Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Trợ giúp pháp lý cho trẻ em ngày càng trở nên thiết thựcTừ 01/6 – 30/6/2024 được phát động là Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Nhân Tháng hành động vì trẻ em, bài viết xin giới thiệu đến Quý độc giả chính sách trợ giúp pháp lý cho trẻ em, đây là một trong những chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ quyền của trẻ em, kết quả của hoạt động này và một số đề xuất giải pháp.Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các văn kiện quốc tế quy định các quyền của trẻ em và các nguyên tắc cơ bản để bảo đảm quyền trẻ em. Theo đó, có thể nhóm các quyền trẻ em thành 4 nhóm quyền cơ bản như sau: quyền được sống, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia. Là quốc gia đầu tiên tại Châu Á và là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới sớm trở thành thành viên của Công ước về quyền trẻ em, Việt Nam đã nội luật hóa và ghi nhận các quyền của trẻ em cũng như trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong các văn bản quy phạm pháp luật trong nước (Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em, Bộ luật lao động, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Xử lý vi phạm hành chính… Trong các giai đoạn lịch sử xây dựng và phát triển của đất nước, công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Quyền trẻ em ở Việt Nam đã được ghi nhận và khẳng định tại Điều 37 Hiến pháp năm 2013: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Luật Trẻ em đã quy định 25 quyền của trẻ em, trong đó có quyền “được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác” (Điều 30).
Trợ giúp pháp lý là một loại hình dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu của ngành Tư pháp. Trợ giúp pháp lý là dịch vụ pháp lý được cung cấp miễn phí cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý đã quy định mọi trẻ em (người dưới 16 tuổi) được trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước. Khi có vướng mắc pháp luật, trẻ hoặc người thân của trẻ, cơ quan tổ chức hoặc cá nhân khác có thể yêu cầu trợ giúp pháp lý thông qua các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ. Khi yêu cầu trợ giúp pháp lý cần có một trong các giấy tờ sau đây: Giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu; văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là trẻ em; văn bản của cơ quan có thẩm quyền về áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc xử phạt vi phạm hành chính xác định người có yêu cầu trợ trợ giúp pháp lý là trẻ em.
Một số nguyên tắc trong hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em
Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã đưa ra 04 nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý[1] cụ thể: Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, kịp thời, độc lập, trung thực và tôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý
Tại Thông tư số 03/2020/TT-BTP ngày 28/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, trong đó có đưa ra một số quy tắc liên quan đến thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý như: Trung thực, liêm chính, tôn trọng sự thật khách quan, độc lập khi thực hiện trợ giúp pháp lý, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, bảo mật thông tin trong trợ giúp pháp lý, ứng xử với người được trợ giúp pháp lý, ứng xử với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác... Như vậy, khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em thì trước hết cần phải thực hiện các nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định Luật Trợ giúp pháp lý và các quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý theo quy định Thông tư số 03/2020/TT-BTP, trong đó chú ý đến những yếu tố thân thiện với trẻ em trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho trẻ em
Trẻ em được trợ giúp pháp lý theo hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng miễn phí, không phải trả bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hay lợi ích nào khác cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Một trong những nguyên tắc trong hoạt động trợ giúp pháp lý là không được thu tiền hay lợi ích nào khác từ người được trợ giúp pháp lý. Nguyên tắc này dựa trên tính chất nhân đạo của Nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý được tiếp cận công lý, bình đẳng trước pháp luật. Theo đó, người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý không được gợi ý, đòi hỏi, đặt điều kiện hoặc nhận bất kỳ lợi ích vật chất, lợi ích khác có liên quan đến vụ việc, việc trợ giúp pháp lý từ người được trợ giúp pháp lý hoặc người khác.
- Bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em
Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017, một trong những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động trợ giúp pháp lý là “Bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý”. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của người thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em là giúp người được bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và quyền tiếp cận công lý. Lợi ích của trẻ được quan tâm, cân nhắc hàng đầu trong toàn bộ quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em. Tại Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý cũng cho rằng, khi thực hiện vụ việc, việc trợ giúp pháp lý với sự tận tâm, trách nhiệm, kịp thời áp dụng các biện pháp, kỹ năng cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý (Điều 3). Nguyên tắc này sẽ là kim chỉ nam cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi cân nhắc các vấn đề sau đây: Cách thức gây dựng quan hệ với trẻ em, cách thức người thực hiện trợ giúp pháp lý xây dựng và điều chỉnh phương án giải quyết vụ việc/vụ án để đạt kết quả tốt nhất, cách thức tương tác với các chủ thể khác để bảo đảm rằng lợi ích tốt nhất của trẻ được quan tâm hàng đầu trong tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng.
- Bảo đảm quyền riêng tư và giữ bí mật thông tin cá nhân, bí mật thông tin vụ việc của trẻ em
Tại Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã quy định nghiêm cấm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý (trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc luật có quy định khác) (Điều 6). Tại Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý cũng cụ thể hóa việc bảo mật thông tin trong trợ giúp pháp lý trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý và sau khi kết thúc vụ việc, không sử dụng các thông tin có được trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý để gây bất lợi cho người được trợ giúp pháp lý, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội (Điều 4). Tại Luật Tiếp cận thông tin cũng nêu rõ các thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý (khoản 2 Điều 7).
Trong quá trình giải quyết vụ việc, người thực hiện trợ giúp pháp lý cần bảo đảm thông tin về vụ việc của trẻ em không bị tiết lộ, được giữ bí mật theo đúng quy định. Vấn đề bảo mật thông tin luôn phải được chú trọng để kịp thời có những biện pháp phù hợp bảo vệ trẻ em như đề nghị cơ quan, người có liên quan bảo đảm bí mật thông tin cho nạn nhân… Việc giữ bí mật thông tin đời tư của trẻ em đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ tin tưởng với trẻ, đảm bảo các em có thể trao đổi với người thực hiện trợ giúp pháp lý một cách thoải mái và cởi mở. Để làm được điều này, người thực hiện trợ giúp pháp lý cần thông tin cho trẻ em rằng sự trao đổi thông tin sẽ được giữ bí mật. Nếu thông tin vụ việc được chia sẻ vì mục đích quản lý nhà nước, trao đổi, học tập hoặc truyền thông cho cộng đồng… thì phải bảo đảm rằng những thông tin đó được các em đồng ý cung cấp và không dẫn đến việc tiết lộ danh tính của các em.
- Bảo đảm trẻ em được đối xử công bằng, không phân biệt đối xử trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý
Một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em là giúp các em cảm thấy tin tưởng, được giúp đỡ và không kỳ thị, định kiến, việc tạo niềm tin cho họ tránh họ có cảm giác bị phân biệt đối xử. Tôn trọng, lịch sự, thân thiện, nhiệt tình với người được trợ giúp pháp lý, thể hiện phong cách chuyên nghiệp, tạo sự tin tưởng đối với người được trợ giúp pháp lý…; không được có thái độ hách dịch, hành vi coi thường người được trợ giúp pháp lý hoặc phân biệt đối xử với người được trợ giúp pháp lý là một trong những quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý. Những người thực hiện trợ giúp pháp lý cần phải bảo đảm rằng trẻ em được đối xử công bằng và không phân biệt đối xử vì tuổi tác, giới tính, dân tộc, khuyết tật… hay bất kỳ điều gì. Trẻ em là nạn nhân của bạo lực, nhất là bạo lực tình dục hoặc trẻ khuyết tật có nguy cơ bị phân biệt đối xử và nên có biện pháp hỗ trợ hồi phục và ngăn chặn yếu tố nạn nhân hóa. Cần nói rõ cho các em hiểu rằng các em được tôn trọng, quyền và lợi ích hợp pháp sẽ được bảo vệ tương tự như những người khác, không có bất kỳ sự phân biệt nào. Tuy nhiên, cần hiểu rằng sự đối xử công bằng, không phân biệt đối xử không có nghĩa là cào bằng như nhau mà với từng diện người được trợ giúp pháp lý, từng độ tuổi khác nhau sẽ phải có những phương pháp làm việc, cách tiếp cận khác nhau.
