Hội thảo và tập huấn trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính

18/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2021 của Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) ban hành kèm theo Quyết định số 176/QĐ-BTP ngày 05/02/2021 của Bộ Tư pháp và Quyết định số 2584/QĐ-BTP ngày 25/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2021, ngày 15/11/2021 Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá 10 năm kết quả trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính giai đoạn 2011 - 2021” và “Tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong lĩnh vực dân sự”.

Hội thảo và tập huấn được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam và Hội người khuyết tật một số quận thuộc thành phố Hà Nội; người thực hiện TGPL một số tỉnh, thành phố.  Bà Vũ Thị Hoàng Hà, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, điểm qua một số kết quả của hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong thời gian qua, Bà Vũ Thị Hoàng Hà khẳng định qua 10 năm thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật và gần 05 thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đã đạt được nhiều kết quả, tạo điều kiện cho người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính hiện nay còn gặp phải một số khó khăn như: một số địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Vì nhiều lý do khác nhau, vẫn còn người khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước. Một số người khuyết tật có tâm lý e ngại, giấu kín sự việc, không tiếp xúc chia sẻ với người khác hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, khó có thể biết và kịp thời hỗ trợ, trợ giúp họ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thêm vào đó, việc nắm bắt tâm lý, giao tiếp, trao đổi thông tin với người khuyết tật cũng có những đặc thù, đòi hỏi người có thẩm quyền và người thực hiện trợ giúp pháp lý phải có kỹ năng và kinh nghiệm nhất định. Chính vì vậy, buổi Hội thảo sẽ trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý trong giai đoạn vừa qua, từ đó làm cơ sở cho việc thực hiện tốt hơn nữa chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong thời gian tới.
 
Ông Hoàng Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bắc Giang phát biểu tham luận
 
Ông Võ Quốc Hoàng - Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tham luận

Tại buổi hội thảo, ông Phan Văn Tuân, Phó phòng tài chính - quản lý chất lượng trợ giúp pháp lý thay mặt Cục Trợ giúp pháp lý trình bày tham luận về 10 năm thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyêt tật có khó khăn về tài chính trên toàn quốc. Hội nghị đã nghe tham luận của một số tỉnh/thành phố như Bắc Giang, Hà Tĩnh và một số ý kiến của các tỉnh/thành phố tham dự Hội nghị về kết quả, kinh nghiệm trợ giúp pháp lý tại địa phương. Hội thảo cũng nghe ông Trần Xuân Hiếu, Hội viên Hội người khuyết tật quận Hoàng Mai chia sẻ kinh nghiệm phối hợp với Chi nhánh số 3 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hà Nội, nhất là trong công tác truyền thông và giới thiệu người khuyết tật tiếp cận trợ giúp pháp lý. Ông cũng mong muốn Luật Trợ giúp pháp lý mở rộng cho tất cả người khuyết tật được trợ giúp pháp lý, không phân biệt điều kiện “có khó khăn về tài chính”. Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Vũ Thị Hoàng Hà cho biết, theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017, ngoài trường hợp người khuyết tật có khó khăn về tài chính thì người khuyết tật cũng được hưởng TGPL khi thuộc một trong các trường hợp sau: người khuyết tật là người có công với cách mạng; người khuyết tật là người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật là trẻ em; người khuyết tật là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người khuyết tật là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người khuyết tật là người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người khuyết tật là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính; người khuyết tật là người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính; người khuyết tật là người cao tuổi có khó khăn về tài chính; người khuyết tật là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; người khuyết tật là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính; người khuyết tật là nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính; người khuyết tật là người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính. Đồng thời bà Hà cũng chia sẻ và ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu để công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.
 
Luật sư, Giảng viên Nguyễn Ngọc Lan, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu và tư vấn khoa học quản trị trình bày bài giảng

Sau chương trình hội thảo, đến chương trình tập huấn, Luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu và tư vấn khoa học quản trị (GES), giảng viên hợp tác nhiều năm với Cục đã tập huấn cho các học viên là trợ giúp viên pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý của một số tỉnh về “kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trong lĩnh vực dân sự”. Mục đích của buổi tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính trong lĩnh vực dân sự chú trọng về các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai. Với kinh nghiệm hoạt động trong tố tụng dân sự, nhất là lĩnh vực đất đai, giảng viên đã trình bày và chia sẻ với các học viên về hoạt động thực tiễn, cũng như kỹ năng giải quyết các tranh chấp dân sự, nhất là tranh chấp trong lĩnh vực đất đai để học viên lĩnh hội kiến thức, áp dụng trong hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính nói riêng tại địa phương./.                 
 
 
Phòng Tài chính và Quản lý chất lượng trợ giúp pháp lý
 

Xem thêm »