Trợ giúp pháp lý ở Hàn Quốc

28/11/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hàn Quốc là một nước công nghiệp mới (NIC) ở Châu Á có tổng thu nhập quốc nội (GDP) đứng thứ 4 ở Châu Á, đứng thứ 11 thế giới (năm 2018). Hàn Quốc bao gồm 16 đơn vị hành chính là thủ đô Seoul, 06 thành phố trực thuộc Trung ương và 09 tỉnh.

           I. Các văn bản cơ bản về trợ giúp pháp lý

          1. Luật Trợ giúp pháp lý 1987 (Legal Aid Act), được sửa đổi nhiều lần: là văn bản quan trọng nhất quy định các nội dung cơ bản của trợ giúp pháp lý;

          2. Luật Luật sư công 1994 (Public-Service Advocates Act), được sửa đổi nhiều lần: quy định về điều kiện, bổ nhiệm, hoạt động (trong đó có hoạt động trợ giúp pháp lý) của luật sư công...;

          3. Luật Tố tụng dân sự 2002 (Civil Procedure Act), được sửa đổi nhiều lần: có một số quy định về việc toà án cử luật sư miễn phí trong một số vụ việc dân sự...;

          4. Luật Tố tụng hình sự 1974 (Code of Criminal Procedure): có quy định nghĩa vụ của toà án trong việc cử luật sư bào chữa cho bị cáo trong các trường hợp đặc biệt, ví dụ như bị cáo là người nghèo...;

          5. Luật Luật sư 1993 (Lawyer Act): quy định các quyền và nghĩa vụ của luật sư nói chung áp dụng cả trong trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý.

          II. Tổ chức trợ giúp pháp lý

          Tại Hàn Quốc, trợ giúp pháp lý được cung cấp qua ba phương thức: Cơ quan Trợ giúp pháp lý Hàn Quốc (KLAC); toà án cử luật sư miễn phí; các tổ chức phi chính phủ (Hiệp hội Luật sư Hàn Quốc (KBA), tổ chức khu vực hoặc các tổ chức dân sự khác).

          Nhìn chung, các tổ chức trợ giúp pháp lý chưa có mối liên hệ chặt chẽ. Tuy nhiên, người được trợ giúp pháp lý thông qua quyết định của toà án có thể nhận trợ giúp từ luật sư của Cơ quan Trợ giúp pháp lý, Hiệp hội Luật sư Hàn Quốc, các tổ chức phi chính phủ hoặc luật sư tư.

          1. Cơ quan Trợ giúp pháp lý

          Về tổ chức, Cơ quan Trợ giúp pháp lý đã được thành lập vào ngày 01/9/1987 và được Chính phủ cấp kinh phí để thực hiện chức năng trợ giúp pháp lý (Điều 1 và 8, Luật Trợ giúp pháp lý). Ngoài việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, tổ chức này còn giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, nghiên cứu về hệ thống trợ giúp pháp lý và các hoạt động khác để đạt được mục tiêu của tổ chức. Kinh phí hoạt động của Cơ quan ngoài nguồn kinh phí từ Chính phủ còn có các nguồn khác (tiền mặt và tài sản đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; kinh phí triển khai các dự án; tiền thu được từ hoạt động kinh doanh của Tổng cục; các nguồn thu khác).

          Về đối tượng được TGPL, Quy chế của Cơ quan Trợ giúp pháp lý đã quy định các đối tượng được trợ giúp pháp lý và quy định này phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (Điều 28, Luật Trợ giúp pháp lý).

Trợ giúp pháp lý miễn phí: dịch vụ tư vấn được cung cấp miễn phí cho người dân. Ngoài ra, theo thỏa thuận giữa Cơ quan trợ giúp pháp lý và những nhà tài trợ thì một số đối tượng sẽ được trợ giúp pháp lý hoàn toàn miễn phí như nông dân, người khuyết tật, người có công…

Trợ giúp pháp lý có thu phí: Người được trợ giúp pháp lý sẽ phải trả những chi phí cơ bản như chi phí tem thư, phí tố tụng và chi phí thuê luật sư khi kết thúc vụ việc. Tuy nhiên, chi phí trả cho Tổng liên đoàn trợ giúp pháp lý thấp hơn so với phí thuê luật sư tư. Các dịch vụ như hoà giải/giải quyết tranh chấp, soạn các biểu mẫu trợ pháp lý, tham gia tố tụng trong các vụ việc dân sự, gia đình, hình sự chỉ áp dụng cho các đối tượng dưới đây:

          Trường hợp phụ nữ có văn bản xác nhận là nạn nhân bạo lực gia đình từ các tổ chức của phụ nữ, Cơ quan Trợ giúp pháp lý sẽ trợ giúp pháp lý cho họ không cần xét các tiêu chuẩn khác.

Về luật sư công, Hàn Quốc có mạng lưới luật sư công (PSA) trợ giúp pháp lý. Các luật sư công hành nghề công khai như một luật sư tư tại trụ sở và 57 văn phòng địa phương của Cơ quan Trợ giúp pháp lý Hàn Quốc. Luật Luật sư yêu cầu họ phải vượt qua kỳ thi của Hiệp hội Luật sư Hàn Quốc, tốt nghiệp Học viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp. Luật sư công không phải là luật sư đúng nghĩa theo quy định tại Luật Luật sư vì luật sư công không đăng ký với Hiệp hội Luật sư.

