MỘT SỐ KẾT QUẢ 5 NĂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ GIAI ĐOẠN 2015-2025

17/12/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 01/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 (Đề án đổi mới). Xuất phát từ những bất cập của hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL), Đề án đổi mới đặt ra một số mục tiêu lớn là: (1) Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL; (2) Tinh gọn tổ chức bộ máy thực hiện TGPL; (3) Đẩy mạnh truyền thông về TGPL; (4) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động TGPL; (5) huy động mạnh mẽ sự tham gia của xã hội vào hoạt động TGPL.

Sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động tổ chức triển khai nhiều hoạt động, từ tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành; ban hành hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan  ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện các biện pháp chỉ đạo điều hành cách thức tổ chức việc cung cấp dịch vụ TGPL tại địa phương,… nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Đến nay, chúng ta đã đi được nửa chặng đường thực hiện Đề án (05 năm), qua theo dõi, có thể nhận thấy nhiều nội dung của Đề án đã đi vào cuộc sống, làm nên nhiều thay đổi quan trọng trong nhận thức cũng như hành động của cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý. Ngày 20/6/2017, Quốc hội đã ban hành Luật Trợ giúp pháp lý, trong đó một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của Đề án đổi mới đã được khẳng định là đúng đắn và thể chế tại Luật. Sau 05 năm thực hiện Đề án, gần 03 năm triển khai Luật chúng ta có thể đánh giá kết quả thực hiện Đề án đổi mới thông qua việc đạt được các mục tiêu như sau:

1. Nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL
Nâng cao chất lượng vụ việc TGPL là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Đề án đổi mới. Đề ra mục tiêu này, Đề án mong muốn thay đổi hình ảnh, ấn tượng về hoạt động TGPL trong nhận thức của các cơ quan cũng như người dân về chất lượng dịch vụ TGPL. Trước khi có Đề án đổi mới có nhiều ý kiến cho rằng dịch vụ TGPL chưa thật sự đáng tin cậy vì trình độ của người thực hiện TGPL không giống, chưa tương xứng với luật sư, chưa có những vụ việc TGPL có hiệu quả rõ rệt, để lại dấu ấn. Để đạt mục tiêu này, Bộ Tư pháp đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động. Cụ thể:
a)   Nâng cao năng lực người thực hiện TGPL
Từ khi triển khai Đến án đổi mới đến nay, hằng năm ở Trung ương và địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ người thực hiện TGPL. Để có thể giúp tối đa số người tham dự tập huấn, bên cạnh ngân sách của Nhà nước, Bộ Tư pháp cũng đã chủ động huy động các đối tác nước ngoài hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí cho hoạt động tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL. Riêng ở Trung ương, từ năm 2016 đến hết 6 tháng đầu năm 2020 đã có 59 lớp tập huấn được tổ chức với gần 5.000 học viên tham dự.
Về nội dung, các lớp tập huấn tập trung vào kỹ năng TGPL trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hành chính; kỹ năng TGPL cho các đối tượng đặc thù như người khuyết tật có khó khăn về tài chính; kỹ năng TGPL cho nạn nhân bạo lực phụ nữ, trẻ em... Các giảng viên được lựa chọn từ những chuyên gia nhiều kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo uy tín, do đó, nội dung truyền đạt cô đọng và có nhiều vụ việc thực tiễn minh họa giúp học viên có thể hiểu và ứng dụng kiến thức học dễ dàng hơn.
Thời gian qua, các địa phương đều thực hiện rà soát đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và chuyên viên để đào tạo, bồi dưỡng. Từ năm 2018 đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm tra hết tập sự TGPL; tổ chức 04 lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng II cho 150 người và tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp trợ giúp viên pháp lý hạng II. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách trung ương đã hỗ trợ kinh để thực hiện tập huấn tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL và hỗ trợ cho 170 viên chức của Trung tâm tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn tham gia khóa đào tạo nghề luật sư tạo nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý.
