Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người cao tuổi một cách tổng thể, toàn diện, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 – 2030 trong đó có quy định về chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi theo từng giai đoạn
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người cao tuổi một cách tổng thể, toàn diện, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 – 2030 trong đó có quy định về chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi theo từng giai đoạn[1]. Để triển khai Quyết định số 2156/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/6/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1334/QĐ-BTP về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính giai đoạn 2022 – 2030 (Quyết định số 1334/QĐ-BTP ngày 10/6/2022), với mục đích bảo đảm cho người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí có chất lượng, hiệu quả theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Sau khi Quyết định số 1334/QĐ-BTP ngày 10/6/2022 được ban hành, các địa phương đã tích cực triển khai, thực hiện. Theo số liệu thống kê, hiện tại có 23 địa phương trong cả nước ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính giai đoạn 2022-2030, các địa phương chưa ban hành Kế hoạch riêng về thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính thì thực hiện lồng ghép hoạt động này vào các hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý ở địa phương. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, thực hiện, một số địa phương đề nghị Cục Trợ giúp pháp lý hướng dẫn cụ thể về đối tượng “người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính” được trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 1334/QĐ-BTP ngày 10/6/2022 và hướng dẫn trong trường hợp nếu người cao tuổi không có khó khăn về tài chính thì họ có được trợ giúp pháp lý hay không.
Về vấn đề này, tại khoản 11 Điều 2 Mục IV Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030 quy định: “Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi” và mục 2 Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính giai đoạn 2022-2030 ban hành theo Quyết định số 1334/QĐ-BTP ngày 10/6/2022 của Bộ Tư pháp quy định: “Nội dung các hoạt động cụ thể, phù hợp với đặc thù của người cao tuổi và phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030”. Việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với “người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính” cần phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và bảo đảm tính thống nhất về hoạt động trợ giúp pháp lý cho các nhóm đối tượng đặc thù khác trong các văn bản đã được Bộ Tư pháp ban hành[2]. Vì ngoài đối tượng người cao tuổi có khó khăn về tài chính (điểm c khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017), bị bạo lực, bạo hành được trợ giúp pháp lý thì người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người cao tuổi là người có công với cách mạng, người cao tuổi là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... cũng được trợ giúp pháp lý, quy định như vậy để bảo đảm tất cả người thuộc diện trợ giúp pháp lý đều được trợ giúp khi có nhu cầu cũng như tránh bỏ sót đối tượng.
Do đó, nếu người cao tuổi không thuộc trường hợp có khó khăn về tài chính nhưng thuộc một trong các trường hợp khác theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thì họ thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Việc quy định thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với “người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính” trong Quyết định số 1334/QĐ-BTP ngày 10/6/2022 nhằm bảo đảm cho người cao tuổi thuộc diện được trợ giúp pháp lý đều được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước và điều này phù hợp với quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cũng như thể hiện được tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta dành cho đối tượng người cao tuổi trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý.
Như Lan – Phòng Tài chính và Quản lý chất lượng TGPL, Cục TGPL
[1] Giai đoạn 2022-2025 ít nhất 80% người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; giai đoạn 2026-2030 ít nhất 90% người cao tuổi có khó khăn về tài chính, bị bạo lực, bạo hành được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu
[2]Hoạt động TGPL cho người khuyết tật tại Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 trong đó cũng quy định đối tượng là người khuyết tật có khó khăn về tài chính nhưng trong Kế hoạch TGPL cho người khuyết tật hàng năm do Bộ Tư pháp ban hành (Quyết định số 09/QĐ-BTP ngày 07/01/2022 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2022) đều hướng tới TGPL cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính.