Trao đổi về các bước xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công

05/01/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Như chúng ta đã biết, sau 05 năm triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã tập trung nguồn lực vào thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng. Số lượng vụ việc tham gia tố tụng ngày càng tăng, chất lượng trợ giúp pháp lý ngày càng cao. Nhiều vụ việc mà quan điểm bào chữa, bảo vệ cho người được trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh, thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, thậm chí được vô tội đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo đảm nguyên tắc, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử và phòng, chống oan sai cũng như bỏ lọt tội phạm.

Để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công, hiệu quả, trong thời gian qua Cục Trợ giúp pháp lý đã có một số Công văn đề nghị địa phương báo cáo về vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công, hiệu quả. Tiếp đó nội dung này được quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Triển khai nội dung này, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu xây dựng và ban hành các Tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công (Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 16/5/2022) làm cơ sở để địa phương xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên ngành Tư pháp có các tiêu chí để đánh giá sự thành công đối với một vụ việc dịch vụ pháp lý cụ thể.
Việc xác định vụ việc tham gia tố tụng thành công có ý nghĩa trong việc vinh danh, khích lệ đội ngũ người, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý thành công; tạo cơ hội trao đổi nghiên cứu, tham khảo nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm, đồng thời nắm bắt được năng lực, trình độ của người thực hiện trợ giúp pháp lý, qua đó có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý nói riêng và có giải pháp bảo đảm, nâng cao hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý nói chung. Mặt khác, kết quả của việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công có thể lựa chọn được những vụ việc thành công có tính điển hình, nổi trội để truyền thông về hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý, qua đó nâng cao uy tín, vị trí, vai trò cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý trong xã hội nói chung. Với những ý nghĩa đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình quản lý, xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công.
Theo báo cáo của địa phương, từ khi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đến nay (từ năm 2018 đến hết năm 2022), các tổ chức thực hiện TGPL trên cả nước đã thực hiện được 157.504 vụ việc, trong đó có 76.308 vụ tham gia tố tụng (chiếm 48,45%). Theo tổng hợp từ địa phương năm 2018 – 2022, có 23.858 vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả, trong đó chia theo người thực hiện TGPL: Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 20.284 vụ việc, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL thực hiện 3.574 vụ việc. Riêng năm 2022 có 7.417 vụ việc tham gia tố tụng thành công.
Các Tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công được ban hành theo Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 16/5/2022 bao gồm 30 tiêu chí cụ thể trong lĩnh vực hình sự, dân sự và hành chính như sau: Có 19 tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công trong lĩnh vực hình sự, có 07 tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công trong lĩnh vực dân sự, có 04 tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công trong lĩnh vực hành chính. Các tiêu chí này được xây dựng dựa trên tư cách tham gia tố tụng của người được trợ giúp pháp lý và các giai đoạn tố tụng.
Có thể nói rằng, việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công là một vấn đề còn rất mới ở Việt Nam. Bộ Tư pháp mới ban hành các Tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công, tuy nhiên chưa có quy định trình tự, thủ tục cụ thể đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý thành công, vì vậy còn có một số khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, về nguồn lực thực hiện xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công cũng là một vấn đề cần phải quan tâm. Tính đến hết năm 2021, 666 Trợ giúp viên pháp lý, 667 Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL, 108 luật sư tại các Tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp, 154 luật sư tại tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.  Nhưng thực tế, nhiều Trợ giúp viên pháp lý mới được bổ nhiệm; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý một số nơi chưa thực sự tham gia nhiệt tình vào công tác trợ giúp pháp lý nên chưa đủ thời gian để tích lũy những kinh nghiệm thực tế để có thể đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý như mong muốn. Hơn nữa, nhiệm vụ thực hiện trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ chính, còn các nhiệm vụ này là bổ sung phục vụ công tác kiểm soát, quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Do đó nguồn lực, thời gian dành cho công việc này vẫn còn ở mức khiêm tốn. Đồng thời, việc chi trả, thanh toán các chế độ bồi dưỡng cho người được phân công thực hiện xác định, người kết luận việc xác định vụ việc,... chưa được quy định mặc dù hoạt động này cũng chiếm thời gian, công sức của người thực hiện việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Ngoài ra, phần mềm tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý chưa thực sự thuận lợi cho việc đăng tải hồ sơ vụ việc lên hệ thống, nhất là các vụ việc thành công; hiện nay việc cập nhật, thống kê vụ việc thành công đang thực hiện thủ công, dễ dẫn đến sai sót, chưa chia các trường thể hiện được tính thành công để tiện đăng tải, tra cứu, thống kê số liệu....
Vì hiện nay không có quy định cũng như thông lệ chung nên tùy từng điều kiện, tình hình cụ thể tại địa phương mà việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công có thể kết hợp cùng với hoạt động khác, ví dụ: đối với Trung tâm trợ giúp pháp lý có thể kết hợp việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công với việc thẩm định thời gian thực hiện để thanh toán hoặc thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Việc ghép kết hợp để triển khai là vấn đề linh hoạt, nhằm tiết kiệm thời gian, nhân lực thực hiện. Tuy nhiên cần nắm vững các tiêu chí của từng hoạt động để thực hiện theo đúng quy định. Tránh tình trạng làm “qua loa”, “lấy lệ”.
Để góp phần tháo gỡ những khó khăn trên, bài viết xin trao đổi về nội dung các bước thực hiện việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công như sau:
Qua nghiên cứu và tham khảo thực tiễn, việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công có thể được thực hiện trình tự như sau:
1. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết
1.1. Xem xét đối tượng cần được xác định:
+ Xác định đối tượng là các vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng đã kết thúc trong kỳ báo cáo.
+ Xác định tỷ lệ vụ việc cần xác định/tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng kết thúc để xác định thời gian, nguồn nhân lực cần thiết để thực hiện việc xác định vụ việc (trong khoảng thời gian cần báo cáo).
* Phạm vi xác định vụ việc trợ giúp pháp lý thành công trong tố tụng:
- Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp có trách nhiệm thực hiện quản lý và tổ chức đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi toàn quốc.
- Sở Tư pháp có trách nhiệm quản lý và tổ chức đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa phương.
- Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm tổ chức đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng của tổ chức mình.
Căn cứ vào yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công, trong đó xác định phạm vi; tỷ lệ vụ việc; cách thức tiến hành đánh giá và các điều kiện cần thiết khác (nếu có).
* Đối tượng xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công:
+ Loại vụ việc thuộc đối tượng xác định: Vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng và được xác định là đã kết thúc. Theo Điều 10 Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 26/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý quy định vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
  • Thực hiện xong yêu cầu hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý theo hình thức trợ giúp pháp lý thể hiện trong đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý.
  • Thuộc một trong các trường hợp không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật Trợ giúp pháp lý.
  • Bị đình chỉ theo quy định của pháp luật.
+ Lựa chọn vụ việc để xác định: Tùy thuộc vào thẩm quyền của cơ quan, tổ chức xác định mà vụ việc được xác định sẽ khác nhau, cụ thể theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BTP thì:
Đối với Cục Trợ giúp pháp lý: Cục Trợ giúp pháp lý thực hiện việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công dựa trên một trong các căn cứ sau đây[1]:
  • Vụ việc theo chương trình, kế hoạch đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý.
  •  Vụ việc do Cục Trợ giúp pháp lý nắm bắt được qua hoạt động theo dõi, kiểm tra hoạt động đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý của địa phương.
  •  Vụ việc khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về trợ giúp pháp lý.
* Đối với Sở Tư pháp: Sở Tư pháp thực hiện việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công dựa trên một trong các căn cứ sau đây[2]:
  • Vụ việc theo chương trình, kế hoạch đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý.
Các vụ việc này có thể là tất cả cũng có thể là lựa chọn theo người thực hiện, theo lĩnh vực hay theo nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý.v.v.