Thông qua các hoạt động nêu trên năng lực thực hiện TGPL của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng đầy đủ và có chất lượng nhu cầu TGPL của người dân. 
b) Nâng cao tiêu chuẩn người thực hiện TGPL
Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, Luật TGPL năm 2017 có nhiều quy định chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL, quy định tiêu chuẩn đối với tổ chức tham gia TGPL. Cụ thể:
- Về tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý:
Luật đã chuẩn hóa, nâng cao tiêu chuẩn Trợ giúp viên pháp lý tương đương với luật sư, cụ thể là bổ sung tiêu chuẩn phải trải qua đào tạo nghề luật sư và tập sự nghề (TGPL hoặc luật sư) để trợ giúp viên pháp lý có thời gian tập sự vận dụng kiến thức, kỹ năng trước khi được cung cấp và chịu trách nhiệm về dịch vụ TGPL. Đối với những trợ giúp viên pháp đã được bổ nhiệm trước khi Luật có hiệu lực pháp luật, Luật TGPL cũng đã có quy định chuyển tiếp, yêu cầu trong vòng 05 năm kể từ 01/01/201phải có chứng nhận đào tạo nghề luật sư.
Hiện nay, trợ giúp viên pháp lý là đội ngũ nòng cốt cung cấp dịch vụ TGPL cho người dân. Năm năm qua, số lượng trợ giúp viên pháp lý đã tăng lên đáng kể, mặc dù tổng số định biên của các Trung tâm TGPL giảm so với trước khi triển khai Đề án đổi mới (trước khi triển khai Đề án đổi mới toàn quốc có 585 trợ giúp viên pháp lý, đến nay là 642 người).
Luật sư có nguyện vọng tham gia TGPL được Trung tâm lựa chọn, ký hợp đồng theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật căn cứ trên những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể và phù hợp với yêu cầu của công tác TGPL tại địa phương. Yêu cầu này bảo đảm luật sư tham gia thực hiện TGPL phải là người có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức để thực hiện vụ việc TGPL có hiệu quả, tránh việc ghi danh một cách hình thức.
Chế định cộng tác viên TGPL được kế thừa trên cơ sở có chọn lọc những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về pháp luật, có kinh nghiệm và có thể chủ động về thời gian để bảo đảm tham gia công tác TGPL một cách thực chất, có hiệu quả.
- Về tổ chức tham gia TGPL:
Luật TGPL quy định các điều kiện cụ thể để tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật tham gia TGPL. Đặc biệt, để ký hợp đồng với các tổ chức có điều kiện tốt nhất cung cấp dịch vụ TGPL Sở Tư pháp sẽ tổ chức lựa chọn theo một quy trình chặt chẽ phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Như vậy, không phải bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có nguyện vọng đều có thể cung cấp dịch vụ TGPL. Theo Luật TGPL năm 2017, để được cung cấp dịch vụ TGPL, các tổ chức, cá nhân cần đáp ứng yêu cầu, điều kiện tối thiểu do Luật định để bảo đảm chất lượng dịch vụ họ cung cấp. Trên cơ sở điều kiện thực tế của địa phương và các quy định trong Luật, Sở Tư pháp và Trung tâm TGPL nhà nước sẽ lựa chọn trong số các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng thực hiện TGPL để ký hợp đồng thực hiện TGPL. Có thể nói, với những quy định chặt chẽ ngay từ khi xác định các tổ chức, cá nhân có quyền cung cấp dịch vụ TGPL, Nhà nước đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội.
Với các quy định và các biện pháp triển khai nêu trên, chất lượng dịch vụ TGPL đã có nhiều cải thiện. Đến nay, qua đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước về TGPL không có vụ việc nào không đạt chất lượng, chưa phát sinh khiếu nại về kết quả thực hiện TGPL. Kết quả này được ghi nhận thông qua tỷ lệ vụ việc thành công, hiệu quả ngày càng cao, số vụ việc hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận các tình tiết có lợi cho bị cáo theo đề nghị của trợ giúp viên pháp lý, sự đánh giá, ghi nhận của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Theo thống kê, từ năm 2018 (năm Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực) đến hết 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc có 8.353 vụ việc thành công, hiệu quả rõ rệt (chiếm 28%  tổng số vụ việc TGPL tham gia tố tụng).
