Thu phí trong hoạt động trợ giúp pháp lý

08/06/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Do chế độ chính trị, điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau các nước trên thế giới quy định về vấn đề thu phí của người được trợ giúp pháp lý khác nhau. Trong phạm vi nghiên cứu tài liệu trợ giúp pháp lý một số nước có hai nhóm: Nhóm miễn phí hoàn toàn cho người được hưởng dich vụ trợ giúp pháp lý và nhóm miễn phí cho một số nhóm đối tượng, đồng thời thu phí của một số nhóm đối tượng.

Nhóm miễn phí hoàn toàn cho tất cả đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý chiếm thiểu số trong các nước nghiên cứu. Trong số các nước mà chúng tôi nghiên cứu có Trung Quốc thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí hoàn toàn cho đối tượng. Theo quy định của các nước này, đối tượng được trợ giúp pháp lý được miễn phí hoàn toàn, không đặt ra vấn đề thu phí hay một phần tài sản mà người được trợ giúp pháp lý nhận được thông qua vụ việc.
Nhóm miễn phí đối với một số đối tượng và thu phí đối với một số đối tượng: nhóm này chiếm đa số (Hungary, Bỉ, Hà Lan, Phần Lan, Bang Manitoba – Canada, Hàn Quốc, Ailen, Úc). Theo quy định của các nước này thì bên cạnh những nhóm đối tượng được miễn phí hoàn toàn, căn cứ vào mức thu nhập, khả năng tài chính, các điều kiện cụ thể của từng đối tượng mà các tổ chức trợ giúp pháp lý xác định đối tượng đó phải chịu một phần chi phí giải quyết vụ việc. Quy định này vừa bảo đảm giúp đỡ một phần kinh phí cho những người khó khăn về kinh tế, đồng thời bảo đảm một phần kinh phí cho hoạt động này. Chúng tôi giới thiệu một số thông tin cơ bản về việc thu phí như sau:
1. Hungary
Các đối tượng được miễn phí hoàn toàn bao gồm:
- Người có thu nhập thực hàng tháng (lương, trợ cấp hoặc các khoản trợ cấp tiền mặt thường xuyên khác) dưới mức trợ cấp hưu trí tối thiểu được quy định căn cứ vào thời gian làm việc và không có tài sản;
- Người nhận trợ cấp xã hội thường xuyên;
- Người được chăm sóc sức khỏe công cộng miễn phí;
- Người vô gia cư;
- Người tị nạn, người đang nộp đơn xin tị nạn;
- Người có tổ tiên là công dân Hungary;
- Những người chăm sóc trẻ em nhận được trợ cấp bảo vệ trẻ em thường xuyên.
Người phải trả một phần chi phí bao gồm: Những người thu nhập hàng tháng dưới 43% thu nhập bình quân đầu người hàng tháng của quốc gia do Cơ quan thống kê trung ương công bố vào năm trước đó và người đó không có tài sản thì được trợ giúp pháp lý nhưng phải trả phí. Tuy nhiên, mức phí thấp hơn nhiều so với thù lao trả cho luật sư tư.
2. Bỉ
Người được trợ giúp pháp lý miễn phí hoàn toàn bao gồm:
- Người đơn thân có thu nhập hàng tháng dưới 666 EUR;
- Người đã kết hôn, người có người sống chung hoặc người đơn thân có người sống phụ thuộc mà có thu nhập vượt quá 857 EUR/tháng.
Người phải trả một phần phí trợ giúp pháp lý bao gồm:
- Người đơn thân có thu nhập từ 666 đến 857 EUR/tháng. Tùy thuộc vào thu nhập, mức đóng góp có thể từ 50 đến 125 EUR;
- Người đã kết hôn, người có người sống chung hoặc người đơn thân có người sống phụ thuộc có thu nhập từ 857 - 1.011 EUR/tháng.
Mức phí đóng góp do Trưởng văn phòng trợ giúp pháp lý quyết định.
3. Hà Lan
 Người được trợ giúp pháp lý miễn phí hoàn toàn là bị cáo trong các vụ án hình sự mà có thể áp dụng hình phạt tù.
Người phải trả chi phí bao gồm:
- Đối với vụ việc tư vấn pháp luật đơn giản mà thời gian tư vấn dưới 3 giờ: Mức 40 EUR/vụ đối với: người có nuôi con có thu nhập chịu thuế hàng năm dưới 24.800 EUR và người đơn thân có thu nhập chịu thuế hàng năm dưới 17.700 EUR. Mức 74 EUR/vụ đối với người có nuôi con có thu nhập chịu thuế hàng năm từ 24.800 – 34.400 EUR và người đơn thân có thu nhập chịu thuế hàng năm từ 17.700 – 24.400 EUR.
- Đối với vụ việc phức tạp cần nhiều hơn 3 giờ tư vấn thì tuỳ theo mức độ thu nhập mà người có yêu cầu TRỢ GIÚP PHÁP LÝ phải trả từ 100 EUR - 750 EUR/vụ việc.
4. Phần Lan
Người được trợ giúp pháp lý miễn phí hoàn toàn bao gồm:
- Người đơn thân có thu nhập hàng tháng tối đa là 650 EUR;
- Người có vợ/chồng, thu nhập hàng tháng tối đa là 1.100 EUR.
Người phải chi trả một phần chi phí trợ giúp pháp lý bao gồm:
- Căn cứ vào mức thu nhập (từ 850 - 1.400 EUR đối với người đơn thân và  từ 1.300 – 2.400 EUR đối với người có vợ/chồng) người có yêu cầu trợ giúp pháp lý sẽ phải chi trả một tỷ lệ nhất định chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý từ 20% - 75%.
- Thu nhập hàng tháng vượt quá 1.400 EUR đối với người đơn thân và vượt quá 2.400 EUR đối với người có vợ/chồng thì không được trợ giúp pháp lý.
5. Ailen
Đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí hoàn toàn bao gồm:
- Nạn nhân bị mua bán;
- Trẻ em dưới 18 tuổi.
Đối tượng thu phí bao gồm:
Người có thu nhập trên 18.000 EUR/năm phải chi trả một phần phí tùy thuộc vào mức thu nhập bình quân hàng năm của họ sau khi trừ đi các chi phí thiết yếu (thu nhập trung bình ở Ailen là 38.000 EUR/người/năm). Ví dụ, một người có thu nhập 26.000 EUR/năm sẽ đóng góp khoảng 150 EUR cho một vụ tư vấn pháp luật, khoảng 560 EUR cho một vụ việc tranh tụng.
Trong một số trường hợp, người được trợ giúp pháp lý phải đóng phí để được hưởng trợ giúp pháp lý. Khoản phí tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng được xem xét dựa trên thu nhập sau khi khấu trừ thuế và phí của người nộp đơn, ví dụ, thu nhập sau khi trừ đi các khoản chi phí thiết yếu. Khoản phí thấp nhất là 10 EUR đối với tư vấn pháp luật và 50 EUR đối với tham gia tố tụng. Đối với các vụ việc khó, phức tạp, mức phí này có thể tăng lên. Trung tâm tư vấn pháp luật tư vấn cho người có đóng phí trong các vụ việc dân sự. Trong trường hợp người được trợ giúp pháp lý thu hồi được tiền hoặc tài sản từ các vụ việc, Hội đồng trợ giúp pháp lý có thể xem xét trích lại một phần.
6. Bang Manitoba (Canada) người được miễn phí hoàn toàn là người thuộc gia đình với quy mô và thu nhập như sau:
 
