Hệ thống trợ giúp pháp lý tại Indonesia

17/09/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Indonesia là quốc đảo lớn nhất thế giới với 13.000 hòn đảo và dân số khoảng 250 triệu người. Khác với các hệ thống trợ giúp pháp lý khác ở các nước ASEAN, trợ giúp pháp lý tại Indonesia đã tồn tại từ lâu trước khi Luật Trợ giúp pháp lý được ban hành. Ban đầu, trợ giúp pháp lý được thực hiện bởi sự tự nguyện của các tổ chức phi chính phủ mà không có hệ thống trợ giúp pháp lý chính thức. Các nhà cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý phi chính phủ bắt đầu giúp người nghèo gặp khó khăn, vướng mắc về luật pháp từ những năm 1970. Sau giai đoạn chuyển đổi sang nền dân chủ năm 1998, hàng trăm tổ chức xã hội nhỏ hơn đã được thành lập trên toàn quốc, trong đó nhiều tổ chức tập trung vào nhu cầu cụ thể như quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của người lao động hoặc người lao động di cư. Cũng chính các tổ chức này đã rất tích cực trong việc thúc đẩy trợ giúp pháp lý và Luật trợ giúp pháp lý quốc gia được xây dựng trên cơ sở hoạt động trợ giúp pháp lý (không chính thức) đã tồn tại.

Năm 2011, Indonesia đã ban hành Luật số 16/2011 về trợ giúp pháp lý nhằm tăng cường quyền được bảo vệ, được tiếp cận công lý và bảo đảm nhân quyền của người dân Indonesia. Luật về trợ giúp pháp lý chính là cơ sở để trao cho Chính phủ trách nhiệm trong việc phát triển một hệ thống trợ giúp pháp lý sao cho những người nghèo được tiếp cận công lý. Theo Luật Trợ giúp pháp lý, kinh phí trợ giúp pháp lý được cung cấp từ ngân sách quốc gia thông qua Bộ Pháp luật và Nhân quyền và việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý sẽ được tiến hành bởi các tổ chức trợ giúp pháp lý đã được thẩm định và công nhận.

1. Cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý

- Cơ quan quản lý trợ giúp pháp lý:

Bộ Pháp luật và Nhân quyền là cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý trên toàn quốc, xây dựng chính sách về trợ giúp pháp lý. Bộ có trách nhiệm thành lập một Ủy ban để tiến hành đánh giá và cấp phép cho các tổ chức cung cấp TGPL. Việc đánh giá và cấp phép cho các tổ chức cung cấp dịch vụ TGPL được thực hiện theo thời hạn 3 năm một lần.

Cục Phát triển lập pháp quốc gia (BPHN) thuộc Bộ Pháp luật và Nhân quyền là cơ quan có nhiệm vụ giúp Bộ trong việc xây dựng chính sách và các hướng dẫn TGPL, các tiêu chuẩn trợ giúp pháp lý và cơ chế trợ giúp pháp lý; báo cáo hoạt động trợ giúp pháp lý gửi Quốc hội, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, theo dõi, giám sát hoạt động của các nhà cung cấp này.

- Các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý:

Các tổ chức có nguyện vọng thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ được Ủy ban của Bộ Pháp luật và Nhân quyền xác minh, công nhận và được nhận quỹ theo luật. Để được cấp phép, một tổ chức phải chứng minh được tổ chức đó có pháp nhân, văn phòng cố định, ban quản lý và một chương trình trợ giúp pháp lý có từ trước. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng về hoạt động trợ giúp pháp lý và tình hình sử dụng việc ngân sách do chính phủ cấp để thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý.

Tổ chức cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý có quyền tuyển người thực hiện trợ giúp pháp lý và được nhận kinh phí của nhà nước để thực hiện trợ giúp pháp lý. Tổ chức cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý có trách nhiệm thực hiện trợ giúp pháp lý, truyền thông về pháp luật và các hoạt động khác liên quan đến trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý còn thực hiện rất nhiều các chương trình trợ giúp pháp lý với các hoạt động đa dạng như: tư vấn pháp luật, đại diện trước pháp luật, cải cách pháp luật, tuyên truyền, đào tạo tập huấn cho cộng đồng về pháp luật.