Với các quy định và các biện pháp triển khai nêu trên, chất lượng dịch vụ TGPL đã có nhiều cải thiện. Đến nay, qua đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước về TGPL không có vụ việc nào không đạt chất lượng, chưa phát sinh khiếu nại về kết quả thực hiện TGPL. Kết quả này được ghi nhận thông qua tỷ lệ vụ việc thành công, hiệu quả ngày càng cao, số vụ việc hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận các tình tiết có lợi cho bị cáo theo đề nghị của trợ giúp viên pháp lý, sự đánh giá, ghi nhận của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng[1]. Theo thống kê, từ năm 2018 (năm Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực) đến hết 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc có 8.353 vụ việc thành công, hiệu quả rõ rệt (chiếm 28%  tổng số vụ việc TGPL tham gia tố tụng)

Có thể nêu ra một số vụ việc đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, kết quả thể hiện rõ năng lực và sự tận tâm của trợ gíúp viên pháp lý.
 1. Vụ “Trộm cắp tài sản” tại Thanh Hóa: Viện kiểm sát nhân dân khởi tố tội Trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015, Trợ giúp viên pháp lý kiến nghị Viện kiểm sát miễn trách nhiệm hình sự cho người bị buộc tội và được Tòa chấp nhận, miễn trách nhiệm hình sự và đình chỉ vụ án (được vô tội).
2. Vụ khởi tố về tội "Vận chuyển hàng cấm" tại Nghệ An: Cơ quan điều tra công an khởi tố về tội "Vận chuyển hàng cấm" quy định tại khoản 1, điều 191 Bộ luật hình sự. Trợ giúp viên pháp lý đề nghị miễn trách nhiệm hình sự và được chấp nhận (được vô tội).
3. Vụ “Giết người và cướp tài sản” tại Bắc Ninh: Viện kiểm sát truy tố 02 tội danh là “Giết người” theo điểm g khoản 1 điều 123 và “Cướp tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 điều 168 Bộ luật Hình sự. Theo lập luận, đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý, Tòa chấp nhận và tuyên không phạm tội “Giết người” theo điểm g khoản 1 điều 123 Bộ luật hình sự và “Cướp tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 điều 168 Bộ luật hình sự.
4. Vụ “Giết người: tại Phú Thọ: Viện kiểm sát khởi tố tội giết người theo điểm c khoản 1 Điều 93 Bộ Luật hình sự. Trợ giúp viên pháp lý lập luận về đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chuyển tội danh cho Đông từ “Giết người” thành “ Cố ý gây thương tích”, đồng thời áp dụng nguyên tắc hình phạt đối với người dưới 16 tuổi phạm tội để có mức hình phạt phù hợp nhất và cho hưởng án treo. Tòa chấp nhận theo đề.
5. Vụ việc Hà Nội
Do thiếu hiểu biết nên Ông Đặng là người khiếm thị, gần 70 tuổi vay 200 triệu đồng, ký hợp đồng ủy quyền cho người cho vay với nội dung là trong vòng 20 tháng mà ông không trả số tiền đã vay thì người cho vay toàn quyền định đoạt đối với mảnh đất của ông. Sau 20 tháng ông Đặng không trả được tiền vay, người vay đã bán đất của ông.  Trung tâm TGPL Hà Nội đã tìm được người đứng tên sở hữu đất. Trợ giúp viên pháp lý thực hiện vụ việc khẳng định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là trái với văn bản cam kết và việc ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng đất là chưa đúng pháp luật nên đã mời các bên đến phân tích và tiến hành hòa giải. Sau buổi hòa giải người mua đất đã nhất trí ký các giấy tờ để chuyển lại tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đặng.