Quy mô gia đình Mức thu nhập của cả gia đình
1 người 14.000 USD
2 người 18.000 USD
3 người 23.000 USD
4 người 27.000 USD
5 người 31.000 USD
6 người 34.000 USD
Nhiều hơn 6 người 37.000 USD
Những người thuộc gia đình với quy mô và thu nhập như sau thì phải trả một phần phí thuê luật sư cộng với 25% phí trợ giúp pháp lý.
Quy mô gia đình Mức thu nhập của cả gia đình
1 người 16.000 USD
2 người 20.000 USD
3 người 25.000 USD
4 người 29.000 USD
5 người 33.000 USD
6 người 36.000 USD
Nhiều hơn 6 người 39.000 USD
Những người thuộc gia đình với quy mô và thu nhập như sau thì phải trả toàn bộ chi phí thuê luật sư cộng với 25% phí trợ giúp pháp lý.
 
Quy mô gia đình Mức thu nhập của cả gia đình
1 người 23.000 USD
2 người 27.000 USD
3 người 31.000 USD
4 người 27.000 USD
5 người 34.000 USD
6 người 37.000 USD
Nhiều hơn 6 người 43.000 USD
 
Ở Việt Nam, hoạt động trợ giúp pháp lý hoạt động hơn 25 năm chưa đặt ra vấn đề thu phí đối với người thụ hưởng dịch vụ này. Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước[1], người được trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác[2]. Đây hoàn toàn là điều dễ hiểu và phù hợp với bản chất Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trợ giúp pháp lý nằm trong tổng thể chính sách an sinh xã hội. Hoạt động trợ giúp pháp lý ở Việt Nam với tính chất là dịch vụ công thiết yếu của Nhà nước, nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng yếu thế và một số đối tượng theo chính sách dân tộc, chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước ta, góp phần mang lại công lý.

 
Bình An – Cục Trợ giúp pháp lý
 

[1] Khoản 1 Điều 4 Luật TGPL năm 2017
[2] Khoản 1 Điều 8 Luật TGPL năm 2017

Xem thêm »