  • Vụ việc đã được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đánh giá hiệu quả bị phản ánh, kiến nghị với Sở Tư pháp vì cho rằng vụ việc trợ giúp pháp lý chưa bảo đảm hiệu quả.
  • Vụ việc khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý tại địa phương.
* Đối với các Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý: Tất cả các vụ việc tham gia tố tụng do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện đã kết thúc.
1.2. Xem xét nguồn nhân lực thực hiện
Thông tư số 03/2021/TT-BTP không quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện của người thực hiện đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Vì vậy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng xem xét, quyết định phân công nhân sự thực hiện việc xác định.
- Tổ chức thực hiện việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng  thành công: Theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BTP thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công bao gồm:
          + Cục Trợ giúp pháp lý – Bộ Tư pháp.
          + Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
          + Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý).
- Người thực hiện việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công: Hiện nay, không có quy định về người thực hiện xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Tuy nhiên, người thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc tố tụng hiện nay được quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý và các Bộ luật, luật về tố tụng, bao gồm:
          - Trợ giúp viên pháp lý;
          - Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước;
 -  Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
Để vụ việc tham gia tố tụng được xác định bảo đảm khách quan, đúng tiêu chí và phù hợp quy định của pháp luật, người thực hiện xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công phải là người có trình độ kiến thức, kinh nghiệm nghiệp vụ từ ngang bằng trở lên với người thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc tố tụng. Do đó, người thực hiện việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công cũng có thể là người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý nơi mình công tác (bao gồm Trợ giúp viên pháp lý; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý) nhưng không phải là người thực hiện vụ việc được xác định hoặc người có trình độ tương đương được tổ chức, cơ quan có thẩm quyền xác định vụ việc trợ giúp pháp lý thành công mời như:
- Các luật sư, chuyên gia pháp luật có kinh nghiệm tham gia đánh giá.
- Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý làm việc tại các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trong cùng địa phương.
- Đại diện tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác.
- Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra, khi cần thiết, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công cũng có thể mời thêm những người có liên quan khác tham gia như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán... trong vụ việc được đưa ra để xác đính.
Như vậy, người thực hiện xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công sẽ thực hiện việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý thành công trong tố tụng khi được phân công hoặc được mời tham gia. Trong đó cần lưu ý đến các yếu tố của người thực hiện việc xác định như: trình độ chuyên môn, lĩnh vực và kinh nghiệm công tác có liên quan đến lĩnh vực, hình thức vụ việc cần xác định và thời gian của việc xác định (theo định kỳ (tháng, quý, năm) hoặc đột xuất) và các quy định của Thông tư số 03/2020/TT-BTP ngày 28/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, đặc biệt về bảo mật thông tin về người được trợ giúp pháp lý và vụ việc trợ giúp pháp lý.
1.3. Xây dựng chương trình, kế hoạch xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công
Tùy từng chủ thể đánh giá có thể xây dựng chương trình, kế hoạch theo định kỳ (tháng, quý, năm) hoặc đột xuất theo thẩm quyền. Riêng đối với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý do vụ việc cần đánh giá là 100% vụ việc tham gia tố tụng kết thúc trong kỳ báo cáo, do đó việc đánh giá sẽ được thực hiện thường xuyên, linh hoạt. Do đó, nội dung đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý thành công trong tố tụng có thể được lồng ghép trong chương trình, kế hoạch công tác năm/6 tháng hoặc chương trình, kế hoạch khác phù hợp.
Nội dung của chương trình, kế hoạch đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công gồm một số nội dung trọng tâm như:
- Mục đích, yêu cầu: Cần xác định rõ mục đích cơ bản của việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Chỉ khi xác định được mục đích đánh giá rõ ràng, cụ thể, thì việc xác định mới chính xác, đúng yêu cầu đề ra.