2. Tập trung thực hiện vụ việc TGPL
Trước khi có Đề án đổi mới, vấn đề nổi cộm của công tác TGPL là nguồn lực chưa được sử dụng một cách hợp lý. Do trước đây chưa có Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở nên Trung tâm TGPL chủ yếu thực hiện các hoạt động hỗ trợ như TGPL lưu động ở cơ sở, phổ biến pháp luật,... vụ việc TGPL chủ yếu là giải đáp vướng mắc pháp luật đơn giản thông qua TGPL lưu động, các vụ việc tham gia tố tụng chưa nhiều. Chính vì vậy, một định hướng và mục tiêu rất quan trọng của Đề án đổi mới là tập trung thực hiện vụ việc, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng, đi vào bản chất của TGPL. Nhằm đạt được mục tiêu này, Bộ Tư pháp đã tích cực triển khai nhiều hoạt động để trực tiếp hoặc gián tiếp, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ để các Trung tâm TGPL thay đổi cách thức tổ chức công việc, bố trí nguồn lực hợp lý để chủ động tiếp cận nhu cầu TGPL của người dân, thực hiện vụ việc TGPL.
a) Về thể chế:
- Tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động TGPL
Luật TGPL năm 2017 đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 41). Khoản 3 Điều 31 Luật TGPL quy định trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL của người bị bắt, người bị tạm giữ hoặc trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu TGPL của bị can, bị cáo, người bị hại là người được TGPL theo quy định của pháp luật về tố tụng, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm TGPL nhà nước tại địa phương. Quy định này cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng đã được ghi nhận tại Điều 75 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, đồng thời bảo đảm để Trung tâm TGPL nhà nước cử người thực hiện TGPL kịp thời trong thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định.
Trên cơ sở trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ sở tạm giam, tạm giữ đối với công tác TGPL đã được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (đều được ban hành năm 2015) trách nhiệm phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động này đã được cụ thể tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT/BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Với quy định cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông tin, thông báo về TGPL cho bị can, người bị hại, đương sự ngay từ khi bắt người, tạm giữ người, lấy lời khai (kể cả trong trường hợp chưa xác định họ có thuộc diện TGPL không), kể cả trong trường hợp người thuộc diện được TGPL chưa có yêu cầu TGPL thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng vẫn có trách nhiệm thông tin cho Trung tâm TGPL chủ động tiếp xúc với người thuộc diện TGPL để làm rõ lợi ích của việc TGPL đối họ. Thông tư liên tịch này mang tính đột phá, tạo nên sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả hơn trong phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng. Khi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện tốt trách nhiệm này thì sẽ hạn chế tối đa việc người thuộc diện TGPL mà lại không nhận được sự trợ giúp.
Đối với các cơ quan nhà nước có liên quan, Luật quy định trong quá trình thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình nếu phát hiện công dân thuộc diện được TGPL, cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL.
- Quy định về các hình thức TGPL
Luật TGPL năm 2017 quy định 03 hình thức TGPL, bao gồm: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng mà không quy định “các hình thức TGPL khác” để tránh sự tùy tiện của tổ chức thực hiện TGPL trong việc tổ chức các hoạt động phụ trợ. Với quy định này, việc tổ chức công việc của các Trung tâm TGPL đã đi vào nền nếp hơn, thực chất hơn.
- Chế tài đối với trợ giúp viên pháp khi không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng
 Luật cũng đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước tập trung thực hiện vụ việc tố tụng thông qua quy định trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 02 năm liên tục sẽ bị miễn nhiệm, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan. Đến nay, chưa có trợ giúp viên pháp lý nào thuộc trường hợp này.
- Có cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia tích cực người thực hiện TGPL
Một trong những chính sách để khuyến khích sự tham gia tích cực của người thực hiện TGPL là nâng mức thù lao cho luật sư thực hiện vụ việc tham gia tố tụng và mức bồi dưỡng cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý. Cụ thể, ngay sau khi Đề án đổi mới được triển khai Bộ Tư pháp đã kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL và nay là Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL năm 2017. Cụ thể:
Đối với luật sư: mức bồi dưỡng đối với luật sư tham gia tố tụng đã tăng lên mức 500.000 đồng/buổi làm việc (theo Nghị định số 80/2015/NĐ-CP, tương đương 0,38 mức lương tối thiểu/buổi làm việc tức là  0,78 mức lương tối thiểu/ngày làm việc). Mức bồi dưỡng này được kế thừa tại Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL năm 2017.  
