Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về Trợ giúp pháp lý

24/02/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) thời gian qua đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo và một số nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, nhìn lại TGPL còn rất nhiều khó khăn, trong đó nhiều người còn chưa biết đến hoạt động TGPL.

Truyền thông về TGPL có nhiều đổi mới
Trong nhiệm kỳ qua 2015-2020, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 tại kỳ họp thứ 03 Quốc hội khóa XIV. Với việc lấy đối tượng là người nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác là mục tiêu phục vụ, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo và một số nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. 
Theo Bộ Tư pháp, thực hiện Luật TGPL năm 2017 và Đề án đổi mới công tác TGPL, giai đoạn 2016-2020, các Trung tâm TGPL nhà nước đã tập trung thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là chú trọng vào vụ việc tham gia tố tụng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu TGPL của người thuộc diện được TGPL trên toàn quốc. Qua đó, số lượng vụ việc tham gia tố tụng năm sau cao hơn năm trước, chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên, được nhiều cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp TGPL trong tố tụng và tham gia tố tụng đã có nhiều chuyển biến; hoạt động truyền thông về công tác TGPL có nhiều đổi mới, góp phần tuyên truyền rộng rãi đến người dân để biết và thực hiện quyền được TGPL theo quy định. Cùng với các Trung tâm TGPL của nhà nước, đến nay cả nước đã có 197 tổ chức đăng ký tham gia TGPL, 620 Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL.
Hoạt động truyền thông về TGPL những năm qua cũng được hết sức coi trọng để tăng thêm sự hiểu biết, tiếp cận của người dân trong hoạt động này. Các địa phương đã có những cách làm khác nhau như qua in ấn, cấp phát tờ gấp, tài liệu về TGPL; qua các bảng tin về TGPL; qua niêm yết công khai tại UBND cấp xã, tại nhà tạm giam, tạm giữ; ác tổ chức của người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội; qua các chuyến TGPL tại cơ sở...


Tăng cường công tác phối hợp
Mặc dù đã có nhiều đổi mới trong việc tuyên truyền về TGPL, nhưng theo đánh giá của Bộ Tư pháp, sự chủ động tiếp cận các đối tượng được TGPL vẫn còn hạn chế nên nhiều người dân chưa biết hoặc khó tiếp cận đến TGPL. Chất lượng, hiệu quả một số vụ việc trợ giúp chưa cao. 
Nguyên nhân một phần có thể kể đến là kinh phí cho hoạt động truyền thông còn rất hạn chế. Mặc dù Bộ Tư pháp (Cục TGPL) luôn quan tâm đến công tác tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực thực hiện TGPL. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí, Bộ Tư pháp (Cục TGPL) chỉ tổ chức được các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ lãnh đạo hoặc một số người thực hiện TGPL mà chưa thể tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho tất cả đội ngũ người thực hiện TGPL ở địa phương. Để nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ người thực hiện TGPL ở địa phương, các Trung tâm TGPL nhà nước cần chủ động, có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng TGPL cho người thực hiện TGPL ở địa phương.
Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 59/2020/TT-BTC ngày 18/6/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động TGPL đã quy định về chi truyền thông về hoạt động TGPL quy định “Chi truyền thông về hoạt động TGPL: Căn cứ nội dung, nhiệm vụ truyền thông về TGPL được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và giao nhiệm vụ theo quy định, cơ quan TGPL chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức, nội dung truyền thông đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao. Nội dung và mức chi cũng được quy định cụ thể tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều địa phương, đặc biệt là những ơi đi lại khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thì các mức chi này đều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thì việc bố trí kinh phí cho thực hiện một số hoạt động TGPL là rất khó khăn.
Ngoài việc bố trí kinh phí cho truyền thông về TGPL, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong truyền thông về TGPL; chặng hạn thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC, phát huy vai trò các thành viên trong Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương , chú trọng việc hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, người bị buộc tội và các đương sự khác về quyền được TGPL; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc niêm yết, giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường giải thích, thông báo, thông tin về TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL trực tại Tòa án…
Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp Trung tâm TGPL với các cơ quan truyền thông; tiếp tục đổi mới hình thức truyền thông về TGPL, trong đó ưu tiên nguồn lực cho các vùng khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế….

                                                                                                                                                                                                             
      Nguồn: baophapluat.vn

Xem thêm »