Trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số - Thực trạng và giải pháp

28/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta luôn xác định chính sách dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điều đó đã được khẳng định trong các văn kiện, cương lĩnh của Đảng. Chính sách dân tộc là một trong những nguyên tắc Hiến định, quy định tại Hiến pháp năm 2013. Những năm qua, cùng với việc nhất quán thực hiện bình đẳng, đại đoàn kết dân tộc Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Việt Nam và đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trợ giúp pháp lý được xác định là chính sách ưu đãi giành cho đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

I. Thực trạng hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số
1. Người dân tộc thiểu số thuộc diện trợ giúp pháp lý
Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017, để được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, người dân tộc phải cư trú tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT ngày 17/01/2012 của Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số quy định người dân tộc thiểu số được hưởng trợ giúp pháp lý gồm: “Người thường xuyên sinh sống (đã đăng ký thường trú, đã đăng ký tạm trú hoặc có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn) ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, hiện nay “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” trong Thông tư liên tịch này bao gồm các đơn vị hành chính sau đây:
(1) Xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn: theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn.
(2) Xã đặc biệt khó khăn:
           - Các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi là các xã khu vực III được quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
         - Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo là các xã được quy định tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
(3) Thôn đặc biệt khó khăn: được quy định tại Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
- Ngoài ra, người dân tộc thiểu số thuộc một trong các diện sau đây cũng được trợ giúp pháp lý mà không phụ thuộc vào nơi cư trú:
+ Người dân tộc thiểu số là người có công với cách mạng.
+ Người dân tộc thiểu số là người thuộc hộ nghèo.
+ Người dân tộc thiểu số là trẻ em.
+  Người dân tộc thiểu số là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
+ Người dân tộc thiểu số là người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
+ Người dân tộc thiểu số là người thuộc 1 trong 08 diện người thuộc nhóm có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; Người nhiễm HIV.
2. Kết quả thực hiện TGPL cho người dân tộc thiểu số
2.1. Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về người dân tộc thiểu số
Theo quy định của Luật TGPL năm 2006 và các văn bản có liên quan thì người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc đối tượng được TGPL. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ Tư pháp đã tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội Luật TGPL sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng được TGPL, nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL. Ngày 20/6/2017, Luật TGPL (sửa đổi) đã được 100% đại biểu Quốc hội có mặt nhất trí thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, trong đó có điểm mới quan trọng liên quan đến quyền được TGPL của người dân tộc thiểu số là sửa đổi “thường trú” bằng “cư trú” ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Như vậy, diện người dân tộc thiểu số được TGPL sẽ mở rộng hơn trước đây.
Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình), trong đó trợ giúp pháp lý quy định tại nội dung số 3 thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 10, Cục Trợ giúp pháp lý đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 1420/BTP-TGPL ngày 05/5/2022 về việc hướng dẫn thực hiện nội dung về trợ giúp pháp lý trong Chương trình.
2.2. Về truyền thông về trợ giúp pháp lý
Nhằm sớm đưa Luật TGPL năm 2017 đi vào cuộc sống, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng thụ hưởng, trong đó có người dân tộc thiểu số, công tác truyền thông về Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được Bộ Tư pháp và các địa phương đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện thực tế của trung ương và địa phương. Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều Hội nghị tập huấn về Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; nhiều phóng sự, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, của các Bộ, ngành và các địa phương về lĩnh vực TGPL, bảo đảm cho người dân, trong đó có người dân tộc thiểu số được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ TGPL miễn phí của nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã xây dựng 04 tờ gấp giới thiệu về Luật TGPL năm 2017. Các nội dung truyền thông (báo hình, báo viết, báo nói, tờ gấp…) đều được chú trọng giới thiệu nội dung mới về người được TGPL là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức các đợt nâng cao nhận thức trợ giúp pháp lý điểm vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại các tỉnh theo địa bàn quy định; xây dựng các chương trình về trợ giúp pháp lý phát sóng trên các Đài truyền hình hoặc Đài phát thanh ở Trung ương và biên soạn và phát hành tài liệu truyền thông về trợ giúp pháp lý trên các địa bàn theo quy định.
Ngoài ra, Cục TGPL cũng đã chủ động cung cấp cho người dân số điện thoại đường dây nóng của Cục thông qua các phóng sự về TGPL cho người dân tộc thiểu số, qua các thông điệp về TGPL, tờ gấp pháp luật. Đặc biệt trong năm 2022, Cục Trợ giúp pháp lý đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng một số chương trình, phóng sự, diễn án về TGPL cho người dân tộc thiểu số: tọa đàm Chuyện từ chính sách phát sóng trên VTV5, chương trình Quốc hội với cử tri… Các Trung tâm đã thực hiện được nhiều vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công, hiệu quả, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân, thậm chí có những vụ việc được tuyên trắng án, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Hàng năm, Cục TGPL nhận được hàng trăm cuộc gọi của người dân trong đó có người dân tộc thiểu số khi họ gặp vướng mắc về pháp luật. Hầu hết các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn nơi có người dân tộc thiểu số cư trú đã thiết lập đường dây nóng về TGPL, đã có nhiều lượt người dân gọi đến để phản ánh những khó khăn, vướng mắc về pháp luật phát sinh trong cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho “nhóm đối tượng yếu thế” tiếp cận pháp luật, tạo công bằng cho người dân khi thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật và tiết kiệm được thời gian, công sức.
2.3 Về thực hiện vụ việc TGPL
Thực hiện chính sách TGPL theo Luật TGPL cho người yếu thế nói chung và chính sách TGPL cho người dân tộc thiểu số nói riêng, các Trung tâm TGPL nhà nước trên toàn quốc đã có nhiều nỗ lực để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng… qua đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số giải quyết các vướng mắc pháp luật trong các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân – gia đình, hành chính – khiếu nại, tố cáo…
Trong thời gian từ 01/01/2018 đến 31/10/2022, các Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện TGPL được 157.504 vụ việc cho 157.504 lượt người, trong đó có 49.569 người dân tộc thiểu số.
Thông qua việc thực hiện các vụ việc cụ thể đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật, trên cơ sở đó để họ ứng xử phù hợp với pháp luật, tôn trọng và chấp
hành pháp luật, góp phần bảo đảm công lý, thực hiện công bằng xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật. Qua công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về chất lượng vụ việc TGPL, cho đến nay chưa có vụ việc nào có khiếu nại, kiến nghị về chất lượng vụ việc và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
 
