Kiểm tra công tác trợ giúp pháp lý tại thành phố Hồ Chí Minh

09/05/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch kiểm tra công tác trợ giúp pháp lý số 09/KH-CTGPL ngày 26/4/2018 và Quyết định số 19/QĐ-CTGPL ngày 26/4/2018 của Cục Trợ giúp pháp lý, ngày 07/5/2018, Đoàn công tác của Cục Trợ giúp pháp lý do đồng chí Nguyễn Thị Minh - Cục trưởng làm Trưởng đoàn đã thực hiện kiểm tra công tác trợ giúp pháp lý tại thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia buổi làm việc, về phía địa phương có đại diện đồng chí Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và đại diện các phòng, ban có liên quan như Phòng bổ trợ tư pháp, Phòng Tổ chức, Thanh tra Sở, Văn phòng Sở.

 Đoàn kiểm tra đã nghe đại diện Phòng Bổ trợ tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý báo cáo về kết quả công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; kết quả triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý từ 01/01/2017 – 30/4/2018 trên địa bàn thành phố, những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất, kiến nghị của địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các vấn đề trong quá trình triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết.

Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Cục trưởng Nguyễn Thị Minh và các thành viên trong Đoàn kiểm tra trao đổi, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giải đáp đối với từng vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý; đồng thời, Đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra một số hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý đã được Trung tâm thực hiện trong năm 2017 đến tháng 4/2018 cũng như kiểm tra tình hình sử dụng kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý.

Kết thúc buổi làm việc đồng chí Trưởng đoàn - Cục trưởng Nguyễn Thị Minh đã ghi nhận những kết quả trong công tác trợ giúp pháp lý mà Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được trong thời gian qua như: triển khai kịp thời và đầy đủ các văn bản pháp luật, các chỉ đạo do Trung ương ban hành, áp dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý; có cơ chế phối hợp với Tòa án để Trợ giúp viên pháp lý, luật sư trực tại Tòa để tư vấn, hướng dẫn cho người được trợ giúp pháp lý; tỷ lệ vụ việc trợ giúp pháp lý do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng ngày càng tăng… Đồng chí cũng nêu lên những thuận lợi trong công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương như được Lãnh đạo địa phương sự quan tâm về mặt kinh phí, trang thiết bị làm việc; có đội ngũ luật sư đông đảo.v.v. và mong rằng trong thời gian tới UBND tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác trợ giúp pháp lý, trong đó quan tâm đến việc rà soát số lượng nhu cầu trợ giúp pháp lý để tránh bỏ sót diện người được trợ giúp pháp lý đã được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý; tăng  cường sự phối hợp với các ngành thành viên trong Hội đồng tố tụng, đặc biệt mỗi ngành thành viên cần có chỉ đạo riêng đối với ngành mình về việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý, giới thiệu, thống kê người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Đồng thời đồng chí cũng chỉ đạo trong thời gian tới Trung tâm chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm vụ việc; tăng cường hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý, đặc biệt là về quyền được trợ giúp pháp lý, tập huấn nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và các quy định có liên quan đến trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cho người tiến hành tố tụng. Từ đó, Đoàn công tác tin tưởng trong thời gian tới địa phương sẽ triển khai hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản pháp luật hiện hành đưa công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển.

- Thanh Trịnh -

 

Xem thêm »