Quảng Nam: Chặng đường 25 năm trợ giúp pháp lý xây dựng và phát triển

16/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thời điểm tỉnh Quảng Nam được tái thành lập năm 1997, cũng là thời điểm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Quảng Nam được ra đời đã đánh dấu chặng đường xây dựng và phát triển. Từ năm 1999 đến tháng 6/2022, Trung tâm TGPL tỉnh Quảng Nam đã thực hiện được 25.953 vụ việc thuộc các lĩnh vực: hình sự: 2.755 vụ việc; dân sự và hôn nhân gia đình: 8.460 vụ việc; hành chính-hộ tịch: 4.623 vụ việc, lĩnh vực khác: 10.115 vụ việc. Trải qua gần 25 năm hình thành và phát triển, chính sách TGPL đã đem lại những hiệu quả thiết thực, tạo được niềm tin, sự hài lòng của các đối tượng được TGPL.

Công tác TGPL được khẳng định với vai trò quan trọng để mọi đối tượng yếu thế trong xã hội được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp một cách tốt nhất, bắt đầu từ Đề án đổi mới công tác Trợ giúp pháp lý  được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 về phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025 và đến nay lồng ghép thực hiện chính sách TGPL với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Những ngày đầu gian khó
Trên cơ sở Quyết định 734/QĐ-TTg ngày 6/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập tổ chức TGPL cho người nghèo, đối tượng chính sách, theo đó UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định số 2375/QĐ-UBND ngày 05/12/1998 thành lập Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Nam (sau đây goi tắt là Trung tâm). Khi mới thành lập, Trung tâm chưa có trụ sở riêng, chỉ có 05 biên chế, hoạt động của Trung tâm chủ yếu là tư vấn và tuyên truyền pháp luật, TGPL lưu động, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt Câu lạc bộ…; tham gia tố tụng chủ yếu nhờ vào đội ngũ Luật sư cộng tác viên mà nay gọi là Luật sư thực hiện TGPL.
Nhớ lại ngày ấy, từ những mâu thuẫn nhỏ nhất đến những tranh chấp, khởi kiện trong cộng đồng nhân dân, thông qua tổ hòa giải ở cơ sở, Câu lạc bộ TGPL ở các xã rồi đến chính quyền địa phương tiếp nhận giải quyết, có những vụ việc thuộc đối tượng được TGPL được chuyển đến Trung tâm để tư vấn trực tiếp hoặc được trả lời bằng văn bản. Rồi đến những chuyến tổ chức TGPL lưu động ở 244 xã và các thôn nóc trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên đi cơ sở, đến trực tiếp khu vực bà con đang sinh sống nơi vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn mới hiểu hết được cuộc sống nơi đây, họ còn thiếu thốn về vật chất, trình độ nhận thức pháp luật hạn chế, nghèo thông tin; có những gia đình đã sinh năm đến bảy đứa con mà chưa đứa trẻ nào được đăng ký khai sinh, nhiều thế hệ đã tham gia cách mạng, có công với nước nhưng chưa được hưởng chế độ của Nhà nước, rồi các hủ tục kết hôn…. Tổ chức TGPL đã ra đời, đáp ứng được lòng mong mỏi của mọi người dân, họ rất cần để được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục hành chính, định hướng phương pháp giải quyết từng vụ việc cụ thể ở cơ sở.

 
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Nam trao quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Bình Hải, huyện Thăng Bình

