Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phòng, chống mua bán người

21/04/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Để triển khai Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý đã tham mưu, đề xuất Bộ Tư pháp xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý nhằm hướng dẫn một số đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phòng, chống mua bán người. Ngày 17/4/2025, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Tổ soạn thảo xây dựng Thông tư đã họp dưới sự chủ trì của ông Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý và sự tham gia của lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Phú Thọ, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Dự thảo Thông tư sửa đổi một số nội dung của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý để hướng dẫn giấy tờ chứng minh các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phòng, chống mua bán người nhằm tạo điều kiện cho các nhóm này khi tiếp cận trợ giúp pháp lý. Theo quy định của Luật Tư pháp người chưa thành niên thì người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng, người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng, phạm nhân và quy định của Điều 61 Luật Phòng, chống mua bán người thì nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của hành vi mua bán người và người dưới 18 tuổi đi cùng thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Như vậy, so với quy định Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thì diện người được trợ giúp pháp lý đã mở rộng hơn. Bên cạnh đó trong bối cảnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, để tạo điều kiện cho người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong việc yêu cầu trợ giúp pháp lý dự thảo Thông tư có quy định trách nhiệm của cá nhân giải quyết thủ tục hành chính trong trợ giúp pháp lý khai thác các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu khác. Việc đề xuất sửa đổi giấy tờ hướng dẫn cho các đối tượng này và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý khi thực hiện thủ tục hành chính.
Các thành viên Tổ soạn thảo nhất trí cao với sự cần thiết ban hành và các nội dung của dự thảo Thông tư. Nhiều đại biểu đánh giá cao, cho rằng cách quy định giấy tờ chứng minh đối tượng trợ giúp pháp lý tại dự thảo Thông tư là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong quá trình áp dụng. Một số vấn đề liên quan đến hoạt động nghiệp vụ trong công tác trợ giúp pháp lý cũng được thảo luận tại buổi họp để có hướng dẫn cụ thể.

 
Nhãn

Kết luận cuộc họp, ông Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý - Tổ trưởng Tổ soạn thảo đã tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự cuộc họp và chỉ đạo nhóm thường trực Tổ soạn thảo khẩn trương hoàn thiện dự thảo Thông tư và tổ chức lấy ý kiến theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh nội dung đã có trong dự thảo, đề nghị các thành viên nghiên cứu thêm những vướng mắc cần hướng dẫn đề có thể bổ sung trong Thông tư này hoặc các văn bản khác./.
Nguyễn Diệu Hương - Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »