Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TẠI CÁC TỈNH CÓ CHUNG ĐƯỜNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM - LÀO1. Khái quát chung về hệ thống trợ giúp pháp của Việt Nam
Ở Việt Nam, trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trong lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính (trừ kinh doanh thương mại) cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật[1]. Đây là một lĩnh vực tư pháp được Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp và Ngành Tư pháp hết sức quan tâm.
Trải qua 27 năm hình thành và phát triển, hệ thống TGPL của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, bao gồm: cơ quan quản lý TGPL và các tổ chức thực hiện TGPL. Ở Trung ương, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về TGPL. Cục TGPL là đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về TGPL và thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành TGPL. Ở địa phương, Sở Tư pháp là đơn vị chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về TGPL ở địa phương. Bên cạnh hệ thống 63 Trung tâm TGPL của nhà nước và 96 Chi nhánh TGPL cấp huyện, liên huyện thì còn có các tổ chức tham gia TGPL (bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL và tổ chức đăng ký tham gia TGPL). Tính đến 31/10/2024, cả nước có 165 tổ chức đăng ký tham gia TGPL và 20 tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp.
Đội ngũ người thực hiện TGPL bao gồm: trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL, tư vấn viên pháp luật thực hiện TGPL và cộng tác viên TGPL. Tính đến 31/10/2024, cả nước có 707 trợ giúp viên pháp lý; 718 luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với các Trung tâm TGPL nhà nước; 24 cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL nhà nước.
2. Tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý ở các tỉnh có chung đường biên giới Việt - Lào
Cùng với cả nước, công tác TGPL của các tỉnh có chung đường biên giới Việt – Lào luôn được Bộ, Ngành Tư pháp và các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hệ thống tổ chức và đội ngũ người thực hiện TGPL đã và đang được củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Theo báo cáo của địa phương, tính đến 31/10/2024, số lượng tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL tại 10 địa phương có chung đường biên giới Việt - Lào như sau:
+ Về tổ chức: 10 tỉnh có 10 Trung tâm TGPL nhà nước; trong đó, 06 Trung tâm TGPL có 24 chi nhánh (cụ thể: Quảng Nam có 06 Chi nhánh, Thanh Hóa có 06 Chi nhánh, Điện Biên có 04 Chi nhánh, Nghệ An có 03 Chi nhánh, Quảng Bình có 03 Chi nhánh, Quảng Trị có 02 Chi nhánh.
+ Bên cạnh các Trung tâm TGPL nhà nước, một số tỉnh đã ký hợp đồng thực hiện TGPL với các tổ chức hoặc có tổ chức đăng ký tham gia thực hiện TGPL: cụ thể, Sở Tư pháp các tỉnh Thanh Hoá, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã ký hợp đồng thực hiện TGPL với 05 tổ chức hành nghề luật sư và 02 tổ chức tư vấn pháp luật; có 01 tổ chức đăng ký tham gia TGPL với Sở Tư pháp tỉnh Sơn La.
+ Về nhân lực: 10 Trung tâm TGPL nhà nước có tổng số 204 người, trong đó có 124 trợ giúp viên pháp lý (bao gồm 115 trợ giúp viên pháp lý hạng III, 09 trợ giúp viên pháp lý hạng II), 63 chuyên viên pháp lý (trong đó, 23 người đã qua đào tạo luật sư); 09 kế toán; 08 cán bộ khác; có 74 luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với 8 Trung tâm TGPL nhà nước (Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum) và 06 Cộng tác viên TGPL ký hợp đồng với Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Sơn La.
3. Về tình hình thực hiện trợ giúp pháp lý ở các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào
3.1. Công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn về TGPL tại các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào
Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Lào ký ngày 11/01/2023, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 bổ sung quy định về TGPL như sau:
“Công dân của mỗi Bên có quyền được miễn, giảm chi phí tố tụng và được trợ giúp pháp lý miễn phí trên lãnh thổ của Bên kia theo cùng những điều kiện và mức độ như công dân của Bên kia” (khoản 1 Điều 4 Hiệp định).
