“Biến nguy thành cơ”, cơ hội phát triển mới trong công tác trợ giúp pháp lý cho người yếu thế sau đại dịch

05/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

COVID-19 với ca bệnh đầu tiên xuất hiện vào đầu năm 2020, cùng với đó là những ảnh hưởng nặng nề đối với xã hội – kinh tế, đặc biệt trong các năm 2020, 2021. Đối với lĩnh vực trợ giúp pháp lý, COVID-19 đã làm gián đoạn khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cho những người cần giúp đỡ trước và trong đại dịch. Với tác động to lớn của nó đối với gia đình, sức khỏe, việc làm và trường học của mọi người, đại dịch COVID-19 cũng tạo ra một loạt các nhu cầu pháp lý hoàn toàn mới.

Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc lên mọi hoạt động của đời sống kinh tế, xã hội của người dân, đặc biệt, phụ nữ, trẻ em là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch Covid-19. Áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống đã khiến các vụ bạo lực đối với người yếu thế, trong đó có phụ nữ, trẻ em có xu hướng gia tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, thời điểm bùng phát dịch, Việt Nam và thế giới đều ghi nhận sự bùng phát bạo lực đối với trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật.
Theo nhận định của các cơ quan tiến hành tố tụng, tình hình tội phạm sẽ phức tạp hơn sau COVID-19 do mất việc làm, không có thu nhập và các tranh chấp dân sự, kinh tế sẽ tăng. Một số loại tội phạm phát sinh có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, số vụ án xâm phạm trật tự xã hội tăng 6%; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, tổ chức đánh bạc và tội phạm về ma túy xảy ra nhiều vụ với quy mô rất lớn. Về tổng thể, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, như hiếp dâm trẻ em tăng 9,26%; lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 4,19%, gây rối trật tự công cộng tăng 18,73%. Số vụ giết người tuy có giảm (giảm 7,26%) nhưng xảy ra một số vụ với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.[1]
Dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động trợ giúp pháp lý gặp rất nhiều khó khăn. Việc hạn chế đi lại, tiếp xúc giữa các vùng dịch, lịch trình làm việc bị gián đoạn và nhiều trách nhiệm chăm sóc trẻ em hoặc gia đình, khiến việc gặp gỡ, tiếp xúc của người thực hiện trợ giúp pháp lý với người được trợ giúp pháp lý và cơ quan tiến hành tố tụng theo cách truyền thống không phát huy được hiệu quả, cản trở khả năng đáp ứng nhu cầu pháp lý của người được trợ giúp pháp lý một cách đầy đủ và toàn diện, và ngược lại, cũng hạn chế khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý.
Trong bối cảnh đó, nhận định dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến công việc, cuộc sống, sinh hoạt của người dân, nhất là những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, có thể làm gia tăng số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các diện người được trợ giúp pháp lý khác trong điều kiện áp dụng chuẩn nghèo mới. Ở Trung ương, Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đã có những chỉ đạo kịp thời để tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 (thể hiện rõ tại các văn bản: Công văn số 339/CTGPL-CS&QLNV ngày 14/8/2020 hưởng ứng ngày thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý (06/9) và Công văn 356/CTGPL-CS&QLNV ngày 10/8/2021 hưởng ứng ngày thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý, ngày Vì người nghèo và ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021). Đồng thời, Bộ Tư pháp tham gia đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến, với các quy định về đặt điểm cầu thành phần tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, mang lại chuyển biến mới trong hoạt động trợ giúp pháp lý, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Ở địa phương, thực hiện chỉ đạo của Cục Trợ giúp pháp lý, các Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh/thành phố đã thích nghi để tiếp tục hoạt động trong thời kỳ đại dịch, nỗ lực phấn đấu, tích cực khắc phục khó khăn, bằng nhiều phương pháp sáng tạo trong triển khai các hoạt động để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các mạng xã hội, đường dây nóng trợ giúp pháp lý để kết nối, nắm bắt tình hình và kịp thời thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân. Ngoài ra, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đang chuẩn bị các cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật để thiết lập, sử dụng hiệu quả điểm cầu thành phần trong phiên tòa trực tuyến, giúp cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện các hoạt động bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được thuận lợi, kịp thời, cũng như giúp người được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc tham gia tố tụng tiếp cận được với dịch vụ trợ giúp pháp lý được dễ dàng hơn. Có thể nói, những thích ứng trên của các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố là tích cực, kịp thời và hiệu quả.
Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, về tổng thể, tổng số lượt người được trợ gúp pháp lý trong các năm 2020, 2021 có sự sụt giảm so với năm 2019. Cụ thể: năm 2019, tổng số lượt người được trợ giúp pháp lý là 37.126 lượt người; năm 2020, số lượt người được trợ giúp pháp lý giảm còn 24.566 lượt người; năm 2021, số lượt người được trợ giúp pháp lý giảm còn 22.799 lượt người. Sự sụt giảm về số lượt người được trợ giúp pháp lý kéo theo sự sụt giảm tương ứng của từng diện người được trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, lại có diện người được trợ giúp pháp lý có số lượt được trợ giúp pháp lý cao hơn so với trước khi dịch bệnh diễn ra như: người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi[2]; đặc biệt, trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng cho một số nhóm tăng cao hơn so với trước dịch như: phụ nữ[3]; trẻ em[4], người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn [5], người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người cao tuổi có khó khăn về tài chính, người khuyết tật có khó khăn về tài chính, người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính. Số lượt người được trợ giúp pháp lý có nhu cầu trợ giúp pháp lý tăng ở các nhóm đối tượng trên phù hợp với tác động của dịch Covid-19 lên đời sống kinh tế - xã hội và các đối tượng yếu thế này.  
Trong thời gian tới, trước nguy cơ tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp có thể bùng phát trở lại, để xóa bỏ khoảng cách tiếp cận trợ giúp pháp lý, sự thích ứng trong ngắn hạn là không đủ. Trên đà những gì đã xây dựng trong đại dịch Covid -19, cần có những giải pháp để công tác trợ giúp pháp lý hoạt động và tiếp cận với người dân thuận tiện và bền vững hơn. Cụ thể:
Một là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin một cách bền vững trong việc quy trình thực hiện trợ giúp pháp lý.
Việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ từ xa đang được sử dụng trong đại dịch đã tạo ra sự chuyên nghiệp mới trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Thông thường, để thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo phương pháp truyền thống, các Trợ giúp viên pháp lý/luật sư phải dành nhiều thời gian cho công việc hậu cần như lái xe đến các cuộc họp, chờ đợi tại các phiên tòa,… Khả năng thực hiện công việc đó từ xa, giống như việc thực hiện phiên tòa trực tuyến đang được thực hiện hiện nay trong thời kỳ đại dịch, tạo ra hiệu quả và giải phóng các trợ giúp viên pháp lý/luật sư để họ dành nhiều thời gian hơn cho công việc chính là đưa ra lời tư vấn, bào chữa, bảo vệ cho người được trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp cho việc xem xét và trao đổi tài liệu với khách hàng từ xa được dễ dàng hơn và thuận tiện hơn.
Hai là, tăng cường tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý thông qua các ứng dụng công nghệ như: thông qua app trợ giúp pháp lý, trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý Việt Nam người dân có thể yêu cầu trợ giúp pháp lý và theo dõi vụ việc trực tuyến, đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý, đánh giá tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý…  Điều này giúp cho người được trợ giúp pháp lý có thể tiếp cận trợ giúp pháp lý ở bất cứ nơi đâu, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, khó khăn đi lại.
Ba là, mở rộng mạng lưới phối hợp trong công tác trợ giúp pháp lý trong việc phát hiện và chuyển gửi nhu cầu trợ giúp pháp lý, trong đó tăng cường sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin.
Một số người được trợ giúp pháp lý gặp khó khăn khi tiếp cận trợ giúp pháp lý như thiếu internet và không có khả năng xác định các vấn đề pháp lý hoặc tìm cách nhận trợ giúp pháp lý. Việc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian qua đã cho thấy hiệu quả. Song, cần mở rộng và phối hợp sâu sắc hơn nữa mạng lưới hỗ trợ người được trợ giúp pháp lý tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý như trường học, bệnh viện, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức khác có mối liên hệ với người được trợ giúp pháp lý tiềm năng, các tổ chức có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và khả năng phát hiện các vấn đề pháp lý và giới thiệu đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phối hợp là cần thiết để các cơ quan, tổ chức có liên quan có thể phối hợp, liên hệ, thông tin về người được trợ giúp pháp lý dễ dàng và thuận lợi hơn.
Tóm lại, trợ giúp pháp lý không phải là mô hình chung cho tất cả mà đặc biệt dành cho người yếu thế. Để trợ giúp pháp lý dễ dàng tiếp cận, đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau, việc đổi mới phương thức trong việc thực hiện và tiếp cận trợ giúp pháp lý sau đại dịch chắc chắn sẽ cần thiết trong bối cảnh mới. Việc đổi mới này cũng phù hợp để các nguồn lực trợ giúp pháp lý khan hiếm có thể được triển khai một cách hiệu quả nhất có thể.

Thanh Hà
 

[1] Bài viết: “Dự báo tình hình tội phạm sẽ phức tạp hơn sau dịch COVID-19” của tác giả Diệp Trương của TTXVN trên trang https://www.vietnamplus.vn.

[2] Tổng số lượt người Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi năm 2019: 2.787 lượt người; năm 2020: 3.391 lượt người, năm 2021: 4.030 lượt người
[3] Số lượt phụ nữ được TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng: năm 2019: 3.388 vụ, năm 2020: 4.330 lượt người; năm 2021: 4.526 lượt người.
[4]Số lượt trẻ em được TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng cho trẻ em: năm 2019: 1508 lượt người; năm 2020: 2.275 lượt người, năm 2021: 2.652 lượt người.
[5] Số lượt người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng: năm 2019: 4.583 lượt người; năm 2020: 5.912 lượt người, năm 2021: 7.067 lượt người.

Xem thêm »