Về hoạt động, hoạt động trợ giúp pháp lý của Tổng liên đoàn trợ giúp pháp lý rất hiệu quả. Trung bình mỗi năm Tổng liên đoàn trợ giúp pháp lý thực hiện 4.500.000 vụ việc tư vấn (qua hình thức trực tiếp, đường dây nóng, internet hoặc hình thức khác); 140.000 vụ việc tham gia tố tụng.

          2. Hiệp hội Luật sư

Với mục đích là bảo vệ quyền con người và thực hiện công lý, trợ giúp pháp lý là một trong những hoạt động quan trọng của Hiệp hội.

Từ năm 1993, Hiệp hội đã triển khai Hệ thống Trách nhiệm luật sư (Duty Attorney System) nhằm cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho cộng đồng. Các luật sư được yêu cầu tham gia các hoạt động công cộng trong thời gian nhất định để duy trì hình ảnh đáng tin cậy của mình.

Khi muốn mở rộng hoạt động Hiệp hội đã xin phép Chính phủ cho thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý trực thuộc. Năm 2003 tổ chức này được chính thức thành lập. Tổ chức trợ giúp pháp lý gồm có Chủ tịch, Tổng thư ký, 02 phó tổng thư ký và 15 nhân viên thường trực. Ngoài ra, còn có 500 Luật sư cộng tác viên. Đây là tổ chức phi Chính phủ, không có sự hỗ trợ trực tiếp kinh phí từ ngân sách nhà nước. Kinh phí hoạt động cho tổ chức này từ nguồn đóng góp của các luật sư Hàn Quốc, 10 công ty luật lớn nhất Hàn Quốc (công ty có từ 100 luật sư trở lên), hỗ trợ của Bộ Phụ nữ và gia đình, Tòa án tối cao và từ hoạt động trợ giúp pháp lý có thu phí một phần. Kinh phí do Bộ Phụ nữ và gia đình hỗ trợ chỉ sử dụng để chi trả chi phí cho những vụ việc liên quan đến gia đình. Thông thường, tổ chức trợ giúp pháp lý phải báo cáo về việc sử dụng với cơ quan cấp kinh phí 3 lần/năm. Trung bình chi phí cho mỗi vụ việc là 1.500 USD và các hoạt động của tổ chức trợ giúp pháp lý này hoàn toàn được miễn thuế, chỉ có phần thù lao cho luật sư phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Theo quy định của pháp luật Hàn Quốc thì công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và thực hiện trợ giúp pháp lý là một hình thức thực hiện nghĩa vụ đó. Danh sách các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý được công bố công khai. Mục đích hoạt động của tổ chức này là giúp đỡ người dân có nhu cầu trợ giúp pháp lý mà vì lý do tài chính hoặc lý do khác không thể tiếp cận dịch vụ pháp lý có thu của Luật sư hành nghề tự do.

Đối tượng giúp đỡ bao gồm: Người nghèo; Gia đình đa văn hóa (gia đình có vợ hoặc chồng là người nước ngoài); Người nhập cư từ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sang Hàn Quốc; Nạn nhân bạo lực gia đình; Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ.

Các loại vụ việc thuộc phạm vi trợ giúp pháp lý của Tổ chức này bao gồm: dân sự, hình sự, vụ việc phát sinh trong phạm vi gia đình; vụ việc giải quyết có sai sót; vụ việc khác.

Từ 01/01-25/11/2013 tổ chức này đã giúp đỡ được 635 vụ việc, trong đó 70% là vụ tham gia tố tụng. Đối với những vụ việc phải tham gia tố tụng thì chỉ miễn phí cho người nghèo còn những người khác thì mức phí căn cứ vào điều kiện tài chính cụ thể.

           3. Luật sư tư

          Không có tổ chức riêng cho các luật sư công. Các toà án hình sự cử một luật sư làm luật sư bào chữa cho bị cáo. Hầu hết các luật sư được cử là luật sư tư, ngoại trừ các luật sư bào chữa hợp đồng với toà án từ năm 2004 đang hành nghề như luật sư công. Việc loại trừ các luật sư công và cử luật sư tư là nhằm bảo vệ cho bị cáo. Các toà án đang có kế hoạch mở rộng diện loại trừ các luật sư công.

          Luật sư tư tham gia vào trợ giúp pháp lý dưới nhiều hình thức. Trong vụ án hình sự, họ được cử làm luật sư cho bị cáo. Trong vụ việc dân sự, gia đình, hành chính, họ đại diện cho các bên đã gửi cho toà án quyết định trợ giúp pháp lý. Toà án sẽ xác định luật sư cụ thể trong quyết định cử luật sư tham gia vụ án hình sự. Trong một số vụ việc, toà án không cử mà chỉ quyết định phạm vi hỗ trợ chi phí cho vụ việc dân sự. Bên đã gửi cho toà án quyết định trợ giúp pháp lý có thể liên hệ với luật sư tư, luật sư quen biết và luật sư công nằm trong Cơ quan Trợ giúp pháp lý để được trợ giúp.

          Nguyễn Thị Pha, Cục Trợ giúp pháp lý./.

(Bài viết được lược dịch, tổng hợp từ http://www.klac.or.kr, http://www.koreanbar.or.kr, http://www.worldlii.org và Báo cáo đoàn công tác tìm hiểu hoạt động trợ giúp pháp lý tại Hàn Quốc năm 2013).

 

Xem thêm »