Hội nghị triển khai công tác trợ giúp pháp lý năm 2019

17/01/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sáng 15/1, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác trợ giúp pháp lý năm 2019. Tham sự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ như Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Công nghệ thông tin, Cục Kế hoạch - Tài chính, Học viện Tư pháp.... và đông đủ cán bộ, công chức, người lao động của Cục Trợ giúp pháp lý.

Báo cáo kết quả công tác năm 2018 của Cục Trợ giúp pháp lý đã đánh giá: So với Kế hoạch công tác năm 2018 đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, tính đến hết tháng 12/2018, Cục Trợ giúp pháp lý đã triển khai thực hiện và hoàn thành 100% các nhiệm vụ trọng tâm của Cục, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng, hiệu quả công việc. Các nhiệm vụ được triển khai đồng bộ từ xây dựng hoàn thiện thể chế, quản lý chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các địa phương... Đến nay, có thể nói, thể chế về trợ giúp pháp lý đã cơ bản hoàn thiện. Các địa phương đã có những chuyển biến lớn trong nhận thức và chỉ đạo thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Hầu hết các địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và tập trung vào thực hiện vụ việc, đặc biệt là vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng. Số vụ việc tham gia tố tụng năm 2018 đã tăng 12,7% so với năm 2017. Cục đang phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng Phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý để áp dụng trong toàn quốc; nghiên cứu xây dựng đề án người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tiếp tại các cơ quan tiến hành tố tụng, trước mắt thí điểm ở Tòa án tại một số tỉnh, thành phố...
Có được kết quả nói trên là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Khánh Ngọc; sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị thuộc Bộ, các Bộ, ngành và địa phương; sự chủ động, quyết liệt của lãnh đạo Cục cùng với sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực sáng tạo của tập thể công chức, viên chức, người lao động trong Cục Trợ giúp pháp lý đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra công tác trợ giúp pháp lý năm 2018 vẫn còn một số khó khăn do một số cơ quan, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và yêu cầu Trợ giúp pháp lý trong giai đoạn hiện nay. Một số địa phương có số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý thấp so với số lượng vụ án được xét xử và đối tượng được trợ giúp pháp lý ở địa phương…
Năm 2019, Cục Trợ giúp pháp lý đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tập trung nguồn lực tổ chức triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường truyền thông về trợ giúp pháp lý; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trong phạm vi cả nước; nâng cao số lượng và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng; tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, hạn chế bỏ lọt người được trợ giúp pháp lý; đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra và đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; đẩy mạnh công tác phối hợp trong trợ giúp pháp lý, đặc biệt là phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác trợ giúp pháp lý.
Chúc mừng những kết quả mà Cục Trợ giúp pháp lý đã đạt được trong năm 2018, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đều thống nhất đánh giá cao công tác phối hợp của Cục Trợ giúp pháp lý trong giải quyết các công việc chung của đơn vị, Bộ, Ngành. Để công tác trợ giúp pháp lý tiếp tục đạt được những thành công trong năm 2019, các đại biểu đề xuất một số ý kiến như: chú trọng kiểm soát chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự làm việc trong hệ thống trợ giúp pháp lý; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác trợ giúp pháp lý; tăng cường truyền thông về trợ giúp pháp lý; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác trợ giúp pháp lý…

Vui mừng trước những kết quả mà Cục Trợ giúp pháp lý đã đạt được trong năm 2018, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao sự đoàn kết, cố gắng của tập thể Lãnh đạo và các công chức, viên chức, người lao động của Cục Trợ giúp pháp lý; sự nỗ lực, phấn đấu các địa phương, đặc biệt là các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý; sự phối hợp giúp đỡ của các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan, tổ chức và Bộ, ngành có liên quan… đã tạo nên thành công trong công tác trợ giúp pháp lý 2018. Thứ trưởng nhấn mạnh: Trợ giúp pháp lý là chính sách xã hội vô cùng tốt đẹp nên phải làm tốt, không để bị lạm dụng. Với đối tượng hướng tới là những người yếu thế trong xã hội, công việc trợ giúp pháp lý đòi hỏi cái tâm rất lớn và có thể tạo ra những hiệu ứng xã hội mạnh mẽ.
Phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2018, bước sang năm 2019, Thứ trưởng đề nghị công tác trợ giúp pháp lý cần tiếp tục tạo sự bứt phá rõ rệt hơn nữa; phối hợp với Tổng cục thi hành án dân sự nghiên cứu thêm về trợ giúp pháp lý trong THADS; đổi mới truyền thông; nâng cao chất lượng Trợ giúp pháp lý phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; phối hợp với các cơ quan tố tụng ở trung ương và địa phương để phân loại, hướng dẫn các đối tượng hiểu và thực hiện đầy đủ quyền được trợ giúp pháp lý của mình, đảm bảo không bỏ lọt các đối tượng được trợ giúp pháp lý; tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, đổi mới quản lý; khảo sát lấy ý kiến đánh giá của người được trợ giúp pháp lý về chất lượng dịch vụ; chú trọng công tác chấm điểm thi đua các Sở Tư pháp một cách thực chất, chú trọng chất lượng; ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn trong trợ giúp pháp lý; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý…

Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác quản lý về trợ giúp pháp lý đã có chuyển biến đáng kể về chất trong thời gian gần đây. Với yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao hơn trong khi nguồn lực hạn chế, trong thời gian tới, công tác trợ giúp pháp lý và bản thân Cục Trợ giúp pháp lý cần tiếp tục nỗ lực đổi mới mạnh mẽ hơn, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong việc tham mưu Lãnh đạo Bộ và Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, góp phần phát triển bền vững công tác trợ giúp pháp lý, khẳng định được vị trí của mình trong sự phát triển chung của Bộ, ngành Tư pháp.

Xem thêm »