Người dân tộc thiểu số đang được trợ giúp pháp lý tại Trung tâm

II. Những khó khăn, vướng mắc
- Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động, sự tiếp cận của người dân với dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước.
- Năng lực tổ chức bộ máy cán bộ để triển khai thực hiện TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế do số lượng người thực hiện TGPL biết tiếng dân tộc còn ít nên một số trường hợp thực hiện TGPL phải thông qua lực lượng cán bộ tại chỗ phần nào cũng ảnh hưởng đến kết quả TGPL cho người dân do không kiểm soát được việc truyền đạt thông tin pháp luật.
- Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong quá trình thực hiện chính sách TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả của việc thực hiện chính sách TGPL chưa cao.
- Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác dân tộc về TGPL còn hạn chế, chưa kịp thời để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để có những chính sách, giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Những khó khăn, vướng mắc trên xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Nguyên nhân khách quan:
+ Hiệu quả công tác truyền thông còn nhiều hạn chế. Chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều. Thời lượng và chất lượng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc điểm của từng nhóm dân cư, cũng như đặc thù của các vùng miền hay từng dân tộc khác nhau. Vì vậy, một bộ phận không nhỏ dân cư, đặc biệt là nhóm người nghèo, người dân tộc thiểu số chưa biết đến TGPL.
+ Do tâm lý truyền thống giải quyết các công việc theo thói quen và phong tục, tập quán. Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc, mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán mang đậm sắc thái văn hóa của dân tộc mình. Đây là một rào cản lớn đối với người dân khi có lợi ích bị xâm hại những không được tiếp cận với hoạt động TGPL.
- Nguyên nhân chủ quan:
+ Vẫn còn tình trạng coi việc TGPL là nhiệm vụ của riêng ngành tư pháp nên có nơi Sở Tư pháp, Ban dân tộc tỉnh chưa chủ động trong việc phối hợp để thực hiện TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số hoặc có phối hợp nhưng chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả của việc thực hiện chính sách TGPL chưa cao.
+ Cơ chế quản lý chất lượng hoạt động TGPL chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Vấn đề chất lượng hoạt động TGPL và việc đánh giá, khẳng định chất lượng hoạt động TGPL thông thường chỉ do các Trung tâm TGPL nhà nước hoặc ngành Tư pháp tiến hành, ít có quan điểm, đánh giá của chủ thể thứ ba. Vì vậy, kết quá đánh giá còn mang tính chủ quan, áp đặt ý chí.
III. Đề xuất, kiến nghị
1. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành về TGPL cho người dân tộc thiểu số
Các Trung tâm TGPL tập trung vào nhiệm vụ chính thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt chú trọng các vụ việc tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại và đương sự, trong đó có người dân tộc thiểu số. Tăng cường phối hợp với các cơ quan tố tụng, Uỷ ban nhân dân cấp xã và các tổ chức đoàn thể ở cở sở để giới thiệu người được TGPL, trong đó có người dân tộc thiểu số đến các Trung tâm TGPL nhà nước yêu cầu trợ giúp trong các vụ việc tham gia tố tụng, chú trọng việc tham gia tố tụng hình sự từ giai đoạn điều tra, tham gia tích cực, đầy đủ các hoạt động trong quá trình tố tụng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.
Tăng cường đánh giá chất lượng phải được tổ chức thực hiện theo hướng có chuyên gia độc lập để việc đánh giá chất lượng các vụ việc TGPL được khách quan, cơ quan nhà nước có vai trò quản lý, giám sát.
2. Tăng cường chất lượng thực hiện TGPL cho người dân tộc thiểu số thông qua việc nâng cao năng lực cho người thực hiện TGPL
Chú trọng việc nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về TGPL của người dân thông qua các hoạt động cụ thể như:
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn khi tham gia hỏi cung, lấy lời khai phù hợp với đối tượng (bị buộc tội, bị hại…) và tổ chức các phiên tòa giả định/diễn án về dân sự và hôn nhân gia đình, trong đó tập trung tổ chức các phiên tòa giải quyết các vụ việc mà người dân có yêu cầu nhiều trong thời gian gần đây như: đất đai, tranh chấp tài sản,…; thực hành các buổi hỏi cung, lấy lời khai để trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm hành nghề cho đội ngũ này.
- Tổ chức các lớp tập huấn tập trung hoặc trực tuyến về: kỹ năng tham gia tố tụng hình sự, dân sự, hành chính cho đội ngũ người thực hiện TGPL, trong đó tập trung vào kỹ năng tiếp xúc đương sự, tham gia hỏi cung, tranh tụng tại Tòa; kỹ năng giao tiếp, nhất là tiếp xúc với các đối tượng đặc thù như: người dân tộc thiểu số…;
3. Đổi mới phương thức truyền thông về TGPL cho người dân tộc thiểu số
Có phương thức truyền thông phù hợp nhằm nâng cao cơ hội tiếp cận và sử dụng TGPL của người dân tộc thiểu số.
- Tập huấn, tăng cường hiểu biết về TGPL cho những người có điều kiện tiếp xúc hàng ngày với người dân như cán bộ xã, phường, giáo viên trên địa bàn, công an xã, trưởng thôn, cán bộ hòa giải, cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, già làng, trưởng bản… để kịp thời giải thích cho người dân về quyền được TGPL, hướng dẫn người được TGPL cần phải gửi đơn hoặc liên hệ với ai, cần phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
- Cung cấp địa chỉ và số điện thoại của tổ chức/người thực hiện TGPL, đường dây nóng về TGPL ở mỗi địa phương đến trụ sở tiếp dân của chính quyền, công an cơ sở, các địa điểm hội họp, tụ điểm sinh hoạt cộng đồng tại cụm dân cư, xóm ấp, bản làng, chợ dân sinh để người dân có thể sử dụng khi cần...
- Thiết lập và duy trì đường dây nóng 24/7 về TGPL để người dân có thể gọi tới bất cứ khi nào nếu có tranh chấp, vướng mắc pháp luật và các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra, có thể thông tin sớm nhất cho tổ chức thực hiện TGPL ngay khi thụ lý vụ việc tố tụng.
 - Nghiên cứu xây dựng chuyên mục, kênh thông tin về TGPL được phát sóng trên truyền hình theo khung giờ nhất định. Nội dung được thay đổi liên tục phù hợp với nhu cầu của người dân trong từng giai đoạn cụ thể.
- Nghiên cứu phát triển ứng dụng phần mềm hỏi đáp về TGPL giúp người dân, nhất là người dân có điều kiện có thể sử dụng (người từ 16 - 18 tuổi; công nhân, thực hiện tải về để tìm hiểu về TGPL (quyền được TGPL, diện được TGPL, trình tự, thủ tục yêu cầu TGPL...) hoặc hướng dẫn người khác nếu biết họ là người thuộc diện TGPL;
+ Nghiên cứu xây dựng phần mềm trả lời tư vấn pháp luật tự động đối với những vướng mắc pháp luật đơn giản: hướng dẫn các trình tự, thủ tục khai sinh, ly hôn, kết hôn,… thông qua điện thoại hoặc trực tiếp tại các máy tính được đặt tại trụ sở của tổ chức thực hiện TGPL, nơi tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước để người dân dễ dàng tiếp cận với TGPL.
                                                                                            Thu Hiền
 

 

Xem thêm »