Vai trò của trợ giúp viên pháp lý trong việc bào chữa, bảo vệ cho đối tượng người dân tộc thiểu số

24/06/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Niềm vui lớn nhất của một Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) là đề nghị của mình được Hội đồng xét xử chấp nhận, hay nói cách kháclà vụ việc do mình bào chữa, bảo vệ thành công, bảo vệ được một cách tốt nhất cho đối tượng trợ giúp pháp lý (TGPL). Khi TGVPL tham gia một vụ án hình sự, dân sự hay hành chính đều trải qua nhiều thủ tục tố tụng phức tạp. Mục đích cuối cùng là có đủ căn cứ pháp lý để đề xuất hướng xử lý vụ án một cách tốt nhất, có lợi nhất cho đối tượng được TGPL mà mìnhthực hiện bào chữa, bảo vệ. Như vậy, vai trò của TGVPL rất lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng, là bà đỡ về mặt pháp lý, là chỗ dựa để đối tượng được TGPL yên tâm được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước các cơ quan, người tiến hành tố tụng TGVPL còn tham gia truyền thông về TGPL, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, để không những bị can, bị cáo hiểu được pháp luật, chấp hành tốt pháp luật mà còn nâng cao nhận thức pháp luật cho nhiều người, trong đó có những người trực tiếp tham dự phiên tòa.

Ý thức được vị trí, vai trò quan trọng của TGVPL như vậy, nên mỗi TGVPL của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Nam đều không ngừng phấn đấu trau dồi trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng, trong đó có đối tượng là người dân tộc thiểu số. Dưới đây là một vài vụ việc bào chữa thành công cho đối tượng được TGPL là người dân tộc thiểu số để bạn đọc tham khảo:
Vụ thứ nhất, “Hủy hoại rừng” tại huyện Nam Giang
Theo Cáo trạng của VKSND huyện Nam Giang, vào khoảng thời gian cuối tháng 03/2020 đến đầu tháng 4/2020, bị can Ríah Nho đã thuê một số người dân cùng mình chặt phá, đốn hạ trái phép 2.245 m2 rừng tự nhiên, chức năng rừng đặc dụng tại Khoảnh 2, Tiểu khu 322, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, lâm phận do Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (nay là vườn quốc gia Sông Thanh) quản lý (trong đó diện tích rừng có cây thân cây gỗ là 1.166m2, diện tích còn lại là cây cỏ và dây leo bụi rậm) với tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại là 3,894 m3 (thuộc nhóm V, nhóm VII). Qua đó, đã gây thiệt hại về tài sản với số tiền là 43.902.000 đồng (Bốn mươi ba triệu chin trăm lẻ hai nghìn đồng).
VKSND huyện Nam Giang đã truy tố Ríah Nho về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 243, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tại phiên tòa sơ thẩm trong phần tranh luận công khai, vị đại diện VKSND giữ quyền công tố đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo cải tạo không giam giữ.
Trợ giúp viên pháp lý đã tìm hiểu, xác minh hoàn cảnh gia đình bị cáo thật sự đáng thương. Cha của bị cáo mất sớm, người mẹ già yếu thường xuyên bệnh tật; bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo là con duy nhất trong gia đình, là lao động chính, là người dân tộc thiểu số và nhận thức còn nhiều hạn chế nên đã vi phạm pháp luật.
