Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 4 thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý tại huyện Nậm Pồ

08/11/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện theo Kế hoạch số 615/KH - STP ngày 12/4/2024 về Thực hiện nội dung số 2 và số 3, Tiểu dự án 1 của Dự án 10 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2024, Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 4, huyện Nậm Pồ đã xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý tại các điểm bản thuộc các xã: Nậm Khăn, Nậm Chua, Na Cô Sa, Nậm Tin – huyện Nậm Pồ

Để thưc hiện có hiệu quả đợt truyền thông, Chi nhánh trợ giúp pháp lý (TGPL) số 4 phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Nậm Pồ, UBND các xã, liên hệ với Trưởng bản bố trí địa điểm tổ chức họp nhân dân để Đoàn công tác triển khai thực hiện truyền thông về TGPL theo Kế hoạch. Đợt truyền thông đã thu hút được 734 người tham dự, trong đó 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số, các Trưởng bản và Trưởng các tổ chức đoàn thể thuộc các bản trên địa bàn các xã.
 
Người dân nghe truyền thông về Luật Trợ giúp pháp lý

Tại các đợt truyền thông trợ giúp pháp lý điểm, Đoàn công tác đã giới thiệu đến người dân tham dự về Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tuyên truyền, phổ biến về lĩnh vực pháp luật liên quan mật thiết đến nhu cầu của người dân nơi tổ chức truyền thông, trong đó nhấn mạnh quyền được trợ giúp pháp lý của bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hình thức, lĩnh vực, phạm vi được trợ giúp pháp lý và cách thức yêu cầu trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao nhận thức về quyền được trợ giúp pháp lý cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
 

Đoàn công tác phát tờ gấp TGPL

Ngoài ra, Đoàn công tác đã cấp phát miễn phí hành nghìn tờ gấp pháp luật cho người dân tự tìm hiểu với nội dung như: Một số quy định về TGPL; TGPL cho người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đoàn công tác cũng nói chuyện với người dân tham dự về một số chuyên đề pháp luật mà người dân tại địa bàn quan tâm về Pháp luật hình sự, Luật đất đai, một số nội dung về Luật người khuyết tật, Hôn nhân gia đình,…
Sau khi truyền thông về các quy định pháp luật, trợ giúp viên pháp lý của Chi nhánh cũng đã thực hiện tiếp nhận, tư vấn, giải đáp pháp luật tại chỗ cho người dân có ý kiến vướng mắc. Có 07 ý kiến của 04 lượt người dân tham dự có yêu cầu trợ giúp pháp lý về các lĩnh vực pháp luật, cụ thể: đất đai 01 ý kiến; hình sự 04 ý kiến; hành chính 02 ý kiến. Được các Trợ giúp viên pháp lý tư vấn trực tiếp, người có yêu cầu trợ giúp pháp lý đã giải tỏa được các vướng mắc pháp luật, hiểu rõ hơn về các quy định của nhà nước. Hoạt động truyền thông pháp luật về TGPL nhận được sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan và sự quan tâm của đông đảo người dân. Hoạt động này đã được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và đề nghị Trung tâm TGPL tăng cường tổ chức các buổi truyền thông về TGPL tại địa phương trong thời gian tới. 

 

Hình ảnh buổi truyền thông
Hình ảnh buổi truyền thông

Trong những năm gần đây, đời sống vật chất của nhân dân các xã đã được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, mặt bằng chung về hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều hạn chế. Thông qua đợt truyền thông, hiểu biết của người dân vùng dân tộc thiểu số và chính quyền cơ sở về chính sách trợ giúp pháp lý đã được nâng cao; người dân biết được quyền hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của mình và địa chỉ để yêu cầu trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc pháp luật./. 

Nguyễn Thị Lan - Chi nhánh TGPL số 4 

Xem thêm »