Trao đổi một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai Thông tư số 02/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý

29/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 25/5/2021 Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BTP hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là Thông tư số 02/2021/TT-BTP). Bài viết xin trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai văn bản này.

II. Trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai Thông tư số 02/2021/TT-BTP
Xin trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn trong quá trình triển khai Thông tư số 02/2021/TT-BTP như sau:
1. Về phạm vi điều chỉnh của Thông tư
Thực tế vẫn còn có trường hợp cho rằng Thông tư số 02/2021/TT-BTP quy định về thù lao, bồi dưỡng và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, cần khẳng định lại rằng phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 02/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là quy định về cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Còn thù lao, bồi dưỡng và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 13 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý. Theo đó, mức thù lao, bồi dưỡng vụ việc trợ giúp pháp lý (trong đó có mức khoán chi vụ việc) được quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 13 Nghị định. Ngoài ra, chi phí phát sinh thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bao gồm các khoản phí, chi phí hành chính khác và công tác phí được quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định. Do vậy, khi thanh toán vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng bằng hình thức khoán chi thì mức khoán chi được quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 13 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP là mức thù lao, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý.
2. Về việc không thực hiện một hoặc một số công việc theo Phụ lục số 01 hướng dẫn khoán chi vụ việc tham gia tố tụng hình sự
Điểm a Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 02/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý (Thông tư số 02/2021/TT-BTP nhày 25/5/2021) quy định: khi thực hiện khoán chi vụ việc tham gia tố tụng hình sự, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thực hiện các công việc quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này. Chi tiết các công việc cần phải thực hiện và mức khoán chi tối đa tương ứng (quy đổi theo buổi làm việc) cho mỗi vụ việc được thể hiện tại Phụ lục số 01 hướng dẫn khoán chi vụ việc tham gia tố tụng hình sự, theo đó vụ việc tham gia tố tụng hình sự được chia theo các giai đoạn tố tụng và quy định tổng số buổi theo nhóm công việc trong từng giai đoạn.  Trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý không thực hiện một hoặc một số công việc sẽ bị trừ số buổi theo các mức tương ứng, trường hợp không thực hiện tất cả các công việc trong nhóm công việc khoán thì sẽ bị trừ hết số buổi của nhóm công việc đó. Do vậy, trong quá trình thực hiện vụ việc, người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia ở giai đoạn nào thì tính số buổi làm việc theo giai đoạn đó, nếu không thực hiện một hoặc một số công việc phải thực hiện trong nhóm công việc khoán thì sẽ lấy tổng số buổi trong nhóm công việc đó để trừ đi số buổi tương ứng với công việc không thực hiện theo nhóm công việc đã được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021.
3. Về việc phân loại tội phạm để xác định mức khoán chi đối với vụ việc tham gia tố tụng hình sự và thực hiện trợ giúp pháp lý cho người có quyền và nghĩa vụ liên quan
Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 02/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 quy định tính chất phức tạp, yêu cầu tố tụng và nội dung của từng vụ việc cụ thể để xác định mức khoán chi vụ việc, đối với vụ việc hình sự thì áp dụng quy định về phân loại tội phạm tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 việc phân loại tội phạm phải được áp dụng ngay tại thời thời điểm lựa chọn hình thức khoán chi vụ việc và căn cứ vào một trong các văn bản đã ban hành của cơ quan tiến hành tố tụng: Quyết định khởi tố bị can, Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản luận tội, Bản án. Theo đó, cơ sở để xác định mức khoán chi đối với vụ việc tham gia tố tụng hình sự là các văn bản đã ban hành của cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
4. Đối với các hoạt động trợ giúp pháp lý thực hiện trước ngày 15/7/2021 đã áp dụng quy định theo Thông tư số 05/2017/TT-BTP ngày 20/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý và sau đó cơ quan tố tụng tạm đình chỉ điều tra. Vậy, sau ngày 15/7/2021, cơ quan tố tụng có Quyết định khởi tố vụ án tiếp thì cách tính số buổi để thanh toán theo hình thức khoán chi từ giai đoạn này sẽ áp dụng quy định Thông tư số 05/2017/TT-BTP hay Thông tư số 02/2021/TT-BTP?