Hồ sơ cũng thể hiện, 44 năm trước khu rẫy của gia đình anh Nho đã bỏ công sức ra khai phá, canh tác, trồng trọt, trồng lúa rẫy để nuôi sống gia đình anh từ bao đời nay. Sau đó cha ruột của Nho là ông Ríah Nhây đã chết và để lại cho bị cáo là con duy nhất trong gia đình thừa hưởng toàn bộ khu rẫy này để làm ăn sinh sống, chăm sóc mẹ già và gia đình. Việc làm rẫy ở khu vực này cũng là nguồn sống, nguồn thu nhập duy nhất của gia đình Nho, bị cáo cũng là lao động chính trong gia đình. Đây là cơ sở để xác định nguồn gốc đất và là những tình tiết quan trọng để xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm Hội đồng xét xử - TAND huyện Nam Giang đã tuyên bị cáo Nhíp mức án 01 năm tù giam. Trợ giúp viên pháp lý đã hướng dẫn bị cáo kháng cáo. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Quảng Nam, Trợ giúp viên pháp lý tiếp tục đưa ra những lập luận, quan điểm của mình: các tình tiết, hồ sơ có trong vụ án cho thấy chính quyền địa phương, các chủ rừng đã không tăng cường tuyên truyền pháp luật, thực hiện cắm mốc, cắm biển báo các khu rừng cấm và không kịp phát hiện, ngăn chặn để người dân vi phạm pháp luật về phát triển và bảo vệ rừng, trong khi đó gia đình bị cáo và bị cáo đã làm ăn, sinh sống tại khu đất rẫy từ 44 năm về trước, đến bây giờ cơ quan chức năng, Ban quản lý rừng, chính quyền địa phương mới đi kiểm tra, phát hiện và yêu cầu xử lý. Trình độ nhận thức của bị cáo còn nhiều hạn chế, không biết đó là rừng đặc dụng, bị cáo phạm tội có một phần lỗi cũng thuộc về chính quyền địa phương, chủ rừng trong công tác thông báo, triển khai, quy hoạch các loại rừng… Hiện tại Ban quản lý khu Vườn quốc gia Sông Tranh vẫn tiếp tục hợp đồng bị cáo trong việc trồng rừng với một diện tích gấp nhiều lần diện tích bị huỷ hoại, đồng thời chính Ban quản lý cũng đề nghị giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt có thể. Từ đó, Trợ giúp viên pháp lý đã đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm đã chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo, giảm cho bị cáo một phần hình phạt, không nhất thiết phải phạt tù giam đối với bị cáo. HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo, tuyên phạt bị cáo mức án 01 năm cải tạo không giam giữ.
Vụ thứ hai, “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” tại huyện Đông Giang
Theo cáo trạng, A Lăng Bi và Bnướch Thị Phùng cùng trú tại thôn Ra Nuối, xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang có tình cảm với nhau nên đã hẹn gặp nhau và 02 lần quan hệ tình dục dẫn đến Phùng có thai và đến ngày 14/10/2020, Phùng đã sinh ra một cháu trai,  giám định ADN xác định cháu bé do Phùng sinh ra chính là con đẻ của A Lăng Bi. Viện KSND tỉnh Quảng Nam đã truy tố A Lăng Bi về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo quy định tại các điểm b, đ, g khoản 2, điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, HĐXX TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt A Lăng Bi 12 năm tù giam (VKS đề nghị xử 14-15 năm tù giam). Bị hại kháng cáo cho rằng HĐXX  xử nặng bị cáo, mong HĐXX sớm trả bị cáo về nhà để nuôi con nhỏ.

Trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra lập luận tại phiên Toà cấp phúc thẩm: do phong tục tập quán lạc hậu còn tồn tại của người dân tộc thiểu số chưa thể một sớm một chiều xoá bỏ được. Hơn nữa gia đình bị hại có trình độ văn hoá thấp, hiểu biết pháp luật hạn chế nên để con mình (là người bị hại) về nhà chồng, sinh sống; gia đình bị cáo thừa nhận bị hại là dâu theo phong tục ở địa phương, thừa nhận con chung của bị cáo và bị hại là cháu nội, nuôi dâu và cháu chu đáo từ khi xử việc xảy ra cho đến nay, nên đề nghị HĐXX  chấp nhận kháng cáo và giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt.
HĐXX nhận định gia đình bị cáo và gia đình bị hại đều thừa nhận bị cáo và bị hại là vợ chồng, bị hại đã về nhà bị cáo sinh sống, bị hại có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; mặc dù là tảo hôn, đã được địa phương tuyên truyền sâu rộng nhưng do bị cáo sinh sống ở vùng còn lạc hậu, cả bị cáo và bị hại đều không còn cha, mẹ bị cáo bị bệnh, già yếu; gia đình bị hại có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, bị hại còn nhỏ không thể lao động tự nuôi sống cho mình và con mình nên đã được gia đình bị cáo đón về nuôi dạy. Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận lời đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý, chấp nhận kháng cáo của bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại, tuyên án bị cáo A Lăng Bi 10 năm tù, giảm 02 năm so với bản án sơ thẩm.
