Một số giải pháp giúp người được trợ giúp pháp lý tiếp cận dịch vụ pháp lý miễn phí trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

01/03/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hệ thống pháp luật nước ta hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện và ngày càng phát triển, số lượng văn bản pháp luật ngày càng nhiều và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung nên việc người dân tiếp cận để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật từ đó xử sự các quan hệ xã hội cho phù hợp với pháp luật không phải dễ

Trong khi đó không phải tất cả mọi người dân đều nắm và hiểu rõ quy định của pháp luật hoặc trong một số trường hợp, mặc dù nắm bắt rõ quy định của pháp luật nhưng chưa từng gặp tình huống này trên thực tế, chưa có kinh nghiệm nên không tìm được phương hướng giải quyết phù hợp nhất. Ngoài ra, hiện nay nhiều người dân, nhất là những người nghèo, người yếu thế không có điều kiện về kinh tế để tiếp cận với dịch vụ pháp lý hoặc chưa có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý nên trong một số trường hợp khi có vướng mắc pháp luật hay phải đứng trước toà án cũng không chắc chắn có thể bảo vệ quyền lợi của mình, nên việc có người tham gia bào chữa cho mình là hoàn toàn rất cần thiết và cần thiết hơn nữa nếu người dân thuộc diện người được trợ giúp pháp lý được tiếp cận và cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.
Thời gian qua với sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành công tác TGPL đã từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Một số văn bản quy phạm pháp luật đã ghi nhận quyền tự bào chữa, quyền được TGPL như Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hành chính...,Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT -BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10) đã quy định cụ thể trách nhiệm của các Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ, người tiến hành tố tụng trong giải thích cho bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đương sự trong các vụ án và thông tin, thông báo cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cử người tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ cho họ; Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cũng quy định về trách nghiệm của Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giải thích quyền được TGPL và thông tin, giới thiệu người thuộc diện được TGPL là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng cư trú trên địa bàn  đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước. Ngoài ra, nhằm không bỏ sót người dân thuộc diện được TGPL, Sở Tư pháp còn ký Quy chế phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự và hành chính với Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh. Có thể nói với các quy định trên thì người dân, nhất là người được TGPL khi có vướng mắc về pháp luật sẽ nhanh chóng tiếp cận với dịch vụ pháp lý miễn phí.
Tuy nhiên, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, theo số liệu báo cáo của các Cơ quan tiến hành tố tụng, tính từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/10/2021, tổng số người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong vụ án, vụ việc do các cơ quan thụ lý, tiếp nhận là 11.989 người (Công an 2.372 người, Tòa án 9.616 người, Viện Kiểm sát 01 người) trong đó có 248 người thuộc diện được TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng chiếm tỷ lệ 4,8%. Như vậy số người thuộc diện được TGPL trong các vụ án, vụ việc mà các Cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý giải quyết có khả năng chưa được tiếp cận dịch vụ pháp lý miễn phí trên địa bàn tỉnh là rất nhiều. Trong số 248 người thuộc diện được TGPL có 156 người được các cơ quan tiến hành tố tụng thông tin, thông báo đến Trung tâm (công an 143 vụ, Tòa án 11 vụ, Viện Kiểm sát 01, Bộ đội Biên phòng 01 vụ) chiếm tỷ lệ 62,9%,  thông qua công tác truyền thông,  người dân biết và tự tìm đến TGPL là 92 người, chiếm tỷ lệ 37,1%. Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã chưa có thông tin, giới thiệu cho Trung tâm trường hợp nào.
Trong năm 2021, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bạc Liêu đã ban hành 248 Quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện TGPL tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ cho 100% người thuộc diện được TGPLtheo đúng quy định. Chất lượng tham gia tố tụng ngày càng được nâng cao, chú trọng, được các Cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá cao. Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện TGPL tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng, nội dung tranh tụng, bào chữa có căn cứ, đúng trọng tâm, thể hiện được trách nhiệm trong hoạt độngTGPL. Qua đó đã góp phần giúp Tòa án nói chung, Hội đồng xét xử nói riêng giải quyết vụ án được chính xác, đúng đắn, đảm bảo thủ tục tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Trong thời gian tới, để tăng cường giúp người thuộc diện được TGPLđược tiếp cận dịch vụ pháp lý miễn phí, nhất là trong hình thức tham gia tố tụng, cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện tốt nội dung Thông tư số 03/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, Công văn số 669/STP-TGPL ngày 19/7/2021 của Giám đốc Sở Tư pháp về việc thông tin, giới thiệu về TGPL, theo đó khi thực hiện nhiệm vụ, ngoài việc tiến hành giải thích quyền được TGPL còn thực hiện thông tin, giới thiệu người thuộc diện được TGPL là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng cư trú trên địa bàn để người dân tiếp cận được dịch vụ pháp lý miễn phí.
Hai là, Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban hòa giải cấp xã, các Tổ hòa giải khi hòa giải đối với các vụ việc hòa giải không thành nếu chuyển cho Tòa án giải quyết, ngoài việc tiến hành giải thích quyền được TGPLcòn thực hiện thông tin, giới thiệu người dân đến Trung tâm trợ giúp pháp lý để họ tiếp cận được dịch vụ pháp lý miễn phí.
Ba là, các Cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm chỉ đạo người tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thư ký, Thẩm phán) quan tâm hơn nữa đến việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10, ngoài việc thông tin, thông báo những người thuộc diện được TGPLlà trẻ em, người bị buộc tội chưa thành niên. Khi thực hiện nhiệm vụ phát hiện những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công với Cách mạng, người dân tộc, khuyết tật, người yếu thế trong xã hội, nạn nhân bị bạo lực, người nhiễm HVI ... phải thực hiện việc thông tin, thông báo cho Trung tâm TGPL để Trung tâm tiến hành kiểm tra diện người được TGPL nhằm không để bỏ sót người đượcTGPL.
Bốn là, các cơ quan, tổ chức như Hội người mù, Hội Cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc màu da cam, Hội liên hiệp phụ nữ, Ban Tôn giáo - Dân tộc khi phát hiện các thành viên của Hội mình có vướng mắc về pháp luật, là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng thì giới thiệu họ  đến Trung tâm TGPL để họ tiếp cận được dịch vụ pháp lý miễn phí.
Năm là, các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước phải không ngừng học tập nâng cao kiến thức, trau dồi nâng cao kỹ năngTGPL, nhất là kỹ năng tranh tụng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý miễn phí, góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án được khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế oan sai, tăng cường pháp chế và mang lại niềm tin và sự công bằng cho người được TGPL.

 
Châu Phi Đô - Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bạc Liêu
 
 
 

Xem thêm »