Bát Xát: Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý hướng mạnh đến nhóm đối tượng trẻ em và người dân tộc thiểu số

25/07/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới nằm phía Tây Bắc của tỉnh Lào Cai. Bát Xát có 20 xã và 01 thị trấn. Trong đó có 10 xã và 31 thôn biên giới tiếp giáp với 02 huyện Hà Khẩu, Kim Bình và Châu Tự trị dân tộc Cáp Nê, Di Hồng Hà của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Dân số Bát Xát có khoảng trên 90 nghìn người gồm 14 dân tộc anh em cùng sinh sống (như: Dao, Giáy, Hà Nhì, Mông, Phù Lá, Tày, Kinh......).

Theo Quyết định 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 và Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban dân tộc thì Bát Xát có 12 xã đặc biệt khó khăn và 80 thôn đặc biệt biệt khó khăn.
Do hội tụ nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, đặc biệt tại một số thôn nghèo, xã nghèo của huyện đến nay còn tồn tại một vài hủ tục lạc hậu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Nên trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Bát Xát rất quan tâm, chú trọng đến việc bồi dưỡng, tuyên truyền kiến thức pháp luật cho nhân dân trên địa bàn huyện.

 
Buổi truyền thông tại Trường bán trú xã Sàng Ma Sáo

Căn cứ Kế hoạch công tác trợ giúp pháp lý năm 2022 của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai, Chi nhánh đã xây dựng kế hoạch công tác năm, trong thời gian từ ngày 18 đến ngày 27/4/2022, Chi nhánh TGPL số 6, huyện Bát Xát đã tổ chức 06 đợt truyền thông về TGPL tại 03 thôn nghèo gồm: Ná Rin xã Mường Vi, thôn Ngải Trồ xã Dền Sáng, thôn Cán Tỷ xã Bản Xèo và 03 xã nghèo là xã Trung Lèng Hồ, xã Sàng Ma Sáo, xã Dền Thàng. Qua các buổi truyền thông, các báo cáo viên pháp luật của Chi nhánh đã tuyên truyền đến nhân dân một số quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, lĩnh vực, phạm vi, hình thức trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý... Ngoài ra còn phổ biến một số quy định pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện TGPL thuộc lĩnh vực về Hôn nhân và gia đình, Đất đai, Dân sự, giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, cách thức liên hệ đến Chi nhánh trợ giúp pháp lý để yêu cầu trợ giúp khi có vướng mắc pháp luật.
Ngoài ra, theo đề nghị của UBND xã và các Trường học, về việc trang bị các kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho các em học sinh trong kỳ nghỉ hè khi trở về gia đình, Chi nhánh TGPL số 6 đã phối hợp với UBND các xã vùng cao cùng Ban giám hiệu các Trường bán trú trên địa bàn xã, tổ chức các buổi ngoại khóa nhằm tuyên truyền một số quy định pháp luật về Tảo hôn, Hôn nhân cận huyết thống, Phòng chống mua bán người, Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, Phòng chống đuối nước, Phòng chống các bệnh mùa hè......

 
Các bạn học sinh Trường bán trú xã Trung Lèng Hồ giao lưu trả lời câu hỏi

Các buổi truyền thông có sự tham dự của trên 1000 em học sinh. Đặc biệt, kết thúc các buổi ngoại khóa, các em học sinh được giao lưu, trả lời câu hỏi nhận quà tặng. Từ đó, tổ công tác khảo sát và đánh giá luôn được hiệu quả của buổi truyền thông, đồng thời rút kinh nghiệm cho các đợt truyền thông tiếp theo.
Với điều kiện nhận thức hiểu biết về pháp luật của người dân tộc thiểu số ở các xã vùng khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế, hoạt động truyền thông về TGPL của Chi nhánh số 6, huyện Bát Xát đã hướng tới nhiều đối tượng trong đó có trẻ em là một trong những nhóm người được TGPL theo quy định của Luật TGPL năm 2017, với mong muốn các em sẽ là một trong những kênh truyền tải thông tin tìm hiểu pháp luật một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất tới người thân và gia đình./.
 
Nguồn: pbgdpl.laocai.gov.vn

Xem thêm »