- Bảo đảm quyền tham gia của trẻ em hoặc người đại diện của trẻ em trong quá trình giải quyết vụ việc
Sự tham gia tích cực của trẻ hoặc người đại diện của các em có thể mang lại nhiều lợi ích cho bản thân và cả quá trình tố tụng. Đối với trẻ là người bị hại và người làm chứng, việc những ý kiến của họ được lắng nghe và cân nhắc có thể hỗ trợ rất tốt cho quá trình phục hồi của họ, làm họ tự tin hơn, hiểu rõ hơn về các kỹ năng cũng như tiềm năng của mình. Đối với trẻ vi phạm pháp luật, việc thực hiện quyền tham gia sẽ giúp các em phát triển ý thức trách nhiệm, nhờ vậy có thể hỗ trợ quá trình phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Quá trình trao đổi ý kiến giữa người thực hiện TGPL và trẻ hoặc người đại diện sẽ giúp hiểu rõ hơn lợi ích tốt nhất của trẻ là gì, nhờ đó giúp người thực hiện TGPL tìm ra những giải pháp giải quyết vụ việc. Sự tham gia của trẻ hoặc người đại diện của trẻ phải mang tính tự nguyện, và người đó có quyền không tham gia nếu muốn.
- Bảo đảm sự phối hợp với các cơ quan và người có thẩm quyền có liên quan trong quá trình giải quyết vụ việc TGPL có trẻ em
Để thực hiện trợ giúp pháp lý hiệu quả trong vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em thì việc bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, người có thẩm quyền là vô cùng quan trọng. Quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, đòi hỏi tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý phải phối hợp với các cơ quan tư pháp khác như công an, tòa án, viện kiểm sát, quốc phòng, ủy ban nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Pháp luật trợ giúp pháp lý cũng đưa ra những quy định, ứng xử trong việc phối hợp giải thích, thông tin, thông báo người được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và việc phối hợp trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý; trực thực hiện trợ giúp pháp lý tại tòa án nhân dân, trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự 24/24 giờ; trong phối hợp triển khai điểm cầu thành phần và việc tham gia phiên tòa trực tuyến có trẻ em tham gia… Không được móc nối, lôi kéo, xúi giục người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vụ việc làm trái quy định pháp luật. Không được tự mình hoặc xúi giục người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc mà biết rõ là không đúng sự thật hoặc các hành vi lừa dối, hành vi bất hợp pháp khác gây khó khăn, cản trở việc giải quyết vụ việc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Một số kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em
Tính đến hết năm 2023, tổ chức, người thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em bao gồm: 63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước với 1.228 người làm việc (trong đó 676 trợ giúp viên pháp lý, 420 chuyên viên pháp lý, 61 kế toán và 71 người làm việc khác); 97 Chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đặt ở cấp huyện, liên huyện. Bên cạnh đó, còn có 643 luật sư và 32 Cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; 174 tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý và 26 tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp.
Triển khai các quy định Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đến nay, hoạt động trợ giúp pháp lý nói chung đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Thể chế về trợ giúp pháp lý ngày càng được hoàn thiện; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được sắp xếp, tăng cường; hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng đi vào nề nếp, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là các vụ việc, nhất là các vụ việc tham gia tố tụng. Chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý được nâng cao, góp phần bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Truyền thông về trợ giúp pháp lý ngày càng hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng; ứng dụng công nghệ thông tin bước đầu để nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện trợ giúp pháp lý. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trợ giúp pháp lý được tăng cường, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp và vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn...
Để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho trẻ em theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và triển khai các văn bản có liên quan đến chính sách bảo vệ trẻ em, thời gian qua các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trên cả nước đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em. Số lượng trẻ em được tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước ngày càng tăng. Trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc nổi cộm được báo chí đưa tin, dư luận xã hội quan tâm mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán đã được Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp theo dõi, chỉ đạo và các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chủ động, kịp thời tiếp cận nhu cầu trợ giúp pháp lý để cử người thực hiện trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích kịp thời, hiệu quả cho các em.