- Phạm vi, tỷ lệ vụ việc: Việc xác định được phạm vi xác định vụ việc (lĩnh vực vụ việc được đánh giá, tỷ lệ vụ việc được đánh giá) sẽ giúp kết quả đánh giá chính xác, khách quan nhằm bảo đảm thực hiện được mục tiêu của việc xác định. Đồng thời việc xác định phạm vi đúng, đủ sẽ hạn chế lãng phí nguồn lực.
Tỷ lệ xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công:
+ Đối với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý: 100% vụ việc tham gia tố tụng kết thúc trong kỳ báo cáo cần được xác định. Nên phân loại theo lĩnh vực pháp luật dân sự, hình sự, hành chính.
+ Đối với Sở Tư pháp và Cục Trợ giúp pháp lý: Cần xác định rõ tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có vụ việc cần được xác định; số lượng vụ việc tham gia tố tụng kết thúc trong kỳ báo cáo sẽ được xác định; người thực hiện trợ giúp pháp lý (Trợ giúp viên pháp lý, luật sư); tỷ lệ vụ việc trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính được xác định.
Tùy theo tình hình thực tiễn, trong Kế hoạch cơ quan có thẩm quyền đánh giá có thể lựa chọn tỷ lệ phần trăm (%) các vụ việc trong lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để xác định, phù hợp với tình hình thực tiễn như thời gian, nhân lực.
- Cách thức tiến hành: Chi tiết các công việc và nội dung cần triển khai, cách thức hoạt động, trách nhiệm của người thực hiện việc xác định, các điều kiện để thực hiện (bản kết quả xác định, tài liệu hướng dẫn, phân công công việc cụ thể…). Cần thống nhất việc đánh giá dựa trên nguyên tắc nào (chẳng hạn: nguyên tắc toàn vẹn, trung thực, có trách nhiệm, bảo mật thông tin vụ việc, độc lập, tiếp cận dựa trên cơ sở tài liệu xác đáng,…) và cần tập trung vào quy trình/hoạt động liên quan đến công việc cụ thể.
Báo cáo kết quả: thời hạn báo cáo kết quả đánh giá, các yêu cầu đối với báo cáo kết quả đánh giá; thời điểm, địa điểm đánh giá; tổ chức thực hiện, trách nhiệm thi hành; các điều kiện cần thiết khác (nếu có).
1.4. Thành lập đoàn/hội đồng
- Hồ sơ trình ban hành Quyết định thành lập đoàn/hội đồng
Hồ sơ trình người có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập đoàn/Hội đồng xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công có thể bao gồm: Phiếu trình hoặc tờ trình đề xuất; dự thảo kế hoạch đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý thành công trong tố tụng; dự thảo Quyết định thành lập đoàn/hội đồng xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Quyết định thành lập đoàn/hội đồng xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công theo định kỳ (tháng, quý, năm) hoặc theo đợt. Lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xác định ra quyết định thành lập Đoàn/hội đồng đồng thời phê duyệt Kế hoạch đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công.
+ Các loại quyết định thành lập Đoàn/Hội đồng: Phụ thuộc vào mục đích xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công của mỗi cơ quan có thẩm quyền mà quyết định thành lập đoàn/hội đồng xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công được ban hành theo từng đợt hoặc theo định kỳ.
Quyết định thành lập đoàn/hội đồng theo định kỳ: thường được ban hành theo chương trình, kế hoạch đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công định kỳ. Đối với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, do cần đánh giá 100% số vụ việc tham gia tố tụng kết thúc trong kỳ báo cáo, vì vậy việc đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công là nhiệm vụ thường xuyên. Việc phân công người đánh giá có thể thực hiện linh hoạt như phân công theo tháng/quý/6 tháng/năm hoặc theo từng đợt riêng lẻ hoặc phân công chéo .v.v để phù hợp với nguồn lực và thời gian của tổ chức, người thực hiện.
