TRĂN TRỞ SAU NHỮNG VỤ ÁN XÂM HẠI TRẺ EM

02/06/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thật khó khăn khi phải trực tiếp tham gia tố tụng trong các vụ án xâm hại trẻ em với tư cách là người bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, cùng trải qua những khoảng thời gian nặng nề, khủng hoảng của kẻ phạm tội cũng như người bị hại. Mỗi vụ án rồi cũng qua đi, nhưng mỗi khi đâu đó lại xảy ra những sự việc thì nỗi trăn trở và day dứt đến xé lòng.

Chưa có số liệu thống kê đầy đủ, chính thức trên toàn tỉnh Bắc Kạn, tuy nhiên thông qua hoạt động tham gia tố tụng của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, thấy rằng trong thời gian qua đã xảy ra không ít các vụ án xâm hại trẻ em. Chỉ tính riêng năm 2015, Trung tâm thụ lý 11 vụ việc, năm 2016 thụ lý 10 vụ việc. Nạn nhân là các bé gái tuổi còn rất nhỏ, cá biệt có trường hợp có cháu mới 6, 7 tuổi. Điều đó gióng lên hồi chuông về sự suy đồi đạo đức, là nỗi kinh hoàng và bức xúc trong dư luận xã hội.

Nguyên nhân, hoàn cảnh đưa đẩy đến hành vi phạm tội thì có nhiều. Qua theo dõi, các vụ án đa số đều xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, do nhận thức am hiểu pháp luật của người dân rất thấp. Người thực hiện hành vi phạm tội không biết khung hình phạt tội này rất cao, thậm chí chung thân hoặc tử hình. Hoặc các đối tượng  giao lưu  bên ngoài, học hành ít, giao du các đối tượng xấu, tiếp xúc với các văn hóa phẩm đồi trụy, rượu chè, lệch lạc chuẩn mực đạo đức. Có đối tượng phạm tội khi tuổi đời còn rất trẻ, đương dậy thì, tò mò muốn khám phá mọi thứ. Dưới tác động dễ dàng từ sách, báo, truyện, mạng internet có nội dung không lành mạnh sẽ càng khiến các đối tượng bị kích động và khơi dậy bản năng nhiều hơn.

Và trong số những vụ án này, khá nhiều trường hợp nạn nhân rơi vào gia đình có hoàn cảnh tương đối éo le, phức tạp hoặc bố mẹ không hòa thuận, hạnh phúc. Như trường hợp bố mẹ để cháu cho bà ngoại trông nom, còn vợ chồng mỗi người mỗi nơi đi làm ăn xa. Vài trường hợp nạn nhân bị xâm hại có mẹ đi lao động xuất khẩu nước ngoài, vì mưu sinh nên phó thác con gái cho người thân nuôi dưỡng. Cuộc sống hiện đại làm cho thời gian gắn kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng ít, chỉ còn giao tiếp thông thường mà thiếu dần đi sự sẻ chia, tâm sự, cập nhật kiến thức, kỹ năng sống cho các cháu. Các bé gái còn nhỏ tuổi, chưa nhận thức đầy đủ, trong hoàn cảnh phụ thuộc, bị ép buộc, dụ dỗ và đe dọa, thậm chí vũ lực nên không dám nói ra kể cả với người thân. Do đó, nhiều trường hợp xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện.

Có một thực tế đau lòng người phạm tội nhiều khi là người quen, thậm chí chính là người thân trong gia đình gây ra, như vụ án do anh con bác ruột hoặc bố đẻ thực hiện hành vi. Hoặc có trường hợp là hàng xóm, người quen được bố mẹ vì mải công việc mà tin tưởng, gửi gắm nhờ trông nom giúp.

Còn hậu quả xảy ra đối với bé gái là rất nghiêm trọng, cả về thể chất và tinh thần, thậm chí cả danh dự, nhân phẩm sau này, nhiều khi đó là biến cố ảnh hưởng cả cuộc đời các cháu, nhất là khi xã hội ta còn rất coi trọng vấn đề trinh tiết. Có trường hợp các cháu bị tổn thương, sinh ra tâm lý thù hận, chán chường, mất niềm tin, từ đó có thể buông thả bản thân trong các mối quan hệ. Vì thế vấn đề an toàn, bảo vệ bé gái trong nhiều gia đình cần đặt lên trên, hết trước khi các cháu đủ trưởng thành, có nhận thức và tự bảo vệ được bản thân mình.