Ngày càng có nhiều tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý ở Indonesia. Đó có thể là những tổ chức phi chính phủ, các phòng pháp lý ở các trường đại học thực hiện trợ giúp pháp lý cho những người nghèo và hoạt động này được coi như một mô hình cho sinh viên luật thực hành nghề nghiệp. Chẳng hạn, các sinh viên của trường đại học Luật Jentera tham gia trợ giúp pháp lý chủ yếu cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn cho các vụ việc đơn giản.

Các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cũng chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vụ việc, như: phối hợp với Tòa án các cấp, các cơ quan liên quan khác để phát hiện nhu cầu và chuyển các trường hợp cần trợ giúp pháp lý (chẳng hạn như: phối hợp với Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (KPAI) để chuyển các trường hợp mà trẻ em cần trợ giúp pháp lý cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý).

Hiện có 405 tổ chức được lựa chọn từ 593 tổ chức xã hội để trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý. Các tổ chức này được xếp hạng A/B/C. Các tiêu chí để đánh giá, xếp hạng các tổ chức này dựa trên một số tiêu chí sau: tư cách pháp nhân, trụ sở, bộ máy, tổ chức, số lượng luật sư, số cán bộ pháp lý bán chuyên, số lượng vụ việc thực hiện trợ giúp pháp lý mỗi năm. Cụ thể:

Nhóm A.

Điều kiện:

Hạn mức tài trợ hàng năm

Tối đa 60 vụ tố tụng

Tối đa 60 gói công việc ngoài tố tụng, với các tỷ lệ bồi hoàn khác nhau cho từng nhóm công việc ngoài tố tụng (có nghĩa là lập dự thảo sẽ được bồi hoàn ở mức khác với tư vấn…)

Ghi chú: Phân bổ số vụ kiện và các công việc khác mỗi năm có thể thay đổi theo nguồn lực sẵn có cho dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Nhóm B

Điều kiện

Hạn mức tài trợ hàng năm

Nhóm C

Điều kiện

Hạn mức tài trợ hàng năm

Một trong những tổ chức trợ giúp pháp lý giàu kinh nghiệm ở Indonesia hiện nay là Tổ chức trợ giúp pháp lý có tên viết tắt là YLBHI. Tổ chức trợ giúp pháp lý có 14 văn phòng chi nhánh đặt tại 14 tỉnh và 7 bưu điện trợ giúp pháp lý ở cấp quận, từ phía Tây sang phía Đông của Indonesia. YLBHI thực hiện trợ giúp pháp lý cho những người yếu thế. Mỗi năm (tính từ năm 2004 đến năm 2008), trung bình YLBHI hỗ trợ pháp lý cho khoảng 3.000 trường hợp dưới các hình thức khác nhau như: (1) tư vấn, đưa ra quan điểm pháp lý; (2) các vụ việc cần giải quyết thông qua cơ chế của tòa án; (3) vụ việc cần giải quyết thông qua cơ chế tòa dân sự; (4) vụ giải quyết thông qua cơ chế tòa án hành chính; (5) vụ việc không cần giải quyết bằng tòa án mà thông qua hòa giải, thương lượng. Các đối tượng chủ yếu của YLBHI là những vụ việc liên quan đến sự vi phạm nhân quyền trong cả lĩnh vực xã hội và chính trị, kinh tế, văn hóa, vi phạm quyền phụ nữ và trẻ em.

Một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác cũng giàu kinh nghiệm là tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ở Jakarta (LBH Jakarta) mỗi năm thực hiện hơn 1.000 vụ việc tố tụng/năm. Năm 2016, LBH Jakarta thực hiện được 1.444 vụ việc tố tụng/ Mỗi năm 30.000 đến 50.000 người tìm kiếm công lý liên hệ với LBH Jakarta để được hỗ trợ về tư vấn, hòa giải, đại diện ngoài tố tụng, tố tụng...

