Kinh nghiệm một số nước về trực trợ giúp pháp lý tại Tòa án

18/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hiện nay, trợ giúp pháp lý là chế định được ghi nhận ở hầu hết các nước trên thế giới. Mỗi nước có biện pháp, cơ chế khác nhau để người dân tiếp cận tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và thụ hưởng dịch vụ khi có nhu cầu như thực hiện truyền thông, phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức có liên quan. Để người dân tiêp cận nhanh chóng với trợ giúp pháp lý trong tố tụng một số nước đã có cơ chế phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trong số đó một số nước có cơ chế phối hợp để cử người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại tòa án, giới thiệu thông tin, giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý ngay tai trụ sở tòa án. Cơ chế này đã tạo thuận lợi rất lớn cho người dân, hạn chế tối đa bỏ sót nhu cầu trợ giúp pháp lý. Bài viết xin giới thiệu một số thông tin về việc trực trợ giúp pháp lý tại tòa án ở một số nước.
1. Việc bố trí phòng trực
Ở một số nước như Úc, Inđônêxia, Philipine, Nepal, tòa án bố trí cho các nhà cung cấp TGPL sử dụng phòng tại tòa án. Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng của cơ chế TGPL vì nó có thể tạo cơ sở cho luật sư TGPL khi họ làm việc tại tòa án và tạo điều kiện cho những người dân có mặt tại tòa án tìm kiếm sự trợ giúp.
Phòng trực được trang bị đủ bàn ghế và các thiết bị như máy vi tính... và được bố trí cho tổ chức thực hiện TGPL và do tổ chức thực hiện TGPL quản lý. Luật sư TGPL và trợ lý điều hành sẽ bố trí thời gian trực cụ thể (Số ngày mỗi tuần và số giờ mỗi ngày). Ở các quốc gia như Úc, Anh và Philippines, hệ thống tư pháp hình sự hoạt động tương đối hiệu quả để xử lý hàng nghìn vụ việc mỗi ngày, do đó, luật sư TGPL làm việc tại mọi tòa án địa phương hàng ngày. Ở Nam Phi, luật sư công có mặt tại tòa án từ thứ hai đến thứ năm, trừ thứ sáu bởi thứ sáu họ dành cả ngày tại văn phòng để hoàn thành các công việc hành chính.
- Úc: Mỗi phòng TGPL trực tại Tòa án được trang bị một số bàn ghế và một máy tính được kết nối với cơ sở dữ liệu và thông tin của TGPL New South Wales. Ngày càng có nhiều luật sư được cung cấp các máy tính xách tay có liên kết với thông tin TGPL này.
- Nam Phi: việc tổ chức các dịch vụ TGPL ở Nam Phi tập trung vào phương pháp tiếp cận 'một cửa' cung cấp một loạt các dịch vụ TGPL tại một địa điểm trung tâm, duy nhất. Mỗi Tòa án quận ở Nam Phi được chỉ định một luật sư công từ Cơ quan trợ giúp pháp lý Nam Phi làm luật sư trực. Mỗi người bào chữa là một chuyên gia luật hình sự vì hầu hết các vụ việc tại tòa án được ưu tiên xử lý là các vụ án hình sự. Trong nhiều tòa án có hai người bào chữa trực, một luật sư ngồi tại tòa án để giải quyết các vụ án mới phát sinh, một người đại diện cho người được TGPL có các phiên điều trần được lên lịch trước đó.
- Philippines: Philippines có hệ thống Văn phòng luật sư công (Public Attoney Office, PAO), trong đó hơn 2.000 luật sư được tuyển dụng toàn thời gian cung cấp dịch vụ TGPL tại tòa án.
Ở tất cả các thành phố và thị trấn, ngoại trừ các khu vực hẻo lánh, sẽ có một nhóm công tố viên được chỉ định và một luật sư công được chỉ định hoặc 'luật sư trực' tại mọi tòa án. Tòa nhà đặt văn phòng của người bào chữa cho đối tượng TGPL không trong tòa án mà thường là tại văn phòng PAO, trong cùng khu nhà với tòa án. Ở các thành phố và thị trấn lớn, văn phòng PAO trong khuôn viên tòa án là khá lớn và luật sư có thể dễ dàng đi bộ đến các tòa án. Thủ tục thông thường tại các toà án là luật sư TGPL được phân công phụ trách toà án sẽ có mặt hàng ngày tại toà đó từ sáng cho đến khi toà đóng cửa.
