Cục TGPL kiểm tra công tác trợ giúp pháp lý và triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC tại tỉnh Hà Tĩnh

23/01/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch số 01/CTGPL và Quyết định số 01/QĐ-CTGPL ngày 09/01/2019 của Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL), ngày 16/01/2019, Cục TGPL, Bộ Tư pháp do đồng chí Cù Thu Anh, Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn đã tổ chức kiểm tra công tác TGPL tại tỉnh Hà Tĩnh.

Đoàn công tác đã làm việc với các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Hà Tĩnh (Công an, Tòa án, Kiểm sát) và cơ quan tiến hành tố tụng của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (Cơ quan điều tra, trại tạm giam; Tòa án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân), có sự tham dự của đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Sơn về việc triển khai công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 10 và Thông tư liên tịch số 11 trước đó (giải thích, chuyển gửi đối tượng, thông báo, thông tin về TGPL; vào Sổ theo dõi vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng; niêm yết các Bảng thông tin về TGPL, Hộp tin về TGPL; tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL trong việc tham gia tố tụng thông qua việc cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng, gặp gỡ người được TGPL, cung cấp các văn bản tố tụng…); trực tiếp kiểm tra việc niêm yết Bảng thông tin về TGPL, Tờ thông tin về TGPL trong các buồng tạm giữ thuộc trại tạm giam; trao đổi, xem xét khả năng đặt địa điểm để người thực hiện TGPL trực… Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã trực tiếp giải đáp các kiến nghị của các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh, cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện và đề nghị các ngành triển khai Thông tư liên tịch số 10.

Đoàn công tác cũng có các buổi làm việc với Sở Tư pháp, Trung tâm về công tác TGPL trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tại buổi làm việc với Sở Tư pháp, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã trực tiếp báo cáo về công tác TGPL của tỉnh Hà Tĩnh. Nhìn chung, công tác TGPL của tỉnh nhà trong năm qua đã có nhiều sự chuyển biến tích cực, vụ việc TGPL, đặc biệt là vụ việc TGPL trong tố tụng tăng với tỉ lệ cao (năm 2018 thực hiện 172 vụ việc tham gia tố tụng, tăng 36 vụ việc, tức là 26% so với năm 2017; những vụ việc thành công có chất lượng, kết quả tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL)… Tại buổi các làm việc, Đoàn công tác đã trực tiếp giải đáp các kiến nghị của địa phương (như truyền thông về một số vụ việc TGPL thành công; giải pháp tăng cường nguồn vụ việc TGPL, đặc biệt vụ việc tham gia tố tụng; phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh trong việc khác phục các tồn tại trong công tác phối hợp; Sở Tư pháp quan tâm tạo điều kiện cho Trung tâm về biên chế, cơ sở vật chất…), đề nghị lãnh đạo Sở Tư pháp, Trung tâm tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, triển khai công tác trợ giúp pháp pháp lý, đặc biệt là triển khai Thông tư liên tịch số 10 để bảo đảm các đối tượng thuộc diện được TGPL có thể được tiếp cận và được cung cấp dịch vụ TGPL có chất lượng. Ngày 17/01/2019, Đoàn công tác đã dự Hội nghị triển khai công tác TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2019, triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC (Thông tư liên tịch số 10) của Hội đồng phối hợp liên ngành TGPL trong hoạt động tố tụng (Hội đồng) của tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Tư pháp-Phó chủ tịch Hội đồng chủ trì với sự tham dự của các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành, Tổ giúp việc cho Hội đồng, đại diện Đoàn luật sư tỉnh, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tiến tụng của 13 quận/huyện, các đơn vị thuộc Sở Tư pháp, Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên của Trung tâm, phóng viên báo, đài trên địa bản tỉnh Hà Tĩnh. Các đại biểu đã nghe Báo cáo kết quả thực hiện hoạt động liên ngành về TGPL trong tố tụng năm 2018 và Kế hoạch triển khai Thông tư liên tịch số 10 của Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh.

Đồng thời, tại Hội nghị, đồng chí Cù Thu Anh đã trình bày Thông tư liên tịch số 10. Thông tư đã hướng dẫn về phối hợp TGPL trong tố tụng trong các Bộ luật, luật tố tụng năm 2015 và Luật TGPL năm 2017… Các quy định về truyền thông về TGPL, nhất là truyền thông qua việc phát trên các phương tiện phát thanh trong cơ sở giam giữ đã tạo điều kiện cho người bị buộc tội có thể biết, tiếp cận và yêu cầu TGPL. Việc giải thích về TGPL với quy trình chặt chẽ, ghi biên bản (tố tụng hình sự), quy trình ra văn bản thông báo (khi có yêu cầu TGPL), ra văn bản thông tin (khi chưa có yêu cầu TGPL) sẽ giúp giảm thiểu việc bỏ lọt đối tượng thuộc diện được TGPL. Quy định về đăng ký bào chữa có nhiều điểm đặc thù so với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (không cần đơn yêu cầu bào chữa; có thể gửi qua bưu điện…). Hội đồng địa phương có nhiều quy định mới nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động (có thêm Phó Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở Tư pháp phụ trách công tác TGPL; ngoài thành phần chính của Hội đồng có thể mời thêm đại diện Đoàn luật sư tỉnh, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ của Hội đồng, thành viên Hội đồng và kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Hội đồng thuộc các ngành…)./. Nguyễn Thị Pha, Phòng Tài chính và Quản lý chất lượng, Cục TGPL.

Xem thêm »