Để triển khai Hiệp định tương trợ tư pháp dân sự và tạo điều kiện cho người dân thuộc diện TGPL được tiếp cận và thụ thưởng chính sách TGPL miễn phí một cách kịp thời, đúng quy định, Cục TGPL đã tham gia phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tham mưu Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 814/QĐ-BTP ngày 26/5/2023 về Kế hoạch triển khai Kết luận Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam – Lào mở rộng lần thứ 5; trong đó có nội dung: “Triển khai hiệu quả công tác TGPL cho người dân khu vực biên giới với Lào; nghiên cứu các phương thức tiếp cận nhu cầu TGPL đảm bảo người dân khu vực biên giới sớm tiếp cận TGPL để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tăng cường nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm TGPL, đặc biệt là kỹ năng TGPL và phối hợp trong TGPL cho đối tượng đặc thù nhằm nâng cao năng lực cho người thực hiện TGPL của hai nước”.
Thực hiện Quyết định số 814/QĐ-BTP, Cục TGPL đã có Công văn số 689/CTGPL-CS&QLNV ngày 15/11/2023 về việc triển khai công tác TGPL cho người dân khu vực biên giới với Lào gửi Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới với Lào (Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum), đề nghị các Giám đốc Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan (cơ quan biên phòng, Uỷ ban nhân dân các xã biên giới,…), tăng cường hiểu biết pháp luật cho các cán bộ ở cơ sở để giúp họ hiểu hơn về TGPL, từ đó làm cầu nối giữa người dân và TGPL; tổ chức tập huấn chuyên sâu cho người thực hiện TGPL và các cơ quan liên quan; trong phạm vi khả năng và điều kiện cụ thể, các địa phương chủ động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm TGPL bằng hình thức phù hợp với các tỉnh của Lào có chung đường biên giới với Việt Nam; đẩy mạnh truyền thông về TGPL với các phương thức đa dạng; chủ động tiếp cận người dân để tìm hiểu yêu cầu TGPL; chú trọng thực hiện vụ việc TGPL cho người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, nạn nhân bị mua bán và các đối tượng đặc thù khác theo quy định của pháp luật cho người dân địa phương khu vực biên giới Việt - Lào.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Trợ giúp pháp lý chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các địa phương trong công tác TGPL để kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ hoặc nghiên cứu đề xuất Lãnh đạo Bộ phương án, giải pháp phù hợp. Như Cục Trợ giúp pháp lý đã có Công văn số 348/CTGPL-CS&QLNV ngày 14/6/2024 gửi Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Trị hướng dẫn về việc TGPL cho công dân mang quốc tịch Lào vi phạm pháp luật hình sự tại Việt Nam. Qua đó, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Trị cũng như các địa phương khác nghiên cứu thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận TGPL, ngày 24/11/2023, Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã ký kết Chương trình phối hợp số 5789/CTPH-BTP-BCA về trực TGPL trong điều tra hình sự nhằm tăng cường phối hợp trong việc tạo điều kiện cho người được TGPL biết và sử dụng dịch vụ TGPL kịp thời ngay tại giai đoạn đầu của quá trình tố tụng hình sự theo quy định pháp luật. Nhiều địa phương có chung đường biên giới với Lào đã ký Chương trình phối hợp trực TGPL giữa Công an tỉnh và Sở Tư pháp (Điện Biên, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Bình, Quảng Nam, Sơn La, Thừa Thiên Huế). Cục TGPL đã hướng dẫn, đôn đốc Sở Tư pháp chủ động phối hợp với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện phối hợp ở địa phương.
