Một số kinh nghiệm khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán người

28/07/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tội phạm mua bán người trên thế giới diễn biến phức tạp với lợi nhuận khổng lồ, cao thứ 3 chỉ sau buôn ma túy và vũ khí. Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, nhất là các nước tiểu vùng sông Mê Kong được coi là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp. Tội phạm mua bán người ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Với tính chất thủ đoạn ngày càng tinh vi khi tận dụng không gian mạng. Buôn bán người xảy ra cả trong nội địa và xuyên biên giới.

Từ ngày 01/1/2018 đến 31/12/2022 số vụ mua bán người để bán ra người ngoài chiếm khoảng 66%. Tuy nhiên gần đây, ngày càng phát hiện vụ mua bán người trong nước, ép nạn nhân làm mại dâm hoặc cưỡng bức lao động. Xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá. Một số nơi nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng cho nhận con nuôi, mua bán người để bán nội tạng, cưỡng bức lao động trở thành ăn xin hay trở thành người thử nghiệm thuốc vũ khí và nhiều mục đích vô nhân đạo khác..
Tại Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Công an, mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao, có khả năng xảy ra trên tất cả các địa bàn, khu vực khác nhau trên cả nước, nhưng tập trung nhiều ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người. Theo thống kê, trong 05 năm (từ năm 2018 đến năm 2022), tội phạm mua bán người tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là các tỉnh có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc và một số tỉnh, thành phố, như: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang.
Mua bán người ở nước ta xảy ra dưới hai dạng là mua bán trong nước, song chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào, trong đó sang Trung Quốc chiếm trên 70%, sang Lào và Campuchia chiếm khoảng 15%, còn lại là mua bán người sang một số nước khác như Thái Lan, Malaysia, Nga… bằng đường bộ, đường không và đường biển. Việt Nam không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một nước trong khu vực đi nước thứ 3. Tuyến biên giới Campuchia phức tạp nhất với tình hình mua bán người trong 02 năm qua.
Xác định phòng, chống mua bán người từ lâu được coi là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt đối với công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người tại Việt Nam. Năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư Palermo về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Năm 2015, Việt Nam ký Công ước ASEAN về Phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012; Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định một số tội mua bán người và có liên quan đến mua bán người. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao ban hành Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (Quy chế số 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG ngày 18 tháng 7 năm 2022). Ngày 30/7 hàng năm cũng đã được chọn là ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người.
Trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/2/2013 của Chính phủ bổ sung “nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người” thuộc diện được trợ giúp pháp lý để phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính thuộc diện được trợ giúp pháp lý.[1]
         Theo số liệu thống kê từ năm 2012 – 15/02/2023, đã có gần 400 lượt người được các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân của hành vi mua bán người (trong đó tư vấn chiếm 61,6%; tham gia tố tụng chiếm 38,1%, còn lại là đại diện ngoài tố tụng). Tất cả các vụ việc mua bán người được phát hiện ra có yêu cầu trợ giúp pháp lý đều được các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử người thực hiện trợ giúp pháp lý có trình độ, chuyên môn phù hợp để thực hiện trợ giúp pháp lý cho họ. Nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân mua bán người đã bảo vệ được quyền lợi hợp pháp giúp cho người được trợ giúp pháp lý, giúp họ và thân nhân của họ và cộng đồng hiểu và có ý thức tôn trọng pháp luật hơn, qua đó góp phần vào việc ổn định an ninh chính trị, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương. Đặc biệt, qua nắm bắt thông tin báo chí, một số vụ việc được dư luận xã hội quan tâm, trong đó có nạn nhân bị mua bán là người được trợ giúp pháp lý đã được các Trung tâm trợ giúp pháp lý chủ động tiếp cận, xác minh, kịp thời cử Trợ giúp viên pháp lý để thực hiện hỗ trợ, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ (ví dụ: báo tienphong.vn ngày 01/08/2022 đưa tin: “Bắt kẻ lừa bán hai cô gái về Hải Phòng để bóc lột sức lao động”. Vụ việc này được bộ đội biên phòng thành phố Hải Phòng phát hiện và đã giải cứu thành công hai cô gái quê quán huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) khi đang bị các đối tượng mua bán người đưa từ Bắc Ninh về Hải Phòng. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hải Phòng đã phối hợp với cơ quan điều tra để xác minh thông tin vụ việc).
