Hội thảo tăng cường Dịch vụ Trợ giúp pháp lý cho Người nghèo và đối tượng yếu thế

03/06/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Được sự cho phép của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, ngày 30/5/2019, tại Hà Nội, Cục Trợ giúp pháp lý đã chủ trì, phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức Hội nghị tăng cường dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế. Dự Hội nghị có Tiến sỹ Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại diện Vụ Các vấn đề xã hội Văn phòng Quốc hội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Trung ương Hội Người cao tuổi, Hội người khuyết tật Việt Nam; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; Lãnh đạo và Trợ giúp viên pháp lý một số tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý cho biết Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã có hiệu lực hơn 1 năm, quá trình thực hiện cho thấy các quy định của Luật phù hợp với điều kiện của Việt Nam, vấn đề đặt ra là làm sao triển khai Luật có hiệu quả nhất. Hiện chưa có số liệu chính xác về nhu cầu trợ giúp pháp lý ở Việt Nam, tuy nhiên qua các dữ liệu về số lượng người được trợ giúp pháp lý, dân số, số lượng án trên toàn quốc có thể nhận định nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân là khá cao nhưng số vụ việc trợ giúp pháp lý chưa nhiều. Do đó, Hội thảo được tổ chức để cung cấp thông tin đến những nhà hoạch định, người thực thi chính sách, các đối tác phát triển, người thực hiện trợ giúp pháp lý về những phát hiện trong các cuộc tham vấn cộng đồng, kết quả nghiên cứu của chuyên gia về việc tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân, qua đó thảo luận về những đề xuất nhằm hỗ trợ việc trao quyền pháp luật cho người nghèo và những nhóm đối tượng yếu thế bằng cách tăng cường cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý tại Việt Nam. Hội nghị này là bước tiếp theo của Hội nghị tham vấn về trợ giúp pháp lý tại Yên Bái. Tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng thế giới, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý tại Trung ương, địa phương, đại diện cơ quan theo dõi việc thực hiện chính sách ưu đãi dành cho đối tượng yếu thế, các tổ chức xã hội, tổ chức trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý trình bày các nghiên cứu, phát hiện về nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân, những khó khăn, hạn chế của người dân khi tiếp cận trợ giúp pháp lý và đề xuất giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận cho người dân. Các bài trình bày được nhìn nhận từ góc độ khác nhau, tuy nhiên, tựu chung có thể thấy nổi lên một số nhận định như sau: Việc tiếp cận TGPL của người dân còn hạn chế, mặc dù quyền được TGPL đã được ghi nhận tại Luật TGPL nhưng người dân chưa có thói quen sử dụng pháp luật để giải quyết công việc, chỉ khi có tranh chấp mới tìm đến người hỗ trợ hoặc khi có tranh chấp nhưng không biết quyền được trợ giúp pháp lý để yêu cầu được giúp đỡ. Nguyên nhân có thể kể đến là:

- Mạng lưới tổ chức thực hiện TGPL hiện nay chưa phủ khắp các địa bàn tại cơ sở. Hiện đã có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 151 chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý đặt tại các huyện hoặc liên huyện, đến 31/12/2018 mới có 166 tổ chức hành nghề luật sư tham gia trợ giúp pháp lý (15 tổ chức ký hợp đồng với Sở Tư pháp, 141 tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý), 45 tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý (13 tổ chức ký hợp đồng với Sở Tư pháp, 32 tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý)

- Số lượng người thực hiện TGPL còn ít hơn rất nhiều so với số người thuộc diện được TGPL. Cụ thể, đến hết 31/3/2018 toàn quốc có 638 Trợ giúp viên pháp lý, 1.087 luật sư tham gia trợ giúp pháp lý (chiếm 8,2% tổng số luật sư trong toàn quốc), 2.0125 cộng tác viên, 102 tư vấn viên pháp luật tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Mặc dù công tác truyền thông về TGPL đã được Cục Trợ giúp pháp lý và các Trung tâm nỗ lực thực hiện nhưng còn một số hạn chế khiến người dân chưa tiếp cận đầy đủ với TGPL. Cụ thể:người thực hiện TGPL chưa có kỹ năng truyền thông và các phương thức truyền thông chưa thật sự phù hợp với từng nhóm đối tượng (người dân tộc, trẻ em, phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình...) nên các thông tin về TGPL chưa được truyền đạt theo cách dễ nhớ, dễ hiểu, tạo ấn tượng để người dân hiểu và lưu lại thông tin về TGPL để tìm đến khi cần;ngân sách địa phương cấp cho hoạt động TGPL còn hạn chế chủ yếu chi lương cho công chức, viên chức của Trung tâm, thù lao thực hiện vụ việc, các hoạt động nghiệp vụ, chi hành chính, công tác phí,... nên không thể bảo đảm để thực hiện tất cả các hoạt động TGPL như: truyền thông, lắp đặt Bảng thông tin, Hộp tin trợ giúp pháp lý, làm ảnh hưởng phần nào đến khả năng tiếp cận thông tin về TGPL của người dân.Trình độ dân trí của một số người thuộc diện được TGPL còn thấp (đặc biệt người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, không biết nghe, nói, đọc, viết tiếng phổ thông. Công tác truyền thông về TGPL nói chung và những vụ việc thành công chưa thật hiệu quả, chưa tạo dựng được nhiều ấn tượng cho người dân.

- Sự phối hợp giữa tổ chức trợ giúp pháp lý và các cơ quan, tổ chức chưa thực sự hiệu quả nên việc giới thiệu và chuyển gửi vụ việc trợ giúp pháp lý còn hạn chế. Trên cơ sở những phát hiện đó các chuyên gia của ngân hàng thế giới và đại biểu dự hội nghị đề xuất một số giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận TGPL cho người dân như: (1) xây dựng mạng lưới các cán bộ tại cơ sở (Cán bộ tư pháp hộ tịch, Cán bộ Hội phụ nữ, hòa giải viên, Công an xã, Trưởng thôn,....) làm cầu nối giữa TGPL và người dân, tổ chức tập huấn kiến thức về TGPL cho đội ngũ cán bộ này để họ có thể cung cấp thông tin về TGPL cho người dân kịp thời ngay tại cơ sở; (2) thiết lập đường dây nóng để người dân trực tiếp liên hệ với Trợ giúp viên pháp lý, luật sư, cộng tác viên; (3) Đa dạng hóa các phương thức truyền thông phù hợp với trình độ hiểu biết của các đối tượng đặc thù (niêm yết bảng thông tin về TGPL tại nhà sinh hoạt thôn, dịch tài liệu TGPL sang tiếng dân tộc, lồng ghép truyền thông trong sinh hoạt cộng đồng....); (4) tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng thực hiện TGPL cho người thực hiện TGPL; (5) thiết lập cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan trong công tác TGPL.

Xem thêm »