Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức tập huấn về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực giới tại Bến Tre

03/07/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2019 đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt, được sự hỗ trợ của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNODC), Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp tổ chức “Hội nghị tập huấn về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực giới” tại tỉnh Bến Tre từ ngày 24-26/6/2019. Hội nghị nhằm bồi dưỡng, bổ sung kiến thức pháp luật về giới, bạo lực trên cơ sở giới, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Một nghiên cứu đối với 10.000 đàn ông ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2013 cho thấy: trong 10 người nam giới thì có một người đã từng cưỡng hiếp một người không phải là vợ mình; 50% đàn ông được hỏi đã từng gây ra bạo lực về thể chất hoặc tình dục với vợ hoặc bạn đời của mình. Ở Việt Nam, nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ công bố năm 2010 cho thấy, 58% phụ nữ đã từng kết hôn chịu ít nhất một lần trong đời một trong ba dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần. Một số nghiên cứu khác cho thấy 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; gần 30% người làm nghề mại dâm cho biết họ đã từng là nạn nhân của xâm hại tình dục và 22% đã bị cưỡng ép tình dục. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái để lại những hậu quả tồi tệ, trước mắt cũng như lâu dài về sức khỏe, tâm lý, kinh tế, xã hội cho nạn nhân, gia đình và xã hội, để lại hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều lần so với các loại bạo lực khác. Mặc dù vậy, bạo lực đối với phụ nữ, nhất là hai hình thức bạo lực gia đình và bạo lực tình dục lại là vấn đề vốn được coi là nhạy cảm, phức tạp. Trong thời gian gần đây, dư luận trong nước đã và đang lên tiếng và phản ứng ngày càng mạnh mẽ trước những vụ bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ, nhất là xâm hại tình dục đối với trẻ em. Pháp luật Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng về hệ thống chế tài đối với các hành vi bạo lực, đã bổ sung thêm nhiều biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của nạn nhân bị xâm hại tình dục, nhất là nạn nhân là trẻ em trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, thực tế các vụ việc xảy ra cũng như việc áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đến việc phòng, chống và xử lý các hành vi bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực gia đình và bạo lực tình dục vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn hoặc nhiều vấn đề cần trao đổi.

Các tổ chức của Liên hiệp quốc như UNODC, Tổ chức phụ nữ – UNWOMEN, Quỹ dân số LHQ – UNFPA, Tổ chức Y tế thế giới – WHO cùng với chính phủ 10 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam cam kết thực hiện một sáng kiến toàn cầu, có tên gọi là “Gói can thiệp thiết yếu đối với phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực giới”. Trong gói can thiệp này, các dịch vụ thiết yếu đối với nạn nhân của bạo lực giới bao gồm: các hợp phần: hành pháp và tư pháp, y tế, xã hội và điều phối. Sự kết nối, phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện các gói dịch vụ thiết yếu là hết sức quan trọng. Bến Tre là một trong những tỉnh được chọn thí điểm thực hiện gói can thiệp thiết yếu này.

Trong công cuộc phòng chống bạo lực giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới có sự đóng góp đáng kể của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã quy định riêng một khoản về nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, các đối tượng là trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… bị bạo lực giới cũng được trợ giúp pháp lý. Trong thời gian qua, số lượng vụ việc liên quan đến bạo lực giới được trợ giúp pháp lý ngày càng tăng lên, đặc biệt là các vụ tố tụng hình sự. Việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho các vụ việc liên quan đến bạo lực giới đòi hỏi người thực hiện trợ giúp pháp lý phải có kiến thức và kỹ năng tổng hợp: ngoài kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và đặc biệt là kỹ năng tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng thì còn phải có hiểu biết về giới, nhạy cảm giới, nhận dạng bạo lực giới, tâm lý của người gây hành vi bạo lực, tâm lý nạn nhận bạo lực giới... khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng đặc thù này.

Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2019 đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt, được sự hỗ trợ của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNODC), Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp tổ chức “Hội nghị tập huấn về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực giới” tại tỉnh Bến Tre từ ngày 24-26/6/2019. Hội nghị nhằm bồi dưỡng, bổ sung kiến thức pháp luật về giới, bạo lực trên cơ sở giới, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Chủ trì Hội nghị là bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý. Đối tượng tập huấn là các Trợ giúp viên pháp lý, luật sư, đại diện cơ quan tiến hành tố tụng, Hội Liên hiệp phụ nữ, Sở Y tế, Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Bến Tre. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an và đại diện nhà tài trợ bà Nguyễn Nguyệt Minh – Quyền phụ trách Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự được nghe các giảng viên là chuyên gia có kinh nghiệm như Tiến sỹ Lê Mai Anh – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Tư pháp và Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh – Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kiến thức về giới, nhận diện các hình thức bạo lực giới đặc biệt là bạo lực gia đình và bạo lực tình dục, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam và quốc tế liên quan đến bạo lực giới và kỹ năng trợ giúp pháp lý và tiếp xúc với nạn nhân bạo lực giới...Buổi tập huấn diễn ra sôi nổi, các giảng viên và học viên đưa ra nhiều tình huống thực tế để cùng phân tích, trao đổi, thảo luận, từ đó đúc rút những kiến thức, kỹ năng hữu ích cho công tác sau này.

Đánh giá về lớp tập huấn, các học viên đều cho rằng đây là hoạt động vô cùng cần thiết. Thông qua lớp tập huấn, các học viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trong việc bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý là nạn nhân bạo lực giới. Hầu hết học viên và Lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bến Tre đều đề xuất mong muốn Cục Trợ giúp pháp lý tiếp tục quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn tương tự trong thời gian tới không chỉ ở tỉnh mà còn ở các quận, huyện và các tỉnh khác./.

Bùi Hiền - Văn phòng Cục

 

 

Xem thêm »