Cần tiếp tục duy trì các Trung tâm trợ giúp pháp lý khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sáp nhập tỉnh

08/05/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, sáng ngày 06/5/2025, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp (Cục PB&TG) đã tổ chức Tọa đàm “Công tác trợ giúp pháp lý khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, sáp nhập tỉnh” tại trụ sở Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang.

Đồng chủ trì buổi Tọa đàm có bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục PB&TG, ông Phạm Quang Đại, Phó Cục trưởng Cục PB&TG và bà Nguyễn Thị Thược, Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang. Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp và lãnh đạo các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Yên Bái và đại diện một số cơ quan liên quan của tỉnh Tuyên Quang: ông Phúc An Hoành, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và ông Vũ Trung Kiên Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Tuyên Quang.
Phát biểu khai mạc, bà Vũ Thị Hường cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1866/BTP-PLHSHC ngày 09/4/2025 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; trong đó có hướng dẫn về việc tổ chức các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) và chi nhánh của Trung tâm. Để kịp thời nắm bắt và tìm ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, Cục PB&TG tổ chức tọa đàm thảo luận chuyên sâu về “Công tác trợ giúp pháp lý khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, sáp nhập tỉnh”. Vì vậy, bên cạnh việc trình bày thực trạng và yêu cầu đổi mới công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) khi bước vào kỷ nguyên mới, các đại biểu cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh trong công tác TGPL ở địa phương khi thực hiện sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã và bỏ cấp huyện nhằm tham mưu, đề xuất các giải pháp phù hợp xây dựng hệ thống tổ chức TGPL ổn định, vững mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới.
Ông Phạm Quang Đại nhấn mạnh, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, một trong những nhiệm vụ đặt ra trong năm 2025 là việc xác định được những “điểm nghẽn” trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó có thể chế về TGPL và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện TGPL là vô cùng quan trọng, từ đó mới có thể nghiên cứu, đưa ra những giải pháp phù hợp để đảm bảo hoạt động TGPL được thông suốt, liên tục, không bị gián đoạn khi sáp nhập tỉnh, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, bảo đảm hiệu quả hoạt động TGPL. Trong bối cảnh hiện nay, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia tố tụng, cũng cần xác định rõ vai trò và sự ưu tiên, tập trung của TGPL trong lĩnh vực dân sự, hành chính với các hình thức thức tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý cần phải nâng tầm về bản lĩnh chính trị, về kỹ năng, trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Chủ trương sáp nhập các tỉnh, xã và bỏ cấp huyện đòi hỏi TGPL phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện các thủ tục dịch vụ công trực tuyến toàn phần trên môi trường mạng theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

                                                                            Ông Phạm Quang Đại, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và
                                                                                                    Trợ giúp pháp lý phát biểu tại Tọa đàm

Các đại biểu tập trung trao đổi về thực tiễn công tác TGPL của các địa phương, đặc biệt là vai trò của Trung tâm trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã và tổ chức lại chính quyền địa phương theo mô hình 02 cấp. Phát biểu tham luận, bà Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang và ông Trương Huy Huân, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang đều đồng tình chia sẻ, sắp tới khi sáp nhập 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang với nhau thì có khá nhiều công việc phải gấp rút triển khai. Cũng có những khó khăn, thách thức đặt ra, kể cả đối với cán bộ, công chức, trong đó có Trợ giúp viên pháp lý. Đơn cử là quãng đường di chuyển từ Hà Giang về trung tâm mới của tỉnh tại Tuyên Quang khá xa, từ 100km-300km, đi lại khó khăn nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc tác nghiệp của các Trợ giúp viên pháp lý. Bên cạnh đó, các tỉnh miền núi phía Bắc có chung đặc điểm là có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng xa, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn; nhiều người không có hoặc không biết sử dụng điện thoại thông minh và mạng internet; thêm vào đó, có những địa bàn bị “lõm sóng”. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến ở địa bàn này gặp phải những khó khăn nhất định. Trong khi đó, đặc thù của hoạt động TGPL là vừa phải gắn với người yếu thế tại cơ sở vừa phải phối hợp kịp thời với cơ quan tố tụng. Do vậy, cần có sự nghiên cứu, thực hiện các biện pháp, giải pháp một cách hài hòa, kể cả trong công tác truyền thông pháp luật và TGPL; cần có sự kết hợp hài hòa cả phương thức truyền thông truyền thống và hiện đại cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Các đại biểu đều nhất trí rằng, hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn số 1866/BTP-PLHSHC ngày 09/4/2025 đã giúp các Sở Tư pháp có hướng nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tổ chức Trung tâm thuộc tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu của địa phương (có thể duy trì số lượng như trước khi tiến hành sáp nhập tỉnh). Phương án này được thống nhất cao vì hoàn toàn phù hợp với tính chất của TGPL - là dịch vụ công thiết yếu giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Công việc TGPL đòi hỏi người thực hiện TGPL phải thường xuyên, kịp thời phối hợp với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là các cơ quan tố tụng trong các hoạt động như xử lý tin báo, tố giác tội phạm, khởi tố bị can, hỏi cung bị can, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường...Việc tiếp tục duy trì các Trung tâm như trước khi sáp nhập vừa bảo đảm sự ổn định, thông suốt, không bị gián đoạn hoặc gây khó khăn, trở ngại cho công tác TGPL vừa phù hợp với quan điểm trợ giúp pháp lý phải kịp thời và gần dân.
                                                          Bà Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Tọa đàm

