Hội thảo tham vấn về hoạt động Trợ giúp pháp lý

14/05/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Được sự cho phép của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, ngày 8/5/2019, Cục Trợ giúp pháp lý đã chủ trì, phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức Hội nghị tham vấn về hoạt động trợ giúp pháp lý tại tỉnh Yên Bái. Dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Yên Bái, Lãnh đạo, Trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng trợ giúp pháp lý 8 tỉnh miền núi phía Bắc. Sau phát biểu khai mạc của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý và đại diện Ngân hàng thế giới, các đại biểu đã nghe các chuyên gia của Ngân hàng thế giới báo cáo về một số phát hiện qua 2 chuyến tham vấn ở 4 xã của tỉnh Điện Biên, Bắc Kạn và các tham luận từ góc nhìn của cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý, cơ quan trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp trong hoạt động này. Nghiên cứu của chuyên gia và các tham luận tập trung các chủ đề: nhu cầu trợ giúp pháp lý, thực trạng tiếp cận pháp luật và tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân, công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý. Qua các bài trình bày và ý kiến thảo luận, có thể thấy, chính sách trợ giúp pháp lý được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, quyền được trợ giúp pháp lý đã được ghi nhận tại Luật Trợ giúp pháp lý, cách thức tổ chức và triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý đã được quy định cụ thể. Tuy nhiên, đến nay, người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số tại các tỉnh miền núi chưa có thói quen tham vấn ý kiến của những người có kiến thức pháp luật; tỷ lệ người dân tiếp cận với trợ giúp pháp lý chưa cao.

Thảo luận về các biện pháp giúp người dân tiếp cận với trợ giúp pháp lý tốt hơn, hội nghị nêu một số đề xuất sau đây:

- Bồi dưỡng, đào tạo cho người trực tiếp tiếp cận với dân: già làng, trưởng bản, tư pháp xã, giáo viên, Công an giúp họ hiểu về trợ giúp pháp lý, từ đó giải thích cho người dân ngay tại cơ sở;

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý. Hiện nay, theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì trình độ của người thực hiện trợ giúp pháp lý được chuẩn hóa nhưng cần được bồi dưỡng thường xuyên cập nhật kiến thức và các kỹ năng trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đối tượng đặc thù;

- Tập huấn cho cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng để họ hiểu quyền, nghĩa vụ trong phối hợp tố tụng;

- Nâng cao nhận thức để các tổ chức xã hội tham gia vào trợ giúp pháp lý;

- Truyền thông để các cơ quan liên quan biết về trợ giúp pháp lý; chú trọng nâng cao chất lượng truyền thông, truyền thông thông qua những vụ việc thành công; đa dạng hóa hình thức phong phú: video, kịch bản liên quan đến câu chuyện pháp luật, biên soạn tài liệu bằng tiếng dân tộc, có sự phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan thông tin, đại chúng.

 

Xem thêm »