Những kết quả của ngày hôm nay
Hiện nay, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Nam đã có 06 Chi nhánh đặt tại 06 huyện, thị xã, thành phố, 02 phòng nghiệp vụ, 30 biên chế, 15 Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), 14 Luật sư thực hiện TGPL, 02 tổ chức hành nghề luật sư tham gia thực hiện TGPL. Trung tâm TGPL có trụ sở riêng, có một bộ máy hành chính đủ sức để thực hiện đầy đủ các hình thức TGPL cho 100% đối tượng có nhu cầu.
Năm 2016 là năm đánh dấu nhiều kết quả ấn tượng, là năm đầu tiên thực hiện Đề án đổi mới và cũng là năm đầu tiên Trợ giúp viên pháp lý thực hiện khoán chỉ tiêu vụ việc do Bộ Tư pháp quy định. Trung tâm TGPL đã  thực hiện tốt hai nội dung trên, với một kết quả khá toàn diện:  đã cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện TGPL tham gia tố tụng đối với 225 vụ việc cho các đối tượng được TGPL, trong đó, 12 Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 80% vụ việc, Luật sư  là cộng tác viên thực hiện 20% vụ việc và vượt hơn 400% so với vụ việc thụ lý năm 2015. Theo tiêu chí phân loại chỉ tiêu của Bộ Tư pháp quy định, năm 2016, 100% Trợ giúp viên pháp lý đạt loại khá, trong đó 7/12 Trợ giúp viên pháp lý đạt loại tốt chiếm 58,3%. Các năm tiếp theo, số lượng vụ việc đều tăng dần theo từng năm, cụ thể: Năm 2017 tăng 130% so với năm 2016; năm 2018 tăng 150% so với năm 2017; Năm 2019 tăng 08% so với năm 2018 và năm 2020, do ảnh hưởng chung của dịch Covid 19 và kinh phí hoạt động bị cắt giảm nên số vụ việc giảm 9,2% và  năm 2021 tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2016, Trợ giúp viên pháp lý  đảm nhận tham gia tố tụng 80% số vụ việc giải quyết, đến nay Trợ giúp viên pháp lý đã đảm nhận được 95% số vụ việc. Theo báo cáo, từ năm 1999 đến tháng 6/2022, Trung tâm đã thực hiện được 25.953 vụ việc thuộc các lĩnh vực: hình sự: 2.755 vụ việc; dân sự và hôn nhân gia đình: 8.460 vụ việc; hành chính-hộ tịch: 4.623 vụ việc, lĩnh vực khác: 10.115 vụ việc.
Về đối tượng được TGPL: người nghèo: 7.435 người; người có công với cách mạng: 8.415 người; dân tộc thiểu số: 7.189 người; trẻ em: 777 người; người chưa thành niên: 527 người; con liệt sĩ và thân nhân có khó khăn về tài chính: 34 người; người già cô đơn và người cao tuổi có khó khăn về tài chính: 345 người; người khuyết tật và người khuyết tật có khó khăn về tài chính: 477 người; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 có khó khăn về tài chính là bị hại trong vụ án hình sự: 01 người; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo: 46 người; người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính: 01 người; nạn nhân trọng vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính: 01 người; khác: 705 người (tổng 25.953 người).
Về hình thức TGPL đã thực hiện tư vấn 3.522 vụ việc, đại diện, bảo vệ: 964 vụ việc, bào chữa: 2.144 vụ việc; TGPL lưu động 305 đợt với 19.323 vụ việc.

 
Trung tâm TGPL phối hợp với UBND xã Dăng, huyện Đông Giang tổ chức truyền thông TGPL và trao quà cho các hộ gia đình
có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn

Qua đó cho thấy, sau gần 25 năm thành lập và phát triển, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Nam hiện nay đã tương đối đầy đủ về số lượng và chất lượng không ngừng được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu TGPL và mang lại niềm tin, sự hài lòng của đối tượng được TGPL. Từ một công việc mới mẻ ít người biết đến, thì giờ đây hoạt động TGPL của tỉnh Quảng Nam ngày càng thay đổi rõ rệt,  chính sách TGPL nhân văn của Đảng và nhà nước đã thực sự đi vào cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các vụ việc tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, các đối tượng được TGPL tìm đến để yêu cầu trợ giúp ngày càng nhiều, vị thế của Trợ giúp viên pháp lý ngày càng được khẳng định, hạn chế dần sự phụ thuộc vào cộng tác viên là luật sư như của những năm trước đây. Ngoài ra,Trung tâm TGPL còn chú trọng thực hiện tốt các Chương trình  như: Chương trình giảm nghèo theo Quyết định 52/2010, Quyết định 59/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo và sau đó là Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình; phong trào ngành Tư pháp chung tay xây dựng nông thôn mới, ngành Tư pháp hướng về biển đảo quê hương, với nhiều hoạt động như: tư vấn pháp luật, tặng nhà tình nghĩa, tặng sách pháp luật, tặng tờ gấp pháp luật, tặng máy vi tính cho xã đảo, tặng quà cho đối tượng TGPL có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...,đã làm phong phú thêm hoạt động TGPL tại địa phương.
Công tác TGPL trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả quan trọng, về tổ chức bộ máy của Trung tâm và các Chi nhánh dần được kiện toàn, cơ sở vật chất cơ bản đã được đảm bảo.…Qua hoạt động thực tiễn, TGPL đã khẳng định được vị trí, vai trò của công tác này trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, giúp cho đối tượng được TGPL bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần lập lại trật tự kỷ cương pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Hoạt động  TGPL đã tham gia tích cực thực hiện chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc, chính sách đối với người khuyết tật, chính sách đối với trẻ em, bạo lực gia đình, chính sách đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo công bằng xã hội, cùng các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc được khách quan, chính xác, kịp thời, góp phần tạo được sự ổn định chính trị, trật tự xã hội ở các địa phương.
Công tác TGPL hiện nay là một giai đoạn phát triển tốt nhất, bước phát triển mạnh mẽ nhất và đúng hướng, đúng với bản chất của TGPL là cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí. Trợ giúp pháp lý Quảng Nam được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 08 năm liền (2014-2021); UBND tỉnh và Bộ Tư pháp tặng nhiều bằng khen. Năm 2020, Trung tâm TGPL được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đơn vị có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước 2015-2020; năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích công tác từ 2016-2020; năm 2022, Chi bộ TGPL được Tỉnh ủy Quảng Nam tặng bằng khen vì đạt tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu 05 năm liền 2017-2021,...

 
Truyền thông TGPL tại xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My

          Một số tồn tại, hạn chế
        - Hoạt động TGPL một thời gian dài có sự dàn trải, hình thức và chất lượng hạn chế như: Câu lạc bộ, sinh hoạt chuyên đề, TGPL lưu động…, đội ngũ TGVPL còn thiếu về số lượng, nhất là các Chi nhánh TGPL hiện nay vẫn còn có Chi nhánh chưa có TGVPL để tham gia tố tụng, dẫn đến hiệu quả chưa cao.
       -  Đội ngũ TGVPL số lượng đáp ứng được nhu cầu, nhưng do ra đời sau, nên hầu hết còn rất trẻ, kinh nghiệm hạn chế, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng vụ việc, nhất là tham gia tố tụng.
        - Việc đầu tư của Nhà nước cho công tác TGPL có quan tâm đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu như: Chi nhánh TGPL chưa có trụ sở làm việc; trụ sở Trung tâm hiện naylàm việc chung với 02 cơ quan khác, nên không có phòng tiếp công dân riêng, không có nơi tiếp làm việc với các đối tượng đặc thù như trẻ em, người khuyết  tật…; đầu tư kinh phí còn ít, chưa tương xứng với khối lượng cũng như đặc thù công việc,…
           Những kiến nghị, đề xuất
          Để công tác TGPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới hoạt động có hiệu quả, chất lượng, đảm bảo các đối tượng được TGPL tiếp cận và hưởng các dịch vụ TGPL theo quy định của pháp luật, nhất là hiện nay, TGPL được xác định là dịch vụ công thiết yếu do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên theo Danh mục dịch vụ công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp (theo Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Theo đó, hoạt động TGPL cần tập trung vào những giải pháp như:
          Một là, tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức, trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL và các Chi nhánh TGPL để đảm bảo đủ nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu TGPL của các đối tượng.
          Hai là, các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác TGPL trong giai đoạn hiện nay, nhất là bố trí các phòng làm việc để tư vấn cho đối tượng đặc thù là trẻ em, nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị bạo lực gia đình; xây dựng  hạ tầng để tổ chức điểm cầu trực tuyến tại Trung tâm TGPL theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLTTANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định phiên tòa trực tuyến vào đầu năm 2022; trang bị cơ sở vật chất để thực hiện các hộp phần về TGPL của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG): CTMTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 01 từ 2021-2025; CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; CTMTQG nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
          Ba là, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện cần tăng cường công tác phối hợp, nhất là thông tin về đối tượng TGPL, hạn chế việc bỏ lọt đối tượng được TGPL; tạo điều kiện cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL được tiếp cận hồ sơ, khám nghiệm hiện trường, gặp bị can,…
          Bốn là, các cấp, các ngành cần tăng cường công tác phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến trẻ em, bạo lực gia đình, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, … để Trung tâm TGPL kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho các đối tượng.
          Năm là, Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã cần quan tâm hơn nữa trong công tác phối hợp thông tin, giải thích quyền được TGPL và giới thiệu cho các công dân thuộc diện được TGPL theo quy định tại Điều 7 Luật TGPL đến Trung tâm Trợ giúp pháp Nhà nước tỉnh để được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo đúng quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nhằm tránh bỏ lọt đối tượng TGPL khi họ yêu cầu.
          Sáu là, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu đề xuất định hướng chiến lược phát triển TGPL thay cho Đề án đổi mới công tác TGPL, theo hướng Trợ giúp viên pháp lý có ở 02 cấp Trung ương và cấp tỉnh, chứ không phải chỉ có cấp tỉnh như hiện nay. Có như vậy, cấp Trung ương có thể thực hiện những vụ việc phức tạp, liên tỉnh và có điều kiện tiếp cận một cách trực tiếp, cụ thể vụ việc TGPL, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách TGPL được sát hơn và hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn cho cấp dưới được tốt hơn.

