Hội nghị tập huấn, góp ý tài liệu tập huấn về TGPL cho nạn nhân bạo lực giới

21/06/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Từ ngày 17-19/6/2019, Cục Trợ giúp pháp lý phối hợp với Cơ quan Phòng chống Ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức “Hội nghị tập huấn, góp ý tài liệu tập huấn về TGPL cho nạn nhân bạo lực giới”. Hội nghị nhằm thử nghiệm tập huấn về TGPL cho nạn nhân bạo lực giới, trong đó tập trung vào bạo lực gia đình và bạo lực tình dục đồng thời là dịp lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với tài liệu tập huấn về TGPL cho nạn nhân bạo lực. Chủ trì Hội nghị do bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý và bà Nguyễn Nguyệt Minh – Quyền phụ trách Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC). Tham dự Hội nghị có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp; Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, các Trợ giúp viên pháp lý, luật sư.

“Khảo sát 10.000 đàn ông ở Khu vực Châu Á Thái Bình Dương thì trong 10 người nam giới có 01 người nam giới từng cưỡng hiếp 01 người không phải là vợ mình (theo một kết quả khảo sát năm 2013). 50% đàn ông được hỏi đã từng gây ra bạo lực về thể chất hoặc tình dục với vợ và bạn đời của mình. Tại Việt Nam, 58% phụ nữ đã từng kết hôn chịu ít nhất một trong ba dạng bạo lực về thể xác, tình dục, tinh thần ít nhất một lần trong đời. 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Gần 30% người làm nghề mại dâm cho biết họ đã từng là nạn nhân của xâm hại tình dục, 22% đã bị cưỡng ép tình dục. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là loại hình bạo lực khá phổ biến”, bà Nguyễn Nguyệt Minh - Quyền phụ trách Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) phát biểu tại Hội nghị.

Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang diễn ra tại tất cả các quốc gia, mọi khu vực trên Trái đất, và đang có xu hướng phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau. Hiện có tới 1/3 số phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới từng ít nhất một lần trong cuộc đời trở thành nạn nhân của bạo lực hoặc cách đối xử thô bạo. Có 02 hình thức bạo lực phổ biến đối với phụ nữ, trẻ em là bạo lực gia đình và bạo lực giới.

Gần đây, UNODC cùng với các tổ chức UNWOMEN, UNFPA, WHO đã phối hợp với cơ quan của Việt Nam trong đó có Cục Trợ giúp pháp lý trong một sáng kiến toàn cầu là gói can thiệp tối thiểu đối với phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực. Đây là một sáng kiến toàn cầu và Việt Nam là một trong 10 nước thực hiện sáng kiến này. Sáng kiến này bao gồm các hợp phần liên quan đến các dịch vụ như: dịch vụ y tế, dịch vụ trợ giúp về xã hội, dịch vụ trợ giúp về tư pháp và điều phối để cung cấp dịch vụ toàn diện, chất lượng cho nạn nhân. Đây là một sáng kiến rất quan trọng. Việt Nam là một trong những nước tiên phong thực hiện cung cấp gói can thiệp tối thiểu cho phụ nữ và trẻ em gái này, trong đó có hợp phần quan trọng là trợ giúp pháp lý đối với nạn nhân là bạo lực.

Các đại biểu tham dự được nghe Tiến sỹ Đào Lệ Thu – GĐ Trung tâm nghiên cứu so sánh luật công – Viện Luật so sánh – Đại học Luật Hà Nội chia sẻ kiến thức về bạo lực giới và nhận diện các hình thức bạo lực giới, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam và quốc tế về bạo lực giới và kỹ năng làm việc với nạn nhân bạo lực giới. Tiến sỹ Đào Lệ Thu đặc biệt nhấn mạnh các kỹ năng: nhận diện nạn nhân; hỗ trợ nạn nhân; kỹ năng làm việc với nạn nhân. Chị Sen, Trợ giúp viên pháp lý Hà Nội chia sẻ về kinh nghiệm khi tiếp xúc với nạn nhân bị bạo lực. Theo chị, nạn nhân thường khó tin tưởng vào người khác, đặc biệt là người khác giới, nhưng lại cũng rất muốn được người khác tin tưởng. Vì vậy, trước hết cần phải tạo sự tin tưởng cho nạn nhân, tạo điều kiện cho nạn nhân được bộc lộ cảm xúc. Chị Sen đề nghị có nhiều lớp tập huấn, đặc biệt liên quan đến kỹ năng tiếp xúc với nạn nhân và giải quyết các vụ án.

Các đại biểu cũng được nghe Luật sư Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch công ty luật Fanci chia sẻ về kỹ năng tham gia tố tụng hình sự trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình, bạo lực tình dục. Theo luật sư Tú, kỹ năng chủ yếu khi tư vấn cho những nạn nhân này là sự chân thành; cam kết bảo mật; có khả năng đồng điệu; có sáng kiến và giải pháp cho họ. Theo Luật sư Tú, trong các năm gần đây, các Trợ giúp viên pháp lý đã ngày càng khẳng định được vị trí và chất lượng tham gia tố tụng. Các đại biểu và luật sư Tú đều nhất trí rằng nên có một cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa luật sư và các Trợ giúp viên pháp lý; giữa các cơ quan có liên quan để trợ giúp pháp lý cho nạn nhân được tốt nhất.

Trong ngày cuối cùng, Cục trưởng Nguyễn Thị Minh chủ trì Hội thảo góp ý cho tài liệu hướng dẫn về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực giới, các đại biểu đã tích cực góp ý cho Tài liệu. Cục Trợ giúp pháp lý sẽ tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện để tài liệu này sẽ là công cụ hữu hiệu cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tiếp xúc, làm việc với các nạn nhân bạo lực giới.

Thanh Hà

 

 

 

Xem thêm »