Theo số liệu báo cáo thống kê của các địa phương, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em, trong năm 2023 có 5.219 lượt trẻ em được trợ giúp pháp lý, chiếm 15,5% tổng số người được trợ giúp pháp lý, trong đó, thông qua hình thức tham gia tố tụng là 4.245 vụ (chiếm 81,3% tổng số vụ việc thực hiện thực hiện cho trẻ em), còn lại là tư vấn pháp luật (911 vụ) và đại diện ngoài tố tụng (63 vụ). Lĩnh vực trợ giúp pháp lý cho trẻ em chủ yếu là lĩnh vực hình sự (4.179 vụ); lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình (324 vụ); lĩnh vực hành chính (73 vụ).
Các vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em được thẩm định, đánh giá chất lượng đều đạt chất lượng khá trở lên, không có vụ việc nào không đạt chất lượng. Trong đó có nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công, hiệu quả cho trẻ em. Có những vụ trẻ vi phạm pháp luật được tuyên mức án giảm hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện kiểm sát hoặc được chuyển khung hình phạt nhẹ hơn hoặc tội danh nhẹ hơn; có vụ việc trẻ em là bị hại được bảo vệ kịp thời, tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tăng mức bồi thường thiệt hại.... Việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em luôn được các Trung tâm TGPL nhà nước ở các địa phương quan tâm và ưu tiên cử người thực hiện trợ giúp pháp lý có chuyên môn và kinh nghiệm, am hiểu tâm lý của trẻ thực hiện. Trong quá trình thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, người thực hiện trợ giúp pháp lý cũng có thêm những hỗ trợ khác cho trẻ em và gia đình của trẻ em khi cần thiết như cung cấp địa chỉ, thông tin của các cơ quan liên quan bao gồm cơ quan công an, chính quyền cơ sở, các tổ chức hội, đoàn thể và các dịch vụ hỗ trợ khác như y tế, sức khỏe, kinh tế, tư vấn và các dịch vụ xã hội khác…
Một số giải pháp bảo đảm thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý cho trẻ em
- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật, chính sách liên quan đến trợ giúp pháp lý cho trẻ em (trong đó chú trọng trẻ em khuyết tật, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, trẻ em cư trú ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo…).
- Tăng cường số lượng trợ giúp viên pháp lý trong số lượng người làm việc được giao tại địa phương, phù hợp với vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý, hỗ trợ cho trẻ em; về công tác phối hợp, thông tin về trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong những vụ việc tham gia tố tụng cho trẻ em, nhất là trường hợp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán… Tiếp tục chủ động trong việc nắm bắt thông tin, nhu cầu về TGPL, nhất là cho trẻ em trong các vụ việc dư luận xã hội quan tâm để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc nâng cao hiệu quả công tác TGPL trong toàn quốc.
+ Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý, đặc biệt là trợ giúp pháp lý trong tố tụng trong giới thiệu, thông tin, thông báo người được trợ giúp pháp lý là trẻ em đến các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Bảo đảm thực hiện hiệu quả phiên tòa trực tuyến, các chương trình phối hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý tại tòa án nhân dân, thực hiện trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự. Tăng cường theo dõi, kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong tố tụng tại các địa phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc phối hợp.
+ Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan, các cơ sở hỗ trợ, trợ giúp, bảo vệ nạn nhân là trẻ em và các cấp chính quyền cơ sở cũng như các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội người khuyết tật, Hội bảo trợ trẻ em…) trong hoạt động hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho trẻ em.
Tăng cường truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý cho trẻ và người thân của trẻ; cơ quan, tổ chức xã hội có liên quan bằng nhiều cách thức khác nhau, gắn với sự phát triển của công nghệ thông tin như truyền thông qua các nền tảng xã hội facebook, youtube, zalo,…; phát huy những cách thức truyền thông hiệu quả trong thời gian qua, lan tỏa những cách làm hay, hiệu quả ở các địa phương khác nhau…/.
Khả Hân
[1] Điều 3 Luật TGPL năm 2017