Ngày 30 tháng 7 năm 1998, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về người tàn tật. Trong đó, tại điều 31 có quy định lấy ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật. Sau này, khi Luật người khuyết tật Việt Nam ra đời năm 2010, đã chính thức ghi nhận ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày người khuyết tật Việt Nam tại Điều 11.
Trong không khí chung của cả nước tổ chức những hoạt động nhằm hưởng ứng ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đồng Nai cũng đã triển khai một số hoạt động thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc như: Thực hiện trợ giúp pháp lý tại trụ sở Hội Người khuyết tật, chú trọng thực hiện có hiệu quả các vụ việc tham gia tố tụng cho người khuyết tật, treo băng rôn tại trụ sở Trung tâm để tuyên truyền chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật,…Trongtháng 03 năm 2024, Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 2 thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Hội Người mù TP. Long Khánh tổ chức buổi trợ giúp pháp lý tại trụ sở của Hội Người mù có địa chỉ ở TP. Long Khánh, qua đó nói chuyện chuyên đề và truyền thông về pháp luật trợ giúp pháp lý; đồng thời tư vấn pháp luật, giải đáp các vướng mắc chung cho hội viên người khuyết tật đang sinh hoạt tại Hội, với khoảng 50 người tham dự. Qua buổi trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở như vậy đã nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của Hội viên người khuyết tật. Đồng thời, các Trợ giúp viên pháp lý thông qua việc thực hiện trợ giúp pháp lý ngoài trụ sở, kịp thời nắm bắt được nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật để hỗ trợ thụ lý ngay, giúp đảm bảo một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
Nhận thức được hoạt động trợ giúp pháp lý là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta dành cho những đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội, trong đó có người khuyết tật hàng năm, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đồng Nai luôn chủ động triển khai có hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật theo Kế hoạch của Bộ Tư pháp, giúp Sở Tư pháp tham mưu để Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với các tiêu chí phù hợp tình hình địa phương, các hoạt động thiết thực, khả thi, hiệu quả, sâu rộng trên toàn địa bàn tỉnh. Theo đó, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý là những người trực tiếp thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lýnhư: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng,…với phương châm là đảm bảo một cách tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng cho người khuyết tật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người khuyết tật trong quá trình tham gia các vụ việc tại các cơ quan có thẩm quyền.
Có nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý hiệu quả cho người khuyết tật được Trung tâm thực hiện. Có thể kể đến như vụ việc ly hôn và tranh chấp về cấp dưỡngmà Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đồng Nai thụ lý tháng 12/2023. Đối tượng được trợ giúp pháp lý trong vụ việc này là một trẻ khuyết tật 05 tuổi tại phường Tân Hiệp, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Cháu Nguyễn Văn K. sinh năm 2017, thuộc diện người khuyết tật nặng, được địa phương cấp giấy xác nhận khuyết tật. Cháu hiện đang phải theo học tại trường dành riêng cho trẻ khuyết tật. Cha mẹ cháu sau những bất đồng trong hôn nhân, đã không thể chung sống với nhau, và cha cháu (ông H.) là nguyên đơn xin ly hôn, và đề nghị không cấp dưỡng cho con chung là cháu K.. Mẹ cháu K. công việc thu nhập không ổn định, cộng với chi phí học tập, chữa bệnh cho con, nên không thể một mình nuôi con chung. Chị N. (mẹ cháu K.) đã đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đồng Nai để yêu cầu cử Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền lợi chính đáng cho con chị là cháu K., yêu cầu chồng chị phải có trách nhiệm cấp dưỡng hàng tháng phù hợp với nhu cầu của con là cháu K.. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đồng Nai đã tiến hành thụ ngay yêu cầu của chị N., cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng tại Tòa án TP. Biên Hòa để bảo vệ quyền lợi cho cháu K., thuộc diện trẻ em và cũng là diện người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Trong suốt quá trình làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng, Trợ giúp viên pháp lý luôn theo sát vụ việc, tiến hành các hoạt động nghiệp vụ có liên quan tại cơ quan tố tụng, tham gia đầy đủ các buổi làm việc cùng với bị đơn là mẹ cháu K. và Tòa án để hỗ trợ kịp thời, bảo đảm quyền lợi hợp pháp một cách tốt nhất cho cháu K.. Sau quá trình làm việc nỗ lực như đề nghị xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ của vụ án, hòa giải, thuyết phục,… nguyên đơn là cha cháu K. đã chấp nhận mức cấp dưỡng hàng tháng mà bị đơn là mẹ cháu K. yêu cầu. Vụ việc cuối cùng cũng được hòa giải thành, cha cháu K. đã đồng ý cấp dưỡng nuôi con chung theo mức cấp dưỡng mà mẹ cháu K. đề nghị, và bắt đầu thực hiện cấp dưỡng cho con chung từ tháng 04/2024. Kết quả của vụ việc theo đúng nguyện vọng của đối tượng được trợ giúp pháp lý, vừa hợp lý, hợp tình, từ đó giúp cuộc sống của mẹ con cháu K. được ổn định, vơi bớt đi những nhọc nhằn cơm áo và những thiệt thòi về thể chất mà cháu K. từ khi sinh ra vốn đã không được may mắn như bao đứa trẻ cùng trang lứa.
Ngoài việc chú trọng thực hiện có hiệu quả các vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật tại các cơ quan, ban ngành, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đồng Nai còn chủ động, tích cực thực hiện nhiều hoạt động khác trong năm, nhằm nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt các chính sách. Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật nói chung của tỉnh, của Bộ Tư pháp, của Đảng và Nhà nước ta đã góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, giúp chất lượng đời sống của người khuyết tật không ngừng được nâng cao, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, dẫn dắt, các chính sách chung của Đảng và Nhà nước./.
Nguyễn Ngọc Huyền – Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đồng Nai