Nhiều vụ việc được đánh giá là vụ việc hiệu quả, thành công. Quan điểm bào chữa, bảo vệ của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại và người có quyền và lợi ích liên quan đã được bảo vệ kịp thời, góp phần bảo đảm công bằng trước pháp luật, củng cố niềm tin vào công lý, đồng thời, góp phần quan trọng trong việc thực hiện khâu đột phá của cải cách tư pháp là nâng cao chất lượng tranh tụng. Một trong số những vụ thành công đó là vụ án xảy ra tại huyện Si Ma Cai, Lào Cai. Trong vụ án này, Trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL là trẻ em là bị hại (nạn nhân bị mua bán) trong vụ án " Mua bán người dưới 16 tuổi ". Diễn biến của vụ án như sau (tên của nhân vật đã được thay đổi):
A.T và  A.Q là hai anh em họ, Cường (13 tuổi) là em vợ của A.T, người dân tộc Mông, rủ nhau đi bắt phụ nữ bán sang Trung Quốc để lấy tiền chia nhau. Đầu tháng 12/2018, A.T chở Cường đi trên đường thì gặp Hồng và Giang đang đi học về. A.T dừng xe lại rồi mở cốp xe ra lấy con dao và áo mưa để trong cốp xe ra đi đến chỗ Hồng và Giang (đều 11 tuổi) giơ lên và nói “Hai đứa lên xe không tao đâm chết”. Thấy vậy Hồng sợ nên tự ngồi lên xe, còn Giang không lên xe ngồi nên A.T dùng tay kéo và bế Giang lên xe mô tô. A.T và Cường chở hai cháu đến khu vực rừng cấm. Tại đây, A.T lấy dây cao su có sẵn trong cốp xe ra trói tay Hồng và Giang lại rồi buộc một đầu dây vào gốc cây và lấy một chiếc áo ra rồi dùng dao cắt chiếc áo làm hai mảnh nhét vào miệng Hồng và Giang để cả hai không kêu được. A.T gọi điện thoại cho A.Q để ra đón A.T nhưng A.Q không ra do bận nên gửi số điện thoại của một người đàn ông trên L ở bên Trung Quốc cho A.T. A.T gọi cho L hỏi có mua con gái không, L nói có mua và hẹn đưa đến khu vực Mốc 115, huyện MK. Hai bên gặp nhau và thỏa thuận giá bán Hồng và Giang là 50.000 CNY đồng, xong L nói Hồng và Giang bé quá chỉ trả trước 3000 CNY đồng, khi nào đưa được một người con gái khác lớn hơn sang cho L thì L sẽ trả nốt 47.000 CNY đồng. A.T đồng ý và cầm số tiền trên cùng Cường đi về Việt Nam, số tiền này A.T đã đổi ra tiền Việt Nam rồi một mình chi tiêu cá nhân hết.  Hai cháu Hồng và Giang khi phát hiện mình bị lừa bán sang Trung Quốc cả hai sợ và kêu khóc nên sáng 02/12/2018, khi L đưa Hồng và Giang đến biên giới  thì cả hai đã trốn được về Việt Nam và có đơn tố cáo hành vi của A.T và Cường. Ngày 12/12/2018, A.T ra đầu thú và thành khai khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Hành vi của A.T bị truy tố vào tội "Mua bán người dưới 16 tuổi" theo quy định tại điểm c, đ khoản 2 Điều 151 của Bộ luật hình sự. Từ khi A.T bị bắt giữ, A.T không bồi thường khắc phục hậu quả cho các bị hại.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên đề nghị áp dụng điểm đ, c khoản 2 Điều 151 Bộ luật hình sự và áp dụng điểm s, khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự phạt bị cáo mức từ 10 năm đến 12 năm tù về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”. Người bào chữa cho bị cáo đề nghị áp dụng điểm c, khoản 2 Điều 151, điểm s, khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 91, Điều 101 Bộ luật hình sự, xử bị cáo mức hình phạt từ 09 năm đến 10 năm tù về tội Mua bán người dưới 16 tuổi.