- Indonesia: Năm 2011, Luật TGPL được thông qua, thành lập tổ chức TGPL để cung cấp dịch vụ TGPL. Theo hệ thống này "các điểm TGPL", các tổ chức phi chính phủ thường sử dụng các luật sư sơ cấp hoặc luật sư tập sự làm việc tại các phòng trong tòa án. Ngân sách của Tòa án có một khoản kinh phí phân bổ cho những phòng được cung cấp để sử dụng TGPL và thanh toán cho công việc TGPL được thực hiện theo từng vụ việc.
- Thụy Sỹ: Ở Geneve, TGPL do luật sư trực thực hiện thông qua Trung tâm thông tin (Call center). Trung tâm thông tin thiết lập một website trên đó các luật sư đăng ký cung cấp dịch vụ TGPL có thể đăng ký trực theo ca. Khi cảnh sát thấy có trường hợp cần được TGPL, cảnh sát sẽ gọi cho Trung tâm thông tin và Trung tâm thông tin sẽ dựa vào danh sách luật sư đăng ký để cung cấp thông tin liên lạc của luật sư phù hợp. Ngoài ra, cơ quan TGPL có các website để cung cấp dịch vụ cho khách hàng và dễ dàng tìm được thông tin mà họ cần.
Luật sư muốn đăng ký tham gia trực sẽ đăng ký trực tiếp lên Trang thông tin điện tử. Luật sư trực phải đăng ký trước 03 tháng và hàng tháng phải đăng ký lại cụ thể ngày và giờ trực. Khi có vụ việc, cảnh sát sẽ liên hệ với Trung tâm thông tin và dựa trên lịch đăng ký trực theo ca (1/2 ngày) của các luật sư trực, Trung tâm thông tin sẽ gửi số điện thoại của luật sư để người được TGPL liên hệ.
2. Về thời gian trực
- Tại Úc, trong việc bố trí người trực cho thấy các luật sư trực sẽ dành rất nhiều thời gian của họ mỗi ngày trong phòng xử án, nơi họ sẽ đại diện cho những cá nhân đã bị buộc tội và bị đưa ra xét xử sơ thẩm. Đối với mỗi trường hợp, thẩm phán sẽ hỏi người đó đã có người đại diện chưa và nếu chưa có thì Thẩm phán giới thiệu đến luật sư TGPL. Nếu có thể, vụ án có thể được hoãn lại để luật sư trực gặp gỡ cá nhân trong các phòng giam nằm trong khuôn viên tòa án để nắm được thông tin từ thân chủ. Đôi khi luật sư TGPL có thể chỉ nói nhanh với người bị buộc tội ở góc phòng xử án. Mỗi buổi sáng khi luật sư TGPL đến trực tại tòa, họ thường gặp gỡ Thư ký tòa án để xem có bao nhiêu người đang bị giam giữ và có cần TGPL hay không.
Nếu một người đến tòa mà không có hẹn với văn phòng TGPL và họ bị buộc tội mà sẽ được xét xử tại tòa vào ngày hôm đó, họ có thể nói chuyện với luật sư trực và cũng có thể được đại diện, bào chữa. Hệ thống xử lý các trường hợp "không hẹn trước" rất đơn giản. Trên cửa phòng trực TGPL là một tờ giấy để mọi người có thể viết tên của mình trong khi chờ đợi luật sư. Thông thường, các tòa án sắp xếp các tình nguyện viên có mặt tại khuôn viên tòa án để giải thích quyền và nghĩa vụ cho người bị buộc tội và những tình nguyện viên đó sẽ hỗ trợ người "không hẹn trước" để họ hiểu quyền, nghĩa vụ của mình và có thể ghi tên mình vào danh sách để nhờ luật sư giúp đỡ.