Tại Điều 11 Thông tư số 02/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý (Thông tư số 02/2021/TT-BTP) có quy định chuyển tiếp như sau: Đối với các hoạt động phát sinh trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục áp dụng quy định của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý và Thông tư số 05/2017/TT-BTP ngày 20/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP. Còn các hoạt động trợ giúp pháp lý phát sinh từ sau ngày Thông tư số 02/2021/TT-BTP có hiệu lực pháp luật (ngày 15/7/2021) sẽ áp dụng theo quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BTP. Theo đó, trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng tạm đình chỉ vụ án tại điểm b khoản 3 Điều 10 Thông tư số 02/2021/TT-BTP quy định: “khi vụ án tiếp tục được giải quyết, khoán chi vụ việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý căn cứ vào công việc mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện từ khi tiếp tục giải quyết đến khi kết thúc vụ việc”. Do đó, đối với vụ việc đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng thì sau khi vụ án tiếp tục được giải quyết (sau ngày 15/7/2021) thì cách tính số buổi để thanh toán theo hình thức khoán chi vụ việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý căn cứ vào công việc mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện từ khi tiếp tục giải quyết đến khi kết thúc vụ việc theo quy định của Thông tư số 02/2021/TT-BTP.
5. Đối với các hoạt động trợ giúp pháp lý thực hiện từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn truy tố trước ngày 15/7/2021 đã áp dụng quy định theo Thông tư số 05/2017/TT-BTP. Vậy các hoạt động trợ giúp pháp lý từ ngày 15/7/2021 trở đi ở giai đoạn xét xử sẽ áp dụng cách tính số buổi để thanh toán theo hình thức khoán chi theo quy định Thông tư số 05/2017/TT-BTP hay Thông tư số 02/2021/TT-BTP?
Tương tự như nội dung 4, các hoạt động phát sinh trước thời điểm 15/7/2021 thì áp dụng cách tính số buổi để thanh toán theo hình thức khoán chi theo quy định của Thông tư số 05/2017/TT-BTP; đối với các hoạt động phát sinh sau thời điểm 15/7/2021 thì áp dụng cách tính số buổi khoán chi theo quy định của Thông tư số 02/2021/TT-BTP.
6. Về cách tính thời gian làm thêm giờ
Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (Nghị định số 144/2017/NĐ-CP) quy định: “Khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc (1/2 ngày làm việc) là 0,38 mức lương cơ sở/01 buổi làm việc nhưng tối đa không quá 30 buổi làm việc/01 vụ việc…”. Theo đó, khoản 2 Điều 3 Thông tư số 02/2021/TT-BTP hướng dẫn như sau: “2. Một buổi làm việc thực tế được tính trên cơ sở 04 giờ làm việc”. Do đó, khi người thực hiện trợ giúp pháp lý lựa chọn hình thức tính thời gian theo buổi làm việc thực tế để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng thì một buổi làm việc được tính trên cơ sở 04 giờ làm việc.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về thời giờ làm việc bình thường của người lao động: “Thời giờ làm việc bình thường sẽ không quá 08 giờ trong 01 ngày”. Đối với trường hợp làm thêm giờ thì được thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ làm thêm giờ được quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019; Điều 55 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
7. Văn bản, giấy tờ để kê khai đối với vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng áp dụng hình thức thanh toán theo buổi làm việc thực tế
Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý quy định về thủ tục đề nghị thanh toán thù lao, bồi dưỡng và chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý đối với hình thức thanh toán theo buổi làm việc. Đồng thời, Thông tư số 02/2021/TT-BTP quy định về cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng trong đó có quy định về căn cứ để tính thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý theo buổi làm việc thực tế đối với trường hợp hoãn phiên tòa (khoản 1 Điều 4; khoản 1 Điều 5; khoản 1 Điều 6). Việc thanh toán thời gian theo buổi làm việc thực tế được thực hiện như sau: khi áp dụng cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải kê các công việc và thời gian thực hiện các công việc vào Bảng kê thời gian thực tế (Mẫu 01) (khoản 3 Điều 3) và thời gian làm việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý cần phải được các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân làm việc trực tiếp với người thực hiện trợ giúp pháp lý xác nhận vào Bảng kê thời gian thực tế (khoản 3 Điều 4). Ngoài ra, Thông tư số 02/2021/TT-BTP không quy định thêm bất cứ loại văn bản, giấy tờ nào khác dùng để kê khai đối với vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng áp dụng hình thức thanh toán theo buổi làm việc thực tế.
