BẠO LỰC GIA ĐÌNH VÀ SỰ CHIA LY TRONG NƯỚC MẮT

22/03/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bạo lực gia đình là một vấn đề luôn được xã hội quan tâm, lên án và có các biện pháp xử lí thích đáng nhưng dường như nó không giảm mà còn dần hình thành nên các dạng bạo lực tồn tại ở các dạng hình thái khác nhau. Ở thời điểm hiện tại đối tượng của các hành vi bạo lực chủ yếu là phụ nữ và trẻ em – là những đối tượng yếu thế trong xã hội cần sự quan tâm và bảo vệ.

Bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là hành vi cố ý của các thành viên trong gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình (Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình). Bạo lực gia đình xảy ra ở tất cả các nhóm xã hội cơ bản như nông thôn, thành thị; trong các gia đình khá giả cũng như gia đình nghèo, trong các gia đình của các cặp vợ chồng có học vấn cao cũng như các cặp vợ chồng có học vấn thấp. Hậu quả của bạo lực gia đình hết sức đa dạng, từ bị nhục mạ, thương tật, tổn thương tinh thần dẫn đến li hôn, li thân, thậm chí thiệt hại đến tính mạng, tài sản trong đó trẻ em là người chịu thiệt thòi nhất, nhiều em phải sống xa cha mẹ, các em phải bỏ học, lang thang, rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật; đã có rất nhiều trường hợp trẻ em sống trong các gia đình có bạo lực gia đình dễ trở thành nạn nhân của hành vi này hoặc khi lớn lên dễ sử dụng bạo lực đối với người khác. Còn đối với phụ nữ, nó gây ảnh hưởng sâu sắc về mặt tinh thần khiến người phụ nữ không yên tâm làm việc hoặc luôn có cảm giác lo sợ, buồn bã, nghiêm trọng hơn nữa là ý muốn tự tử.
Chi nhánh trợ giúp pháp lý (TGPL) số 2 huyện Mường Chà - Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên tiếp nhận trường hợp của chị Hạng Thị P thuộc đối tượng được TGPL  theo quy định của pháp luật. Bố chị P. đưa chị đến gặp chúng tôi, ông là người trình bày sự việc và trả lời các câu hỏi mà chúng tôi đưa ra, còn chị P. chỉ ngồi một chỗ cúi mặt xuống gần như không hề nói chuyện. Chị với chồng làm lễ cưới theo phong tục của dân tộc mình và về ở với nhau, chưa thực hiện việc đăng ký kết hôn thì đã có một con trai và một con gái. Theo lời kể của bố chị thì chị đã bị đánh rất nhiều lần, chứng kiến con mình phải chịu cảnh đánh đập ông đã xuống đưa con gái và cháu về nhà nhưng rồi con rể lại xuống xin lỗi và con gái cũng đồng ý về lại nên ông cũng không tiện can thiệp quá nhiều. Dù như thế nhưng những trận đòn vẫn thường xuyên đến với chị P., suy nghĩ vì con, nhìn ánh mắt ngây thơ của con trẻ để rồi muốn giữ cho nó một gia đình trọn vẹn, sợ những lời nói vô tình của những người xung quanh, không muốn bố mẹ phải lo lắng,…những ngày như thế chị phải tự mình nói hai từ “cố gắng” hàng nghìn lần. Có một lần chị bị đánh vào đầu bị ngất, thời gian sau chị lại thường xuyên bị những cơn đau đầu hành hạ nhưng do điều kiện kinh tế không có nên chị chỉ mua thuốc giảm đau về uống. Đến khi bố mẹ chị biết mới bắt chị đi khám thì bác sĩ nói chị bị tụ máu não cần xuống Hà Nội để mổ. Chị đến với chúng tôi với một khuôn mặt buồn, một thân hình gầy gò và một chiếc khăn luôn trên đầu mà chiếc khăn đó không phải do dân tộc của chị có phong tục quấn khăn mà là để che đi những sợi tóc mới mọc và vết sẹo dài do phẫu thuật đem lại.
Chi nhánh TGPL số 2, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã thụ lý vụ việc để tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho chị P.. Thực hiện nhiệm vụ được phân công, tôi thực hiện tư vấn bước đầu cho chị những quy định của pháp luật liên quan đến bạo lực gia đình, những chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em, tìm hiểu mong muốn của chị đối với chồng và cuộc hôn nhân của chị  như thế nào để hướng dẫn chị các bước tiếp theo làm sao đảm bảo tốt nhất quyền lợi của chị.
 Sinh ra với thân phận người phụ nữ, ai không mong gặp được người chồng yêu thương mình, cảnh cuộc sống hạnh phúc viên mãn luôn là niềm ước ao của bao cô gái trẻ. Thật xót xa khi những ánh mắt thơ dại phải nhìn thấy cảnh bố đánh mẹ, có thể điều đó còn ám ảnh hơn khi chính chúng bị đánh. Và cuối cùng là những cảnh tượng tan vỡ, chia xa. Tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ; sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước bạo hành gia đình là sự cam chịu; quan niệm nam giới là người kiểm soát gia đình; xã hội thay đổi phụ nữ ra ngoài xã hội làm việc để tự lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình rất nhiều nhưng vẫn còn có rất nhiều người phụ nữ phụ thuộc vào nam giới về yếu tố kinh tế; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bạo lực gia đình còn chưa đạt hiệu quả cao; nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế;…Thông thường có thể nhìn thấy rất rõ được các nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực gia đình nhưng nguyên nhân sâu xa là do sự nhận thức về bình đẳng giới còn rất hạn chế, bất bình đẳng giới là gốc rễ của bạo lực gia đình, là sản phẩm của chế độ gia trưởng. Đặc biệt, với những người phụ nữ dân tộc thiểu số. Họ thường chịu nhiều tổn thương do bạo lực giới do tư tưởng phong kiến vẫn phổ biến tại cộng đồng nơi họ sinh sống và hành vi bạo lực của nam giới nặng nề hơn do ảnh hưởng của các chất kích thích như rượu, bia,... Trong khi đó, họ lại hạn chế tiếp cận được với các dịch vụ  trợ giúp pháp lý vì những lý do như ngôn ngữ, địa lý, không biết đến TGPL…
Phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta, rất nhiều chương trình, kế hoạch được đưa ra và thực hiện mang lại hiệu quả rất tích cực; Chi nhánh TGPL số 02 quyết tâm làm tốt công tác trợ giúp pháp lý, chung tay góp phần phòng chống nạn bạo lực để gia đình luôn là tế bào xã hội, là cầu nối yêu thương, nuôi dưỡng giá trị tốt đẹp của con người./.

Bùi Thị Thùy - Chi nhánh TGPL số 2 huyện Mường Chà

Xem thêm »