Hội thảo “Góp ý dự thảo Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực trong điều tra hình sự”

20/07/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tại Hà Nội, ngày 18/7/2023, Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) tổ chức Hội thảo góp ý đối với dự thảo Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về người thực hiện TGPL trực trong điều tra hình sự. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ (EU JULE), nhằm mục đích lấy ý kiến của người thực hiện TGPL, người quản lý công tác TGPL tại địa phương, Điều tra viên đối với dự thảo Chương trình.


Ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục TGPL, chủ trì hội thảo, bà Vũ Thị Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục TGPL đồng chủ trì. Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thanh Vân, đại diện Nhà tài trợ UNDP, đại diện Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an); đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an ttỉnh Tuyên Quang, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ, Công an huyện Đan Phượng, Hoài Đức (thành phố Hà Nội), đại diện lãnh đạo Trung tâm TGPL nhà nước và trợ giúp viên pháp lý thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nam, Tuyên Quang, Hòa Bình.

Phát biểu khai mạc, bà Vũ Thị Hoàng Hà đã điểm lại một số kết quả đạt được sau khi Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10). Ngày 17/02/2020, Bộ Công an đã có Công văn số 481/BCA-V03 yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương :“Nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp với Trung tâm TGPL ở địa phương để có thể bố trí Trợ giúp viên pháp lý ứng trực (qua điện thoại) kịp thời thực hiện công tác TGPL khi có yêu cầu”.
Đây là cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác phối hợp TGPL trong việc hướng dẫn, giải thích, thông báo, thông tin về TGPL của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người thực hiện TGPL. Từ năm 2018 - 2022, các Trung tâm TGPL nhà nước đã thực hiện hơn 23 nghìn vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả. Đặc biệt, có nhiều vụ việc thành công, hiệu quả rõ ràng người được TGPL được tuyên không có tội hoặc được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng. Đồng thời, bà Vũ Thị Hoàng Hà cũng nêu lên những khó khăn, tồn tại cần khắc phục và mong muốn các đại biểu tham dự chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai nhiệm vụ này tại địa phương, góp ý cụ thể vào nội dung dự thảo Chương trình phối hợp, đề xuất nhiều sáng kiến, nhiều ý tưởng để chuyên gia phối hợp với Cục TGPL hoàn thiện dự thảo Chương trình.
Tiến sỹ Lê Thị Kim Dung, chuyên gia UNDP giới thiệu những nội dung cơ bản của dự thảo Chương trình phối hợp, bao gồm: (i) Mục đích, yêu cầu; (ii) Nội dung chương trình phối hợp; (iii) Phân công trách nhiệm; (iv) Tổ chức thực hiện.
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang có tham luận về người thực hiện TGPL trực trong điều tra hình sự. Đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, đại diện Trung tâm TGPL nhà nước thành phố Hà Nội, tỉnh Hòa Bình có tham luận đánh giá về sự cần thiết người thực hiện TGPL trực trong điều tra hình sự. Các tham luận cho thấy, việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10 và các văn bản có liên quan đã giúp công tác TGPL nói chung, đặc biệt là việc thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng tại các địa phương đã có những bước tiến đáng kể, người bị buộc tội, đương sự, bị hại được tiếp cận sớm với TGPL. Các trợ giúp viên pháp lý được tham gia vụ việc ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can, một số nơi thực hiện từ giai đoạn tố giác tội phạm. Trong quá trình thực hiện vụ việc ở giai đoạn điều tra, về cơ bản người thực hiện TGPL được các cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ tạo điều kiện để bảo đảm việc bào chữa cũng như bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL.
Tuy nhiên, một số cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ chưa thực hiện triệt để việc giới thiệu thông tin về TGPL trong giai đoạn đầu của quá trình tố tụng. Trong một số trường hợp, do hạn chế về thời gian nên việc giới thiệu chưa đầy đủ, do đó, người bị buộc tội, bị hại, đương sự chưa nắm được đầy đủ thông tin về quyền được TGPL của mình hoặc có một số trường hợp họ là người được TGPL nhưng chưa có yêu cầu TGPL, chưa được giới thiệu đến Trung tâm TGPL để Trung tâm thực hiện nhiệm vụ giải thích quyền  được TGPL cho họ. Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình nhưng Thông tư liên tịch số 10 chưa quy định việc giải thích quyền được TGPL cho người được TGPL là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nên những người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể không biết quyền được TGPL của mình dẫn đến việc bỏ sót người được TGPL.
 

Các đại biểu tham dự đều nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Chương trình phối hợp nhằm bảo đảm cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự tiếp cận TGPL ở giai đoạn đầu của tố tụng hình sự (giai đoạn điều tra). Một số ý kiến đề nghị: dự thảo Chương trình phối hợp cần căn cứ vào tình hình thực tế, nguồn lực của mỗi Trung tâm để lựa chọn thời gian trực hợp lý; bỏ quy định “…gửi kèm bản sao hợp đồng đã ký với Trung tâm trợ giúp pháp lý …” vì phát sinh thêm thủ tục hành chính, mặt khác đây là danh sách đã được kiểm duyệt, ký tên, đóng dấu của Trung tâm; việc xây dựng Chương trình phối hợp cần đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ, không phát sinh thủ tục hành chính, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động của người thực hiện TGPL; cần quy định cụ thể về nội dung, biện pháp thực hiện, phân công nhiệm vụ đối với từng cơ quan dự liệu cũng như dự liệu các tình huống phát sinh khi triển khai phối hợp trong thực tế…
 Phát biểu bế mạc, ông Cù Thu Anh tiếp tục khẳng định sự cần thiết ban hành Chương trình phối hợp. Nếu Chương trình phối hợp được triển khai trên thực tế thì kết quả của hoạt động phối hợp này rất có ý nghĩa trong việc không bỏ sót đối tượng được TGPL trong điều tra hình sự, số lượng và chất lượng vụ việc TGPL về tố tụng hình sự tăng lên, tính xã hội sâu rộng, tính nhân văn sâu sắc của công tác TGPL tiếp tục được lan tỏa. Ông Cù Thu Anh ghi nhận các ý kiến đóng góp chất lượng của các đại biểu là cơ sở để chuyên gia phối hợp với Cục TGPL hoàn thiện dự thảo Chương trình phối hợp để các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương mình (thực trạng công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, số lượng án hình sự trên địa bàn, nguồn lực của Trung tâm TGPL…) để áp dụng cho phù hợp.
Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ, Cục Trợ giúp pháp lý
 

Xem thêm »