Quyết định thành lập đoàn/hội đồng theo đợt: có thể áp dụng trong trường hợp: (1) Đối với Sở Tư pháp, thành lập Đoàn/Hội đồng xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công theo đợt thường trong các trường hợp sau:  Vụ việc đã được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đánh giá hiệu quả bị phản ánh, kiến nghị với Sở Tư pháp vì cho rằng vụ việc trợ giúp pháp lý chưa bảo đảm hiệu quả; Các vụ việc khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý tại địa phương;
(2) Đối với Cục Trợ giúp pháp lý, thành lập Đoàn/Hội đồng xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công theo đợt trong các trường hợp sau: Qua hoạt động theo dõi, kiểm tra hoạt động đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý của địa phương; Các vụ việc khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về trợ giúp pháp lý.
1.5. Các vấn đề khác
- Truyền thông nội bộ: Việc đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý sẽ liên quan trực tiếp đến người thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của vụ án đó. Do đó, về tâm lý sẽ không có người nào mong muốn vụ việc của mình bị đưa ra để người khác xem xét, đánh giá. Thời gian đầu khi triển khai, có thể họ sẽ cảm thấy bị áp lực mỗi khi đến kỳ đánh giá. Vì vậy, trước khi đưa các vụ việc ra xác định, cơ quan/đơn vị đánh giá nên truyền thông nội bộ rõ ràng, cụ thể về mục tiêu của việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công sẽ giúp tối ưu hóa kết quả làm việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý, giúp tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có kế hoạch nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời giúp người thực hiện trợ giúp pháp lý hiểu đúng đánh giá như một công cụ giúp họ làm việc tốt hơn. Vì vậy, cần truyền thông nội bộ rõ ràng, minh bạch, có kế hoạch cụ thể.
  • Bồi dưỡng, tập huấn về đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Đây là vấn đề mới, do đó để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công cần phải có bồi dưỡng, tập huấn. Nếu không được bồi dưỡng tập huấn có thể sẽ tiến hành đánh giá theo cảm tính, thói quen, thậm chí là phiến diện dẫn đến kết quả đánh giá có thể sẽ không còn đảm bảo yếu tố chính xác, khách quan. Vì vậy, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xác định trước khi lựa chọn nhân sự đánh giá cần bồi dưỡng thêm về kỹ năng đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý hiệu quả.
  • Chuẩn bị tài liệu hướng dẫn: Người thực hiện việc xác định cần được tập huấn về các bước xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công và được cung cấp tài liệu hướng dẫn xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công để tham khảo. Đặc biệt, người thực hiện cần nắm vững nội dung các tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý thành công theo Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 16/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
  • Chuẩn bị vụ việc trợ giúp pháp lý được đưa ra để xác định: Chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ vụ việc được đánh giá (đặc biệt cần lưu ý các giấy tờ thể hiện quan điểm của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ việc được cơ quan tiến hành tố tụng chấp thuận). Cần sắp xếp hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng phân loại theo lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính theo trình tự thời gian để việc đánh giá được thuận lợi.
  • Chuẩn bị bản/bảng thể hiện kết quả việc xác định: Theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BTP kết quả xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công được thể hiện bằng văn bản và lưu hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý. Hiện nay chưa có mẫu giấy tờ văn bản xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công. Do đó có thể tham khảo các nội dung chủ yếu sau: Các thông tin cơ bản của vụ việc và diện người được trợ giúp pháp lý; Yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý; Quan điểm của người thực hiện trợ giúp pháp lý (bản bào chữa, bản bảo vệ, giấy tờ khác có thể hiện quan điểm của người thực hiện trợ giúp pháp lý …); Quan điểm của bên đối trọng (của bên buộc tội, của bên yêu cầu bồi thường, bản cáo trạng….); Kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng đối với việc giải quyết vụ án (quyết định tố tụng, bản án…); Đánh giá tính hiệu quả của vụ án: thành công hay không thành công. Nếu thành công thì thành công ở tiêu chí nào, ghi rõ sự thành công, hiệu quả của vụ việc trợ giúp pháp lý (tóm tắt khoảng 2-3 dòng); Xem lại quy trình, hồ sơ đánh giá của các kỳ trước (nếu cần)
2. Tiến hành xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công
2.1. Họp thống nhất về nguyên tắc, cách thức, nội dung xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công
+ Thống nhất nguyên tắc xác định.Cần thống nhất nguyên tắc xác định để bảo đảm sự đồng đều, tính chính xác của việc đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng. Một số nguyên tắc xác định có thể tham khảo như sau: Tuân thủ quy định pháp luật, trung thực, có trách nhiệm và suy xét trong việc đánh giá, bảo mật thông tin vụ việc trợ giúp pháp lý, độc lập, khách quan, dựa trên những bằng chứng, tài liệu hiện có.
