
Thực hiện Kế hoạch hoạt động của dự án “Tăng cường TGPL cho người nghèo và đối tượng yếu thế” do Ngân hàng thế giới tài trợ (WB) tài trợ từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản, ngày 06/5/2025, tại thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp (Cục PBGDPL&TGPL) phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị tập huấn thử nghiệm tài liệu trợ giúp pháp lý (TGPL) ở cơ sở cho cán bộ cộng đồng.

Tham dự khai mạc Hội nghị có bà Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang, đại diện Công an tỉnh Tuyên Quang, đại diện Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang. Các đại biểu tham gia Hội nghị là cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch, Tổ trưởng Tổ dân phố, Bí thư Chi bộ thôn, Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn, Tổ trưởng Tổ an ninh trật tự thôn, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh... của xã Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang; Thị trấn Thác Bà và xã Vĩnh Kiên của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Vũ Thị Hường - Phó Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL, Quản đốc Dự án cho biết, hoạt động TGPL là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số và những người thuộc diện chính sách, giúp họ tiếp cận công lý, bình đẳng trước pháp luật hình thành và phát triển từ năm 1997. Tuy nhiên, hiện nay, không phải mọi người dân đều đã biết đến hoạt động rất ý nghĩa này. Vì vậy, để giúp người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật và TGPL, từ đó tiếp cận và sử dụng dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước theo đúng quy định, đội ngũ cán bộ nòng cốt ở cơ sở (như già làng, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng…) có vai trò rất quan trọng. Họ là cầu nối cung cấp thông tin về TGPL cho người dân và cung cấp thông tin về nhu cầu của người dân cho TGPL.
Ngày 17/01/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 68/QĐ-BTP phê duyệt Văn kiện Dự án “Tăng cường TGPL cho người nghèo và đối tượng yếu thế” do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản. Ngày 26/9/2022, Chủ tịch nước đã phê chuẩn Hiệp định viện trợ không hoàn lại cho Dự án này. Dự án do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản, triển khai thực hiện trong thời gian 4 năm (từ 2022- 6/2026). Một trong những mục tiêu của Dự án là tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ pháp lý của người dân ở cơ sở, tập trung vào các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có 02 tỉnh được lựa chọn là Điện Biên và Yên Bái. Tuyên Quang là một trong những tỉnh được chọn thí điểm triển khai hoạt động dự án năm 2025.
Trong khuôn khổ Dự án, năm 2024, Cục PBGDPL&TGPL đã phối hợp với Nhóm chuyên gia nghiên cứu, xây dựng Tài liệu tập huấn về TGPL cho cán bộ nòng cốt ở cơ sở. Tài liệu cung cấp những thông tin cơ bản về công tác TGPL, một số kỹ năng thông tin, giới thiệu về TGPL; một số quy định pháp luật thường gặp liên quan đến đời sống của người dân như thừa kế, hôn nhân gia đình, hợp đồng mua bán, hợp đồng vay, mượn tài sản, thế chấp, bồi thường thiệt hại, hụi họ bưu phường; vấn đề đất đai (đặc biệt là chính sách đất đai đối với người dân tộc thiểu số)…
Để lớp tập huấn có chất lượng, Phó Cục trưởng đề nghị giảng viên áp dụng phương pháp “lấy học viên làm trung tâm”, giảng viên nêu vấn đề, chia thành các nhóm nhỏ để khuyến khích các đại biểu chia sẻ, trao đổi về các khó khăn, vướng mắc, những vụ việc hoặc tình huống phát sinh trong thực tiễn.

Về phía các đại biểu, Phó Cục trưởng đề nghị các đại biểu tập trung tham gia lớp học với tinh thần trách nhiệm cao; tích cực trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến nội dung tập huấn; mạnh dạn, thẳng thắn trao đổi cả những vấn đề khó khăn, vướng mắc, vấn đề chưa biết hoặc chưa rõ. và những suy nghĩ, đề xuất của cá nhân về việc làm thế nào để giúp người dân hiểu và sử dụng TGPL.

Để phù hợp với đặc thù của đối tượng tập huấn, Ban tổ chức đã mời 02 giảng viên là Giám đốc và Phó giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Tuyên Quang - người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực TGPL, gần gũi và am hiểu phong tục, tập quán của địa phương. Vì thế, tại lớp tâp huấn này, ngoài việc nghe giảng viên giới thiệu về TGPL, người thuộc diện TGPL, nguyên tắc hoạt động, thủ tục yêu cầu TGPL…, các đại biểu còn được nghe nhiều ví dụ, tình huống vụ việc vụ thể xảy ra tại địa phương. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, các học viên thảo luận về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực pháp luật hình sự (như hiếp dâm, dâm ô, giao cấu, tàng trữ ma tuý, trộm cắp tài sản, cướp..), bạo lực gia đình, kết hôn cận huyết thống, quyền khi ly hôn, thừa kế, tranh chấp đất đai,… Từ các tình huống cụ thể, giảng viên hướng dẫn cách liên hệ với Trung tâm TGPL để được hướng dẫn, giải quyết đối với từng tình huống cụ thể.

Với vai trò, uy tín quan trọng trong cộng đồng, các cán bộ nòng cốt ở cơ sở sẽ là cầu nối tích cực hướng dẫn, giới thiệu để người dân ở địa phương biết về chính sách TGPL nhân văn của Nhà nước; tiếp cận và sử dụng quyền được TGPL khi có vướng mắc pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thuộc diện được TGPL, góp phần xây dựng văn hoá tuân thủ pháp luật trong nhân dân./.
(Bích Ngọc)
Phòng Quản lý trợ giúp pháp lý