Vĩnh Phúc: Tăng cường truyền thông hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý

23/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 06/9/1997 quy định về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách ra đời đã đánh dấu một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cơ bản trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Trải qua 25 năm, pháp luật về trợ giúp pháp lý đã ngày càng được hoàn thiện là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những người có hoàn cảnh đặc biệt (người yếu thế trong xã hội) và thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của công dân khi phát sinh sự kiện pháp lý.

Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc (sau đây gọi là Trung tâm) ngày càng lớn mạnh là cầu nối quan trong đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả toàn diện trên các mặt công tác như: Tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật… một trong những điểm sáng trong hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh nói chung là công tác truyền thông. Hằng năm, Trung tâm chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch truyền thông về trợ giúp pháp lý để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai, thực hiện có hiệu quả. Hoạt động truyền thông  được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú như: xây dựng chuyên mục pháp luật và đời sống trên Báo Vĩnh Phúc, Đài phát thanh truyền hình tỉnh;phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan trong tỉnh để tổ chức các nội dung về trợ giúp pháp lý tại các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức các hội nghị truyền thông về cơ sở.
Mỗi năm, Trung tâm đã phối hợp tổ chức trên 20 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý và tuyên truyền giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc thù tại các xã, phường, thị trấn, các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức 04 hội nghị tuyên truyền pháp luật nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tam Đảo; Trung tâm phối hợp với phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp và phòng Tư pháp cấp huyện, hằng năm đã cử báo cáo viên pháp luật thuộc Trung tâm đến truyên truyền, phố biến pháp luật tại các hội nghị phổ biến pháp luật tại cơ sở do UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức với hàng nghìn người tham dự. Phối hợp với phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp và Đài phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng 04 chuyên mục pháp luật về trợ giúp pháp lý, pháp luật về hình sự, pháp luật về tiếp cận thông tin; giải đáp pháp luật chuyên đề về trợ giúp pháp lý và 08 số giải đáp pháp luật trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh.Việc tuyên truyền về trợ giúp pháp lý qua các phương tiện truyền thông tại xã, phường, thị trấn, thôn, ... đã từng bước được chú trọng, nhiều xã, phường, thị trấn đã tổ chức phát thanh vào những ngày trong tuần để người dân biết, tiếp cận và sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí. Đây là một trong những kênh thông tin đem lại hiệu quả cao góp phần quan trọng đưa quy định của pháp luật và pháp luật về trợ giúp pháp lý đến với người dân ở cơ sở.

(Hình ảnh Trợ giúp viên pháp lý tư vấn pháp luật tại cơ sở)
Trong 05 năm trở lại đây, Trung tâm đã in và phát hành miễn phí 30.400 tờ gấp pháp luật, 9.100 sách pháp luật tại các buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý, các buổi phối hợp tuyên truyền pháp luật, sinh hoạt chuyên đề pháp luật đồng thời bàn giao tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho địa phương để cấp phát miễn phí cho người dân ở cơ sở. Tổ chức lắp đặt 180 bảng thông tin, 510 hộp tin về trợ giúp pháp lý tại các UBND cấp xã, cơ quan tiến hành tố tụng, nhà tạm giữ, trại tạm giam, trụ sở tiếp công dân cấp xã, cấp huyện, trụ sở tổ chức người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.... nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về trợ giúp pháp lý và cung cấp các thông tin vềngười thực hiện và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để người dân ở cơ sở và người thuộc diện trợ giúp pháp lý dễ dàng tiếp cận và liên hệ khi cần trợ giúp pháp lý.
Thông qua hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức phong phú mà nhiều người được trợ giúp pháp lý dần biết đến tổ chức trợ giúp pháp lý và quyền, nghĩa vụ của mình khi được trợ giúp pháp lý . Hiệu quả là số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý  năm sau cao hơn năm trước, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý  được đảm bảo. Bên cạnh đó,  sự nhìn nhận của các cơ quan nhà nước về chức năng, phạm vi, lĩnh vực hoạt động và sự cần thiết của trợ giúp pháp lý đã được nâng cao và ngày càng nhận được sự tín nhiệm, tin tưởng của cấp ủy, chính quyền các địa phương và người dân, người được trợ giúp pháp lý . 
Có thể nói, do chú trọng công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý  mà Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành địa chỉ tin cậy để người dân tìm đến. Đồng thời, đã tạo được niềm tin và là cầu nối, diễn đàn đối thoại giữa chính quyền và người dân tại cơ sở, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức thượng tôn pháp luật cho mỗi người dân.
Hoạt động truyền thông được triển khai chất lượng và hiệu quả đã góp phần bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng pháp luật, giải tỏa những vướng mắc pháp luật trong nhân dân, giúp người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài; góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương. Bên cạnh đó hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý  còn góp phần hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực thi công vụ, hạn chế tình trạng lạm quyền, góp phần giải tỏa vướng mắc pháp luật giảm thiểu các tranh chấp của nhân dân, đồng thời hỗ trợ tích cực cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bảo đảm giải quyết vụ án khách quan, công bằng, đúng pháp luật, góp phần thực hiện cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng đề ra.
Kim Thanh – PGĐ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc

Xem thêm »