- Trợ giúp pháp lý thông qua Tòa án

Trước khi thông qua Luật Trợ giúp Pháp lý 2011, nhiều dịch vụ trợ giúp pháp lý được cung cấp trực tiếp thông qua tòa án. Sau khi Luật Trợ giúp Pháp lý được thông qua, nhiều người tin rằng Luật Trợ giúp Pháp lý tập trung hóa toàn bộ ngân sách nhà nước cho trợ giúp pháp lý và phải giám sát thông qua hệ thống được quản lý bởi Bộ Pháp luật và Nhân quyền, và các tòa án không còn cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Quy định Tòa án Tối Cao năm 2014 đã thay thế một Quy định trước đó của Tòa án năm 2010 và làm rõ trách nhiệm chi trả cho các luật sư cung cấp trợ giúp pháp lý phải được quản lý bởi Bộ Pháp luật và Nhân quyền. Tòa án không còn trách nhiệm đó song vẫn duy trì Phòng Trợ giúp pháp lý tại mỗi tòa. Phòng Trợ giúp pháp lý được đặt tại từng tòa để người được trợ giúp pháp lý có thể được tư vấn và giới thiệu đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Trong nhiều trường hợp, các tổ chức hỗ trợ tư vấn cho người được trợ giúp pháp lý tại Tòa không phải là các Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được công nhận bởi Luật Trợ giúp pháp lý. Khi vấn đề phát sinh phức tạp hơn, họ có thể giới thiệu vụ kiện đến một Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được công nhận ở gần Tòa án đó. Có khoảng 46% người đã từng được trợ giúp pháp lý tiếp cận các Phòng trợ giúp pháp lý này.

2. Người thực hiện trợ giúp pháp lý gồm:

- Luật sư;

- Giáo sư luật;

- Cán bộ pháp lý bán chuyên;

- Sinh viên luật.

Hiện nay có khoảng 2.070 luật sư/ tổng số 40.000 luật sư trong toàn quốc tham gia công tác trợ giúp pháp lý.

3. Về lĩnh vực, hình thức trợ giúp pháp lý

Theo quy định của Luật hình sự, Nhà nước chỉ trợ giúp pháp lý trong các vụ án hình sự có hình phạt tử hình hoặc phạt tù 15 năm. Luật Trợ giúp pháp lý đã mở rộng phạm vi trợ giúp cho cả những vụ việc liên quan đến luật dân sự và hành chính. Như vậy, các loại vụ việc liên quan đến luật hình sự, dân sự, lao động và hành chính đều có thể được trợ giúp pháp lý.

4. Về người được trợ giúp pháp lý

Đối tượng được trợ giúp pháp lý là người nghèo hoặc những người có khó khăn về tài chính. Theo Luật Trợ giúp pháp lý của Indonesia người được trợ giúp pháp lý được bao gồm bất kỳ người hoặc nhóm người nghèo nào không thể được đáp ứng các quyền cơ bản một cách phù hợp và độc lập. Quyền cơ bản được nhắc đến ở đây bao gồm các quyền về lương thực, quần áo, sức khỏe, giáo dục, việc làm và kinh doanh, và/hoặc nhà ở. Tình trạng nghèo khó được xác nhận thông qua Thư xác nhận hộ nghèo (SKTM) của các cơ quan nhà nước ở cấp làng xã hoặc các chứng từ trợ xấp xã hội khác, hoặc một bằng chứng khác. Đối với tổ chức YLBHI, ngoài các đối tượng trên, họ còn hỗ trợ pháp lý cho nhóm đối tượng là nạn nhân của bạo lực hay phân biệt đối xử bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Dân số của Indonesia trên 250 triệu dân, trong đó trên 29 triệu là người dân nghèo tính đến năm 2012. Với tỷ lệ dân số nghèo như trên cho thấy, nhu cầu được trợ giúp pháp lý của người dân là rất lớn.

