Thái Nguyên: Hiệu quả từ việc đa dạng hóa hình thức truyền thông về trợ giúp pháp lý

02/01/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Truyền thông nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý, góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Chính sách trợ giúp pháp lý là một chính sách bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là một bộ phận của tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc và ưu đãi xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách trợ giúp pháp lý mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc, đây không chỉ là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù trong xã hội mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Với mục tiêu 100% người dân thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu sẽ được trợ giúp pháp lý miễn phí, hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý những năm qua được hết sức coi trọng nhằm tăng thêm sự hiểu biết, tiếp cận của người dân trong hoạt động này, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yếu thế trong xã hội. Nhất là nhóm đối tượng sinh sống tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn khả năng tiếp cận pháp luật còn gặp nhiều khó khăn.

 
 
Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý được lắp đặt tại toàn bộ 178 trụ sở công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Trong năm 2023, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 110 điểm truyền thông tại cơ sở, 4.051 người dân được tiếp cận về hoạt động trợ giúp pháp lý. Tổ chức 43 điểm Tư vấn pháp luật tại các địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn với số lượng vụ việc được tư vấn trực tiếp tại cơ sở là 289 vụ việc; 42.000 tờ gấp đã được cấp phát đến người dân tại cơ sở; 178 Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý đã được lắp đặt tại toàn bộ 178 trụ sở công an xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Song song với việc thực hiện tốt công tác truyền thông, tư vấn pháp luật cho người dân tại cơ sở, cấp phát tờ rơi tờ gấp về trợ giúp pháp lý, lắp đặt bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Trung tâm đã đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa hình thức truyền thông: Truyền thông qua tin nhắn SMS, truyền thông qua báo chí, truyền thông qua phóng sự truyền hình, truyền thông qua hệ thống loa phát thanh, truyền thanh đến xóm, xã, thôn, bản. 285.500 tin nhắn SMS truyền tải thông tin truyền thông về trợ giúp pháp lý đến với người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; 14 tác phẩm báo tuyên truyền về công tác trợ giúp pháp lý đã được đăng tải trên Báo Thái Nguyên điện tử và các trang báo điện tự khác; 01 phóng sự truyền hình truyền thông về công tác trợ giúp pháp lý được phát sóng trên chương trình thời sự của đài phát thanh truyền hình Thái Nguyên.
Phóng sự truyền thông về trợ giúp pháp lý được phát sóng trên chương trình thời sự của đài phát thanh truyền hình Thái Nguyên

Từ những đổi mới, đa dạng hóa hình thức truyền thông, những hiệu quả đạt được được thể hiện qua chính những con số. Tính đến 31/10/2023, Trung tâm đang thực hiện 1171 vụ việc (trong đó kỳ trước chuyển qua 340 vụ việc, trong kỳ thụ lý 831 vụ việc), tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022 cả về mặt số lượng và chất lượng.
Qua việc đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa hình thức truyền thông, đến nay ngày càng nhiều người dân biết đến công tác trợ giúp pháp lý. Số lượng người dân đến trụ sở tiếp công dân của Trung tâm trợ giúp pháp lý để được tư vấn về chính sách trợ giúp pháp lý ngày một đông hơn. Đặc biệt là bà con sinh sống tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, giúp bà con nâng cao hiểu biểu pháp luật, từ đó tích cực chấp hành các quy định của Nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương./.
                                                       Lê Hòa – Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Thái Nguyên

Xem thêm »