Quảng Ngãi: Sơ kết 5 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017

07/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 (Luật TGPL năm 2017) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và thay thế Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 với nhiều nội dung quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp hóa. Đây là một trong những Luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm đảo đảm thi hành nghiêm túc Hiến pháp 2013. Đặc biệt, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính cũng đã ghi nhận, bổ sung tư cách Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Những hoàn thiện trong chính sách, thể chế về công tác TGPL phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển trong tình hình mới đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động TGPL nói chung và tổ chức thực hiện TGPL nói riêng phát triển cả về chất và lượng, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý từng bước được chuẩn hoá nhất là trong tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL.

Diện người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 rất rộng, bao gồm 14 nhóm đối tượng như: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi;…. Việc trợ giúp pháp lý miễn phí cho những người thuộc diện nêu trên là một trong những biện pháp nhằm giúp họ tiếp cận kiến thức pháp luật, góp phần bảo đảm quyền công dân, công bằng xã hội,thể hiện tính nhân văn của chế độ ta. Mặc khác trợ giúp pháp lý cũng được coi là một trong những phương thức áp dụng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong giai đoạn mới.
Trong 5 năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi (sau đây gọi tắt là Trung tâm) đã không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực quản lý điều hành và biện pháp tổ chức thực hiện, xiết chặt kỷ cương, kỷ luật, vượt qua khó khăn, nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ được giao. Trung tâm đã luôn bám sát các mục tiêu, chương trình, kế hoạch của tỉnh, của Ngành và những yêu cầu thực tiễn để chủ động, kịp thời ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng (Hội đồng phối hợp liên ngành) ban hành hoặc trình UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ các lĩnh vực hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Sở Tư pháp cùng với sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận, khắc phục mọi khó khăn và nỗ lực phấn đấu của tập thể cấp ủy, lãnh đạo Trung tâm và toàn thể công chức, viên chức, người lao động, Trung tâm đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. Hoạt động TGPL được triển khai toàn diện, có trọng tâm trọng điểm và đã đạt được những kết quả tích cực như sau:
1. Kết quả công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý 
 Để Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thực sự đi vào cuộc sống. Trung tâm đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, nhất là những điểm mới của Luật và các văn bản pháp luật có liên quan. Sở Tư pháp đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5030/KH-UBND ngày 18/8/2017 triển khai thi hành Luật TGPL năm 2017; tổ chức 01 Hội nghị triển khai những điểm mới của Luật TGPL năm 2017. Mặt khác, ngay sau khi Luật TGPL có hiệu lực (01/01/2028), Sở đã chỉ đạo Trung tâm tổ chức 02 Hội nghị tập huấn các văn bản pháp luật về TGPL, kỹ năng tư vấn pháp luật cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý (sau đây viết tắt là TGVPL) và luật sư ký Hợp đồng thực hiện TGPL (sau đây viết tắt là Luật sư). Từ năm 2018 đến 06 tháng đầu năm 2022, Trung tâm đã tổ chức 224 đợt truyền thông về hoạt động TGPL tại các huyện gồm: Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Mộ Đức, Đức Phổ, Minh Long, Trà Bồng... với hơn 10.000 lượt người tham dự. Trong các đợt truyền thông về hoạt động TGPL, các Trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện tư vấn 1407 vụ việc cho người dân có yêu cầu TGPL. Công tác thông tin, truyền thông về hoạt động TGPL được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền thông qua hình thức làm Bảng thông tin về TGPL đặt tại UBND các xã, phường, thị trấn; Nhà văn hóa các thôn, bản và các cơ quan tiến hành tố tụng trên toàn tỉnh; in ấn các loại tờ gấp pháp luật về hoạt động TGPL cấp phát cho nhân dân, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ký hợp đồng truyền thông về TGPL với các xã miền núi, xã bãi ngang ven biển và Đài phát thanh và truyền hình tỉnh. Hiệu quả của công tác thông tin truyền thông đã góp phần rất lớn đưa kết quả hoạt động TGPL lên tầm cao mới, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong quá trình hoạt động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác TGPL.
 