Vụ thứ ba, “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” tại huyện Nam Trà My
Theo Cáo trạng của VKSND huyện Nam Trà My, vào đầu năm 2019, vì muốn có gỗ để làm nhà Phạm Minh Chỉnh đã thỏa thuận thuê Trần Văn Tri cưa xẻ ba cây gỗ gồm các chủng loại Chò Nâu, Trường Chua và Giỗi tại Khoảnh 6, Tiểu Khu 863, thuộc thôn 3 xã Trà Mai, Nam Trà My (được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ là rừng tự nhiên) để cưa xẻ thành các thanh tấm gỗ theo quy cách làm nhà ở, trong quá trình cưa hạ còn có sự giúp sức của Phạm Hồng Tỉnh và Đinh Văn Lương, Chỉnh thỏa thuận thuê Trần Văn Lành kéo các thanh gỗ đã cưa xẻ về tập kết tại khu vực bờ sông Nước Xa thì bị Hạt kiểm lâm huyện Nam Trà My phát hiện. Tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại là 14,115 m3. Tổng giá trị thiệt hại về lâm sản là 79.808.500 đồng. VKSND huyện Nam Trà My đã truy tố Phạm Minh Chỉnh, Trần Văn Lành, Trần Văn Tri, Phạm Hồng Tỉnh, Đinh Văn Lương về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm m, khoản 2 Điều 232, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trợ giúp viên pháp lý đã đánh giá, phân tích hoàn cảnh phạm tội, các tình tiết liên quan vụ án như bị cáo sinh ra trong một gia đình nghèo, sống tại vùng núi đặc biệt khó khăn, cha đã chết, mẹ già yếu; bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo bị người khác lôi kéo, rủ rê đi cưa gỗ thuê; bị cáo là người dân tộc thiểu số và nhận thức còn nhiều hạn chế nên đã vướng vào lao lý. Bị cáo luôn thể hiện sự ăn năn, hối cải, khai báo thành khẩn, chỉ phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự. Kể từ khi vụ án bị tạm đình chỉ bị cáo đã tu chí làm ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, mẹ già, chấp hành nghiêm việc thực hiện báo cáo chính quyền, cơ quan tiến hành tố tụng khi đi ra ngoài địa phương, chấp hành đúng việc thông báo, triệu tập của các cơ quan chức năng khi có yêu cầu làm việc.
Tại phiên tòa sơ thẩm TAND huyện Nam Trà My đã tuyên phạt bị cáo 12 tù giam, bị cáo đã kháng cáo. Và tại phiên tòa phúc thẩm, Trợ giúp viên pháp lý tiếp tục đưa ra các lập luận nêu trên, đồng thời phân tích vai trò đồng phạm của bị cáo, mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng bị cáo tiếp tục bồi thường, khắc phục hậu quả. Vị công tố VKND vẫn giữ nguyên quan điểm của bản án sơ thẩm. Hội đồng xét xử phúc phẩm – TAND tỉnh đã chấp nhận kháng cáo, tuyên phạt bị cáo 9 tháng tù giam, giảm 03 tháng so với bản án sơ thẩm.
          Sự thành công, hiệu quả từ các vụ án hình sự, nêu trên đã cho thấy được sự cố gắng miệt mài của những người thực hiện TGPL, các Trợ giúp viên pháp lý với niềm đam mê, nhiệt huyết và bằng những nghiệp vụ, kỹ năng tranh tụng. Trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra những lý lẽ, quan điểm lập luận chặt chẽ có lý, có tình để HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, cân nhắc tuyên án đảm bảo công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Từ đó cũng cho thấy một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế về hiểu biết pháp luật, các phong tục lạc hậu như lên rừng chặt, đốn gỗ về làm nhà, lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi, dẫn đến tảo hôn vẫn còn diễn ra. Qua đó, khẳng định vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong việc bào chữa, bảo vệ cho đối tượng là người dân tộc thiểu số là một việc làm cần thiết; hỗ trợ các địa phương xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ổn định cuộc sống cho bà con ở các đinh phương, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các chính sách TGPL và các Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với truyền thông về TGPL, hoạt động tham gia tố tụng trong công tác TGPL đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể trong việc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương cơ sở.
                                                                               Hương Lê – Lê Nguyễn
“Các đương sự, bị can, bị cáo đã được đổi tên”
 

Xem thêm »