+ Nắm rõ nguyên tắc chung trong việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công được ban hành theo Quyết định số 1179/Đ-BTP ngày 16/5/2022: Vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công là vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc; vụ việc mà quan điểm của người thực hiện trợ giúp pháp lý khác với quan điểm của một trong các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và được chấp nhận một phần hoặc toàn bộ theo hướng có lợi cho người được trợ giúp pháp lý trên cơ sở quy định của pháp luật.
+ Thống nhất về các phương pháp xác định: Trong quá trình đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công có thể sử dụng riêng lẻ hoặc sử dụng kết hợp các phương pháp khác nhau. Có thể kể đến một vài phương pháp như sau: Phương pháp liệt kê; phương pháp đối chiếu, so sánh, phương pháp kết luận...
+ Thống nhất cách thức làm việc, phân công công việc, nhiệm vụ cụ thể: Cần thống nhất tổ chức và phân công công việc hợp lý, khoa học, phân chia công việc cho các bộ phận, cách thức phối hợp nhằm cho công việc không bị gián đoạn. Phân công nhó cho các thành viên (theo quyết định thành lập đoàn/hội đồng) theo các nội dung sau: Số lượng người đánh giá, ai là người tham gia đánh giá; phân công nhiệm vụ của từng nhóm đánh giá đối với từng loại vụ việc tham gia tố tụng; đảm bảo người đánh giá có đủ năng lực. Ưu tiên lựa chọn người có kiến thức chuyên môn sâu trong lĩnh vực như vụ việc đang được xác định và nắm chắc, thực hành nhuần nhuyễn các kỹ năng  .
  1. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng
Kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý phải được thể hiện ở hồ sơ vụ việc. Do đó, việc đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công phải trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ việc. Đây là bước quan trọng trong quy trình đánh giá. Khác với việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, việc đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công tập trung vào kết quả vụ việc, yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý, quan điểm bảo vệ/bào chữa của người thực hiện trợ giúp pháp lý, quan điểm của bên đối trọng và phán quyết của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với vụ án. Vì vậy, khi tiến hành đánh giá, người đánh giá cần tiến hành kiểm tra hồ sơ vụ việc có đủ các loại giấy tờ thể hiện những quan điểm nêu trên.
- Nghiên cứu yêu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý: Nghiên cứu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và các giấy tờ tài liệu có liên quan đến vụ án để thấy rõ yêu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý.’
- Nghiên cứu luận điểm của người thực hiện trợ giúp pháp lý: Nghiên cứu các giấy tờ, tài liệu liên quan đến quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý: bản bào chữa hoặc bản bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý có chữ ký, họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý; giấy tờ, tài liệu khác thể hiện quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý … Hồ sơ vụ việc phải thể hiện rõ, cụ thể luận điểm, quan điểm, đề xuất của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong vụ án. Quan điểm, đề xuất của người thực hiện trợ giúp pháp lý chung chung sẽ không có căn cứ để xác định.
- Nghiên cứu quan điểm của bên đối trọng: Nghiên cứu các tài liệu, văn bản tố tụng tìm ra quan điểm của bên đối trọng như: bản kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản luận tội tại tòa, quyết định tố tụng, bản án... tùy vào từng giai đoạn tham gia tố tụng.
- Nghiên cứu quyết định, kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với vụ án. Nghiên cứu quyết định tố tụng, bản án để tìm ra quyết định, kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với việc giải quyết vụ án. Đây chính là căn cứ quan trọng để đối chiếu với các tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý thành công.