 
Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho đối tượng người khuyết tật nặng bẩm sinh - Phạm Văn T, trong vụ án "Giết người"

          Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã và đang thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, các hoạt động xã hội ngày càng dân chủ hóa mạnh mẽ, nhu cầu hiểu biết pháp luật ngày càng cao, việc bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013, cần phải được tăng cường, trong đó TGPL có một hợp phần khá quan trọng. Chính vì vậy, từ những kết quả đạt được và những cơ hội, thách thức, khó khăn đặt ra đòi hòi đội ngũ làm công tác TGPL, các Trợ giúp viên pháp lý luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tâm huyết với nghề bằng sự nỗ lực, kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, là điểm tựa vững chắc của đối tượng được TGPL; tạo điều kiện môi trường mới để chính sách TGPL đi vào hiện thực cuộc sống, luôn đi cùng dân, đồng hành cùng những người yếu thế trong xã hội. Đồng thời khẳng định hoạt động TGPL là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, là cơ hội để các Trợ giúp pháp lý tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, năng lực thực hiện TGPL trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Chúng tôi và các đồng nghiệp trong tỉnh rất vinh dự vì được công tác trong lĩnh vực TGPL, được đem pháp luật, chính sách TGPL về với người dân. Nhìn lại chặng đường 25 năm, đã gợi cho ta nhiều kỷ niệm và cảm xúc khó tả. Vào những ngày tháng có ý nghĩa  kỷ niệm 77 năm truyền thống  ngành  Tư pháp (28/8/1945 - 28/8/2022), 25 năm ngày thành lập Tổ chức Trợ giúp pháp lý (06/9/1997 – 06/9/2022), 05 năm thi hành Luật TGPL năm 2017, lễ quốc khánh 02/9, cả nước và những người thực hiện TGPL chúng tôi luôn hăng hái ra sức học tập, lao động, cống hiến sức mình cho sự nghiệp TGPL với những thành công mới trong chặng đường phía trước.
 
                                                                      Hằng Vân – Lê Nguyễn, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Quảng Nam.
 

 

Xem thêm »