5. Về kinh phí cấp cho hoạt động trợ giúp pháp lý

Kinh phí hoạt động trợ giúp pháp lý được hình thành từ các nguồn sau:

- Ngân sách nhà nước cấp (Chính phủ và chính quyền địa phương);

- Các nguồn đóng góp hợp pháp khác:

Bộ Pháp luật và Nhân quyền là đầu mối thay mặt Chính phủ cấp ngân sách cho tổ chức thực hiện TGPL trên phạm vi toàn quốc. Quỹ này sẽ trợ giúp cho những vụ việc do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý dự toán trong năm và được Cục Phát triển pháp luật quốc gia kiểm tra và cấp phép. Ngay sau khi kiểm tra và cấp phép, Bộ Pháp luật và Nhân quyền thông qua Cục Phát triển pháp luật quốc gia tiến hành phân bổ ngân sách cho các tổ chức đã được cấp phép hoạt động mà không chi tiền trực tiếp cho các luật sư thực hiện TGPL. Chính quyền địa phương cũng có thể cấp một khoản ngân sách địa phương cho hoạt động TGPL và có nghĩa vụ báo cáo với Bộ trưởng Bộ Pháp luật và Nhân quyền.

Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hợp pháp sẽ có một hợp đồng với một số tiền nhất định để chi tiêu trong một năm, tùy thuộc vào loại A, B hoặc C. Sau đó, các tổ chức này sẽ cung cấp dịch vụ và gửi hoá đơn, chứng từ cho công việc đã hoàn thành. Việc thanh toán có thể được lập hóa đơn và thanh toán theo từng giai đoạn, do đó họ không phải đợi đến khi kết thúc vụ việc mới được thanh toán. Các tổ chức thực hiện TGPL nếu đã hoàn thành việc phân bổ, họ có thể được cấp thêm ngân sách từ ngân sách đã được phân bổ cho các tổ chức khác mà các tổ chức ấy chưa sử dụng hết. Nếu các tổ chức thực hiện TGPL sử dụng ít hơn 50% ngân sách, văn phòng địa phương của Bộ Pháp luật và Nhân quyền có thể cung cấp phần còn lại cho tổ chức khác.

Hồ sơ, chứng từ để thanh toán là khá lớn (khoảng 14 loại giấy tờ). Tuy nhiên, Indonesia cũng đã áp dụng công nghệ thông tin để cải thiện, đơn giản hóa thủ tục thanh toán.

6. Về hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông

Indonesia là một quốc gia có nhiều đảo, rộng lớn nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL ở Indonesia được thực hiện rất đồng bộ và bài bản, từ việc yêu cầu TGPL, chấp nhận đơn yêu cầu TGPL, báo cáo về TGPL, đến việc xem xét các vụ việc chi trả TGPL đều được cập nhật vào cơ sở dữ liệu chung.

Indonesia còn phát triển phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động thông minh, giúp cho người dân có thể nộp đơn yêu cầu TGPL được dễ dàng, cũng như là phương tiện để cơ quan nhà nước đánh giá chất lượng vụ việc TGPL qua ý kiến của người dân.

Để truyền thông về TGPL, Indonesia sử dụng những chiếc xe có màu sắc rực rỡ trên toàn quốc đi để cung cấp thông tin và các nguồn liên quan đến pháp luật và TGPL. Ngoài ra, Cục Phát triển luật pháp quốc gia sản xuất một loạt các sản phẩm phim và truyền hình dành cho giáo dục, truyền thông.

7. Về quản lý, kiểm soát chất lượng

Hiện nay việc quản lý, kiểm soát chất lượng cũng đang là vấn đề Indonesia quan tâm và mong muốn cải thiện. Một trong những cách mà Indonesia thực hiện quản lý chất lượng vụ việc TGPL là áp dụng công nghệ thông tin để khảo sát người dân qua điện thoại di động. Việc chất lượng vụ việc TGPL được đánh giá bằng cách so sánh số điểm người được TGPL chấm và số tiền tiêu cho vụ việc đó. Một số tiêu chí để người dân chấm điểm như: việc chấp hành pháp luật (như tổ chức có lấy tiền của dân không…), việc cung cấp dịch vụ pháp lý, cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân tiếp cận với TGPL như thế nào.

Lê Thị Thanh Hà - Phòng Tài chính và Quản lý Chất lượng TGPL

Xem thêm »