3.2. Hoạt động truyền thông về TGPL
Để triển khai thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, Luật TGPL năm 2017 và các văn bản có liên quan, kịp thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, công tác truyền thông về pháp luật TGPL và các quyền của người dân thuộc diện được TGPL đã được Cục Trợ giúp pháp lý và các địa phương quan tâm, đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều hình thức, đặc biệt hướng đến các cán bộ ở cơ sở (trưởng thôn, cán bộ Hội phụ nữ, Hội nông dân, cán bộ tư pháp - hộ tịch…) giúp họ hiểu về TGPL, từ đó làm cầu nối giữa người dân và TGPL. Trong thời gian qua, các Trung tâm TGPL nhà nước tại 10 tỉnh có chung đường biên giới với Lào đã tổ chức các hoạt động truyền thông về TGPL kết hợp với tư vấn pháp luật (chẳng hạn như tổ chức các hội nghị tập huấn, truyền thông về TGPL tại các thôn, bản, tổ dân phố, xã…); biên soạn và cấp phát miễn phí nhiều tờ rơi, tờ gấp, sách bỏ túi để phát miễn phí cho người dân; xây dựng các video, phóng sự giới thiệu về TGPL và các vụ việc TGPL thành công cho trẻ em, người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, nạn nhân bạo lực và nạn nhân bị mua bán … trên các phương tiện thông tin đại chúng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
3.3. Tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý
Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng TGPL, các cơ quan quản lý TGPL và tổ chức thực hiện TGPL đã tiến hành nhiều biện pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL. Cụ thể, ở Trung ương, Cục TGPL đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo trao đổi, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật TGPL và các văn bản có liên quan; về kỹ năng hành nghề; giải đáp những khó khăn, vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu (trang bị kiến thức về tâm lý, các đặc điểm của một số đối tượng đặc thù để thực hiện TGPL một cách nhạy cảm, phù hợp từng đối tượng) cho người thực hiện TGPL và cán bộ các cơ quan, tổ chức có liên quan đến TGPL.
Tại địa phương, nhiều Trung tâm TGPL nhà nước đã tổ chức tập huấn chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ và công tác phối hợp cho trợ giúp viên pháp lý, người thực hiện TGPL và đại diện cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức có liên quan ở địa phương (ví dụ Điện Biên, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh…).
3.4. Kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý
Theo báo cáo của các tỉnh có chung đường biên giới với Lào (Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum) thì từ 01/01/2022 đến 31/10/2024, các tổ chức thực hiện TGPL tại 10 tỉnh này đã tiếp nhận 15.328 vụ việc TGPL và đã hoàn thành 14.296 vụ việc TGPL, trong đó có 12.936 vụ việc TGPL tham gia tố tụng; trong đó có người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng; trẻ em, người bị buộc tội đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nhóm người có khó khăn về tài chính theo quy định của Luật TGPL năm 2017.
4. Thuận lợi, khó khăn
4.1. Thuận lợi
- Công tác TGPL tại các địa phương có chung đường biên giới với Lào luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và Sở Tư pháp; sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp (Cục TGPL); sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là sự phối hợp của cơ quan tiến hành tố tụng và Ủy ban nhân dân cấp xã và trong việc truyền thông về TGPL, thông báo, thông tin và giới thiệu đối tượng đến Trung tâm TGPL nhà nước.
- Triển khai Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về việc người thực hiện TGPL trực tại Tòa án, đến nay có 63 Sở Tư pháp (trong đó có 10 Sở tư pháp của 10 tỉnh có chung đường biên giới Việt -Lào) đã phối hợp với Tòa án nhân dân cấp tỉnh ký kết Chương trình/Kế hoạch phối hợp ở địa phương. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các địa phương lựa chọn hình thức trực phù hợp (trực tại trụ sở Toà án hoặc trực qua điện thoại). Theo nắm bắt, tính đến 31/10/2024, có 20 tỉnh/thành phố (trong đó có các tỉnh có chung đường biên giới với Lào như Điện Biên, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế) trực cả qua điện thoại và trực tại trụ sở Tòa án; 43 tỉnh/thành phố trực qua điện thoại (trong đó các tỉnh có chung đường biên giới với Lào như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La, Thanh Hoá). Chương trình được triển khai thực hiện bảo đảm việc tiếp cận và thụ hưởng TGPL kịp thời trong tố tụng cho người dân thuộc diện được TGPL.
- Về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, đến nay đã có 31 địa phương đã được cấp kinh phí để thiết lập điểm cầu thành phần tại Trung tâm TGPL nhà nước, trong đó có các tỉnh có chung đường biên giới với Lào như Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam; có 17 địa phương đã thiết lập điểm cầu thành phần tại Trung tâm TGPL nhà nước. Theo báo cáo từ 59 địa phương, số vụ việc Trung tâm TGPL nhà nước tham gia phiên toà xét xử trực tuyến do Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức từ ngày 01/01/2023 đến 31/5/2024 là 947 vụ; trong đó, 02 địa phương giáp biên giới với Lào là Hà Tĩnh (21 vụ) và Thừa Thiên Huế (9 vụ).
