Những dấu mốc nổi bật của công tác trợ giúp pháp lý năm 2022

05/01/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Năm 2022, mặc dù vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng với sự nỗ lực của Trung ương và sự vào cuộc của chính quyền, tư pháp địa phương trong việc triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bài viết xin điểm lại những dấu mốc nổi bật về kết quả, vai trò của hoạt động trợ giúp pháp lý năm 2022 như sau:

1. Trợ giúp pháp lý là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đây là lần đầu tiên Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương giao nhiệm vụ, giải pháp đối với hoạt động trợ giúp pháp lý, cụ thể: “Xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật” (mục 3 phần IV Nghị quyết); “Nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp và chất lượng trợ giúp pháp lý, nhất là trong hoạt động tố tụng tư pháp; hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống trợ giúp pháp lý; mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện của đất nước” (mục 7 phần IV Nghị quyết).
2. Sự kiện về trợ giúp pháp lý là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp năm 2022
Với sự kiện lần đầu có chức danh Trợ giúp viên pháp lý hạng I và người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân trong toàn quốc đã được vinh danh là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp năm 2022. Ngày 05/9/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn và xếp lương đối với chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý. Trong đó, lần đầu có chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I được ghi nhận trong một văn bản quy phạm pháp luật. Điều này khẳng định vị trí, vai trò, tính chuyên nghiệp của Trợ giúp viên pháp lý trong hệ thống chức danh nghề nghiệp viên chức.
Trước đó, ngày 19/5/2022, Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao được ký kết. Theo đó, người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại tòa án để bảo đảm quyền tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý kịp thời trong tố tụng cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý ở tất cả các địa phương trên toàn quốc, tránh việc người dân thuộc diện trợ giúp pháp lý bị bỏ lỡ cơ hội được nhận dịch vụ pháp lý miễn phí trong tố tụng tư pháp. Việc công nhận chức danh Trợ giúp viên pháp lý hạng I và việc ký kết Chương trình phối hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của công tác trợ giúp pháp lý, là những dấu ấn quan trọng trong năm kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển của hoạt động trợ giúp pháp lý.
3. Năm 2022 - Lần đầu tiên nội dung trợ giúp pháp lý đã được triển khai đồng bộ trong tất cả Chương trình mục tiêu quốc gia, thể hiện vai trò tích cực trong an sinh và phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2022 lần đầu tiên nội dung trợ giúp pháp lý đã được triển khai đồng bộ trong tất cả Chương trình mục tiêu quốc gia: về giảm nghèo bền vững (Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ), xây dựng nông thôn mới (Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ) và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ) và Bộ Tư pháp đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện[1]. Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý và các địa phương đã bước đầu tích cực triển khai các nội dung về trợ giúp pháp lý trong các Chương trình này.
4. Số vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng trong năm 2022 đạt mốc cao nhất từ trước đến nay. Thời gian qua, các địa phương đã tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý là thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là vụ việc tham gia tố tụng. Đặc biệt, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hệ thống trợ giúp pháp lý đã nỗ lực, chủ động trong tiếp cận vụ việc và triển khai các hoạt động hướng tới mục tiêu cốt lõi là thực hiện vụ việc với chất lượng tốt nhất, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người được trợ giúp pháp lý. Trong năm 2022, nhiều vụ việc nổi cộm được báo chí đưa tin, dư luận xã hội quan tâm đã được Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp theo dõi, chỉ đạo và các Trung tâm trợ giúp pháp lý chủ động, kịp thời tiếp cận nhu cầu trợ giúp pháp lý để cử người thực hiện trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích kịp thời, hiệu quả cho người được trợ giúp pháp lý. Từ khi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý đến nay, số lượng vụ việc tham gia tố tụng ngày càng tăng và năm 2022 là năm có số lượng vụ việc tham gia tố tụng thực hiện cao nhất từ trước tới nay. Tính đến 31/10/2022, số vụ việc tham gia tố tụng thực hiện là 32.081 vụ, trong đó đã kết thúc là 16.886 vụ việc.
4. Năm 2022 - Ban hành các tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công
Ngày 16/5/2022 Bộ Tư pháp đã ban hành các tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công (Quyết định số 1179/QĐ-BTP) với 30 tiêu chí trong tố tụng hình sự, hành chính, dân sự. Đây là lần đầu tiên ngành Tư pháp có các tiêu chí để đánh giá tính thành công đối với một vụ việc dịch vụ pháp lý cụ thể. Trong năm 2022, theo thống kê của các địa phương, toàn quốc có 7.417 vụ việc tham gia tố tụng thành công. Nhiều vụ việc mà quan điểm bào chữa, bảo vệ cho người được trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh, thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, thậm chí được vô tội đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo đảm nguyên tắc, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử và phòng, chống oan sai cũng như bỏ lọt tội phạm.
Trung tâm thông tin, dữ liệu trợ giúp pháp lý
 

[1] Nội dung về TGPL đã được hướng dẫn triển khai tại các văn bản: Công văn số 1420/BTP-TGPL ngày 05/5/2022, Công văn số 1918/BTP-TGPL ngày 10/6/2022, Công văn số 2134/BTP-TGPL ngày 28/6/2022.

Xem thêm »