Mức thù lao đối với luật sư thực hiện đại diện ngoài tố tụng 0,31 mức lương cơ sở/buổi làm việc nhưng tối đa không quá 20 buổi làm việc/01 vụ việc
Vụ việc TGPL bằng hình thức tư vấn pháp luật, luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm được hưởng thù lao từ 0,08 - 0,15 mức lương cơ sở/01 văn bản tư vấn pháp luật tùy tính chất phức tạp và nội dung của vụ việc.
Đối với trợ giúp viên pháp lý, mức bồi dưỡng tham gia vụ việc tố tụng tăng lên mức 40% và khi thực hiện đại diện ngoài tố tụng được hưởng 20% thù lao của luật sư.
b) Các biện pháp điều hành cụ thể
- Giao chỉ tiêu thực hiện vụ việc tham gia tố tụng
Từ năm 2016, hàng năm Bộ Tư pháp ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho các trợ giúp viên pháp lý, theo đó, các trợ giúp viên pháp lý có trách nhiệm thực hiện một số lượng vụ việc tham gia tố tụng nhất định căn cứ vào thâm niên giữ chức danh nghề nghiệp này. Hàng năm, chỉ tiêu được điều chỉnh tăng dần. Khi mới triển khai việc giao chỉ tiêu, nhiều trợ giúp viên pháp lý gặp khó khăn vì trong một thời gian dài họ không “buộc phải” thực hiện nhiệm vụ này, không chịu bất kỳ áp lực nào. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện thì nhận thức của đội ngũ này đã có sự thay đổi rõ, nhận thức được rằng trợ giúp viên pháp lý là một chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực tư pháp và thực hiện vụ việc TGPL là nhiệm vụ đương nhiên của chức danh này. Hơn nữa, chỉ thông qua thực hiện vụ việc trợ giúp viên pháp lý mới khẳng định được năng lực của bản thân cũng như góp phần ghi nhận vai trò, vị thế của hoạt động TGPL trong đời sống xã hội. Xuất phát từ nhận thức này, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý đã tích cực hơn trong việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng tham gia tố tụng.
Bắt đầu từ năm 2016 đến nay, trải qua 04 năm triển khai (2016-2019), số vụ việc tham gia tố tụng do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện đã tăng lên nhiều. Đến năm 2019, số vụ việc tham gia tố tụng tăng so với năm 2016 là 3.432 vụ, tương đương tăng 50,2%, và số vụ việc tham gia tố tụng bình quân trên mỗi Trợ giúp viên pháp lý tăng gần 32% (năm 2016: bình quân 12,2 vụ/1 trợ giúp viên pháp lý; năm 2019: bình quân 16,1 vụ/1 trợ giúp viên pháp lý). Qua các năm thực hiện chỉ tiêu, nhiều Trung tâm sau khi thực hiện chỉ tiêu tham gia tố tụng đã có chuyển biến. Năm 2016, toàn quốc có 118 trợ giúp viên pháp lý không đạt chỉ tiêu thì đến hết năm 2019 chỉ còn 77 trợ giúp viên pháp lý không đạt chỉ tiêu (khoảng 12,1%). Nhiều địa phương có số vụ việc tham gia tố tụng năm 2019 tăng mạnh so với năm 2018 như: Hậu Giang tăng 259%; Nam Định tăng 215%; Đồng Nai tăng 133%; An Giang tăng 109%; Lâm Đồng tăng 96%; Đắk Nông tăng 94%; Kiên Giang tăng 91%...