- Trên cơ sở Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Luật TGPL năm 2017, công tác TGPL trong toàn quốc nói chung, các tỉnh có chung đường biên giới với Lào nói riêng, đã được quan tâm, tập trung nguồn lực vào nhiệm vụ chính là thực hiện vụ việc, đặc biệt là các vụ việc TGPL theo hình thức tham gia tố tụng Chính vì thế, các vụ việc tham gia tố tụng ở nhiều tỉnh đã tăng lên đáng kể. Trong số 10 địa phương nói trên, địa phương có số vụ việc TGPL tham gia tố tụng cao và tăng qua các năm là Sơn La (năm 2022: 380 vụ việc, năm 2023: 540 vụ việc), Thanh Hoá (năm 2022: 750 vụ việc, năm 2023: 853 vụ việc), Nghệ An (năm 2022: 769 vụ việc, năm 2023: 888 vụ việc), Hà Tĩnh (năm 2022: 223 vụ việc, năm 2023: 237 vụ việc), Thừa Thiên Huế (năm 2022: 407 vụ việc, năm 2023: 477 vụ việc), Quảng Nam (năm 2022: 302 vụ việc, năm 2023: 321 vụ việc), Kon Tum (năm 2022: 117 vụ việc, năm 2023: 134 vụ việc).
- Hiện nay, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 có các hoạt động yêu cầu tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận TGPL. Trong năm 2024, Cục TGPL đã nghiên cứu, đề xuất, tham mưa đưa nội dung TGPL vào Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và Chương trình Mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030. Vào ngày 27/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư 02 Chương trình mục tiêu quốc gia mới này.
- Đội ngũ người thực hiện TGPL, đặc biệt là trợ giúp viên pháp lý và luật sư tham gia TGPL có trình độ, năng lực chuyên môn, thường xuyên trau dồi nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu TGPL ở địa phương. Việc thụ lý và giải quyết các vụ, việc được đảm bảo về tiến độ, chất lượng, không bị khiếu kiện về chất lượng, không gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, nhất là nhóm người nghèo, người dễ bị tổn thương.
4.2. Khó khăn
- Do địa bàn một số xã biên giới rộng, thường ở vùng sâu, vùng xa, đường xá đi lại khó khăn, nhiều người trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa nên gây khó khăn cho việc thực hiện công tác truyền thông về TGPL và việc tiếp cận TGPL của người dân ở cơ sở. Thêm vào đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật và tài liệu truyền thông (tờ gấp, tờ rơi) chưa được dịch ra tiếng Việt, Lào hoặc tiếng dân tộc nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả truyền thông.
- Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhiều người quan tâm đến vấn đề mưu sinh nên chưa quan tâm nhiều đến việc tìm hiểu pháp luật nói chung và TGPL nói riêng. Chỉ đến khi có vụ việc xảy ra thì họ mới cảm thấy lúng túng.
- Nhận thức về TGPL của một bộ phận người dân, kể cả người thuộc diện được TGPL và một số cán bộ cơ sở ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế; nhiều người chưa quan tâm, chưa biết đến hoạt động TGPL hoặc chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của TGPL trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân và góp phần thực hiện an sinh xã hội. Vì thế, chỉ khi có vướng mắc, tranh chấp phát sinh và được giải thích rõ ràng về những lợi ích khi được TGPL thì họ mới hiểu và yêu cầu TGPL. Một số địa bàn đa phần là người dân tộc thiểu số nên thường e ngại, không dám chia sẻ, một số người không nói thành thạo tiếng phổ thông nên khó khăn khi tiếp xúc với các cơ quan hữu quan, trong đó có tổ chức thực hiện TGPL.
- Số lượng người thực hiện TGPL trong đó có trợ giúp viên pháp lý - lực lượng thực hiện TGPL chính ở một số tỉnh còn mỏng (Sơn La: 04 trợ giúp viên pháp lý, Kon Tum: 03 trợ giúp viên pháp lý), người thực hiện TGPL ít biết tiếng Lào, chưa hiểu rõ về văn hóa, phong tục, quy định pháp luật nói chung và pháp luật về TGPL của Lào nên có thể sẽ gặp khó khăn khi có yêu cầu TGPL.
5. Phương hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác trợ giúp pháp lý cho người dân vùng biên giới Việt Nam- Lào trong thời gian tới.
