Đánh giá tác động của việc trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự

20/04/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trên cơ sở nghiên cứu các văn bản quy định về quyền được tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân, đặc biệt là người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, những lợi ích của việc tiếp cận sớm trợ giúp pháp lý và kết quả khảo sát, phỏng vấn sâu cán bộ quản lý trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý, chúng tôi dự kiến một số tác động của việc người thực hiện trợ giúp pháp lý trực trong điều tra hình sự như sau:

1. Tác động đối với người được trợ giúp pháp lý
- Giúp người bị bắt, bị tạm giam, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội trong vụ án hình sự là người thuộc diện được TGPL tiếp cận sớm với TGPL.
Các giai đoạn đầu của quá trình tố tụng hình sự - những giờ đầu hoặc ngày đầu bị tạm giữ, tạm giam - rất quan trọng đối với những người bị tạm giam, tạm giữ. Trong thời gian này, người bị bắt, bị tình nghi thường có tâm lý sợ hãi, lúng túng không biết cách giải quyết những khó khăn của mình. Nhiều người trong số họ là người nghèo, người có trình độ thấp, người chưa thành niên, người bị hạn chế vể thể chất, tâm thần, người dân tộc thiểu số, người bị khuyết tật, phụ nữ, trẻ em... có nhu cầu cấp thiết được giúp đỡ, hỗ trợ về pháp luật từ những người có chuyên môn, kiến thức và kỹ năng tham gia vào quy trình tố tụng. Do đó, việc có mặt của người thực hiện TGPL trong lúc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người bị bắt, người bị tình nghi, người bị tạm giam, tạm giữ là người được TGPL nhằm giúp họ ổn định về mặt tâm lý, góp phần giúp người được TGPL tiếp cận công lý thông qua việc cung cấp các dịch vụ TGPL, từ đó tránh việc bỏ sót người thuộc diện TGPL.
 Tiếp cận TGPL, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của quá trình tố tụng hình sự là một yếu tố trung tâm của việc bảo đảm tiếp cận công lý cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn, những người thường ít tiếp cận được với các thông tin và ít nhận thức được các quyền và quyền lợi của họ. Người nghèo và nhóm yếu thế bị bắt và bị tạm giam thường không nhận thức được các quyền của mình hoặc không có nguồn lực để được tư vấn và đại diện pháp lý. Những lợi ích của tiếp cận sớm TGPL là để bảo đảm tất cả mọi người được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Giúp người được TGPL có điều kiện tiếp cận sớm với TGPL là một điều kiện tiên quyết cho việc thụ hưởng quyền được xét xử công bằng một cách "thực sự và thực tế".
- Hỗ trợ người bị tình nghi hiểu và định hướng được quá trình tố tụng hình sự.
Bị bắt giữ và tạm giam vì bị tình nghi phạm tội hình sự là một việc nghiêm trọng đối với người dân. Người bị tình nghi bị tách ra khỏi môi trường quen thuộc, họ có có thể không biết hoặc không hiểu về các quy trình và thủ tục mà mình sẽ phải trải qua... Đặc biệt, người bị tình nghi có thể không biết luật điều chỉnh (các) hành vi phạm tội mà họ bị bắt, không biết phải làm gì nếu và khi bị thẩm vấn, và không biết có thể bị tạm giam trong bao lâu. Hơn nữa, ở một số nước có một tỷ lệ đáng kể những người bị tình nghi và bị cáo buộc không nói hoặc không hiểu ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng hình sự. Người thực hiện TGPL sẽ giúp người bị tình nghi hiểu quyền và nghĩa vụ của mình, giải thích những quy định, những vấn đề họ quan tâm.
- Tạo tiền đề cho việc tiếp cận với xét xử công bằng.
Khi được tiếp cận sớm với TGPL, người thuộc diện TGPL hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình sẽ giúp giảm lo lắng, giúp họ yên tâm, tự tin hơn trong các giai đoạn của quá trình tố tụng. Sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp sẽ giúp các thủ tục tố tụng diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế tối đa sơ xuất, sai sót.
          2. Tác động đối với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý
- Tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL chủ động thực hiện nhiệm vụ được phân công, bảo đảm triển khai có hiệu quả các quy định về tố tụng trong giải quyết vụ án hình sự, bảo đảm quyền của người được TGPL trong các vụ án hình sự;
- Tăng số lượng người được TGPL, tăng số lượng vụ việc TGPL, từ đó nhiều người biết đến hoạt động TGPL, tổ chức thực hiện TGPL, vị thế vai trò của tổ chức thực hiện TGPL tăng lên;
- Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ người thực hiện TGPL trong công tác phối hợp thực hiện TGPL, trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ người thực hiện TGPL cũng được nâng lên;
- Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước với cơ quan Công an, cơ sở giam giữ trong việc TGPL cho đối tượng thuộc diện được TGPL, đặc biệt trong việc thông tin, thông báo về TGPL để các tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL tại các địa phương có thể tiếp cận đối tượng thuộc diện được TGPL sớm, cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, hiệu quả.
3. Tác động đối với cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ
- TGPL trong các vụ án hình sự góp phần xây dựng một hệ thống tư pháp hình sự hoạt động hiệu quả, thúc đẩy giải quyết các vụ án hình sự, tăng cường hiệu suất và hiệu quả của hoạt động tố tụng, bảo đảm tính công bằng trong hoạt động tố tụng, giúp bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, từ đó tăng cường niềm tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp của Nhà nước;
- Nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ ngành công an trong công tác phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng;
- Hỗ trợ cán bộ điều tra, cán bộ nhà tạm giam giúp người thuộc diện TGPL được giải thích, thông tin về TGPL, quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào quá trình tố tụng, đặc biệt là những nơi cơ quan điều tra thiếu nguồn lực và phải xử lý một số lượng vụ án lớn;
Từ những phân tích nêu trên cho thấy, cần thiết nghiên cứu xây dựng một cơ chế để người thực hiện TGPL tham gia trực trong tố tụng hình sự, tiếp nhận người được TGPL trong quá trình các cơ quan điều tra làm việc với người bị buộc tội giúp họ tiếp cận sớm với TGPL, hiểu về quyền được TGPL của mình cũng như những quyền khác trong quá trình tố tụng hình sự để có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật. Hoạt động người thực hiện TGPL trực tại cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ có tác động tích cực đến người được TGPL, giúp họ tiếp cận sớm, kịp thời với dịch vụ TGPL, quyền và lợi ích hợp pháp của họ được bảo đảm theo quy định của pháp luật, cũng như tăng cường hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia tố tụng của tổ chức thực hiện TGPL và giúp cho cơ quan điều tra thận trọng, khách quan trong quá trình giải quyết vụ án, từ đó góp phần nâng cao nghiệp vụ của cán bộ điều tra.
Từ những thông tin nghiên cứu nêu trên, chúng tôi đề xuất bên cạnh cơ chế phối hợp giữa Trung tâm TGPL với cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BQP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng thì cần có cơ chế bổ sung giúp hỗ trợ thực hiện tốt hơn Thông tư liên tịch số 10, qua đó hiện thực hóa quyền tiếp cận TGPL của người dân nói chung và người thuộc diện TGPL nói riêng.

Bình An, Cục Trợ giúp pháp lý

Xem thêm »