Lạng Sơn: Tích cực thực hiện các nhiệm vụ nhằm tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023

29/06/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, phía Đông Bắc Tổ quốc, địa bàn rộng, tỉ lệ người dân tộc thiểu số đông, chiếm 83,16% dân số toàn tỉnh, có 07 dân tộc chủ yếu là: Nùng 42,8%; Tày 35,4%; Kinh 16,11%; Dao 3,5%; Sán Chay 0,6%; Hoa 0,3%; Mông 0,17%; các dân tộc khác chiếm 0,12%. Trong những năm qua, công tác dân tộc nói chung trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm

Nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số luôn được chú trọng. Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chủ yếu sinh sống ở vùng núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống dân cư của người dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức không đồng đều, việc tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý của người dân ở cơ sở còn nhiều hạn chế.
Theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó nội dung: Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi quy định tại nội dung số 3 thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 10.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn thông qua các chương trình, kế hoạch giai đoạn và hàng năm, các văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ triển khai thực hiện các chương trình, chính sách của trung ương và địa phương.
Thực hiện Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 08/3/2023 của UBND tỉnh Lạng Sơn về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2023, Kế hoạch số 60/KH-STP ngày 14/3/2023 của Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2023. Ngày 21/3/2023, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn (Trung tâm) đã ban hành Kế hoạch số 164/KH-TGPL về tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023. Theo đó: Trung tâm tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng các hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bằng các hoạt động như: Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý trực tiếp tại các xã điểm vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Hoạt động tổ chức tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số, tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Hoạt động tăng cường thông tin, truyền thông rộng rãi về công tác trợ giúp pháp lý  như xây dựng phóng sự về trợ giúp pháp lý; Hoạt động tổ chức các đợt chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm; Hoạt động biên soạn, cung cấp các ấn phẩm, tài liệu truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý, cấp phát cho cán bộ và nhân dân.
Trong 06 tháng đầu năm 2023, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm thực hiện các hoạt động theo Kế hoạch đề ra, một số kết quả đạt được như sau:
Hoạt động 1: Tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý trực tiếp tại các xã điểm vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Thực hiện 15 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý để truyền thông trực tiếp cho đối tượng người tham dự là người dân trên địa bàn tại các thôn, xã của các huyện Bình Gia, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Lộc Bình, Cao Lộc và Văn Lãng, kịp thời nắm bắt, tiếp cận nhu cầu trợ giúp pháp lý, với tổng số người tham dự là 931 người.
Thông qua các cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý trực tiếp đến các xã, thôn, cụm xã… đã giúp người dân nắm bắt, tiếp cận được quy định pháp luật về chính sách về trợ giúp pháp lý miễn phí, tiếp cận nhu cầu trợ giúp pháp lý tại cơ sở, lồng ghép truyền thông, tuyên truyền một số quy định pháp luật về Bộ luật hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật hòa giải ở cơ sở…..góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng dân cư.

 

Hoạt động 2: Tổ chức tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số, tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi
         Tổ chức được 08 cuộc Hội nghị tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số, tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý đối với đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa bàn 08 huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Quan, Văn Lãng, Đình Lập, Bình Gia, Văn Quan cho đối tượng là: Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã; già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người dân tộc thiểu số.
Tại các hội nghị tiếp cận điểm, các đại biểu được cấp phát tài liệu, được nghe Báo cáo viên giới thiệu Đề cương tuyên truyền Luật Trợ giúp pháp lý, hướng dẫn cách tiếp cận về trợ giúp pháp lý; thực hiện hướng dẫn giải đáp vướng mắc pháp luật về trợ giúp pháp lý; thực hiện khảo sát qua bộ câu hỏi trắc nghiệm, để đánh giá mức độ hiểu biết, khả năng tiếp cận chính sách pháp luật về trợ giúp pháp lý cũng như nhu cầu tiếp cận chính sách pháp luật của nhà nước, để Trung tâm có kế hoạch tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý và các lĩnh vực pháp luật khác trong thời gian tới.
Qua các hội nghị tập huấn điểm, đã giúp các đối tượng là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,... được bồi dưỡng kiến thức về trợ giúp pháp lý, có khả năng thông tin, giải thích về trợ giúp pháp lý cho người dân và giới thiệu người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi gặp vướng mắc pháp luật, tạo cầu nối giữa người dân với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi họ có yêu cầu.

 

Hoạt động 3: Tăng cường thông tin, truyền thông rộng rãi về công tác trợ giúp pháp lý 
Trung tâm đang xây dựng 02 phóng sự để phát trên Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh; trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp, Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật... để hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với dịch vụ pháp luật. Thường xuyên gửi các tin bài về các hoạt động trợ giúp pháp lý đăng trên Báo Lạng Sơn, Trang Thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp, Trang Thông tin điện tử Trợ giúp pháp lý Việt Nam,...

Hoạt động 4: Tổ chức các đợt chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm 
Tổ chức 06 đợt chuyên đề “Hướng dẫn cách tiếp cận và thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý” cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và cán bộ thuộc các cơ quan liên quan, cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các thôn, xã của 02 huyện Bắc Sơn và Văn Lãng với tổng số người tham dự là: 388 người.

 

Hoạt động 5: Biên soạn, cung cấp các ấn phẩm, tài liệu truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý, cấp phát cho cán bộ và Nhân dân
          Trung tâm đã biên soạn và sẽ xin cấp phép in ấn “Sổ tay hướng dẫn tiếp cận về trợ giúp pháp lý”, tờ gấp “Trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số trong tố tụng hình sự” và “Trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số trong tố tụng dân sự” để cấp phát miễn phí cho cán bộ, nhân dân vùng đồng bào trên địa bàn tỉnh.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ nhằm tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025, đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.
Công tác triển khai thực hiện chính sách về trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo công bằng xã hội, đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống./.

 
                                       
                                               Hoàng Thị Hải  - Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn
 
 

Xem thêm »