8. Về việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý làm cơ sở chi trả thù lao/bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý
Yêu cầu trợ giúp pháp lý chỉ được thụ lý khi có vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và khi yêu cầu, người yêu cầu phải nộp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (khoản 1 Điều 29, Điều 30 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017). Đồng thời, một trong căn cứ để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý kết thúc là khi thực hiện xong yêu cầu hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý theo hình thức trợ giúp pháp lý thể hiện trong đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý (khoản 1 Điều 10 Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/8/2018 hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý); Thông tư số 03/2019/TT-BTP ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp cũng quy định về phương pháp tính vụ việc trợ giúp pháp lý như sau: “trong một vụ việc nếu có bao nhiêu người được trợ giúp pháp lý có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý thì sẽ tính là bấy nhiêu vụ việc trợ giúp pháp lý” (tại Phụ lục giải thích biểu mẫu số 25/BTP/TGPL). Từ những căn cứ trên, việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý được tính theo đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý.
9. Về thanh toán thù lao/bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý bào chữa/bảo vệ cho hai người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong cùng một vụ án
Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP  ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý quy định: “Thù lao thực hiện trợ giúp pháp lý được xác định trên cơ sở thời gian làm việc thực tế mà người thực hiện đã bỏ ra để thực hiện trực tiếp cho vụ việc trợ giúp pháp lý”; tại khoản 1 Điều 9 Thông tư số 02/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý (Thông tư số 02/2021/TT-BTP) quy định: Hình thức khoán chi vụ việc chỉ áp dụng đối với vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng do người thực hiện trợ giúp pháp lý lựa chọn bằng văn bản ngay sau khi được phân công và không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý”. Việc chi trả tiền bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý theo hình thức khoán chi vụ việc phải căn cứ vào công việc mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện được áp dụng theo Phụ lục kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BTP.
Như vậy, trên cơ sở vụ việc trợ giúp pháp lý đã được thụ lý, căn cứ tính chất phức tạp, yêu cầu tố tụng, nội dung của vụ việc tham gia tố tụng và công việc mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện để quyết định mức khoán chi theo quy định.
Ngoài ra, đối với các hoạt động phát sinh trước thời điểm 15/7/2021, Thông tư số 02/2021/TT-BTP có quy định chuyển tiếp được tiếp tục áp dụng quy định của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện và thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý và Thông tư số 05/2017/TT-BTP ngày 20/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
10. Về thanh toán thù lao/bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là người được trợ giúp pháp lý mà trong vụ án người bị buộc tội bị truy tố hai tội danh
Thông tư số 02/2021/TT-BTP chỉ quy định về trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho một người bị truy tố 02 tội danh trở lên trong cùng một vụ án mà không quy định về trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là người được trợ giúp pháp lý mà trong vụ án người bị buộc tội bị truy tố hai tội danh. Do đó trong trường hợp này, căn cứ theo vụ việc trợ giúp pháp lý đã được thụ lý và tính chất phức tạp, yêu cầu tố tụng, nội dung của vụ việc tham gia tố tụng, công việc mà người thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện để thanh toán thù lao cho người thực hiện trợ giúp pháp lý./.
TT
 
 
 

Xem thêm »