                                                    Ông Trương Huy Huân, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trần Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Kạn chia sẻ, là một tỉnh miền núi nên thực tế đội ngũ luật sư và Trợ giúp viên pháp lý trên địa bàn tỉnh còn mỏng nên vai trò của Trợ giúp viên pháp lý rất quan trọng. Ông đánh giá cao Công văn số 1866/BTP-PLHSHC của Bộ Tư pháp đã đưa ra hướng dẫn kịp thời cho một trong những vấn đề cấp thiết trong công tác tư pháp, đó là lĩnh vực TGPL. Trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, ông đề xuất Cục PB&TG cần nghiên cứu tham mưu Bộ Tư pháp hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình TGPL thống nhất, đồng bộ với các cơ quan tiến hành tố tụng như Tòa án, Kiểm sát, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng.
                                                      Ông Trần Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại Tọa đàm

                                                          Ông Đào Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Tọa đàm

Ông Đào Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ và ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên cho rằng việc tiếp tục duy trì số lượng các Trung tâm hiện có hoàn toàn không trái với quy định pháp luật hiện nay. Ưu tiên hàng đầu vẫn là phải đảm bảo người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập vẫn có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ TGPL chất lượng, không bị gián đoạn.
                                                      Ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Tọa đàm

                                            Ông Đỗ Viết Khoa, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Yên Bái
                                   và bà Kim Hồng Thanh Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc

Phát biểu về mô hình tổ chức của Trung tâm sau khi sáp nhập tỉnh, ông Đỗ Viết Khoa, Giám đốc Trung tâm tỉnh Yên Bái cho biết, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái và Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai đã thống nhất xây dựng Đề án hợp nhất Sở Tư pháp 02 tỉnh, trong đó đề nghị tiếp tục duy trì 02 Trung tâm như trước khi tiến hành sáp nhập tỉnh; mỗi Trung tâm được giao phụ trách địa bàn cụ thể trong phạm vi tỉnh. Đến nay, Đề án hợp nhất 02 tỉnh đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái và Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai thông qua. Theo đó, sẽ có Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai (Cơ sở 1 đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay, Cơ sở 2 đặt tại tỉnh Lào Cai hiện nay).
Về mô hình tổ chức của TGPL trong mối quan hệ với hoạt động xét xử, ông Phúc An Hoành, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tòa án nhân dân, hệ thống tòa án theo mô hình gồm 3 cấp là tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực. Do vậy, cần nghiên cứu mô hình tổ chức TGPL tương thích với mô hình tòa án khu vực, bảo đảm thực hiện tốt việc bào chữa hay bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL trong các vụ án.
Trong hoạt động điều tra, ông Nguyễn Thành Hưng – Phó Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang thông tin về vai trò của công an cấp xã được tăng cường. Đồng thời, ông chia sẻ những bài học kinh nghiệm khi bỏ cơ quan công an cấp huyện và đề xuất cần đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức tập huấn Luật TGPL năm 2017, Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC và Chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 cho đội ngũ cơ quan cảnh sát điều tra các cấp khi tổ chức mô hình chính quyền 02 cấp, sáp nhập tỉnh để công tác phối hợp TGPL trong tố tụng hình sự bảo đảm kịp thời và hiệu quả.
Ngoài ra, đại biểu đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang cũng có những trao đổi về việc làm thế nào để phát huy tối đa các nguồn lực sẵn có tại địa phương, đặc biệt là đội ngũ luật sư tại địa phương nhằm đạt được mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác TGPL.
Kết thúc Tọa đàm, bà Vũ Thị Hường đã ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến trăn trở, những đề xuất rất tâm huyết của các đại biểu tham dự Tọa đàm, đây sẽ là “nguồn dữ liệu” quan trọng để Cục PB&TG nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật về TGPL và cũng là các kinh nghiệm quý báu để các địa phương có thể vận dụng phù hợp. Đồng thời, Phó Cục trưởng đề nghị Lãnh đạo các Sở Tư pháp, Lãnh đạo Trung tâm cần chủ động nghiên cứu sâu các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng được đề ra trong Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, tiếp tục bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Tư pháp về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp để tham mưu kịp thời cho cấp ủy đảng và chính quyền địa phương trong vấn đề hoàn thiện và ổn định mô hình TGPL. Mục tiêu then chốt là “lấy dân làm gốc”; đảm bảo công tác TGPL trên địa bàn phải được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả, không bị gián đoạn, qua đó góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; giúp họ tiếp cận dịch vụ pháp lý miễn phí của nhà nước một cách kịp thời và thuận tiện nhất. Cục PB&TG sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các địa phương trong việc nghiên cứu, tham mưu và đề xuất những giải pháp nhằm đổi mới công tác TGPL, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác TGPL đáp ứng tốt yêu cầu của kỷ nguyên mới.
                                                                                                           Nguyễn Phan Thùy Linh, Phòng Quản lý trợ giúp pháp lý,
                                                                                                              Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý
 

 

Xem thêm »