Nỗ lực nâng cao năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý

16/08/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 14/8, Bộ Tư pháp phối hợp với Liên minh châu Âu, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo góp ý Bộ công cụ đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý. Bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, ông Tom Corrie, Tham tán thứ nhất Ban Hợp tác và Phát triển phái đoàn Liên minh Châu Âu EU và Tiến sĩ Catherine Phương, Trợ lý Trưởng Đại diện Thường trú UNDP đồng chủ trì Hội thảo.

Nhắc đến Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý nhấn mạnh, xương sống của Luật này chính là nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Các yêu cầu về năng lực, phẩm chất, đạo đức của trợ giúp viên pháp lý tương đương như một luật sư, nhưng hiện nay lại không được gọi là luật sư. Bà Nguyễn Thị Minh hy vọng, sau này, khi Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi, người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng sẽ được gọi là luật sư. Bà chia sẻ thêm, hiện nay có 645 trợ giúp viên pháp lý, số lượng có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên là 154 người, tất cả các trợ giúp viên pháp lý đều thực hiện vụ việc tham gia tố tụng. Việc tham gia tố tụng sẽ giúp họ tiếp tục được rèn luyện, nâng cao chuyên môn, đồng thời uy tín trợ giúp pháp lý cũng được lan tỏa nhanh hơn.

Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, đối tượng được trợ giúp pháp lý tăng lên rất cao, lên tới khoảng 45% dân số Việt nam, do vậy, người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng phải tăng lên theo nhu cầu thực tế. Trong hơn 01 năm thực hiện Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, chất lượng vụ việc đã tăng lên đáng kể, nhiều vụ việc được thay đổi tội danh hoặc khung hình phạt. Bà Nguyễn Thị Minh cũng chia sẻ, thời gian qua, Cục Trợ giúp pháp lý luôn nỗ lực tìm kiếm những nguồn lực để tổ chức các khóa đào tạo cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. Cục Trợ giúp pháp lý cũng đã dự thảo được đề cương để xây dựng Bộ công cụ đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Việc khảo sát dự kiến thực hiện tại 4 tỉnh là Hà Giang, Thanh Hóa, Hòa Bình và Đồng Tháp bằng phương pháp phỏng vấn sâu và tổ chức nhóm thảo luận, nội dung tập trung vào việc làm sao nâng cao được năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý và tìm ra “lỗ hổng” của người thực hiện trợ giúp pháp lý, đồng thời tìm cách lấp đầy “lỗ hổng” đó để năng lực của người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng như chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được tăng lên.

Đánh giá cao Hội nghị mà Bộ Tư pháp tổ chức ngày hôm nay, ông Tom Corrie, Tham tán thứ nhất Ban Hợp tác và Phát triển phái đoàn Liên minh Châu Âu EU cũng cho biết thêm, Liên minh Châu Âu đã có các quy định nhằm đảm bảo những người được trợ giúp pháp lý sẽ tiếp cận được dịch vụ trợ giúp pháp lý và được hưởng những ích lợi từ dịch vụ trợ giúp pháp lý. Ở Việt Nam, Liên minh Châu Âu cũng đang phối hợp thực hiện Chương trình này để giúp cho người thực hiện trợ giúp pháp lý nâng cao năng lực và người được trợ giúp pháp lý tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý được dễ dàng hơn. Ông mong các đại biểu sẽ cùng nỗ lực để cải thiện những vẫn đề nêu trên.

Cũng quan tâm đến việc nâng cao chất lượng người thực hiện trợ giúp pháp lý, Tiến sĩ Catherine Phương, Trợ lý Trưởng Đại diện Thường trú UNDP nhấn mạnh, mục tiêu của trợ giúp pháp lý là tập trung vào nhóm người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số. Luật Trợ giúp pháp lý 2006 có 6 nhóm người được trợ giúp pháp lý, đến Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã mở rộng phạm vi nhóm được hưởng trợ giúp pháp lý từ 6 lên 14 nhóm. Do đó, vấn đề đặt ra không chỉ là việc tăng số lượng người thực hiện trợ giúp pháp lý mà phải nâng cao kỹ năng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Bộ công cụ đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý đã được kiểm định ở nhiều nước khác và Bà Phương mong muốn Bộ công cụ đánh giá này sẽ được xây dựng và thực hiện tại Việt Nam. Bà cũng cam kết, UNDP sẽ sẵn sàng hỗ trợ Bộ Tư pháp để xây dựng và hoàn thiện Bộ công cụ này vì mục tiêu phát triển bền vững.

Hội thảo đã được nghe nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng như để hoàn thiện Bộ công cụ nói trên.

Nguồn: https://moj.gov.vn

Xem thêm »