Một số quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 liên quan đến trợ giúp viên pháp lý

18/03/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Luật Tố tụng hành chính (TTHC) đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015. Chế định trợ giúp pháp lý (TGPL) đã được ghi nhận và được bảo đảm tại Khoản 3 Điều 19 Luật TTHC, ghi nhận chức danh trợ giúp viên pháp lý là một trong những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 61 Luật TTHC)

1. Rà soát các quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 liên quan đến trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Luật Tố tụng hành chính (TTHC) đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015. Chế định trợ giúp pháp lý (TGPL) đã được ghi nhận và được bảo đảm tại Khoản 3 Điều 19 Luật TTHC, ghi nhận chức danh trợ giúp viên pháp lý là một trong những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 61 Luật TTHC), quy định Thẩm phán có trách nhiệm “giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu TGPL theo quy định của pháp luật về TGPL” (Điều 38 Luật TTHC). Như vậy, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bảo đảm cho đối tượng thuộc diện được TGPL có quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án. Thẩm phán thông qua nhiều hình thức để đương sự có thể tiếp cận được với quyền TGPL như giải thích cho đương sự về quyền được TGPL, thông báo cho Trung tâm TGPL trong trường hợp họ có yêu cầu TGPL.
Những quy định trên đã bảo đảm quyền TGPL của người dân, góp phần đảm bảo quyền cơ bản của con người, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tiếp cận công lý. Luật TTHC có nhiều nội dung được hoàn thiện và thay đổi quan trọng liên quan đến việc giải quyết vụ án hành chính, trong đó có vai trò của luật sư và trợ giúp viên pháp lý. Cụ thể: bổ sung các quy định nhằm cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử và nâng cao vai trò của luật sư, trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho đương sự. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính và có nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác theo quy định của Luật TTHC. Ghi nhận này đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao vai trò của luật sư, trợ giúp viên pháp lý giúp cho họ phát huy được hết khả năng của mình và được tạo thuận lợi cho quá trình làm việc, giải quyết vụ án. Đặc biệt tại phiên tranh tụng, chủ tọa phiên tòa không hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến có liên quan.
Triển khai thi hành Luật TTHC, Bộ Tư pháp phối hợp các bộ, ngành có liên quan ký kết Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT/BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng. Thông tư liên tịch số 10 đã quy định về phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng nhằm bảo đảm quyền của người được TGPL; đăng ký, từ chối việc đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự… Trong đó, các quy định có liên quan đến trợ giúp viên pháp lý được quy định cụ thể tại khoản 1, khoản 3 Điều 5; điểm c, khoản 1, điểm b, khoản 2 Điều 7; khoản 2 Điều 12; khoản 2 Điều 13; khoản 2 Điều 14…
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao ký kết Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TANDTC về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án nhân dân. Việc ký kết Chương trình phối hợp nhằm mục đích bảo đảm tiếp cận TGPL kịp thời trong tố tụng nói chung, trong đó có tố tụng hành chính cho đương sự thuộc diện được TGPL trong các vụ án hành chính. Việc ký kết Chương trình phối hợp cũng tăng cường số lượng trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL tham gia các phiên tòa hành chính nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng. Đồng thời, giúp trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL tại các địa phương có thể sớm tiếp cận đối tượng thuộc diện được TGPL, cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, hiệu quả.
 Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khóa XV về tổ chức phiên tòa trực tuyến, ngày 15/12/2021, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Theo Thông tư liên tịch số 05, để tổ chức phiên tòa trực tuyến thì ngoài điểm cầu trung tâm đặt tại trụ sở Tòa án nhân dân còn có điểm cầu thành phần do Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước bố trí được Tòa án chấp nhận. Việc có điểm cầu tại Trung tâm đã tạo thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm tham gia các phiên tòa nói chung và phiên tòa hành chính nói riêng, giúp đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Triển khai thi hành Luật TTHC, đã có nhiều lớp tập huấn về kỹ năng tham gia tố tụng hành chính nhằm nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng TGPL trong tố tụng hành chính cho trợ giúp viên pháp lý và các luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm TGPL. Nhiều địa phương tổ chức các đợt truyền thông TGPL về cơ sở đã lồng ghép phổ biến các nội dung của Luật TTHC hoặc tổ chức hội nghị kết hợp nói chuyện chuyên đề về Luật TTHC để giúp người dân hiểu rõ hơn các quy định của Luật TTHC… Một số địa phương tham gia viết tin bài, câu chuyện pháp luật, các bài viết nghiên cứu về Luật TTHC hoặc phối hợp với Đài phát thanh các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chuyên đề nhằm phổ biến chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và các văn bản pháp luật hiện hành nói chung, trong đó có Luật TTHC có liên quan thiết thực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Kết quả thực hiện vụ việc TGPL trong tố tụng hành chính: từ 01/01/2017 đến 31/12/2022, trợ giúp viên pháp lý và luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm TGPL thực hiện được 1.492 vụ việc tham gia tố tụng (trợ giúp viên pháp lý thực hiện 1.065 vụ việc; luật sư ký kết hợp đồng với Trung tâm thực hiện 427 vụ việc).