Nhìn nhận, đối diện đối với vấn đề này đôi khi cũng là điều đáng bàn. Sau khi sự việc xảy ra, không phải gia đình nào cũng đưa ra ánh sáng, để kẻ ác phải bị trừng trị. Có tư tưởng thỏa thuận bồi thường rồi cho qua vụ việc, sợ vỡ lở ra các bé gái sau này khó xây dựng gia đình. Có trường hợp do không thỏa thuận được mức tiền bồi thường nên gia đình bị hại mới báo Công an. Hoặc có trường hợp người mẹ tố cáo hành vi con gái mình bị anh họ hiếp dâm gặp phải thái độ trách móc, ghẻ lạnh của chính gia đình chồng đã đẩy con trai họ vào vòng lao lý. Hoặc có vụ việc con gái bị chính bố đẻ xâm hại, nhưng khi ra tòa lại bị những người trong gia đình bên nội mắng nhiếc, trách móc sao không báo cho người thân ngăn ngừa mà để bố xâm hại nhiều lần, mà họ không để ý đến sức khỏe, tinh thần các cháu bị khủng hoảng trong thời gian dài bởi hành vi bỉ ổi và những lời đe dọa của bố gây nên.

Những vụ án xâm hại đến các trẻ em gái đã được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn đặc biệt quan tâm. Đơn vị đã chủ động nắm bắt các trường hợp trẻ em nữ bị xâm hại tình dục thông qua báo chí, sự giới thiệu của các các cơ quan tiến hành tố tụng và các nguồn thông tin khác có được. Từ đó, Trung tâm đã chủ động tìm gặp nạn nhân và gia đình để tìm hiểu sự việc, ổn định về tinh thần và tâm lý cho các em. Đồng thời cử Trợ giúp viên pháp lý phù hợp tính chất vụ việc tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử xong để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cháu. Xuất phát từ tinh thần trách nhiệm đó, tiếng nói của trợ giúp pháp lý có trong quá trình giải quyết rất nhiều vụ việc xảy ra, thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với các bé gái, là điểm tựa công lý những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nơi các em sinh sống

Tuy nhiên, từ hiện thực đó, thiết nghĩ để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em và giảm thiểu nỗi đau cho các bé gái chúng ta cần:

Thứ nhất: Giáo dục trẻ em, đặc biệt các bé gái phải nhận diện, cảnh giác đối với những hành vi bị xâm hại. Phải phòng tránh các hành vi, tình huống có thể xảy ra: như ở một mình với người lạ, tiếp xúc với người không tốt, có hành vi để ý, sờ soạng…Nếu họ có hành vi đó nên tâm sự, kể cho những ai.

Thứ hai: Bên cạnh đó, gia đình phải có trách nhiệm chăm nom, quan tâm, quản lý để ý đến các cháu. Đừng vì quá mải mê với công việc mà quên đi vai trò, trách nhiệm đối với con, cháu mình. Đối với các bé gái, sau khi sự việc xảy ra nên có thái độ quan tâm, nhẹ nhàng, động viên để trẻ vượt qua mặc cảm. Xã hội có cái nhìn khách quan hơn và tiến bộ hơn, thay vì bàn tán, trêu trọc, khắt khe đánh giá thì phải lên án chính đối tượng phạm tội.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền cụ thể hơn các quy định nghiêm khắc của pháp luật về tội này đến người dân. Những vụ án xảy ra được xét xử nghiêm minh sẽ đủ sắc răn đe và ngăn ngừa. Nếu như là tốt công tác tuyên truyền hơn, người dân am hiểu luật hơn từ đó sẽ hạn chế nhiều vụ án xảy ra.

Thứ tư, khi vụ việc xảy ra phải có tư vấn tâm lý để các bé gái và gia đình vượt qua khủng hoảng. Sự quan tâm, giúp đỡ, động viên, ổn định tâm lý, tư vấn cách giải quyết vấn đề một cách chuyên nghiệp sẽ giúp đỡ mọi người vượt qua cú sốc dễ dàng hơn. Để cháu bé ngoài được chữa trị hồi phục về sức khỏe còn được hàn gắn vết thương trong lòng. Tránh được tình huống các thành viên trong gia đình nạn nhân, hoặc giữa gia đình nạn nhân với gia đình kẻ phạm tội mâu thuẫn gay gắt nổ ra, không nhìn nhau, thù ghét, xa lánh, bế tắc không lối thoát.

Trải qua thời gian công tác trợ giúp pháp lý, tiếp xúc không ít vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc và phẫn nộ trong dư luận. Nhưng sự trăn trở và day dứt nhất vẫn là những vụ án xâm hại trẻ em. Dẫu thông qua công việc đã cố gắng hết sức giúp đỡ cho các cháu, nhưng dường như bấy nhiêu vẫn là chưa đủ. Vẫn mong sao không phải thi thoảng nghe tin vụ việc như thế lại xảy ra.

Hoàng Thu Chung

Xem thêm »