Vụ việc được Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai thực hiện TGPL cho bị hại Hồng và Giang. Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền lợi cho bị hại, đề nghị Hội đồng xét xử cần phải xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo theo đúng quy định của pháp luật để còn răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Trợ giúp viên pháp lý đề nghị HĐXX áp dụng điểm c, khoản 2 Điều 151 Bộ luật hình sự về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi” phạt bị cáo A.T từ 12 đến 13 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho mỗi gia đình bị hại Hồng và Giang số tiền là 10.000.000 đ (Mười triệu đồng) gồm tiền đi tìm các cháu và tiền tổn thất về tinh thần. Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, trợ giúp viên pháp lý đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, tư vấn cho bị hại, hướng dẫn bị hại khai rõ hành vi phạm tội của bị cáo và yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại. Đồng thời, trợ giúp viên pháp lý cũng đã dành thời gian trao đổi với gia đình bị cáo, giúp bị cáo hiểu, ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, chủ động bồi thường thiệt hại. Quan điểm bảo vệ của người thực hiện TGPL đã được cơ quan tiến hành tố tụng (Toà án) chấp nhận. Cụ thể: Hội đồng xét xử tuyên xử phạt bị cáo 12 năm tù, buộc phải bồi thường thiệt hại mỗi gia đình 10.000.000đ. 
Qua các vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán người, có thể rút ra một số kinh nghiệm khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng này như sau:
- Trong vụ án mua bán người, nạn nhân thường là phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số nên phải chịu những tổn thất nặng nề về cả thể chất lẫn tinh thần. Trải qua những biến cố, và sự kiện sang chấn, họ gặp phải những khó khăn tâm lý ở các mức độ khác nhau. Có người chỉ gặp một số khó khăn nhỏ. Nhưng cũng có những người gặp phải tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Việc điều trị tâm lý cho nạn nhân cần thời gian dài và tốn công sức. Vì vậy, trong những vụ án bảo vệ cho nạn nhân bị mua bán, cần đề nghị xử lý thật nghiêm loại tội phạm này, đồng thời đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 để bồi thường thiệt hại cho bị hại. Theo đó, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Người thực hiện TGPL trong các vụ án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cần chứng minh được các thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của bị hại bị xâm phạm và khoản tiền để bù đắp tổn thát về tinh thần của bị hại để yêu cầu mức bồi thường.
         - Ngoài ra, người thực hiện TGPL cần lưu ý đến kỹ năng giao tiếp với nạn nhân bị bạo lực, bị mua bán người. Các kỹ năng giao tiếp thiếu thận trọng với nạn nhân sẽ gây tác động tinh thần lâu dài và có thể làm cho việc trình báo thiếu đầy đủ, ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng hỗ trợ nạn nhân. Vì vậy, khi tiếp xúc với nạn nhân bị mua bán người, trong quá trình thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL cần lưu ý: (1) Cần tạo không khí cởi mở, thân thiện, động viên, trấn an, tạo sự tin tưởng với nạn nhân. Không nên quá nghiêm trang khiến nạn nhân căng thẳng, rụt rè, tự ti,sợ hãi. (2) Thể hiện điệu bộ cử chỉ: nhìn thẳng, ánh mắt thân thiện, khoảng cách với người được TGPL ở vị trí vừa phải; (3) Thái độ lắng nghe một cách tích cực. Kiên nhẫn và nhạy cảm là những kỹ năng then chốt mà cán bộ TGPL tuyến đầu cần áp dụng. Sử dụng ngôn ngữ: phù hợp, lịch sự, tế nhị, không nói quá to (4) Đặt câu hỏi: ngắn gọn, dễ hiểu, rõ vấn đề. Tránh các câu hỏi mang tính chất thăm dò hoặc mang tính thẩm vấn. Tránh yêu cầu nạn nhân/người chứng kiến phải nhắc đi nhắc lại câu chuyện bi thương của mình. Ghi nhận những vấn đề khó nói nhất, nhưng cần giải thích rõ với nhạn nhân vì sao cần có những thông tin chi tiết. Nếu nạn nhân có khó khăn về giao tiếp, như khiếm thính, thì cần dành nhiều thời gian với họ hơn để có thể thu nhận thêm thông tin. (5) Không đưa ra quan điểm cá nhân dựa trên ý chí chủ quan của bản thân để nhận xét tình tiết của sự việc. (6) Cần ghi chép cụ thể những thông tin có liên quan để có thể hỗ trợ cơ quan an ninh tiếp tục thực hiện điều tra vụ việc và thực hiện TGPL khi có yêu cầu.
Có thể khẳng định, công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách của nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Hệ thống văn bản pháp luật phòng, chống mua bán người, Luật Trợ giúp pháp lý, các Luật có liên quan và văn bản hướng dẫn tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý, đồng thời, người dân và các cơ quan, tổ chức đã nhận thức được tốt hơn vai trò của trợ giúp pháp lý trong đời sống xã hội. Đặc biệt, nhiều Trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đã kịp thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, bảo đảm công lý, mang lại niềm tin vào tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước cũng như đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý./.
Thanh Hà
 
 

[1] Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

Xem thêm »