ người làm chứng rất phức tạp và khó khăn, bởi họ ngại, không muốn tham gia tố tụng làm mất thời gian, công sức, tiền tàu xe đi lại ..... Trong trường hợp người làm chứng không muốn tiếp xúc, người thực hiện TGPL cần phải vận động, động viên họ làm chứng tại cơ quan tiến hành tố tụng. Đối với những người làm chứng biết sự thật khách quan của vụ án mà có lợi cho người được trợ giúp pháp lý thì phải tạo mọi điều kiện cần thiết để mời họ tham gia phiên toà.
2.1.1.2. Tham dự một số hoạt động điều tra
Tùy thuộc từng vụ án cụ thể, người bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại có thể được có mặt trong các hoạt động tố tụng khác động điều tra khác của CQĐT: lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà mình bảo vệ. Khi tham gia các hoạt động này, người thực hiện TGPL cần:
- Theo dõi diễn biến trong quá trình tiến hành hoạt động điều tra đó xem Điều tra viên thực hiện có đúng các thủ tục tố tụng do luật quy định không; có thể đưa ra yêu cầu đối với Điều tra viên  nhằm bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL.
- Quan sát công cụ, phương tiện mô phỏng thay thế cho các vật chứng thật dùng để thực nghiệm có thể phản ánh đúng sự thật được không (có tương tự về kích cỡ, trọng lượng, về khả năng sát thương... hay không), ví dụ: bị cáo khai dùng dao Thái Lan mũi nhọn (để gọt hoa quả) đâm nạn nhân nhiều nhát nhưng khi thực nghiệm điều tra lại thay thế bằng con dao mũi tù thì không thể phản ánh kết quả chính xác.
- Quan sát hoạt động thực nghiệm trọng tâm như dùng dao đâm liên tiếp nạn nhân, dùng cuốc bổ vào đầu nạn nhân, ném chai xăng vào màn nơi nạn nhân nằm ngủ... khi hành vi này được yêu cầu lặp lại nhiều lần khác nhau với sự thay đổi từ đơn giản đến phức tạp thì kết quả thu được như thế nào, có phù hợp với vị trí, tư thế, cường độ, chiều hướng lực tác động và đặc biệt là có logic không, có phù hợp với các quy luật tâm lý, phù hợp với các tình tiết khác của vụ án hay... không.
- Theo dõi hoạt động thực nghiệm điều tra có được thực hiện đúng trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định hay không, có ai đó định hướng cho bị can khi thực nghiệm điều tra không, có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm người tham gia thực nghiệm điều tra hay không... Đặc biệt, TGVPL cần lưu ý sự phù hợp của hiện trường được dựng lại để thực nghiệm điều tra với hoàn cảnh xảy ra vụ án. Ví dụ: bị cáo bị cáo buộc có hành vi dùng xe hơi đâm chết người bị hại thì khi thực nghiệm điều tra điều kiện xe, đoạn đường, thời tiết… cũng phải tương tự để khẳng định được hay loại trừ các điểm mâu thuẫn trong vụ án....
 
(Còn tiếp,…)
Trần Nguyên Tú
Phó trưởng phòng – Phòng TC&QLCL
 

Xem thêm »