Trợ giúp pháp lý Lào Cai: Tăng cường nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý

28/05/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những chính sách bảo đảm quyền con người, quyền công dân của Đảng và Nhà nước nhằm giúp cho đồng bào các dân tộc thiểu số, người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thu hẹp khoảng cách và trình độ phát triển giữa các vùng, miền khác nhau.

Với chủ trương của Đảng và Nhà nước, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Sở Tư pháp và đơn vị chuyên môn (Trung tâm Trợ giúp pháp lý) xây dựng Kế hoạch và thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý. Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, thì công tác kiện toàn tổ chức, đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ và nâng cao năng lực cho những người thực hiện trợ giúp pháp lý luôn được chú trọng hàng đầu.
Xác định được nguồn nhân lực thực hiện công tác trợ giúp pháp lý là trọng tâm, Luật TGPL năm 2017 đã quy định cụ thể, chi tiết việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý, bổ sung tiêu chuẩn tập sự đối với trợ giúp viên trước khi cung cấp dịch vụ TGPL, do vậy trong thời gian qua, theo Kế hoạch công tác hằng năm, Trung tâm đã cử 07 chuyên viên có đủ năng lực, đủ phẩm chất tham gia các lớp đào tạo nghề Luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức. Trải qua 12 tháng tập sự TGPL, dưới sự hướng dẫn của các Trợ giúp viên pháp lý có kinh nghiệm, được tiếp xúc với các giai đoạn của quá trình tham gia tố tụng, nắm bắt được trình tự giải quyết vụ án cũng như việc hoàn thiện hồ sơ tố tụng và đặc biệt trải qua kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự TGPL do Bộ Tư pháp tổ chức đã giúp cho việc bổ nhiệm đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý có chất lượng ngày càng cao.
Ngày 12/3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ký ban hành 04 Quyết định số 796/QĐ-UBND; 797/QĐ-UBND; 798/QĐ-UBND và 799/QĐ-UBND về việc bổ nhiệm và cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý cho bốn (04) chuyên viên pháp lý của Trung tâm công tác tại địa bàn các Chi nhánh số 1- huyện Si Ma Cai, số 2 - huyện Bắc Hà, số 7- huyện Bảo Thắng và số 8- thị xã Sa Pa, nâng tổng số Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm lên 21 người (chiếm 63,6%) so với tổng số cán bộ của Trung tâm, trong đó số trợ giúp viên ở các chi nhánh là 09 người, đáp ứng phần lớn nhu cầu TGPL của người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn  tỉnh.

 
Các trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa tại phiên tòa sơ thẩm.
Các Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa tại phiên tòa sơ thẩm.
 
Theo số liệu đã thống kê, trong thời gian từ năm 2018 đến nay, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đã tiếp nhận và thực hiện được 3.319 vụ việc, trong đó tham gia tố tụng là 1.791 vụ, (đại diện là 698 vụ, bào chữa là 1.093 vụ), chiếm 54% so với tổng số yêu cầu tiếp nhận; tư vấn và giải thích thấu đáo các quy định của pháp luật cho 1.582 lượt người, phổ biến trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc, hướng dẫn làm đơn và bổ sung các tài liệu, chứng cứ kèm theo, rồi gửi đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.
 
Công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng trên địa bàn được duy trì thường xuyên và hiệu quả, hầu hết khi phát hiện, kiểm tra và xác định được đối tượng trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng (án giết người, mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng đặc biệt lớn như 250.000 viên, 84.800 viên (8.425,12g) ma túy tổng hợp…) là người được TGPL, cơ quan điều tra đã trao đổi và thông tin cho Trung tâm TGPL để cử các trợ giúp viên pháp lý có mặt tham gia kịp thời ngay từ khi vừa di lý đối tượng về trụ sở cho đến khi xét xử xong vụ án. Do tính chất đặc thù của công tác điều tra, có nhiều vụ án xảy ra ở địa bàn hẻo lánh, xa trung tâm nên quá trình di lý về trụ sở mất không ít thời gian, có nhiều vụ gần 22h đêm mới về tới nơi, do vậy mà quá trình lấy lời khai ban đầu đã diễn ra trong suốt khung giờ đêm, có buổi đến tận 3, 4 giờ sáng hôm sau mới kết thúc, nhiều vụ tiến hành cả vào ngày nghỉ Lễ 01/5, nghỉ Tết hay thứ 7, chủ nhật.
Quá trình tranh tụng với đại diện Viện kiểm sát cũng được chú trọng, sau khi phân tích và chỉ rõ vai trò của từng người trong chuỗi các hành vi vi phạm, các Trợ giúp viên pháp lý còn đề xuất thêm về nhân thân, hoàn cảnh gia đình, trình độ văn hóa cũng như hiểu biết về pháp luật, quá trình sinh sống và tuân thủ các quy định tại địa phương đã giúp Hội đồng xét xử có một cái nhìn tổng thể, khách quan và công minh, đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp với mức độ, hành vi mà các bị cáo vi phạm.
Theo chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng mà Bộ Tư pháp giao hằng năm thì 70% Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đạt chỉ tiêu tốt, còn 30% Trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu khá (là các Trợ giúp viên pháp lý nghỉ chế độ hay tham gia học các lớp chính trị…)
Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện TGPL cho đội ngũ những người thực hiện trợ giúp pháp lý là các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư, Cộng tác viên và toàn thể cán bộ, chuyên viên pháp lý của Trung tâm. Đồng thời cử các Trợ giúp viên pháp lý tham gia các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ do Cục TGPL, Sở Tư pháp và các ban ngành tổ chức.
Sự nỗ lực của các trợ giúp viên pháp lý đã được Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Công an tỉnh ghi nhận bằng các Quyết định khen thưởng (QĐ số 03/QĐ-STP ngày 21/01/2021; QĐ số 532/QĐ-CAT-PX03 ngày 08/4/2020) về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngoài ra, sự nỗ lực ấy còn góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân cho các đối tượng được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của Hiến pháp nước CHXHCNVN. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục duy trì công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức, chuyên viên pháp lý, tạo nguồn bổ nhiệm TGVPL, tăng cường nguồn nhân lực cho công tác trợ giúp pháp lý tại tỉnh nhà. /.
                                                                                    Nguyễn Thị Mai Hương
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai
 

Xem thêm »