Có thể khẳng định, sau 04 năm thực hiện chỉ tiêu tham gia tố tụng, nhìn chung, việc tham gia tố tụng của các Trợ giúp viên pháp lý đã có chuyển biến tích cực. Việc giao chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý qua các năm đã và đang trở thành công cụ hiệu quả trong việc quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý ở Trung ương nói chung và ở địa phương nói riêng. Từ chỗ hoạt động tham gia tố tụng chủ yếu dựa vào đội ngũ luật sư, thậm chí có trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng thì nay các trợ giúp viên pháp lý đã trở thành lực lượng chính trong hoạt động tham gia tố tụng. Việc thực hiện trợ giúp pháp lý ngày càng đi vào thực chất, số vụ việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý và số vụ việc tham gia tố tụng bình quân của mỗi trợ giúp viên pháp lý tăng dần hàng năm. Những kết quả đó đã chứng minh việc giao chỉ tiêu tham gia tố tụng cho các trợ giúp viên pháp lý là đúng đắn, hiệu quả. Đồng thời, việc giao chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý góp phần giúp các Sở Tư pháp xác định vị trí, việc làm của các công chức, viên chức trong Trung tâm cho phù hợp tránh lãng phí nguồn lực trong điều kiện thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay.

3.  Tinh gọn bộ máy tổ chức thực hiện TGPL
Tính đến 31/12/2014 (thời điểm chuẩn bị ban hành Đề án đổi mới) toàn quốc có 201 Chi nhánh TGPL tại các huyện, liên huyện, 4.339 Câu lạc bộ TGPL. Tuy nhiên, thực tế nhiều Chi nhánh trong số đó không có người thực hiện TGPL làm việc, không tiếp nhận và thực hiện vụ việc TGPL. Các câu lạc bộ sinh hoạt chủ yếu lồng ghép với các Câu lạc bộ khác tại địa phương. Từ khi triển khai Đề án, các địa phương đã tiến hành đánh giá rà soát các điều kiện bảo đảm cho việc duy trì hoạt động của Chi nhánh, đánh giá hiệu quả hoạt động để quyết định việc duy trì hay giải thể.
Đặc biệt, Luật TGPL năm 2017 đã đặt ra yêu cầu là trong một năm kể từ khi Luật có hiệu lực pháp luật Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát các Chi nhánh của Trung tâm TGPL đã được thành lập tại địa phương, căn cứ vào nhu cầu TGPL của người dân, nguồn lực và hiệu quả để báo cáo Bộ Tư pháp thống nhất việc duy trì, sáp nhập hoặc giải thể. Đây được coi là một biện pháp cứng rắn hơn để các địa phương tiếp tục kiện toàn, đánh giá quyết định việc hoạt động của các Chi nhánh. Các địa phương đã thực hiện nghiêm túc quy định này. Tính đến ngày 30/6/2020, toàn quốc có 123 Chi nhánh (giảm 74 Chi nhánh).
Về Câu lạc bộ TGPL, trước khi triển khai Đề án đổi mới, toàn quốc có 4.339 Câu lạc bộ. Thực hiện Đề án, các địa phương đã giải thể 2.280 Câu lạc bộ, không có Câu lạc bộ nào được thành lập mới. Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành không còn quy định về Câu lạc bộ, do đó, từ khi triển khai Luật các địa phương đã giải thể và sáp nhập 1.477 câu lạc bộ, chuyển đổi mô hình các Câu lạc bộ còn lại.  

4. Truyền thông về trợ giúp pháp lý
Xác định việc hạn chế trong tiếp cận thông tin về TGPL là một nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân chưa tìm đến tổ chức thực hiện TGPL, cơ quan quản lý TGPL, các tổ chức thực hiện TGPL đã chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động TGPL theo các phương thức khác nhau, gồm truyền thông truyền thống truyền thống (trực tiếp về cơ sở, báo đài, tờ gấp…), truyền thông hiện đại (internet, điện thoại hotline,…) và hình thức đặc thù (hộp, bảng tin, tờ tin TGPL tại cơ quan tố tụng, chính quyền cơ sở…).
- Ở Trung ương, Cục TGPL đã tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện các phóng sự về một số vụ việc thành công, hiệu quả phát sóng trên truyền hình Việt Nam qua các chương trình có nhiều người theo dõi như Quốc hội với cử tri, truyền hình dân tộc, tọa đàm trực tuyến về chính sách về các kết quả thực hiện TGPL trong chương trình giảm nghèo,...; đăng bài viết, bài nghiên cứu trên các kênh báo chí, các phương tiện truyền thông; xây dựng nội dung phóng sự về TGPL cho người dân tộc thiểu số; xây dựng thông điệp về quyền và nghĩa vụ của người thuộc diện TGPL. Trang thông tin điện tử TGPL đã được nâng cấp, hoàn thiện, kịp thời cung cấp văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương và địa phương, là diễn đàn rộng rãi để trao đổi thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng TGPL trên toàn quốc.