Qua theo dõi, đánh giá các vụ án trong lĩnh vực hành chính có trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL tham gia về cơ bản đã tuân thủ đúng trình tự và thủ tục theo các quy định của Luật TTHC, bảo đảm dân chủ, công khai, đơn giản, thuận lợi cho người được TGPL. Toà án nhân dân các cấp trong toàn quốc đã thực hiện nghiêm túc việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL. Sự tham gia tích cực của các trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện TGPL trong việc xác minh, thu thập chứng cứ, tham gia tranh tụng tại phiên tòa hành chính... góp phần hình thành cơ chế phán quyết của Tòa án phải xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Thực tiễn thi hành Luật TTHC đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Những quy định của Luật TTHC đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng hành chính.
2. Khó khăn, vướng mắc
- Khó khăn, vướng mắc chung: việc giải thích quyền được TGPL cho những đối tượng được TGPL là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính chưa được chú trọng tại một số các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Nhiều vụ án hành chính có rất ít trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị Trung tâm cử luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định. Vì vậy, số lượng vụ việc tham gia tố tụng hành chính của trợ giúp viên pháp lý trong thời gian qua còn thấp so với nhu cầu TGPL của người dân.
- Một số Trung tâm TGPL trong quá trình thực hiện cũng có một số khó khăn, vướng mắc sau đây:
+ Về các căn cứ hoãn phiên toà quy định tại khoản 1 Điều 162 Luật TTHC vẫn còn bỏ sót một vài trường hợp. Trong thực tế đòi hỏi việc hoãn phiên tòa để có thời gian nhằm giải quyết các vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với việc đưa ra quyết định về các vấn đề của vụ án nhưng không được pháp luật quy định nên trợ giúp viên pháp lý không có cơ sở pháp lý khi muốn đề xuất Hội đồng xét xử hoãn phiên toà, nhưng nếu không quyết định hoãn phiên tòa có thể bản án sơ thẩm không bảo đảm phù hợp sự thật khách quan (Trung tâm TGPL Đồng Nai, Hải Phòng).
+ Về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh: Điều 10 Luật TTHC nêu rõ về nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, có nhiều vụ việc cơ quan hành chính nhà nước cung cấp chưa kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ việc nên gây khó khăn trong việc phân tích, nhận định và đánh giá chứng cứ, dẫn đến việc xem xét vụ án kéo dài, chưa khách quan, toàn diện (Trung tâm TGPL Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Phòng).
+ Về người đại diện trong tố tụng hành chính: theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật TTHC thì: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, có nhiều vụ việc người đại diện cũng không tham gia (đối thoại, hòa giải, phiên tòa), có trường hợp xin vắng mặt tất cả các buổi làm việc của Tòa án. Việc xin xét xử vắng mặt là không trái quy định nhưng gây khó khăn cho các đương sự, người bảo vệ quyền lợi của đương sự khi không làm rõ một số nội dung có liên quan trong vụ án tại phiên tòa, dẫn đến việc tranh tụng tại phiên tòa không được thực hiện, ảnh hưởng đến việc xét xử (Trung tâm TGPL Thanh Hóa, Hà Tĩnh).
3. Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật TTHC
- Đề nghị bổ sung thêm vào khoản 6 Điều 38 Luật TTHC nội dung "Việc giải thích phải ghi vào biên bản. Nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì Tòa án, Thẩm phán thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước". Bởi qua theo dõi số liệu vụ việc TGPL trong lĩnh vực tố tụng hành chính rất thấp, một trong các nguyên nhân là một số thẩm phán chưa quan tâm đến việc giải thích quyền được TGPL. Do vậy, đề nghị cần quy định rõ trong Luật TTHC là việc giải thích phải được ghi vào biên bản và được lưu vào hồ sơ vụ án.
 Trong lĩnh vực tố tụng hình sự cũng đã quy định nội dung tương tự tại Điều 71 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:
"1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
2. Việc thông báo, giải thích phải ghi vào biên bản".
Cụ thể khoản 6 Điều 38 được viết lại như sau:
"Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Việc giải thích phải ghi vào biên bản. Nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì Tòa án, Thẩm phán thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước".
- Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thi hành Luật TTHC, một số Trung tâm TGPL có một số kiến nghị sau đây:
+ Đề nghị bổ sung các quy định chế tài nhằm buộc người bị kiện là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch UBND và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ; người bị kiện phải có trách nhiệm tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính tại Tòa án. Cân nhắc sửa đổi Luật TTHC theo hướng Tòa án có quyền yêu cầu trực tiếp Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch tham gia tố tụng (Trung tâm TGPL Hà Tĩnh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Bình).
+ Cùng sự phát triển của công nghệ thông tin phát sinh vấn đề về thực hiện thao tác tố tụng thông qua hình thức điện tử (nhận, xử lý, lưu trữ dữ liệu điện tử qua môi trường mạng về đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, văn bản, tài liệu là chứng cứ dưới dạng dữ liệu điện tử,…), do vậy cũng cần được quy định bổ sung trong Luật TTHC (Trung tâm TGPL Lai Châu).
Vũ Hồng Tuyến - Cục Trợ giúp pháp lý
 
 

Xem thêm »