Kết quả chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2010 – 2020

10/09/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách được triển khai thực hiện trong các chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (sau đây gọi là Nghị quyết số 76/2014/QH13), Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo (sau đây gọi là Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP), Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 (sau đây gọi là Nghị quyết số 80/NQ-CP). Sau gần 10 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết nêu trên, công tác trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo đã đạt được một số kết quả như sau:

1. Công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các Nghị quyết
- Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020 (sau đây gọi là Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg). Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp đã khẩn trương ban hành Quyết định số 2497/QĐ-BTP ngày 01/10/2010 ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg.
- Thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020 (sau đây gọi là Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg). Bộ Tư pháp đã khẩn trương ra Quyết định số 650/QĐ-BTP ngày 27/3/2013 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn có trách nhiệm phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg tại địa phương, bảo đảm kinh phí chi hoạt động thường xuyên, chi các hoạt động quản lý, các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm.
Ngày 17/2/2014, Liên tịch Bộ Tài chính, Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 24/2013/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020. Thông tư liên tịch tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để các Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây viết tắt là Trung tâm) tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg.
- Thực hiện nhiệm vụ được giao tại mục 5 phần II Phụ lục Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình (sau đây gọi là Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg) trên cơ sở tích hợp 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ, cụ thể: (1) Quyết định 52/2010/QĐ-TTg và (2) Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp đã khẩn trương ban hành Quyết định số 2289/QĐ-BTP ngày 31/10/2016 ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg.
2. Kết quả thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2010 - 2020
2.1. Kết quả thực hiện các hoạt động theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg giai đoạn 2011 - 2015
- Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động[1] cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số về các xã thuộc các huyện nghèo: gần 3.000 đợt trợ giúp pháp lý lưu động đã được tổ chức, qua đó thực hiện tư vấn pháp luật tại chỗ được hơn 50.000 vụ việc cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng và đối tượng khác. Các đợt trợ giúp pháp lý lưu động được thực hiện linh hoạt như: tổ chức các bàn để tiếp dân theo lĩnh vực pháp luật, tổ chức các lớp học, buổi nói chuyện chuyên đề pháp luật hoặc giới thiệu các quy định của pháp luật, hướng dẫn địa phương về các nội dung pháp luật cần phát trên loa phát thanh...
- Tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý[2] cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã thuộc các huyện nghèo: Các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã tổ chức hơn 20.000 buổi sinh hoạt, giải quyết được hơn 150.000 vụ việc tư vấn pháp luật. Nội dung sinh hoạt tập trung vào các chuyên đề pháp luật thiết thực liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình,...
- Tổ chức sinh hoạt các Tổ hoà giải: các Tổ hòa giải tại các tỉnh có huyện nghèo đã tổ chức được gần 50.000 đợt sinh hoạt cho hàng trăm nghìn lượt người tham dự, qua đó giải quyết được hơn 35.000 vụ việc tại cơ sở.
- Phổ biến, giáo dục và truyền thông pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số: triển khai hoạt động này, Bộ Tư pháp cung cấp tờ gấp pháp luật về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và nghĩa vụ đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số với nội dung đơn giản, dễ hiểu, hình thức trình bày phong phú, sinh động để phát miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo. Đồng thời, Bộ Tư pháp đã cung cấp Báo Pháp luật Việt Nam hàng ngày cho Ủy ban nhân dân cấp xã và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở các xã thuộc huyện nghèo để truyền tải một cách đầy đủ, kịp thời các thông tin, sự kiện pháp lý nổi bật trên phạm vi cả nước.
- Tập huấn, bồi dưỡng
+ Về tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý: hơn lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý được tổ chức với hơn 12.000 học viên để cập nhật kiến thức pháp luật mới và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.
+ Hỗ trợ cán bộ làm việc tại Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại các huyện nghèo tham gia các lớp học văn hoá, chuyên môn pháp lý, tham gia khóa đào tạo nghề luật sư tạo nguồn quy hoạch bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý: có 20 người làm việc tại các Chi nhánh của Trung tâm ở các huyện nghèo được hỗ trợ để tham gia học tập khóa đào tạo nghề luật sư nhằm nâng cao trình độ kỹ năng, nghiệp vụ, tạo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý.
2.2. Kết quả thực hiện các hoạt động theo Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg giai đoạn 2013 - 2015
- Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo; thôn, bản đặc biệt khó khăn: gần 6.000 đợt trợ giúp pháp lý lưu động đã được tổ chức, qua đó thực hiện tư vấn pháp luật tại chỗ được hơn 82.000 vụ việc cho các đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng và đối tượng được trợ giúp pháp lý khác.
- Đặt Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở Ủy ban nhân dân, Trung tâm bưu điện, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn các xã nghèo; thôn, bản đặc biệt khó khăn: hơn 4.200 Bảng thông tin và gần 2.000 Hộp tin về trợ giúp pháp lý được đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, Trung tâm bưu điện, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Thông qua hoạt động đặt bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý, người dân đã biết đến quyền được trợ giúp pháp lý của mình và địa chỉ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để được giúp đỡ khi có vướng mắc pháp luật.
Ngoài thực hiện 02 hoạt động trên bằng nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố có xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn cũng đã tiến hành thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý khác bằng nguồn kinh phí nghiệp vụ của Trung tâm như: cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức khác[3]... để giúp người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách giải quyết vướng mắc pháp luật trong các lĩnh vực pháp luật; In ấn và cấp các tờ gấp pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; thu, sao băng cát - xét, đĩa CD phát miễn phí cho người nghèo, người dân tộc thiểu số,…
2.3. Kết quả thực hiện các hoạt động theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg giai đoạn 2016 - 2020
- Về hỗ trợ thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình: Từ năm 2016 đến hết tháng 04/2020, các địa phương được ngân sách trung ương hỗ trợ đã thực hiện hơn 13.000 vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình.
- Hỗ trợ học phí cho viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn tham gia khóa đào tạo nghề luật sư: 171 viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã được hỗ trợ để tham gia khóa đào tạo nghề luật sư với cam kết làm việc trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ít nhất 02 năm kể từ khi đi đào tạo về.
- Tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn: khoảng 178 lớp tập huấn đã được tổ chức với hơn 15.000 người tham dự.
- Về truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn
+ Thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý: hầu hết các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý để tiếp nhận vướng mắc pháp luật của người dân và kịp thời giúp đỡ theo quy định.
+ Xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên Đài truyền thanh xã: hơn 20.000 chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt và tiếng Dân tộc đã được xây dựng và phát trên Đài truyền thanh xã.
+ Tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở: tổ chức hơn 6.000 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở với hơn 400.000 người tham dự.
Thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo trong thời gian qua đã chứng minh chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước là đúng đắn, kịp thời, phù hợp với đông đảo nguyện vọng của nhân dân. Chính sách này đã trực tiếp hỗ trợ cho các địa phương nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn này; góp phần tích cực trong việc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân. Do vậy, trong giai đoạn 2021 - 2030, cần tiếp tục duy trì chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo nhằm kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý cư trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 

                                                                                                                                                                         Trần Thị Phượng
                                                                                                                                      Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ TGPL - Cục TGPL

 
[1] Luật Trợ giúp pháp lý 2017 không còn quy định hình thức này.
[2] Thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 và hiện nay Luật TGPL năm 2017 không còn quy định phương thức sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL nên các địa phương đã thực hiện giải thể hoặc lồng ghép với các Câu lạc bộ pháp luật khác ở địa phương.
[3] Theo quy định của Luật TGPL năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Xem thêm »