- Ở địa phương, tất cả các Trung tâm TGPL trên toàn quốc đã triển khai các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người được TGPL.  Đặc biệt, từ khi Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực Trung tâm TGPL đã được bổ sung nhiệm vụ truyền thông về TGPL thì các Trung tâm đã thực hiện hoạt động này tích cực hơn. Hoạt động truyền thông cũng được đổi mới với nhiều hình thức đa dạng như thông qua việc xây dựng tờ gấp pháp luật, xây dựng phóng sự truyền thông về chính sách TGPL, phóng sự giới thiệu về các vụ việc TGPL đã thực hiện thành công. Từ năm 2016 đến nay, theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách trung ương đã bổ sung kinh phí cho 37 địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn có nhu cầu thiết lập đường dây nóng về TGPL để người dân liên hệ…

5. Huy động các tổ chức xã hội, luật sư có chất lượng tham gia TGPL​
Như đã nêu ở trên theo tinh thần Đề án đổi mới, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ ban hành quy định tăng mức bồi dưỡng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng cho luật sư. Đặc biệt, thể chế hóa tinh thần đổi mới về việc huy động luật sư có kinh nghiệm, trình độ, các tổ chức hành nghề luật sư có uy tín tham gia thực hiện TGPL để người dân có quyền tiếp cận dịch vụ TGPL có chất lượng, Luật TGPL năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết đã quy định việc tham gia TGPL theo hai hình thức là ký hợp đồng và đăng ký tham gia theo các nội dung: điều kiện, tiêu chuẩn và việc thù lao, chi phí khi thực hiện vụ việc TGPL. Như vậy, bên cạnh việc đăng ký tham gia TGPL, Luật quy định thêm cơ chế ký hợp đồng với tổ chức và được chi trả thù lao khi thực hiện TGPL đã tạo thêm cơ hội, để những tổ chức chất lượng tham gia cung cấp dịch vụ TGPL. Triển khai các quy định về đa dạng hóa chủ thể thực hiện TGPL nêu trên, tính đến hết tháng 6/2019, trên toàn quốc có 33 tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với các Sở Tư pháp thực hiện TGPL (trong đó có 24 tổ chức hành nghề luật sư, 09 tổ chức tư vấn pháp luật); 161 tổ chức đăng ký tham gia TGPL với các Sở Tư pháp (trong đó có 128 tổ chức hành nghề luật sư, 33 tổ chức tư vấn pháp luật); 511 luật sư ký hợp đồng thực hiện  TGPL với các Trung tâm TGPL nhà nước. Bên cạnh đó, theo tinh thần từ Đề án đổi mới và thực hiện quy định từ Luật TGPL năm 2017, hiện nay ở các Sở Tư pháp đã công bố danh sách người thực hiện TGPL và tổ chức thực hiện TGPL tại địa phương, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Ngoài ra, để đẩy mạnh đa dạng hóa chủ thể tham gia TGPL, tạo điều kiện cho người được TGPL được thụ hưởng dịch vụ TGPL có chất lượng, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp số 4617/QCPH/BTP- LĐLSVN ngày 28/12/2016 về hoạt động TGPL của luật sư. Đến nay, hầu hết các địa phương ký Quy chế phối hợp với Đoàn luật sư tỉnh/thành phố. Một số địa phương tuy không ban hành Quy chế nhưng có phối hợp khá tốt với Đoàn luật sư địa phương trong công tác TGPL.
Ngoài ra, pháp luật về TGPL cũng đã quy định về thù lao và chi phí thực hiện vụ việc TGPL của các các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp sẽ được chi trả theo hợp đồng với mức được tính trên cơ sở mức chi cho luật sư, cộng tác viên TGPL thực hiện theo các hình thức TGPL.

6. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL
Hệ thống quản lý TGPL do Cục Trợ giúp pháp lý phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng và đưa vào vận hành chính thức từ tháng 01/2019. Qua thực tiễn sử dụng, Hệ thống quản lý TGPL đã cơ bản đáp ứng nhu cầu quản lý, lưu trữ hồ sơ điện tử, trích xuất các số liệu thống kê báo cáo theo biểu mẫu quy định dễ dàng, nhanh chóng. Hệ thống quản lý TGPL cung cấp nhanh một số  thông tin phục vụ cho công tác quản lý như: số liệu vụ việc thụ lý, số liệu vụ việc hoàn thành, số lượng người thực hiện TGPL, ... từ đó tiết kiệm thời gian trong xử lý công việc, nắm bắt nhanh tình hình tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trên toàn quốc nói chung và tại các Trung tâm TGPL nói riêng.
Hệ thống quản lý TGPL cập nhật, lưu trữ thông tin tổ chức thực hiện TGPL, danh sách người thực hiện TGPL liên tục, kịp thời. Đặc biệt, Hệ thống quản lý TGPL được xây dựng và chạy trên nền tảng công nghệ hiện đại, có khả năng trích xuất và tích hợp cơ sở dữ liệu của các hệ thống đang vận hành chung trong Bộ. Hệ thống quản lý TGPL vận hành theo cơ chế phân quyền đảm bảo quy trình bảo mật thông tin việc, vụ việc đáp ứng quy định của pháp luật về bảo mật thông tin trong hoạt động TGPL.
Tại địa phương, các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin về tổ chức, người thực hiện TGPL, thông tin việc, vụ việc TGPL và trích xuất các thống kê báo cáo phục vụ cho công tác quản lý, theo dõi và hoạt động TGPL. Nhiều Trung tâm TGPL đã ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn việc cập nhật thông tin lên Hệ thống quản lý TGPL.
Có thể nói rằng, vào năm 2014, khi hoạt động TGPL đang phát triển theo chiều rộng và chưa tập trung nhiều vào việc giúp người thuộc diện TGPL giải quyết những tranh chấp pháp luật cụ thể, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong những vụ tranh tụng thì Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL đã được ban hành kịp thời. Đây được coi là một bước đột phá để thay đổi nhận thức của cơ quan quản lý TGPL, tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL về nhiệm vụ của công tác TGPL, về cách thức tổ chức công việc, bố trí nguồn lực cho hoạt động TGPL. Các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án đều hướng tới tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL và trên quan điểm lấy người được TGPL làm trung tâm. TGPL đã đi vào bản chất là thực hiện vụ việc mà TGPL trong tố tụng là đột phá, góp phần vào cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng tranh tụng.
Sau 05 năm thực hiện Đề án đổi mới đã mang đến những kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác của hoạt động TGPL như đã phân tích ở trên, đến nay có thể khẳng định, việc đổi mới công tác TGPL trên thực tế trong thời gian qua là cần thiết và đã có những thành công mang tính đột phá. Nhiều định hướng đúng đắn của Đề án đổi mới đã được đánh giá, kiểm chứng và ghi nhận trong Luật TGPL, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và cần tiếp tục triển khai trên thực tế. Đến nay, cơ sở pháp lý cho sự phát triển bền vững của công tác TGPL đã tương đối đầy đủ. Các địa phương đều đã thể hiện sự nhất trí, đồng tình cao đối với chính sách TGPL hiện hành. Công tác TGPL đã được ổn định, dần đi vào chiều sâu, thực chất, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các đối tượng yếu thế trong các vụ án hình sự, dân sự... được người dân tin tưởng.



[1] Tại nhiều chuyến kiểm tra về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại địa phương, người tiến hành tố tụng phát biểu đánh giá cao vai trò của trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng, cho rằng sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết công việc một cách nhanh chóng, chính xác, khách quan, công bằng, đúng pháp luật
                                       
                                                                                                                                                                             Phan Thị Thu Hà - Cục Trợ giúp pháp lý
 
 
 

Xem thêm »