Bình Dương và Tây Ninh - Kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bản tỉnh

30/10/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2019 (ban hành kèm theo Quyết định 3150/QĐ-HĐPH ngày 28/12/2018 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương), trong hai ngày 24 và 25/10/2019, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh (Đoàn kiểm tra).

Tham gia Đoàn kiểm tra có đồng chí Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp làm Trưởng Đoàn; đồng chí Cù Thu Anh, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp làm Phó Trưởng đoàn và các thành viên khác thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp. Đoàn kiểm tra đã làm việc với đại diện Công an, Tòa án nhân dân thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương; Công an, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh và Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động (Hội đồng phối hợp liên ngành) ở tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn hai tỉnh (tham dự các buổi làm việc với Đoàn kiểm tra còn có lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy). Tại tỉnh Bình Dương, Đoàn kiểm tra đã nghe đại diện Công an, Tòa án nhân dân thị xã Thuận An báo cáo tóm tắt công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thuộc trách nhiệm của các cơ quan theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10): quán triệt triển khai Luật Trợ giúp pháp lý, Thông tư liên tịch số 10; giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý; niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, Hộp tin trợ giúp pháp lý; việc cấp giấy chứng nhận bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; gửi lịch hỏi cung, lịch xét hỏi, lịch xét xử… Tại tỉnh Tây Ninh, Đoàn kiểm tra đã nghe đại diện Công an, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành báo cáo tóm tắt công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thuộc trách nhiệm của các cơ quan theo Thông tư liên tịch số 10. Tại các buổi làm việc, các thành viên của Đoàn kiểm tra đã phát biểu, nêu ý kiến thảo luận nhằm làm rõ những vấn đề mà Đoàn kiểm tra quan tâm. Tại buổi làm việc với Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Bình Dương, Đoàn kiểm tra đã nghe báo cáo của Hội đồng đánh giá những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10, trách nhiệm của Trung tâm trong việc phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, kết quả thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý; đồng thời cũng nêu những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý, quá trình triển khai thực hiện hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn. Tại tỉnh Tây Ninh, Đoàn kiểm tra cũng đã nghe Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh báo cáo về các nội dung trên.

Tại các buổi làm việc tại tỉnh Bình Dương, đồng chí Nguyễn Thị Minh - Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành ở Trung ương và các thành viên Đoàn kiểm tra đã có một số ý kiến trao đổi với Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương như: Đánh giá cao sự chuyển biến tích cực trong những năm qua trong công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương và các thành viên Hội đồng. Hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương ngày càng giúp nâng cao vị thế của trợ giúp pháp lý trong tố tụng và được liên ngành ghi nhận. Tuy nhiên, tại một số cơ quan tiến hành tố tụng, công tác phối hợp còn có mức độ. Các ngành cần nhận thức rõ phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng theo Thông tư liên tịch số 10 là nhiệm vụ của ngành mình; từng ngành cần có văn bản chỉ đạo các đơn vị, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc ngành mình triển khai trách nhiệm phối hợp; Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương tiếp tục chủ động chỉ đạo triển khai công tác phối hợp theo Thông tư liên tịch số 10, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; Sở Tư pháp phát huy vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng, tập trung cho trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng hơn nữa, tiếp tục huy động nguồn lực luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý…

Trước đó, tại các buổi làm việc tại Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Tây Ninh, đồng chí Cù Thu Anh, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý - thành viên Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành ở Trung ương và các thành viên Đoàn kiểm tra bên cạnh việc ghi nhận các kết quả tích cực của công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng theo Thông tư liên tịch số 10 (công tác phối hợp được triển khai đồng bộ; vụ việc tham gia tố tụng tăng số lượng lớn qua các năm; trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng; có nhiều vụ việc hiệu quả…); chỉ ra một số tồn tại, hạn chế (việc giải thích, thông tin có nơi chưa thực hiện đầy đủ; các ngành chưa có văn bản chỉ đạo các cơ quan, người tiến hành tố tụng triển khai trách nhiệm ngành mình theo Thông tư liên tịch số 10; việc huy động luật sư tham gia trợ giúp pháp lý còn có mức độ…). Trên cơ sở đó, Đoàn kiểm tra đề nghị Sở Tư pháp phát huy vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành có các giải pháp tháo gỡ.

 

Kết thúc các buổi làm việc tại Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Bình Dương, đồng chí Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã thay mặt Đoàn kiểm tra đã có một số kết luận, đánh giá cao công tác chuẩn bị và ghi nhận kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương. Đề nghị tỉnh ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác trợ giúp pháp lý. Yêu cầu Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương tiếp tục tham mưu triển khai các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quy định trong Thông tư liên tịch số 10, đặc biệt trong việc chỉ đạo các ngành có văn bản chỉ đạo các đơn vị, người tiến hành tố tụng thuộc ngành mình triển khai công tác phối hợp; tăng cường giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường truyền thông về trợ giúp pháp lý trong tố tụng; dự toán đầy đủ kinh phí cho công tác phối hợp; nghiên cứu việc phối hợp đặt địa điểm trực thực hiện trợ giúp pháp lý tại Công an, Tòa án… Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương, nhất là kinh phí cho vụ việc tham gia tố tụng và cho công tác phối hợp của Hội đồng; các ngành quan tâm bảo đảm kinh phí cho công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng của ngành mình, nhất là kinh phí tập huấn cho người tiến hành tố tụng.

Kết thúc các buổi làm việc tại Hội đồng phối hợp liên ngành tỉnh Tây Ninh, đồng chí Cù Thu Anh, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý cũng đã thay mặt Đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác chuẩn bị và các kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương. Trên cơ sở đó, đồng chí đề xuất Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí…); Sở Tư pháp phát huy vài trò của cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành địa phương, Trung tâm phát huy vai trò của Tổ giúp việc cho Hội đồng trong việc triển khai công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng, đặc biệt là các nội dung về: giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý; đôn đốc các ngành có văn bản chỉ đạo cơ quan, người tiến hành tố tụng thực hiện trách nhiệm phối hợp; tập huấn cho người tiến hành tố tụng về Thông tư liên tịch số 10..../.

Nguyễn Thị Pha, Cục Trợ giúp pháp lý.

 

Xem thêm »