Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp về hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư

11/07/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sáng ngày 10/7/2023 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về hoạt động TGPL của luật sư (Quy chế phối hợp). Đến dự và chủ trì hội nghị về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Ông Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch, Ông Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch; về phía Bộ Tư pháp có Ông Cù Thu Anh - Cục trưởng Cục TGPL. Tham dự còn có 07 Lãnh đạo Sở Tư pháp; lãnh đạo 32 Trung tâm TGPL nhà nước; đại diện 30 Đoàn Luật sư; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo sơ kết Quy chế phối hợp, ông Cù Thu Anh nhấn mạnh một số kết quả cụ thể:
 

Ở địa phương, 20 Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm tham mưu xây dựng Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với Đoàn luật sư, 17 Trung tâm được ủy quyền ký kết Quy chế phối hợp với Đoàn luật sư theo chỉ đạo của Sở Tư pháp. Các địa phương còn lại đã áp dụng trực tiếp Quy chế phối hợp của Trung ương. Thực tiễn, có nhiều đại diện Đoàn Luật sư, cá nhân luật sư đã tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập và có nhiều ý kiến về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình góp ý, xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về TGPL. Ở địa phương, nhiều Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm phối hợp với Đoàn Luật sư tổ chức lấy ý kiến các dự thảo văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến sự tham gia của luật sư về TGPL. Sở Tư pháp cũng phối hợp với Đoàn Luật sư trao đổi, góp ý kiến trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản, kế hoạch về TGPL ở địa phương. Từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2022, số vụ việc TGPL do luật sư ký hợp đồng với Trung tâm thực hiện là 40.018 vụ/tổng số 215.758 vụ mà Trung tâm TGPL đã thực hiện, chiếm 19% (số vụ việc TGPL do luật sư của tổ chức hành nghề luật sư ký hợp đồng với Sở Tư pháp thực hiện là 160 vụ, 100% là các vụ việc tham gia tố tụng; số vụ việc TGPL do luật sư của tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL thực hiện là 826 vụ).
 

Nhiều Đoàn Luật sư giới thiệu luật sư có kinh nghiệm, uy tín để Trung tâm tham khảo, lựa chọn ký hợp đồng thực hiện TGPL. Bộ Tư pháp đã mời đại diện của Liên đoàn Luật sư, một số Đoàn Luật sư tham dự các hội nghị triển khai các văn bản pháp luật về TGPL, các chương trình truyền thông về TGPL. Trong nhiều hoạt động truyền thông về TGPL nói chung, đặc biệt là TGPL cho đối tượng đặc thù có sự tham gia của nhiều luật sư giúp chuyển tải các thông tin về TGPL đến với người dân. Sở Tư pháp phối hợp với Đoàn Luật sư mời luật sư tham gia các đợt truyền thông, tư vấn pháp luật về TGPL tại các xã nghèo, thôn, bản khó khăn, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ TGPL có sự tham gia của luật sư tham gia với tư cách là giảng viên hoặc là đại biểu tham gia. Ngoài ra, Bộ Tư pháp mời một số luật sư giỏi, có nhiều kinh nghiệm và uy tín tham gia hội đồng, ban chấm kiểm tra kết quả tập sự TGPL. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp các Đoàn Luật sư tổ chức được các lớp bồi dưỡng cho luật sư ở các địa phương về kỹ năng hành nghề luật sư.
 

Một số Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị tổng kết, khen thưởng công tác TGPL với sự tham gia của các luật sư thực hiện TGPL để tuyên dương, vinh danh luật sư và cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực cho hoạt động TGPL (có 351 luật sư được khen thưởng khi tham gia hoạt động TGPL).
 

Bên cạnh những mặt đã đạt được, trong quá trình thực hiện Quy chế phối hợp còn có một số vấn đề cần khắc phục: việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp vẫn còn chưa phát huy hết tiềm năng của các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư. Số vụ việc TGPL do luật sư thực hiện còn chưa cao so với tổng số vụ việc TGPL hàng năm. Ở một số địa phương, số luật sư giỏi, có kinh nghiệm tham gia đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, nhất là những vụ việc TGPL phức tạp còn chưa nhiều…
 

Hội nghị nghe tham luận của lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang, Trung tâm TGPL tỉnh Lạng Sơn, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk, đã có 10 đại biểu phát biểu phân tích thêm về thực tế tại địa phương cũng như nêu đề xuất sáng kiến nâng cao hiệu quả công tác phối hợp như: tăng cường công tác phối hợp, giới thiệu luật sư giỏi tham gia vào hoạt động TGPL, tổ chức cho các Đoàn Luật sư đi trao đổi kinh nghiệm ở các tỉnh bạn; thường xuyên tổ chức tập huấn để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ TGPL cho luật sư; nâng mức bồi dưỡng thù lao vụ việc TGPL do luật sư thực hiện; giảm bớt thủ tục khi thanh toán thù lao vụ việc TGPL, làm rõ cơ chế khen thưởng, kỷ luật đối với luật sư thực hiện TGPL,…
 

Kết luận hội nghị, ông Đỗ Ngọc Thịnh khẳng định qua 6 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp, với sự phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nhiều nội dung trong Quy chế phối hợp đã được các địa phương triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đạt được nhiều kết quả, có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của công tác TGPL nói riêng và sự phát triển của ngành Tư pháp nói chung. Tuy nhiên, cần tiếp tục có sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa từ hai bên để Luật Trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả cao khi đi vào thực tế đời sống xã hội. Đồng thời, đội ngũ Luật sư cần ý thức nghiêm túc, nâng cao sự phối hợp, cần nghiên cứu kỹ hơn về thể chế để nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý. Thống nhất nhận thức TGPL là trách nhiệm của Nhà nước, TGPL của luật sư có tính chất phối hợp, tham gia đóng góp cho cộng đồng xã hội. Vì vậy, Đoàn Luật sư cần giới thiệu những luật sư có chuyên môn và tinh thần trách nhiệm, khi được lựa chọn ký hợp đồng với Trung tâm TGPL luật sư cần sẵn sàng thực hiện có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng.
 

Nhân dịp này, Hội nghị đã công bố Quyết định khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 03 tập thể và 03 cá nhân. Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam khen thưởng 41 luật sư có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện Quy chế phối hợp.
 

Xem thêm »