Nếu một người yêu cầu hỗ trợ trong một phiên điều trần ngắn tại tòa án về vấn đề hình sự thì họ cần điền vào mẫu đơn xin TGPL màu xanh lá cây, luật sư trực có thể đánh giá xem họ có đủ điều kiện nhận TGPL không. Họ có thể làm điều này trong phòng trực nếu đó là một trường hợp tương đối đơn giản. Tuy nhiên, nếu họ đã nhận tội cho một cáo buộc nghiêm trọng hơn, người đó phải điền vào đơn đăng ký. Trường hợp này phải kiểm tra điều kiện tài chính của người yêu cầu. Hệ thống phúc lợi xã hội của Úc bao gồm hỗ trợ tài chính cho những người không có việc làm, bằng chứng là một cá nhân đang nhận 'trợ cấp thất nghiệp' sẽ đủ cơ sở để chứng minh rằng người đó không có đủ khả năng để trả tiền cho luật sư và do đó có thể được TGPL. Nếu họ không nhận được thất nghiệp hoặc các trợ cấp khác từ Chính phủ, họ sẽ cần liệt kê thu nhập, chi phí... của họ để được đánh giá.
Các luật sư làm nhiệm vụ TGPL rất bận rộn từ sáng cho đến khi tòa đóng cửa. Vào một ngày bình thường, một luật sư có thể giải quyết từ 7 đến 15 vụ việc bao gồm tư vấn hoặc thay mặt cho khách hàng có mặt tại tòa trong phiên điều trần đầu tiên, làm đơn xin bảo lãnh và một số phiên xử. Các luật sư TGPL khác cũng có thể có mặt tại tòa án để giải quyết các vụ án kéo dài hơn và phức tạp hơn đã có lịch xét xử.
- Tại Nam Phi: Phần lớn các luật sư của Tổ chức TGPL Nam Phi làm việc toàn thời gian để cung cấp các dịch vụ bào chữa hình sự cho người bị bắt (04 ngày/tuần). Ngoài lúc làm việc tại phòng trực TGPL thì luật sư dành nhiều thời gian ở phòng xử án để thẩm phán có thể đề nghị họ hỗ trợ các vụ kiện ra trước tòa. Những người bào chữa công sẽ cung cấp các dịch vụ như tư vấn hoặc hỗ trợ nhanh tại tòa án. Đối với những trường hợp phức tạp hơn, người dân phải điền đơn yêu cầu TGPL và người thực hiện TGPL xem xét xem có thực hiện TGPL hay không, sau khi xem xét điều kiện tài chính của đương sự và giá trị của vụ việc.
- Canada: Luật sư trực tư vấn miễn phí lên tới 3 giờ tư vấn với các vấn đề luật hôn nhân và gia đình. Những dịch vụ Luật sư trực về lĩnh vực gia đình cung cấp bao gồm: Tư vấn miệng về quyền và nghĩa vụ hợp pháp và các thủ tục tòa án; Tham vấn và giúp bạn chuẩn bị hồ sơ gửi Tòa án; Giúp bạn hòa giải và giải quyết các vấn đề; Giúp bạn chuẩn bị hoặc tham vấn trình tự về sự đồng thuận hoặc nhất trí khi đệ đơn tại Tòa; Tham gia phiên tòa để yêu cầu về việc hoãn, bản yêu cầu kháng cáo hoặc chấp thuận hoặc trường hợp yêu cầu thụ lý khẩn cấp; Thông báo cho bạn những việc cần làm khi đến tòa án và giới thiệu cho bạn những nguồn tham khảo khác.
3. Thù lao cho luật sư trực TGPL
- Thụy Sỹ: Luật sư bào chữa trực phải được trả theo bảng phí pháp lý áp dụng trong Liên bang hoặc tại vùng nơi tiến hành tố tụng hình sự. Cụ thể, luật sư trực thực hiện TGPL được trả 200 frăng Thụy sỹ/giờ (khoảng 4.740.000 VNĐ), tuy nhiên có một số luật sư trực thực hiện TGPL được trả cao hơn như luật sư làm việc ngoài giờ có thể được trả 300 frăng Thụy sỹ/giờ (7.110.000 VNĐ).
- Canada: Luật sư trực về lĩnh vực gia đình là những luật sư được trả lương bởi Hội đồng dịch vụ pháp lý (Trợ giúp pháp lý).

 
Bình An - Cục Trợ giúp pháp lý
 

Xem thêm »