- Luật TGPL năm 2017 của Việt Nam đã quy định về 14 diện người được TGPL. Vừa qua, Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua quy định mở rộng diện người được TGPL. Một là, “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị tố giác (1), người bị kiến nghị khởi tố (2), người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (3), người bị buộc tội (4), bị hại (5), người làm chứng (6), người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng (7), phạm nhân (8)” được TGPL. Như vậy, với quy định này Luật Tư pháp người chưa thành niên đã mở rộng thêm nhiều diện người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được TGPL so với trước đây, vì theo quy định của Luật TGPL thì chỉ có: người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (1) và bị hại từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự có khó khăn tài chính (2) được TGPL. Hai là, “Nạn nhân (1), người đang trong quá trình xác định là nạn nhân (2) và người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân (3)” được TGPL. Như vậy, so với Luật TGPL hiện hành quy định “Nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính” (1) mới được TGPL thì Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã bỏ điều kiện “có khó khăn về tài chính” của nạn nhân bị mua bán và bổ sung thêm 02 đối tượng là “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân” cũng được TGPL. Vì thế, dự kiến số vụ việc sẽ tăng lên trong thời gian tới. Điều này đặt ra yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện về nguồn lực con người, tài chính cần thiết và phối hợp kịp thời để bảo đảm thực hiện các quy định về TGPL được đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
- Tiếp tục triển khai nội dung TGPL trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; chuẩn bị triển khai nội dung TGPL 02 Chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và Chương trình Mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030.
- Cơ quan Trung ương của 2 nước, chính quyền các tỉnh có chung đường biên giới và đặc biệt là các Trung tâm TGPL nhà nước cần đẩy mạnh công tác truyền thông với các phương thức đa dạng, trực quan, sinh động (sử dụng hình ảnh, thiết kế câu hỏi đáp đơn giản, thiết lập tổng đài giải đáp tự động,…) để nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức có liên quan và người dân cả 2 nước, đặc biệt là người dân các tỉnh có chung đường biên giới Việt Lào về quyền được TGPL theo quy định của Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và pháp luật về TGPL của hai nước.
- Tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL của 2 nước cả về số lượng và chất lượng để cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho người thuộc diện TGPL. Việc này cần được thực hiện một cách linh hoạt thông qua các lớp tập huấn, các hội thảo, hội nghị, toạ đàm, chia sẻ kinh nghiệm và tài liệu về pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về TGPL, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp TGPL… Bồi dưỡng tiếng Lào cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, người thực hiện TGPL của Việt Nam hoặc thuê người cộng tác biết tiếng Lào để triển khai thực hiện các hoạt động TGPL cho người dân khu vực biên giới với nước bạn Lào.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là Chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án, Chương trình phối hợp trực TGPL trong điều tra hình sự, quy định về phiên toà trực tuyến… để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời và bình đẳng với pháp luật và TGPL.
- Bảo đảm kinh phí và các trang thiết bị cần thiết cho hoạt động nghiệp vụ TGPL, ví dụ máy tính kết nối internet để tra cứu tài liệu, xác minh đối tượng; máy ảnh, máy ghi âm để thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ; địa điểm tiếp người yêu cầu TGPL phù hợp để bảo đảm tính riêng tư, bảo mật thông tin, tạo sự thoải mái và dễ tiếp cận cho người dân, nhất là người khuyết tật, người cao tuổi…
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong TGPL, trước mắt là việc tra cứu xác minh, chuyển gửi thông tin giữa các tổ chức thực hiện TGPL và việc thực hiện TGPL tại các tỉnh có chung đường biên giới Việt Lào.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương và khu vực về pháp luật, tư pháp và TGPL; việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện TGPL cho các đối tượng đặc thù, đặc biệt là các vụ việc TGPL phức tạp, có yếu tố nước ngoài hoặc xuyên quốc gia để nâng cao chất lượng, hiệu quả TGPL; phối hợp cung cấp thông tin, hỗ trợ các tổ chức thực hiện TGPL cung cấp dich vụ TGPL kịp thời, có chất lượng cho công dân của hai nước khi phát sinh yêu cầu TGPL.
Phan Hải Yến – Phòng Chính sách và quản lý nghiệp vụ trợ giúp pháp lý
[1] Điều 2 Luật trợ giúp pháp lý 2017