  1.  Kết quả đánh giá
Việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công phải được ghi lại bằng văn bản. Văn bản thể hiện kết quả của việc có thể có các nội dung sau:
- Tóm tắt những ý chính của vụ việc, thành công của người thực hiện trợ giúp pháp lý là gì (mã số hồ sơ, yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý và quan điểm bảo vệ/bào chữa của người thực hiện trợ giúp pháp lý, quan điểm của bên đối trọng, kết luận cuối cùng của cơ quan tiến hành tố tụng về việc giải quyết vụ án, tính hiệu quả, thành công, tiêu chí thành công,...).
- Đánh giá: So sánh đề xuất của người thực hiện trợ giúp pháp lý có quan điểm gì mới hoặc khác với bên đối trọng không? Có được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận hay không, chấp nhận ở mức độ nào trong việc giải quyết vụ án? Được thể hiện ở văn bản nào? Có lợi cho người được trợ giúp pháp lý như thế nào?
- So sánh kết quả trợ giúp pháp lý vụ việc với nội dung các tiêu chí xác định vụ việc trợ giúp pháp lý thành công theo Quyết định số 1179/QĐ-BTP ngày 16/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp để đưa ra kết luận.
- Kết luận: Vụ việc có thuộc vụ việc tham gia tố tụng thành công hay không? Nếu có thì thuộc tiêu chí nào? Nêu rõ.
3. Hoàn tất việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng
- Lưu hồ sơ, kết quả của việc xác định: Thông tin về các tài liệu, hồ sơ mà trong đó có các thông tin về kế hoạch xác định, chuẩn bị việc xác định, báo cáo kết quả việc xác định, cùng các chương trình, kế hoạch, quyết định đánh giá nội bộ cần được lưu trữ lại toàn bộ trong một bộ hồ sơ nhất định. Lưu văn bản thể hiện kết quả xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công vào hồ sơ vụ việc.
  • Tổng kết kết quả, thống kê, báo cáo: Việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công sẽ đem lại cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cũng như cơ quan quản lý về trợ giúp pháp lý có định hướng phát triển, phương hướng hành động tiếp theo tạo một sự chuyển biến hay thay đổi tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác trợ giúp pháp lý. Sau khi đánh giá xong, phải thực hiện thống kê, báo cáo và cập nhật lên phần mềm hệ thống vụ việc trợ giúp pháp lý thành công hiệu quả.
  • Vinh danh, khen thưởng, rút kinh nghiệm: Tùy tình hình thực tiễn, có hình thức khen thưởng xứng đáng với những người thực hiện trợ giúp pháp lý có nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý thành công hoặc có vụ việc trợ giúp pháp lý thành công nổi trội, điển hình hơn. Điều này vừa giúp tạo động lực phấn đấu cho chính bản thân những người thực hiện trợ giúp pháp lý và là “cú hích” để những người thực hiện trợ giúp pháp lý khác trong tổ chức phấn đấu.
- Lập kế hoạch truyền thông về vụ việc trợ giúp pháp lý thành công có tính chất điển hình hoặc đào tạo, tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý: Trên cơ sở tổng kết kết quả, phát hiện những vụ án trợ giúp pháp lý thành công điển hình, nổi trội, có thể dựng phóng sự, phim truyền thông hoặc bài viết, tọa đàm trao đổi, học hỏi cũng như rút ra những kinh nghiệm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý. Qua kết quả đánh giá cũng có thể nắm bắt nhu cầu đào tạo, tập huấn về kỹ năng trợ giúp pháp lý nào cần thiết để tổ chức tập huấn cho phù hợp, đúng trọng tâm, trọng điểm.../.
Thạc sỹ Trịnh Thị Thanh, Cục Trợ giúp pháp lý
 
 

[1] Khoản 9 Điều 2 Thông tư số 03/2021/TT-BTP
[2] Khoản 9 Điều 2 Thông tư số 03/2021/TT-BTP

Xem thêm »