Các hoạt động truyền thông đã mang lại những hiệu quả thiết thực, tiết kiệm chi phí, truyền tải được nhiều nội dung pháp luật, đặc biệt phù hợp với điều kiện những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đi lại khó khăn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình đại dịch Covid-19 diễn ra khá phức tạp trên địa bàn tỉnh nên trong giai đoạn (2020-2022) việc tổ chức các đợt truyền thông đến các địa bàn cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Việc được gặp gỡ tiếp xúc cũng như tổ chức các hoạt động tuyên truyền tập trung đông người vẫn rất hạn chế làm giảm đi một phần hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến Luật TGPL đến cho người dân. Hiện nay khi tình hình đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát Trung tâm đã tiến hành triển khai các kế hoạch, các đợt truyền thông mới để có thể mang Luật TGPL tiếp cận một cách tốt nhất đến người dân.
2. Kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý
Căn cứ các văn bản hướng dẫn, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Cục Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động TGPL như: Tư vấn pháp luật; cử người tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng (Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL); tập huấn nghiệp vụ TGPL; truyền thông, thông tin về TGPL...kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng thuộc diện được TGPL khi có yêu cầu; hoạt động TGPL cũng là kênh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng như giữ vững an ninh trật tự địa phương.
 Từ 01/01/2018, Trung tâm đã thực hiện hoàn thành 2.901 vụ việc. Trong đó có 1401 vụ việc đại diện, bào chữa; 1.498 vụ việc tư vấn pháp luật và 02 vụ việc đại diện ngoài tố tụng (TGVPL thực hiện 2.444 vụ việc, Luật sư thực hiện 457 vụ việc). Tổng số lượt người được TGPL là 2.901 người; trong đó có 428 người nghèo, 279 người có công với cách mạng, 1.516 người đồng bào dân tộc thiểu số, 82 người vừa hộ nghèo vừa là người đồng bào dân tộc thiểu số, 101 người khuyết tật, 133 người già, 124 trẻ em, 172 người bị buộc tội từ đủ 16 đến chưa đủ 18 tuổi, 41 người thuộc hộ cận nghèo, 25 đối tượng khác.
So với chỉ tiêu tham gia tố tụng của TGVPL hằng năm do Bộ Tư pháp ban hành thì số vụ việc tham gia tố tụng của TGVPL qua các năm đều đạt chỉ tiêu, có nhiều TGVPL đạt chỉ tiêu khá, tốt.

 

3. Kết quả công tác phối hợp liên ngành về TGPL ngày càng được chú trọng, thực hiện hiệu quả
 Thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10/2018); Các cơ quan thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành ở tỉnh đã bám sát nội dung Thông tư liên tịch số 10/2018 để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức trong ngành mình thực hiện theo đúng các hoạt động phối hợp về TGPL trong quá trình tố tụng. Qua số liệu thống kê cho thấy hầu hết các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh trong quá trình tiến hành tố tụng, khi phát hiện có đối tượng thuộc diện người được TGPL miễn phí trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính thì các cơ quan tiến hành tố tụng đều hướng dẫn, giới thiệu, thông tin trực tiếp đến Trung tâm đề nghị phối hợp, cử người tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho đối tượng được TGPL.
Nhìn chung, các hoạt động TGPL trên địa bàn trong thời gian qua luôn được sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của Cục Trợ giúp pháp lý và UBND các cấp. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể có liên quan trong hoạt động TGPL.
Đội ngũ TGVPL, viên chức Trung tâm ngày càng có kinh nghiệm, nhiệt tình, năng nổ, không ngại khó khăn để luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao; hiệu quả công tác TGPL ngày càng được nâng lên, tạo được niềm tin cho các đối tượng và chính quyền cơ sở.
Lực lượng TGVPL được bổ sung hằng năm, đội ngũ nhân sự được cử đi đào tạo và bổ nhiệm mới đã góp phần bổ sung thêm lực lượng TGVPL trên địa bàn tỉnh, giảm tải áp lực về mặt nhân lực cũng như góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động TGPL trên địa bàn, vụ việc TGPL được tăng lên cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của đối tượng được TGPL.
Trong những năm qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về TGPL và chính sách TGPL cho các đối tượng được TGPL trên địa bàn tỉnh luôn được Sở quan tâm, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả cao. Các hoạt động truyền thông về TGPL được triển khai, tổ chức thực hiện hướng về cơ sở; đặc biệt, là công tác tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, tuyên truyền pháp luật tại các địa bàn cơ sở được thực hiện thường xuyên với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp từng địa bàn, đối tượng.
Các cơ quan tiến hành tố tụng ở tỉnh và các huyện, thành phố đã tích cực phối hợp với Trung tâm về TGPL trong hoạt động tố tụng. Bên cạnh đó, lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể ở địa phương rất tích cực trong việc phối hợp với Trung tâm tổ chức các đợt truyền thông về hoạt động TGPL ở địa phương.
Các hoạt động TGPL được triển khai với nhiều hình thức đa dạng như: Tư vấn pháp luật; cử TGV, Luật sư ký Hợp đồng thực hiện TGPL tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng; truyền thông về TGPL… Qua đó kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đối tượng là người thuộc diện được TGPL miễn phí, giúp họ tiếp cận và sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước một cách dễ dàng và cần thiết; đồng thời, góp phần nâng cao dân trí pháp lý, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân.
Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ngày càng đóng vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống pháp luật của người dân toàn tỉnh. Sở Tư pháp sẽ tiếp tục pháp huy công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý trong thời gian đến, góp phần xây dựng Quảng Ngãi trở thành một tỉnh trọng điểm về kinh tế xã hội trong giai đoạn sắp tới./.
Đức Minh (Trung tâm TGPL Quảng Ngãi)
 

Xem thêm »